Đánh giá hiệu quả kinh tế trong quản lý thuốc tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh năm 2020

TRỊNH THỊ THANH LỆ (Khoa Y - Dược, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế trong quản lý thuốc tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh giai đoạn từ ngày 01/10/2019 đến 30/9/2020 trước khi Bệnh viện chuyển thành bệnh viện dã chiến trong giai đoạn Covid-19 với những diễn biến khó lường. Từ kết quả nghiên cứu để có được cái nhìn tổng quát về tình hình sử dụng thuốc tại Bệnh viện trước giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp và làm dữ liệu cho hướng nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc tại Bệnh viện năm 2022 hậu Covid-19 và mục tiêu quản lý thuốc năm 2023.

Từ khóa: quản lý thuốc, hiệu quả kinh tế, Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Thuốc đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả là yếu tố quyết định đến chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện. Tuy nhiên, tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay tồn tại nhiều bất cập trong sử dụng thuốc, cung ứng thuốc làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc người bệnh. Cung ứng thuốc không hiệu quả và bất hợp lý, đặc biệt là trong các bệnh viện, đang là một vấn đề bất cập có phạm vi ảnh hưởng rộng ở mọi cấp độ chăm sóc y tế. Việc quản lý cung ứng thuốc kém hiệu quả có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc, hạn chế khả năng tiếp cận với thuốc thiết yếu, lãng phí nguồn kinh phí vốn đã rất hạn hẹp và đặt người bệnh vào tình trạng nguy hiểm. Đánh giá tổng quát về Danh mục thuốc, tình hình sử dụng ngân sách thuốc và tác động can thiệp lựa chọn sử dụng thuốc tại bệnh viện thông qua phân tích ABC, VEN là một chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều trị và quản lý kinh tế trong bệnh viện.

Từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh chưa có nghiên cứu nào về phân tích tình hình sử dụng thuốc được tiến hành để làm cơ sở cho việc bổ sung hoặc loại bỏ các thuốc trong danh mục thuốc tại bệnh viện nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc hợp lý, chất lượng, kinh tế. Chính vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình quản lý sử dụng thuốc và cung ứng thuốc của bệnh viện, chúng tôi tiến hành đề tài: “Đánh giá hiệu quả kinh tế trong quản lý thuốc tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh năm 2020”. Với hai mục tiêu sau: (1) Xác định cơ cấu về số lượng và giá trị của danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện. (2) Phân tích hoạt động sử dụng thuốc tại Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh bằng phương pháp phân tích ABC/VEN.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Số liệu sử dụng thuốc năm 2020 tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh từ ngày 01 tháng 10 năm 2019 đến ngày 30 tháng 9 năm 2020.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu theo phương pháp hồi cứu mô tả.

Mẫu nghiên cứu: Toàn bộ danh mục thuốc đã sử dụng năm 2020. Các thuốc tân dược, thành phẩm y học cổ truyền, vị thuốc trong danh mục thuốc sử dụng điều trị từ tháng 01 tháng 10 năm 2019 đến ngày 30 tháng 9 năm 2020.

Phương pháp thu thập số liệu: Để đánh giá chất lượng danh mục thuốc, hồi cứu dữ liệu tiêu thụ và chi phí thuốc sử dụng của mỗi thuốc trong năm 2020, tính ra số lượng và giá trị theo hoạt chất, dùng phương pháp phân tích ABC/VEN để phân tích số liệu. Phân tích ABC, chi phí hàng năm của mỗi hoạt chất được xếp theo thứ tự giảm dần.

