TÓM TẮT:

Dân chủ trực tiếp là khái niệm xuất hiện khá sớm trong lịch sử tư tưởng chính trị thế giới. Ở nước ta, Hiến pháp năm 2013 ra đời đã đánh dấu bước phát triển mới khi ghi nhận rõ quyền con người, quyền tự do dân chủ và phương thức hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân. Để góp phần cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, bài viết dưới đây tập trung làm rõ quan niệm về dân chủ trực tiếp; phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp ở nước ta hiện nay; những ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp qua các phương thức này; từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ trực tiếp ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: Dân chủ trực tiếp, quyền con người, quyền tự do dân chủ, phương thức hiện dân chủ trực tiếp, nhân dân.

1. Quan niệm về dân chủ trực tiếp

Dân chủ trực tiếp là một trong hai hình thức chính của dân chủ. Với dân chủ trực tiếp, người dân tự mình quyết định các luật lệ và chính sách quan trọng của cộng đồng và đất nước. Theo nghĩa đó, dân chủ trực tiếp gắn liền với nguồn gốc, bản chất của khái niệm dân chủ ((demokratia/ƌƞµο- ĸρтіⱭ tiếng Hy Lạp) có nghĩa là “quyền lực/sự cai trị của nhân dân”1)... Chính vì vậy, dân chủ trực tiếp còn được gọi là dân chủ đích thực/nguyên nghĩa và được xem là biểu hiện cho chính quyền của dân, do dân và vì dân2.

Ở nước ta, quan niệm về dân chủ trực tiếp có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng tựu chung lại, các quan điểm đều thống nhất cho rằng: Dân chủ trực tiếp cần được hiểu là sự thể hiện ý chí một cách trực tiếp của người dân về một vấn đề nào đó thuộc phạm vi quyền lực nhà nước mà không cần thông qua tổ chức hay cá nhân nào. Sự thể hiện ý chí này có ý nghĩa quyết định, bắt buộc phải được thi hành ngay. Theo cách hiểu này, trưng cầu ý dân và Hội nghị nhân dân của nam giới ở các thành bang Hy Lạp cổ đại là hai hình thức duy nhất của dân chủ trực tiếp3. Tuy nhiên, chế độ dân chủ trực tiếp ở Aten (Hy Lạp-508-322 trước Công nguyên), đế quốc La Mã cổ đại (509-27 trước Công nguyên) chưa hoàn chỉnh, bởi quyền bỏ phiếu chỉ được trao cho các công dân nam, còn phụ nữ, người nước ngoài và nô lệ không được hưởng quyền này.

2. Phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp ở nước ta hiện nay

Phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp còn có nhiều quan niệm khác nhau xuất phát từ góc độ tiếp cận. Tuy nhiên, về cơ bản, khoa học chính trị và pháp lý Việt Nam có sự đồng thuận tương đối trong việc thừa nhận những hình thức dân chủ trực tiếp phổ biến nhất gồm: bầu cử, bãi miễn đại biểu, trưng cầu ý dân, thực hiện quyền sáng kiến lập pháp; bỏ phiếu toàn dân và lấy ý kiến có tính quyết định tại cơ sở. Bên cạnh đó, một số hình thức khác thể hiện ý chí của công dân cũng mang dấu hiệu của dân chủ trực tiếp (tính trực tiếp thể hiện ý chí, tính tự mình thực hiện, tính quyền lực) cũng có thể được xem là các biểu hiện đa dạng của dân chủ ở Việt Nam: khiếu nại, tố cáo, phản biện xã hội, tư vấn xã hội, dân nguyện4. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tiếp cận, phân tích những phương thức cơ bản nhất, mang đầy đủ những đặc trưng của dân chủ trực tiếp là: là một chế độ gắn liền với Nhà nước, phân biệt với các quyền cụ thể; là cách thức làm chủ của nhân dân: thể hiện ý chí trong các lĩnh vực liên quan đến việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội; được thể hiện ý chí một cách trực tiếp, không phải thông qua một chủ thể trung gian nào và có hiệu lực trực tiếp, phải được thi hành ngay5.

Do đó, theo các tiêu chí trên, chúng tôi cho rằng dân chủ trực tiếp ở Việt Nam có các phương thức thực hiện cơ bản sau:

- Bầu cử và bãi miễn đại biểu dân cử

- Trưng cầu ý dân

- Dân chủ trực tiếp ở cơ sở

Trên thực tế, ở mức độ nhất định, một số hình thức hoạt động quyền lực khác của người dân cũng phản ánh những đặc trưng mang tính bản chất của dân chủ trực tiếp ở các mức độ khác nhau. Các hình thức đó cũng cần được nhận diện như là những biểu hiện đa dạng và đặc thù của dân chủ trực tiếp trong cơ chế thực hiện quyền lực ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu, đánh giá các phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp cơ bản, có tính phổ biến được pháp luật thực định Việt Nam quy định.

