Công ước số 87 của ILO và khả năng gia nhập của Việt Nam dưới góc nhìn nội luật hóa điều ước quốc tế

Đề tài Công ước số 87 của ILO và khả năng gia nhập của Việt Nam dưới góc nhìn nội luật hóa điều ước quốc tế do Nguyễn Hà Khánh Linh (Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng về kinh tế quốc tế, việc tham gia các điều ước quốc tế về quyền của người lao động rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 7/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và đang nghiên cứu để gia nhập công ước cơ bản cuối cùng: Công ước số 87 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức. Tuy nhiên, do những yếu tố đặc thù của điều kiện chính trị - xã hội ở Việt Nam, việc gia nhập Công ước số 87 cần có sự chuẩn bị và đánh giá kỹ lưỡng, cũng như có lộ trình phù hợp. Bài viết nghiên cứu sự cần thiết của việc gia nhập Công ước số 87 của ILO, đánh giá triển vọng nội luật hóa Công ước số 87 và khuyến nghị trong quá trình thực hiện nội luật hóa Công ước số 87 tại Việt Nam trong tương lai. 

Từ khóa: Công ước số 87, Hiệp định Thương mại Tự do, Tổ chức Lao động Quốc tế, nội luật hóa, điều ước quốc tế.

1. Những nội dung cơ bản của Công ước số 87 của ILO về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức

Là một nền kinh tế có mức độ hội nhập rất cao với thế giới, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, từ đó mở ra khả năng tiếp cận nhiều thị trường mới, nhận thêm nhiều ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục thương mại, miễn giảm hầu hết các dòng thuế[1],… Có thể kể đến một số FTA có ảnh hưởng rất tích cực tới kinh tế Việt Nam, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[2], Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)[3],…

Tuy nhiên, khác với các FTA thế hệ cũ, các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA không chỉ điều chỉnh về các vấn đề thương mại hay thuế quan, mà còn có xu hướng thúc đẩy cả những yếu tố phi thương mại như môi trường hay lao động. Điều này xuất phát từ quan điểm “thương mại công bằng” (fair trade), ngăn chặn một “cuộc đua xuống đáy” (race to the bottom), tức việc các quốc gia giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ bằng cách vi phạm các tiêu chuẩn lao động hay tàn phá môi trường. Việc cạnh tranh giữa hàng hóa, dịch vụ của các quốc gia trên thị trường quốc tế phải dựa trên nền tảng công bằng, hướng đến phát triển bền vững cho con người và môi trường. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, vấn đề lao động trở thành một “điểm nóng” trong các FTA thế hệ mới, gần như bất cứ FTA nào với sự tham gia của các nước phát triển cũng sẽ có các quy định về lao động, dẫn chiếu đến các công ước của ILO.

Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia 7/8 công ước cơ bản của ILO[4], chỉ còn duy nhất Công ước số 87 về Tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức năm 1948 (Freedom of Association and Protection of the Right to Organise Convention 1948 - Convention No.87 - CO87). Để thực thi cam kết về lao động trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) thế hệ mới và trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế khác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó xác định nhiệm vụ xem xét gia nhập CO87 sẽ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Tờ trình trong năm 2023[5]. Trong báo cáo tại một cuộc họp đầu năm 2023, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang trong quá trình hoàn thiện các tài liệu trong Hồ sơ trình gia nhập CO87 và tiến hành các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến, học tập kinh nghiệm… theo quy định của Luật Điều ước quốc tế[6] để trình Chính phủ[7].

