Ở thời điểm hiện tại, nhân sự ngành bán lẻ, từ nhân viên bán hàng cho đến quản lý cấp trung, cấp cao… vẫn tiếp tục được săn đón khi các thương hiệu bán lẻ mới liên tục gia nhập thị trường và các nhà bán lẻ hiện hữu thì đua nhau mở điểm bán mới, phát triển chuỗi.
Anh Hoàng là một nhân viên quản lý tại một chuỗi siêu thị ở TPHCM cho biết nhân sự làm việc trong ngành siêu thị tiêu dùng nhanh rất vất vả và chịu nhiều áp lực. Thế nên, các nhà bán lẻ rất vất vả trong việc tuyển dụng và đặc biệt là giữ người nhất là thời điểm hiện nay.
Theo báo cáo mới đây từ một số công ty về tuyển dụng nhân sự mới đây cho thấy, các doanh nghiệp, từ nhà bán lẻ chuyên nghiệp như các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, cửa hàng 24/7 (CVS) đến các doanh nghiệp sản xuất có các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, đều đang rất khát nhân sự.
Doanh nghiệp cần từ nhân viên bán hàng, thu ngân cho đến trưởng quầy, trưởng ca, giám đốc cửa hàng hay quản lý chuỗi bán lẻ. Thậm chí, một số vị trí quản lý cấp cao như giám đốc trung tâm thương mại, giám đốc các bộ phận chuyên môn, trưởng ngành hàng... còn được coi là “quý hiếm”.
Câu chuyện ngành bán lẻ khát nhân sự, theo các công ty làm dịch vụ “săn đầu người”, là thực tế tồn tại nhiều năm qua và ngày càng có xu hướng thành bệnh trầm kha. Nguyên nhân là các chuỗi bán lẻ liên tục mở rộng, phát triển điểm bán mới, thị trường có thêm nhiều doanh nghiệp mới gia nhập, các công ty thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ…, đã đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng lên cũng như tạo ra cuộc cạnh tranh thu hút người tài bằng lương thưởng, phúc lợi. Đó là chưa kể, ngành bán lẻ còn phải giành và giữ người với các ngành khác vốn cũng có nhiều cơ hội thăng tiến, lương bổng, như bất động sản, ngân hàng, du lịch…
Trong khi đó, nguồn nhân sự đáp ứng điều kiện trên thị trường lại thiếu hụt. Thiếu vì nhiều người lao động không ưa thích việc bán hàng, coi đây chỉ là công việc tạm thời. Thiếu vì người ứng tuyển chưa đúng với nhu cầu, bởi không có trường lớp đào tạo bài bản, chính quy mà chỉ là bản thân người lao động tự học, tự trang bị các kỹ năng mềm..., anh Hoàng nhận xét.
Theo TS Trương Huy Mai, chuyên gia RMIT, câu chuyện thiếu nhân sự đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành bán lẻ trong nhiều năm qua dù đã có vài tác nhân với thị trường. Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam với chiến lược nhân sự bài bản nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn là “nghề dạy nghề”. Do không đồng nhất nên khi các chuỗi phát triển nhanh, phần nhân sự vẫn rất dễ bị “gãy”.
Theo ông, để giải quyết tình trạng khát nhân sự của ngành bán lẻ, Nhà nước cần phải bắt tay thực sự vào việc phát triển ngành dịch vụ mà Việt Nam có sẵn nguồn lực. Trước mắt là cần có một bộ tiêu chí chung của ngành bán lẻ. Bộ tiêu chuẩn này phải được xây dựng từ phía doanh nghiệp, không phải được vẽ ra từ các phòng máy lạnh với các quy định hành chính, xa rời thực tế; và cũng chỉ mang tính gợi ý, không cứng nhắc để các nhà bán lẻ chủ động đưa thêm những khác biệt của riêng mình làm lợi thế cạnh tranh.
Bước cao hơn là phải định hướng lại xã hội về nghề nghiệp bằng giáo dục. Theo đó, cần thay đổi tư duy của nhiều người Việt Nam là phải học đại học nhưng lại không biết học xong mình sẽ làm gì khi ra trường, không có kỹ năng cụ thể hoặc mơ mộng quá lớn. Cần đưa định hướng nghề nghiệp vào ngay trong nhà trường phổ thông để học sinh hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì, mình cần làm gì cho tương lai.