Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững và sẽ tiếp tục tăng cao do khai thác thêm các dịch vụ môi trường rừng mới, góp phần làm giảm gánh nặng đầu tư ngân sách nhà nước, hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng nâng cao đời sống.
Một trong những đơn vị đi đầu thực hiện tốt những nhiệm vụ trên là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Kon Tum. Bằng việc thực hiện có hiệu quả chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum đã tích cực bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Kon Tum được thành lập năm 2011. Trong quá trình hoạt động, Quỹ đã luôn chủ động thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh theo các quy định của Nhà nước.
Trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum đã đổi mới trong quản lý để thực hiện “mục tiêu kép”. Theo đó, việc giải quyết công việc cho các đơn vị, địa phương liên quan đều được xử lý qua hệ thống văn bản điện tử VNPT-Ioffice; việc tạm ứng, thanh toán được thực hiện trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công của kho bạc nhà nước và ngân hàng;...
Qua đó,Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum đã đảm bảo an toàn và thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch hiệu quả đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 và các nhiệm vụ cấp trên giao.
Trong đó, thu tiền DVMTR năm 2021 đạt 329.105 triệu đồng, đạt 110,18% so với kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt đầu năm 2021. Đến ngày 27 tháng 5 năm 2022, đã thực hiện giải ngân 100% tiền DVMTR năm 2021 đầy đủ, kịp thời cho các chủ rừng với tổng số tiền hơn 307.625,75 triệu đồng, góp phần bảo vệ khoảng 378.272,94 ha rừng.
Việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm được số lượng cán bộ trực tiếp tham gia chi trả, giúp chủ rừng thuận lợi hơn khi nhận tiền, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và các chi phí khác của các bên liên quan, giảm thiểu sử dụng tiền mặt, đảm bảo sự an toàn trong quá trình chi trả, cũng như thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phù hợp với xu thế ngày nay.
Việc thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại những kết quả thiết thực, tác động tích cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, huy động được sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý bảo vệ rừng, từng bước thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong đó nổi bật nhất đó là: Tạo nguồn lực tài chính bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; tạo thêm việc làm cho cộng đồng dân cư thôn và người dân, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất giao rừng và nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Thu nhập bình quân từ tiền DVMTR năm 2021 của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất giao rừng là khoảng 9,6 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 115,4 triệu đồng/cộng đồng/năm.
Bên cạnh đó, Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum đã thu được 2.365 triệu đồng tiền trồng rừng thay thế trong năm 2021 theo các Quyết định của UBND tỉnh và đã giải ngân 3.248 triệu đồng cho các đơn vị chủ rừng thực hiện chăm sóc năm thứ 2 rừng trồng thay thế đã trồng năm 2021 với diện tích chăm sóc 186,7 ha và hỗ trợ UBND huyện Ngọc Hồi hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất với diện tích hỗ trợ trồng rừng sản xuất là 68,43 ha.
Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum đã ngày càng phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình góp phần bảo vệ, phát triển rừng và giảm nghèo bền vững cũng như góp phần thiết thực vào việc bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia là rừng và nước, đem lại lợi ích cho xã hội.