CO87 là một trong những Công ước cơ bản của ILO theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động[8]. Nội dung cơ bản của công ước bao gồm: quyền được tự do thành lập và gia nhập công đoàn của mọi người lao động (NLĐ) theo sự lựa chọn của chính mình mà không phải xin phép trước; quyền tự chủ, tự quản của tổ chức công đoàn trong việc quyết định những vấn đề nội bộ của mình như ban hành điều lệ và các quy định quản lý nội bộ khác, bầu người đại diện, xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; quyền tự do của các tổ chức công đoàn trong việc thành lập và gia nhập các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn, theo ngành nghề, vùng miền, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn này cũng có các quyền và được bảo vệ như đối với tổ chức công đoàn tại cơ sở; các tổ chức của NLĐ nêu trên không thể bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động bởi các cơ quan hành chính của Chính phủ[9]. Đến thời điểm hiện tại, đã có 158 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO phê chuẩn Công ước này[10].

Việt Nam hiện chưa phê chuẩn CO87, tuy nhiên theo Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, một quốc gia thành viên ILO dù chưa phê chuẩn vẫn có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nội dung của công ước một cách thiện chí (in good faith)[11]. Đây là sự khác biệt cơ bản về mặt nghĩa vụ tuân thủ giữa các công ước cơ bản với các công ước ILO khác. Như vậy, dù không gia nhập CO87, Việt Nam với vai trò là thành viên của ILO vẫn có tránh nhiệm thúc đẩy, tôn trọng và thực hiện tốt nhất có thể tinh thần của Công ước này.

2. Phương thức nội luật hóa Công ước số 87 của ILO vào pháp luật Việt Nam 

Việc gia nhập CO87 không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong tôn trọng và bảo vệ quyền của NLĐ, mà còn mở ra cánh cửa thâm nhập các thị trường châu Âu, châu Mỹ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mang lại những ưu đãi hấp dẫn trong khuôn khổ các FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, quá trình tham gia CO87 phải vừa thỏa mãn những yêu cầu của Công ước, vừa hài hòa với những yếu tố riêng biệt của quốc gia, đặt ra những bài toán khó cho các nhà lập pháp, đòi hỏi cần sự cân nhắc kỹ lưỡng về mức độ phù hợp và khả năng áp dụng CO87 tại Việt Nam. Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích mang lại đối với việc gia nhập CO87 của Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, để xem xét đến khả năng tham gia CO87 của Việt Nam, cần phải đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng nội luật hóa (interanalise) của Công ước này.

Về cơ bản, có 2 phương thức nội luật hóa (internalise) điều ước quốc tế như CO87:

Một là áp dụng trực tiếp quy định của điều ước quốc tế. Phương thức này được áp dụng trong trường hợp nội dung của điều ước quốc tế rất cụ thể, rõ ràng, chi tiết. Tuy nhiên, điều này thường hiếm khi xuất hiện trong những quy định pháp lý có tính khái quát cao và có chiều hướng thúc đẩy sự tự do trong nhân quyền như CO87 - công ước thể hiện sự ủng hộ và khuyến khích mạnh mẽ đối với quyền lợi của NLĐ. Do những yếu tố đặc thù về chính trị, văn hóa pháp lý và điều kiện xã hội của Việt Nam, việc áp dụng trực tiếp quy định của CO87 không khả thi.

Hai là ghi nhận và thể chế hóa những quy định của điều ước quốc tế trong pháp luật quốc gia. Phương thức này rất linh hoạt bởi nó dựa trên sự điều chỉnh để hài hòa tinh thần, quy định của điều ước quốc tế với những yếu tố của pháp luật quốc gia hơn. Trong trường hợp của CO87, phương thức này tỏ ra phù hợp, nhưng đòi hỏi phải có quá trình tổng kết, đánh giá, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về nội dung có liên quan đến công ước. Nếu gia nhập CO87, Việt Nam sẽ cần có sự điều chỉnh, sửa đổi pháp luật trong nước, đặc biệt là nội dung của Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Công đoàn năm 2012.

Thủ tục gia nhập CO87 sẽ được thực hiện theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Theo Điều 28, 29 và 30 Luật Điều ước quốc tế, CO87 sẽ phải trải qua thực hiện thủ tục phê chuẩn của Quốc hội theo đề xuất của Chính phủ.

