Cục Quản lý thị trường Điện Biên: Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch

Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi Tây Bắc, không có các khu công nghiệp sản xuất, chế biến lớn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhìn chung không có diễn biến nổi cộm, các vụ việc vi phạm có quy mô, tích chất, mức độ không lớn, số lượng mặt hàng vi phạm không nhiều, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Các hành vi vi phạm phát hiện, xử lý chủ yếu ở các lĩnh vực: Giá, điều kiện kinh doanh, ATTP (kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, hỏng mốc và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ) và vi phạm khác (ghi nhãn hàng hóa)...

Tình hình, diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian qua tương đối ổn định. Hoạt động thương mại diễn ra bình thường, không có hiện tượng tính trữ hàng hóa. Không phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý hay các biến động bất thường khác. Nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân từ thành thị đến các xã vùng sâu, vùng xa.

Trong 10 tháng đầu năm 202, Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên đã tiến hành kiểm tra 1.368 vụ, xử lý vi phạm hành chính 366 vụ, tổng số tiền xử phạt thu nộp NSSS 574,875 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy trong kỳ 70,628 triệu đồng. Hành vi vi phạm hành chính chủ yếu trên địa bàn: Không niêm yết giá hàng hóa; hàng quá hạn sử dụng; hàng hóa bị hỏng, mốc; hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa; không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi…

Bên cạnh đó, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường trao đổi thông tin, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dược phẩm và vật tư y tế; tình trạng mua vét, mua gom, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý; kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật... nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện nghiêm Nghị quyết TW 4 khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp... Cục QLTT tỉnh Điện Biên tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tổ chức lực lượng thực hiện hoàn thành, có hiệu quả kế hoạch kiểm tra định kỳ, thanh tra chuyên ngành đã được phê duyệt, ban hành.

Tập trung kiểm tra nơi tập kết, chợ đầu mối, các đại lý phân phối… nơi phát sinh nguồn hàng; các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; sản xuất, kinh doanh rượu; kinh doanh các sản phẩm thuốc lá; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; các mặt hàng thiết bị, vật tư y tế; các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp; các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương... xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bám sát các văn bản chỉ đạo, tình hình diễn biến thị trường và yêu cầu công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh theo từng thời kỳ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... qua đó góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, giám sát công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi công vụ.

Thực hiện tốt chức năng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời tham mưu Trưởng Ban và Ban Chỉ đạo ban hành các Chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo kiểm tra đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm theo từng thời kỳ; thực hiện tốt công tác tổng hợp, thông tin, báo cáo, thi đua, khen thưởng... để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo.

PV