3. Thực trạng phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp ở nước ta hiện nay và kiến nghị

3.1. Thực trạng thực hiện dân chủ trực tiếp qua bầu cử và bãi miễn đại biểu dân cử

a) Thực trạng thực hiện dân chủ trực tiếp qua bầu cử

Việc tổ chức bầu cử trên thực tế qua các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta từng bước được đổi mới, đem lại kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu nhìn từ các quy định pháp luật về quyền bầu cử, ứng cử của công dân, các nguyên tắc bầu cử, số lượng cử tri tham gia bầu cử và tỷ lệ số phiếu trúng cử của các đại biểu thì có thể thấy chế độ bầu cử ở Việt Nam là chế độ bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, thực trạng việc bảo đảm quyền bầu cử của cử tri cho thấy còn bộc lộ những hạn chế, biểu hiện trên các phương diện cụ thể sau đây:

- Về bảo đảm quyền của cử tri trong việc bầu cử: Mặc dù số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu đông nhưng còn chưa thực chất. Cử tri chưa thực sự phát huy được tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân trong bầu cử. Sự quan tâm của một bộ phận dân chúng đối với các hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chưa cao. Một số người xác định việc đi bầu cử chỉ như là một “nghĩa vụ” chính trị, làm cho xong chứ chưa quan tâm tới việc tìm hiểu đầy đủ về các ứng cử viên mà họ sẽ bầu và kết quả của cuộc bầu cử.

- Còn tình trạng cử tri thiếu thông tin về người ứng cử.

- Về khả năng quyết định của cử tri thông qua bầu cử: Số lượng các ứng cử viên được giới thiệu để bầu vào Quốc hội và HĐND là hơi ít so với số đại biểu cần lựa chọn, nên khả năng để cử tri lựa chọn là không nhiều. Ví dụ, trong đơn vị bầu cử có 5 người ứng cử để bầu 3 đại biểu thì cơ hội để người dân lựa chọn là 40%; ở đơn vị bầu cử 3, bầu 2 thì cơ hội lựa chọn chỉ còn 33,33%. Qua những con số này cho thấy khả năng quyết định của cử tri đến cơ hội trúng cử của đại biểu rất thấp. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong bầu cử thông qua việc giới thiệu và phân bổ người ứng cử ở các đơn vị bầu cử. Do vậy, nhiều người khẳng định đại biểu trúng cử chủ yếu vẫn do cơ cấu và hiệp thương hơn là do cử tri quyết định lựa chọn.

- Về tính bình đẳng trong quyền được đại diện của cử tri: Mặc dù pháp luật quy định nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử, đối với quyền bầu cử của cử tri được hiểu là “một người, một phiếu, một giá trị”, nhưng trên thực tế do việc phân bổ số lượng đại biểu được bầu chưa thực sự hợp lý nên dẫn đến quyền được đại diện của cử tri của các tỉnh, thành phố chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử. Trong đợt bầu cử vừa qua, TP. Hồ Chí Minh có 6.105.800 người, được bầu 26 đại biểu (234.838 dân/đại biểu); Thanh Hóa có 3.680.400 người, được bầu 17 đại biểu (216.494 dân/đại biểu). Trong khi đó, Lai Châu có 319.900 người (53.317 dân/đại biểu); Bắc Kạn 301.500 người (50.250 dân/đại biểu). Như vậy, tỷ lệ đại diện của Bắc Kạn cao gấp gần 5 lần so với Thành phố Hồ Chí Minh, điều đó có nghĩa là giá trị một phiếu bầu của cử tri ở Bắc Kạn gấp 5 lần so với giá trị phiếu bầu của cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh6.

- Còn tình trạng bầu hộ, bầu thay khiến cho kết quả bầu cử không phản ánh đúng thực chất trình độ, năng lực, bản lĩnh của các ứng cử viên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Về bảo đảm quyền của cử tri trong giới thiệu, đưa ra ý kiến về người ứng cử: Với cơ chế “đảng cử, dân bầu”, người dân không có quyền được giới thiệu thêm đại biểu. Thực tế, pháp luật cũng không có cơ chế để người dân giới thiệu thêm người ứng cử để Hội nghị cho ý kiến. Trong các cuộc bầu cử gần đây, việc người dân giới thiệu thêm đại biểu là rất ít và chỉ diễn ra đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thuộc “cơ cấu” của thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố.

b) Thực trạng thực hiện dân chủ trực tiếp qua bãi miễn đại biểu dân cử

Đối với việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã cụ thể hóa phần nào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”. Tuy nhiên, cử tri nơi bầu ra đại biểu không có quyền đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy, quyền đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội không còn nằm trong tay cử tri nơi bầu ra đại biểu mà quyền này chỉ còn nằm trong tay của tổ chức chính trị-xã hội7. Điều đó cũng có nghĩa là nhân dân (cử tri) “mất đi quyền lực trực tiếp” đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Đối với việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND): Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị cử tri bãi nhiệm (Khoản 1 Điều 102); Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND theo đề nghị của UBMTTQ Việt Nam cùng cấp (Khoản 2 Điều 102); Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do UBTVQH quy định (Khoản 4 Điều 102).