3. Đánh giá sự tương thích của Công ước số 87 của ILO với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành 

Đối chiếu với các tiêu chuẩn tự do liên kết theo tiêu chuẩn lao động quốc tế, có một số nội dung mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích với quy định của CO87, điển hình là:  

Thứ nhất, chưa đáp ứng được quyền tự do tổ chức và gia nhập các tổ chức của NLĐ. Mặc dù Bộ luật Lao động năm 2019 hiện hành đã cho phép NLĐ và người sử dụng lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 170 Bộ luật Lao động 2019, chỉ NLĐ tại các doanh nghiệp mới có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp. Việc tự do liên kết ngoài phạm vi doanh nghiệp cũng bị hạn chế.

Thứ hai, chưa đáp ứng được quyền hưởng sự bảo vệ thích đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ, nhất là trên phương diện tài chính công đoàn.

Thứ ba, chưa đáp ứng hoàn toàn quyền đình công của NLĐ. Pháp luật lao động quy định rộng về danh mục doanh nghiệp không được đình công (có thể làm hạn chế quyền đình công của NLĐ); không cho phép đình công ngoài phạm vi doanh nghiệp (hạn chế quyền liên kết của các tổ chức của NLĐ và quyền tổ chức, thương lượng tập thể).

Như vậy, điểm chưa tương thích mấu chốt của Việt Nam so với tiêu chuẩn lao động quốc tế là NLĐ có quyền tự do thành lập và gia nhập tổ chức khác ngoài công đoàn theo hệ thống công đoàn Việt Nam hiện nay[12].

Để chuẩn bị cho quá trình gia nhập CO87, Việt Nam cũng đã từng bước sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là pháp luật về lao động và công đoàn như sau:

Về pháp luật lao động, Việt Nam cũng thể hiện từng bước hòa nhập với CO87, cụ thể thông qua việc ban hành Bộ luật Lao động 2019 với những sửa đổi theo hướng đề cao, phát huy lợi ích của NLĐ. Bộ luật đã ghi nhận nội dung về tổ chức đại diện NLĐ (grassgroots labour union) tại Điều 3, khoản 3: “Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.” Như vậy, pháp luật lao động đã thiết lập cơ sở pháp lý về tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp và tổ chức này được ấn định là một trong các tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Bên cạnh đó, NLĐ Việt Nam hoàn toàn có quyền thành lập, tham gia, hoạt động trong một tổ chức khác của NLĐ không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hoạt động không theo Luật Công đoàn. Bộ luật Lao động ghi nhận quyền bình đẳng của những tổ chức này với tổ chức công đoàn[13]. Điều này nhằm thực thi tiến trình sửa đổi pháp luật để phù hợp với những quy định của quốc tế về đảm bảo chất lượng và quyền lợi của NLĐ tại Việt Nam sau khi nước ta tham gia kí kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới[14]. Tuy nhiên trên thực tế, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng cụ thể về tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp để đảm bảo ý nghĩa và vai trò ngang bằng của tổ chức này so với công đoàn cấp cơ sở. Nói cách khác, các tổ chức đại diện NLĐ khác chỉ được thành lập ở cấp cơ sở, tương đương với cấp thấp nhất của hệ thống tổ chức công đoàn[15].

Về pháp luật công đoàn, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi và hoàn thiện các quy định của Luật Công đoàn năm 2012. Do hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm chính trị nước ta, Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất tại Việt Nam đại diện cho NLĐ. Về mặt tổ chức, Công đoàn Việt Nam đã hình thành một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến từng đơn vị cơ sở, với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cấp cao nhất trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, công đoàn các cấp được chia theo đơn vị hành chính và theo lĩnh vực ngành nghề và công đoàn cơ sở là cấp thấp nhất của tổ chức Công đoàn[16]. Do vậy, nếu như gia nhập CO87, việc tồn tại đa nguyên công đoàn ở cấp cơ sở là không thể tránh khỏi.