Phương pháp xử lý và phân tích số liệu: Từ các phiếu thu thập được, nhập các thông tin vào bảng excell; Lập bảng số liệu đã qua xử lý; Phương pháp tính tỷ lệ: tính tỷ lệ % của các số liệu thu được ứng với từng chỉ số nghiên cứu so với tổng mẫu điều tra; Các số liệu được trình bày dưới dạng bảng biểu, hình ảnh; Xử lý số liệu và kết quả thu được bằng phần mềm Microsoft Excel 2010.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Xác định cơ cấu về số lượng và giá trị của danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện

3.1.1. Cơ cấu về số lượng và giá trị sử dụng thuốc hóa dược, thành phẩm y học cổ truyền và vị thuốc

Trong năm 2020, tổng số tiền thuốc sử dụng tại Bệnh viện Y học cổ truyền hơn 9,5 tỷ, trong đó vị thuốc chiếm số lượng cao nhất là 61,08%, tiếp đến là thành phẩm y học cổ truyền là 38,46% và thấp nhất là thuốc hóa dược 0,46%.

Bảng 1. Tỷ lệ và giá trị thuốc đã sử dụng 

quản lý thuốc

3.1.2. Cơ cấu về số lượng và giá trị sử dụng thuốc nội và thuốc nhập

Bệnh viện sử dụng thuốc đơn thành phần gấp 3 lần (gồm 345 mặt hàng chiếm 73,72%) thuốc đa thành phần là 123 mặt hàng chiếm 26,28%. Thuốc nội sử dụng 386 mặt hàng chiếm 82,48%, thuốc nhập 82 mặt hàng chiếm 17,52%.

Bảng 2. Tỷ lệ thuốc sử dụng tình theo thành phần và theo nguồn gốc

quản lý thuốc

3.2. Tình hình sử dụng thuốc tại bệnh viện theo phân tích ABC/VEN

3.2.1. Thuốc hóa dược

Tình hình sử dụng thuốc tại bệnh viện theo phân tích ABC cho thấy: Nhóm thuốc A số lượng chiếm < 14% nhưng chiếm giá trị thanh toán rất lớn hơn 75% vì sử dụng nhiều. Nhóm B chiếm 18,87% mặt hàng và chiếm giá trị thanh toán là 14,58%, trong khi đó, Nhóm C chiếm đến 67,93% mặt hàng và chỉ chiếm 10,30% giá trị thanh toán.

Tình hình sử dụng thuốc tại bệnh viện theo phân tích VEN cho thấy: Nhóm thuốc V chỉ chiếm số lượng 26.42% nhưng kinh phí chiếm 33,90%; nhóm thuốc E chiếm số lượng đến 66,98% và chi phí sử dụng thuốc tại bệnh viện chỉ 53,41%. Nhóm thuốc N mặc dù là thuốc không cần thiết nhưng chiếm số lượng 6,6% và chi phí 12.69%.

Tình hình sử dụng thuốc hóa dược theo ma trận ABC-VEN cho thấy: Nhóm thấp nhất là BN là 0 nhóm CE chiếm cao nhất là 47 mặt hàng, xếp theo thứ tự mặt hàng tăng dần BN: 00, AN: 01, AV: 04, BV: 05, CN: 07, AE: 9, BE: 14, CV: 19, CE: 47.

Tiếp theo kiểm tra tình hình sử dụng thuốc theo phân loại:

Bảng 3. Phân loại thuốc

quản lý thuốc

Qua phân tích cho thấy loại I (AV + BV + CV + AE + AN) sử dụng 38 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 35,85%; loại II (BE + CE + BN) sử dụng 61 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 57,55%; loại III (CN) sử dụng 7 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 6,6 %. 

3.2.2. Thuốc thành phẩm Y học cổ truyền

Tình hình sử dụng thuốc tại Bệnh viện theo phân tích ABC cho kết quả: Nhóm thuốc A có số lượng chiếm 16,38% nhưng chiếm giá trị thanh toán rất lớn hơn 75% vì sử dụng nhiều. Nhóm B chiếm 18,10% mặt hàng và chiếm giá trị thanh toán là 14,66%, trong khi đó Nhóm C chiếm đến 65,52% mặt hàng và chỉ chiếm 10,02 % giá trị thanh toán.