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành về việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhìn chung vẫn còn chưa được quy định đầy đủ. Cho đến hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định chi tiết về trình tự tiến hành bãi nhiệm đại biểu Quốc hội bởi cử tri. Điều này cho thấy những quy định pháp luật hiện nay về bãi nhiệm đại biểu dân cử là chưa tương xứng với tầm quan trọng của hình thức dân chủ này.

3.2. Thực trạng thực hiện dân chủ trực tiếp qua trưng cầu ý dân

Trưng cầu ý dân được xem là một hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp điển hình, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua lá phiếu, bỏ phiếu trực tiếp và nhà nước có nghĩa vụ phải thực hiện theo ý chí của nhân dân. Trên thế giới, trưng cầu ý dân có thể được tổ chức ở cấp độ toàn quốc nhưng cũng có thể được tổ chức ở cấp độ khu vực (vùng, miền, bang). Ở châu Âu (như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ…) thường xuyên tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân; trong khi đó cũng có những quốc gia chưa từng áp dụng hình thức này như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở nước ta, các văn bản Hiến pháp đều quy định về trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay Nhà nước ta chưa tiến hành cuộc trưng cầu ý dân nào và các quy định của Hiến pháp về vấn đề này chưa được thực hiện trong thực tế. Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, trong đó quy định rõ những vấn đề quan trọng của đất nước cần được đưa ra trưng cầu ý dân. Có thể nói, việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật về trưng cầu ý dân trong bối cảnh hiện nay.

3.3. Thực trạng thực hiện dân chủ trực tiếp qua dân chủ trực tiếp ở cơ sở

Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn ra đời năm 2007 đã góp phần hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Cụ thể là Điều 10, Chương 3 nêu rõ các nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp là: “Về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cưphù hợp với quy định của pháp luật.”

- Về giá trị thi hành đối với những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp

Theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn: Những nội dung quy định khi đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố hoặc trong toàn cấp xã tán thành thì có giá trị thi hành. Nhân dân có trách nhiệm tham gia bàn và quyết định các công việc của thôn, tổ dân phố và của cấp xã theo quy định của pháp luật; chấp hành và thực hiện các quyết định đã có giá trị thi hành. Chính quyền cấp xã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục những cử tri, hộ gia đình chưa tán thành trong việc thực hiện những quyết định đã có giá trị thi hành.

Ngoài những quy định nêu trên, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn còn quy định trách nhiệm của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã và của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong việc tổ chức thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định (Điều 17 và Điều 18). Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực thì Pháp lệnh hiện hành vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Cụ thể là: quy định tên gọi của loại hình dân chủ trực tiếp này, chưa có quy định cụ thể về chủ thể có thẩm quyền đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Vì vậy, chưa phát huy được vai trò của người dân và các chủ thể khác trong việc đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; chưa quy định cụ thể chủ thể có quyền đề xuất việc bãi nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn. Việc bãi nhiệm Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn chưa được công khai rộng rãi trong nhân dân. Ở một số địa phương, vấn đề này được tiến hành một cách hình thức, chưa bảo đảm đúng quy trình, thủ tục; chưa làm rõ việc xử lý đối với các hành động làm trái quy định của Pháp lệnh, không thực hiện, trốn tránh việc thực hiện các nội dung để nhân dân bàn, quyết định hoặc lấy ý kiến… Chế tài xử phạt, đặc biệt đối với người đứng đầu hoặc người chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động này trong các cơ quan chính quyền có liên quan là chưa có.