4. Đánh giá tác động của Công ước số 87 của ILO đối với Việt Nam

Không thể phủ nhận những lợi ích mà việc gia nhập CO87 mang lại với Việt Nam. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia vào thị trường của các nước tiên tiến trong khuôn khổ các FTA thế hệ mới, việc phê chuẩn CO87 cũng góp phần bảo vệ quyền lợi của NLĐ thông qua các tổ chức đại diện.

Tuy nhiên, việc gia nhập CO87 cũng cần đánh giá đầy đủ và thấu đáo điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đặc biệt là trên phương diện chính trị: Công đoàn Việt Nam không chỉ là một hệ thống tổ chức đại diện NLĐ đơn thuần theo pháp luật lao động, mà còn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và NLĐ và đóng vai trò như một phần của một hệ thống chính trị với trung tâm là Đảng Cộng sản Việt Nam[17]. Công đoàn Việt Nam là 1 trong 5 tổ chính trị - xã hội, gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013[18].

Nếu gia nhập CO87, từ chỗ chỉ có một hệ thống công đoàn duy nhất gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta sẽ xuất hiện nhiều tổ chức đại diện của NLĐ không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam. Không loại trừ khả năng các tổ chức đại diện của NLĐ mới xuất hiện sẽ cạnh tranh và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống Công đoàn Việt Nam. Nếu như các tổ chức công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có xu hướng đóng vai trò trung gian (cầu nối) giữa NLĐ và người sử dụng lao động; và tập trung nhiều hơn vào quản lý phúc lợi, tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội, thì các tổ chức đại diện NLĐ mới xuất hiện sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề quan hệ lao động thông qua các cơ chế pháp lý và thương lượng tập thể. Điều này dự báo những biến đổi to lớn về bộ mặt quan hệ lao động của Việt Nam - vốn đã trở nên rất phức tạp kể từ khi thực hiện đổi mới và hòa nhập với các quy luật của kinh tế thị trường. Bài học “Công đoàn Đoàn kết” (Solidarność) đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền XHCN ở Ba Lan trong thập niên 1980 là minh chứng rõ ràng nhất cho việc các phong trào công nhân lao động có thể trở thành các lực lượng chính trị mạnh mẽ và nếu không được kiểm soát tốt, để các phần tử xấu lợi dụng, chống phá, sẽ đe dọa nghiêm trọng đến vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

5. Những khuyến nghị cho Việt Nam

Từ những phân tích trên cho thấy: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, để có cơ hội thúc đẩy kinh tế, pháp luật của quốc gia tất yếu phải hoàn thiện và hội nhập theo hướng đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Việc ghi nhận các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có CO87 là xu hướng khó có thể đảo ngược với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Về mặt lợi ích, khi thỏa mãn những điều kiện của các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP), Việt Nam sẽ nhận được nhiều những ưu đãi có lợi từ các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, những nội dung được đề cập trong CO87 đều là những nội dung cơ bản, thiết yếu đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của NLĐ, điều này rất phù hợp với chủ trương và chính sách của Việt Nam về bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trên thực tế, Bộ luật Lao động 2019 hiện hành đã ghi nhận những nội dung của CO87, trong đó đặc biệt là vấn đề tổ chức của NLĐ không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong quan hệ lao động. Nếu coi những tổ chức đại diện NLĐ này tương đương với những tổ chức công đoàn cấp cơ sở tự quản với xu hướng có lợi cho NLĐ, sẽ tạo dựng niềm tin và thúc đẩy mong muốn đóng góp một cách chủ động của NLĐ. Ngoài ra, việc củng cố hệ thống công đoàn sẽ trở thành động lực tích cực giúp cho tổ chức công đoàn ở Việt Nam hoàn thiện và phát triển hơn theo thời gian.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn đòi hỏi cần phải xử lý khéo léo, đó chính là việc không để sự xuất hiện của các tổ chức đại diện NLĐ và hoạt động của các tổ chức này gây ra bất ổn về chính trị, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những đặc thù về mặt chính trị, lịch sử, việc áp dụng những nội dung của CO87 cần có sự linh hoạt và khéo léo để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nếu thực hiện nóng vội có thể gây ra mất ổn định chính trị.

Tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV tháng 5/2019, khi trình Quốc hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đã báo cáo: Những tổ chức đại diện NLĐ “về bản chất là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của NLĐ trong phạm vi quan hệ lao động”. Như vậy, quan điểm lập pháp của Việt Nam trong vấn đề tổ chức đại diện của NLĐ nằm ngoài Công đoàn Việt Nam, đó là các tổ chức xã hội thuần túy bảo vệ quyền lợi của NLĐ, không tham gia các phong trào chính trị. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc của CO87: ILO luôn nhấn mạnh rằng tất cả các tổ chức của NLĐ phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, cũng như phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã đăng ký. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ phải bảo đảm theo đúng các tiêu chuẩn của ILO là đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích của NLĐ tại doanh nghiệp mà họ làm việc thông qua các hình thức tương tác được quy định trong pháp luật, bao gồm đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động. Các tổ chức đại diện NLĐ không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích phù hợp với quy định của ILO và đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một vấn đề khác cũng rất cần được lưu tâm, đó là củng cố và tăng cường năng lực của các tổ chức công đoàn các cấp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để thu hút và lôi cuốn NLĐ tham gia. Có thể thấy, mặc dù vẫn còn không ít hạn chế, nhưng so với các tổ chức đại diện của NLĐ khác, các tổ chức công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn có những lợi thế rất lớn, đó là: (i) uy tín gắn với lịch sử lâu dài của Công đoàn và Đảng Cộng sản Việt Nam, (ii) hệ thống tổ chức chặt chẽ ở các cấp từ trung ương đến địa phương, (iii) sự hỗ trợ rất lớn về nhiều mặt từ các tổ chức chính trị - xã hội khác trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là những tiền đề rất quan trọng cho việc đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Dù không còn là đại diện duy nhất cho NLĐ như trước đây, nhưng nếu được tổ chức tốt, hệ thống Công đoàn Việt Nam vẫn chiếm ưu thế lớn, thậm chí là tuyệt đối so với các tổ chức đại diện của NLĐ khác.

Điều này cũng phù hợp với CO87 và các nguyên tắc về tự do liên kết của ILO: Việc có quá nhiều công đoàn nhỏ và cạnh tranh lẫn nhau (undue multiplicity of small and competing trade unions) có thể khiến cho sự độc lập của những tổ chức này bị đe dọa (whose independence may be endangered by their weakness). Do đó, dù không thể cấm đoán hay can thiệp bằng pháp luật, nhưng Chính phủ có thể khuyến khích các tổ chức công đoàn nhỏ tự nguyện liên kết với nhau (encourage trade unions to join together voluntarily) để thành lập các tổ chức đoàn kết và vững mạnh hơn[19]. Do đó, mặc dù pháp luật Việt Nam quy định có thể có nhiều tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp, nhưng nếu như Công đoàn Việt Nam đủ uy tín để trở thành tổ chức công đoàn duy nhất đại diện cho NLĐ thì điều này vẫn phù hợp với CO87.

Trên cơ sở đó, để chuẩn bị cho việc gia nhập CO87 trong tương lai, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Thứ nhất, có kế hoạch và lộ trình gia nhập CO87 cụ thể, với đánh giá tác động kỹ lưỡng về những ảnh hưởng có thể tạo ra đối với quan hệ lao động, tổ chức công đoàn, và tình hình ổn định chính trị của Việt Nam. Việc nội luật hóa CO87 cần có lộ trình dài hạn để vừa đảm bảo thực hiện hiệu quả tinh thần của Công ước, vừa hài hòa với hoàn cảnh chính trị của Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật lao động theo hướng cho phép thành lập các tổ chức đại diện của NLĐ theo CO87, mở rộng phạm vi cho phép thành lập các tổ chức này, trừ các lực lượng vũ trang như công an, quân đội.

Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 để không tạo ra bất kỳ sự phân biệt nào về vai trò và vị thế giữa các tổ chức công đoàn của Nhà nước và các tổ chức đại diện NLĐ cần chú trọng tới một số vấn đề như: đề cao sự độc lập của tổ chức công đoàn về cả cơ chế hoạt động lẫn tài chính; cho phép NLĐ được tự do lựa chọn và tự do quyết định việc có thành lập công đoàn cơ sở hay không; quy định quyền tham gia công đoàn phủ rộng tới nhiều đối tượng lao động hơn.

Thứ tư, từng bước mở rộng quyền của các tổ chức đại diện NLĐ có thể được liên kết với nhau ngoài phạm vi doanh nghiệp, mở rộng ra cả cấp ngành và khu vực.

Thứ năm, song song với quá trình hoàn thiện pháp luật để gia nhập CO87, cần tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đổi mới toàn diện hoạt động của hệ thống công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đảm bảo thu hút và lôi cuốn NLĐ, giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của NLĐ./.

Tài liệu trích dẫn:

([1]) Về vấn đề miễn giảm thuế, đến cuối lộ trình có thể lên tới 97% đến 100% số dòng thuế đối vời hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Xem thêm tại: Phương Linh, “Cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của các nước TPP dành cho hàng hóa của Việt Nam”. Tạp chí Thông tin Tài chính, số 23, kì 1, tháng 12/2015.

(2) Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư (đơn vị trực tiếp thực hiện đánh giá tác động của CPTPP), CPTPP có thể giúp GDP của nước ta tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD và có thể tăng tới 2,01% nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo. Xem thêm tại: Lan Phương, “Tham gia CPTPP: Thách thức và giải pháp đối với nền kinh tế Việt Nam”. Truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/tham-gia-tpp-thach-thuc-va-giai-phap-doi-voi-nen-kinh-te-viet-nam

(3) Nguyễn Thanh Nga, Lê Thị Bích Ngọc (2021). “EVFTA: Cơ hội, thách thức và những giải pháp cho Việt Nam trong thời gian tới”. Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8. Truy cập tại: https://kinhtevadubao.vn/evfta-co-hoi-thach-thuc-va-nhung-giai-phap-cho-viet-nam-trong-thoi-gian-toi-20814.html.

 (4) Trang thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, “Tình hình phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Việt Nam”. Truy cập tại: http://boluatlaodong2019.molisa.gov.vn/lang_vn/chuyen_muc/tieu_chuan_ilo/index

(5) Xem Mục 2.4.6, phần Tiến hành các thủ tục gia nhập các điều ước quốc tế, Phụ lục 2, Quyết định 121/QĐ-TTg về “Phê duyệt kế hoạch thực hiện hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.

(6) Điều 8, khoản 1 và Điều 30, khoản 1, Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

(7) Phiên họp ngày 07/02/2023 giữa Thường trực Ủy ban Xã hội và Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hực hiện kế hoạch xây dựng 02 dự án Luật và nghiên cứu, đề xuất gia nhập 03 công ước của ILO trong giai đoạn 2023-2026. Xem thêm tại: Hồ Hương - Nghĩa Đức (2023). “Thường trực Uỷ ban Xã hội làm việc với Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội”. Truy cập tại: https://quochoi.vn/uybanvecacvandexahoi/lapphap/Pages/home.aspx?ItemID=1707

(8) Tuyên bố năm 1998 của ILO (ILO Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work 1998).