Tình hình sử dụng thuốc tại Bệnh viện theo phân tích VEN cho kết quả: Thuốc thành phẩm y học cổ truyền không xếp vào nhóm thuốc V, nhóm thuốc E có 112 mặt hàng chiếm 96,56% trên tổng mặt hàng và 96,56% trên tổng chi phí sử dụng thuốc. Nhóm thuốc N mặc dù là thuốc không cần thiết nhưng có 4 mặt hàng chiếm số lượng 3,44% và 3,67% trên tổng chi phí sử dụng thuốc.

Tình hình sử dụng thuốc thành phẩm y học cổ truyền theo ma trận ABC-VEN cho thấy: Nhóm thấp nhất là AV, BV, CV không có mặt hàng; nhóm CE chiếm cao nhất là 74 mặt hàng, xếp theo thứ tự mặt hàng tăng dần AV, BV, CV: 0, BN: 1, AN: 1, CN: 2, AE: 18, BE: 20, CE: 74.

Tiếp theo kiểm tra tình hình sử dụng thuốc theo phân loại:

Bảng 4. Phân loại thuốc

quản lý thuốc

Qua phân tích loại I (AE + AN) có 19 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 16,38%; loại II (BE + CE + BN) có 95 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 81,90%; loại III (CN) có 2 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 1.72%.

3.2.3. Vị thuốc Y học cổ truyền

Bảng 5. Sử dụng vị thuốc theo phân tích ABC

quản lý thuốc

Kết quả tại Bảng 5 cho thấy: Nhóm thuốc A có số lượng chiếm 11,38% nhưng chiếm giá trị thanh toán rất lớn hơn 75,07% vì sử dụng nhiều. Nhóm B chiếm 11,79% mặt hàng và chiếm giá trị thanh toán là 15%; trong khi đó nhóm C chiếm đến 76,83% mặt hàng và chỉ chiếm 9,33% giá trị thanh toán.

4. Bàn luận

Qua phân tích tình hình sử dụng thuốc tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh, nhận thấy tổng số tiền thuốc sử dụng là hơn 9,5 tỷ, trong đó vị thuốc chiếm số lượng cao nhất là 61,08%, tiếp đến là thành phẩm y học cổ truyền là 38,46% và thấp nhất là thuốc hóa dược 0,46%. Điều này phù hợp, vì đây là bệnh viện chuyên khoa về y học cổ truyền nên lượng vị thuốc và thành phẩm y học cổ truyền cao chiếm > 95%, việc sử dụng thuốc đơn thành phần nhiều hơn đơn thành phần do vị thuốc đều là đơn thành phần khi sử dụng thì thực hiện phối ngũ để đạt hiệu quả điều trị. Tỷ lệ sử dụng tiền thuốc và mặt hàng cao hơn nghiên cứu của Huỳnh Thu Hà. [3]

Kết quả áp dụng phương pháp phân tích ABC thuốc hóa dược cho thấy nhóm thuốc A chiếm số lượng mặt hàng thấp nhất nhưng chiếm giá trị thanh toán rất lớn hơn 75%. Nhóm B chiếm 18,87% mặt hàng và chiếm giá trị thanh toán là 14,58%, trong khi đó nhóm C chiếm tỷ lệ mặt hàng cao nhất 67,92% mặt hàng và chỉ chiếm 10,30 % giá trị thanh toán, tỷ lệ này cao hơn của tác giả Trần Quang Hiền và Nguyễn Thiện Tri ở nhóm A, C (70,95%, 9,09%) [4] nhưng thấp hơn tác giả Huỳnh Hiền Trung ở nhóm B (20%) [2]. Kết quả áp dụng phương pháp phân tích ABC thuốc thành phẩm y học cổ truyền: Nhóm thuốc A chiếm giá trị thanh toán rất lớn hơn 75%, nhóm B là 14,66%, trong khi đó nhóm C chỉ chiếm 10,02 % giá trị thanh toán, tỷ lệ nhóm A cao hơn nghiên cứu tác giả Huỳnh Thu Hà [3] (49,70%) và nhóm B và C thấp hơn (33,67%, 16,63%). Phần vị thuốc nhóm thuốc A chiếm giá trị thanh toán rất lớn hơn 75,07%, nhóm B là 15%, trong khi đó nhóm C chỉ chiếm 9,33%. Điều này cho thấy, năm 2020, Bệnh viện sử dụng nhóm thuốc có giá trị cao nhất làm ảnh hưởng nhiều đến chi phí sử dụng thuốc. Để cải thiện vấn đề ngân sách thuốc, bệnh viện cần quan tâm nhóm này và quan tâm đến cả 2 yếu tố giá thuốc và số lượng sử dụng.