4. Một số kiến nghị

Trong bối cảnh mới hiện nay, việc tiếp tục mở rộng dân chủ trực tiếp là điều cần thiết, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Theo đó, phát huy dân chủ trực tiếp, đưa các phương thức này được áp dụng thực chất cần phải thực hiện các giải pháp sau:

Về bầu cử, cần hoàn thiện quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, ứng cử, bãi nhiệm đại biểu dân cử. Cụ thể như cần tiếp tục hướng dẫn chi tiết một số quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân liên quan đến việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri; tăng cường cơ hội để cử tri lựa chọn, quyết định đến khả năng trúng cử của các ứng cử viên thông qua việc nâng số lượng người ứng cử ở các đơn vị bầu cử, không chỉ giới hạn một số lượng hạn chế như hiện nay; cần quy định lại việc phân bổ số lượng đại biểu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng giảm số lượng đại biểu đương nhiên, tăng số lượng đại biểu được bầu dựa trên dân số của các tỉnh, thành phố. Quy định chế tài đối với việc bầu hộ, bầu thay trong các cuộc bầu cử. Pháp luật ở một số nước trên thế giới như Úc, Newzealand quy định bầu cử là một nghĩa vụ của công dân vì vậy, nếu không đi bầu, công dân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như phạt tiền hoặc lao động công ích.

Về bãi miễn đại biểu dân cử: Cần phải tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 về việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Đặc biệt, UBTVQH cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thể thức tiến hành bãi nhiệm đại biểu dân cử trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu dân cử do đại biểu “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Bên cạnh đó, văn bản này cũng cần quy định rõ về giám sát việc bãi nhiệm đại biểu HĐND.

Về thực tiễn, có thể cho thí điểm hình thức tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và việc lấy phiếu tín nhiệm để làm cơ sở xem xét trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Có thể tập trung vào các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở cấp cơ sở và ở chính quyền một số loại hình đô thị đòi hỏi phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân của những cán bộ này.

Về trưng cầu ý dân: Luật Trưng cầu ý dân ra đời là một bước tiến đặc biệt quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới cần tích cực, chủ động tuyên truyền thực hiện có hiệu quả dự án Luật này trên thực tiễn.

Cần hoàn thiện các quy định về dân chủ trực tiếp tại cơ sở: Theo hướng lồng ghép việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó có dân chủ trực tiếp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; cải cách hành chính; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước... nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Qua các phong trào đó, phát huy tinh thần tự giác của nhân dân trong việc chủ động tham gia và quyết định những vấn đề chung của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn ■

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Xem Henry George Liddell, Robert Scott, A Greek-English Lexicon, tại http://www.perseus.tufts.edu/hopper/.

2Nguồn: http://www.paparty.co.uk/direct_democracy_definition.htm

3PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, “Dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế pháp lý thực thi dân chủ trực tiếp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, Đề tài NCKH cấp Bộ năm 2014, tr.39.

4PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, TL đã dẫn, trang 42.

5Xem thêm PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, TL đã dẫn, trang 43.

6Đặng Xuân Phương, “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, Cơ sở lý luận và thực tiễn”, Đề tài NCKH cấp Bộ 2016.

7Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBMTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tư pháp - Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, Nguồn, http://www.moj.gov.vn, truy cập lần cuối ngày 25/7/2017.

2. Bộ Tư pháp - Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959, Nguồn, http://www.moj.gov.vn, truy cập lần cuối ngày 25/7/2017.

3. Bộ Tư pháp - Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1980, http://www.moj.gov.vn

4. Các nguyên lý của nền pháp quyền. Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 4/2005.

5. Ngô Huy Cương (2006), Dân chủ và pháp luật dân chủ, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

6. Lê Đình Chân. Luật Hiến pháp và các định chế chính trị, cuốn II, Sài Gòn 1973.

7. Nguyễn Hồng Chuyên (2014) “Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Luận án tiến sĩ luật học (bảo vệ cấp cơ sở), Hà Nội.

8. Đặng Xuân Phương - “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp - Cơ sở lý luận và thực tiễn”, Đề tài NCKH cấp Bộ 2016.

9. Đặng Đình Luyến - “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế độ bầu cử ở nước ta phù hợp với Hiến pháp 2013”, Đề tài NCKH cấp Bộ năm 2016.

10. Lương Minh Tuân, Nguyễn Thị Dung - “Hoàn thiện pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam - Cơ sở lý luận và thực tiễn”, Đề tài NCKH cấp Bộ 2015.

DIRECT DEMOCRACY - CONCEPT AND IMPLEMENTATION

● MA. Post Graduate Student. NGUYEN THI DUNG

Institute for Legislative Studies

ABSTRACT:

Direct democracy is a concept that appears quite early in the political history. In Vietnam, the Constitution of 2013 marked a new development when recognizing human rights, democratic freedoms and direct democracy of the people. To contribute more information on this issue, the following article focuses on the concept of direct democracy; the method of exercising direct democracy in Vietnam; the advantages and disadvantages of exercising direct democracy through these modes; thus proposing solutions to improve the effectiveness of direct democracy in Vietnam in the current context.

Keywords: Direct democracy, human rights, the rights to freedom and democracy, the mode of direct democracy, the people.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 3 tháng 3/2018 tại đây