(9) Nguyễn Văn Bình (2022). “Tác động của việc phê chuẩn và thực hiện Công ước 87 và Công ước 98 của ILO và khuyến nghị đối với Công đoàn Việt Nam”. Truy cập tại: https://laodongcongdoan.vn/bai-1-noi-dung-co-ban-cua-cong-uoc-87-87669.html

(10) Theo thống kê tại website của ILO, xem thêm tại: Ratifications of ILO conventions: Ratifications by Convention

(11) Xem thêm tại mục 2 của Tuyên bố năm 1998 của ILO (ILO Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work and its follow-up 1998): “Declares that all Members, even if they have not ratified the Conventions in question, have an obligation, arising from the very fact of membership in the Organization, to respect, to promote and to realize, in good faith and in accordance with the Constitution, the principles concerning the fundamental rights which are the subject of those Conventions”, trong đó điểm a của Điều này có đề cập đến nội dung “freedom of association” (tự do liên kết).

(12) Đoàn Xuân Trường, “Cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”. Xem tại: https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=357&fbclid=IwAR1TOcxBo02ZMHGvqM-_AyQHDZ-JQQo40J4gMkQHvJTVqAm0D-mMguHA2W4.

(13) Điều 170, khoản 3, Bộ luật Lao động năm 2019.

(14) Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lê Thị Ngọc Yến (2021). “Tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp theo Bộ luật Lao động năm 2019”. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (417), tháng 9.

(15) Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lê Thị Ngọc Yến (2021), Tlđd.

(16) Điều 7, Luật Công đoàn năm 2012.

(17) Điều 10, Hiến pháp năm 2013 và Điều 1, Luật Công đoàn năm 2012.

(18) Điều 9, Khoản 2, Hiến pháp năm 2013.

(19) ILO, Freedom of Association: Digest of decisions and principles of the Freedom of Association Committee of the Governing Body of the ILO, 2016, đoạn 319, tr.67.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hoàng Trung Hiểu (2019). Việt Nam thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Truy cập tại: https://baoquocte.vn/viet-nam-thuc-day-ton-trong-luat-phap-quoc-te-trat-tu-quoc-te-dua-tren-luat-le-105780.html
  2. Phương Linh (2015). Cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của các nước TPP dành cho hàng hóa của Việt Nam. Tạp chí Thông tin Tài chính, số 23, kỳ 1, tháng 12.
  3. Lan Phương (2019). “Tham gia CPTPP: Thách thức và giải pháp đối với nền kinh tế Việt Nam”. Truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/tham-gia-tpp-thach-thuc-va-giai-phap-doi-voi-nen-kinh-te-viet-nam
  4. Võ Hưng Đạt (2022). Quyền tự do liên kết của người lao động dưới góc nhìn so sánh giữa Công ước 87 của ILO và pháp luật Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2022, tr.47-55.
  5. International Labour Organisation (2006). Freedom of Association: Digest of decisions and principles of the Freedom of Association Committee of the Governing Body of the ILO.

The ILO’s Convention No. 87 and the possibility of Vietnam's accession from the perspective of harmonizing international treaties into the domestic legal system

Nguyen Ha Khanh Linh

Hanoi Law University

Abstract:

With Vietnam's thorough integration into the global economy and the need to meet the requirements of new-generation free trade agreements (FTAs), the country’s participation in international treaties on workers' rights is necessary. Vietnam has so far ratified 7 out of 8 fundamental conventions of the International Labor Organization (ILO) and considered joining the last one, Convention No. 87 on Freedom of Association and Protection of the Right to Organize. Given the socio-political conditions in Vietnam, joining Convention No. 87 requires careful preparation, assessment, and an appropriate roadmap. This article will study the necessity for Vietnam to join the ILO’s Convention No. 87, evaluate the prospects of harmonizing the Convention No. 87 into the domestic legal system, and make recommendations for the future implementations of the Convention No. 87 in Vietnam.

Keywords: Convention No.87, free trade agreements, International Labour Organization, internalise, treaties.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27 tháng 12 năm 2023]

Tạp chí Công Thương