Kết quả phân tích thuốc hóa dược theo VEN nhóm thuốc V kinh phí chiếm 33,90 %; nhóm thuốc E chỉ chiếm 53,41%; nhóm thuốc N mặc dù là thuốc không cần thiết nhưng chiếm chi phí 12.69 %. Tỷ lệ này so với nghiên cứu tác giả Trương Thanh Phương [5] thì V, N cao hơn còn E thấp hơn. Tỷ lệ của thuốc thành phẩm y học cổ truyền là V là 0; E là 96,56%, N là 3,44% so với nghiên cứu tác giả Huỳnh Thu Hà là tương đương nhau [2]. Qua so sánh ta thấy bệnh viện sử dụng nhóm E cao do bệnh viện hạng 3 phần lớn điều trị là những bệnh tim mạch, các bệnh về khớp, do đó sử dụng thuốc nhóm E nhiều hợp lý. Nhóm thuốc N mặc dù là thuốc không cần thiết nhưng chiếm số lượng 3,44% cần lưu ý trong mua sắm. 

Phân tích ma trận ABC/VEN, thuốc hóa dược Loại I chiếm số lượng 38 loại, nhưng chiếm đến 81.91% chi phí dùng thuốc; Loại II chiếm số lượng cao nhất  61 loại, nhưng chỉ chiếm 17,03 % chi phí dùng thuốc; Loại III cần loại bỏ nhưng chiếm 1.06%, tỷ lệ này so vói tác giả Trương Thùy Linh là tương đương[6]. Đối với thành phẩm y học cổ truyền Loại I chiếm số lượng 19 loại, chiếm đến 75,32 % chi phí dùng thuốc; Loại II chiếm số lượng cao nhất  95 loại, nhưng  chỉ chiếm 24,56 % chi phí dùng thuốc; Loại III cần loại bỏ nhưng chiếm 0,12%, tỷ lệ này so với tác giả Huỳnh Thu Hà loại I là thấp hơn (79,12%), loại II, III cao hơn (20,81%, 0,07%)[3].

Từ kết quả phân tích ma trận ABC/VEN đưa ra các nhóm I, II, III với các mức độ giám sát khác nhau. Nhóm I là nhóm cần nhiều ngân sách và cần cho điều trị nên yêu cầu giám sát chặt, nhóm II và nhóm III với mức độ thấp hơn. Đối với những thuốc “N” mà chi phí lớn, nằm trong nhóm A của phân tích ABC, cần xem xét hạn chế sử dụng hoặc xóa bỏ khỏi danh mục.

Về mua sắm thuốc: các thuốc V, E cần phải được kiểm soát thường xuyên khi đặt hàng, nếu ngân sách hạn hẹp thì việc sử dụng phân tích VEN được dùng để đảm bảo số lượng các thuốc V,E phải được mua đầy đủ, hợp lí.

Về sử dụng thuốc: từ kết quả phân tích VEN giúp đưa ra kiến nghị sử dụng các thuốc V, E xem xét lại vấn đề nếu sử dụng quá nhiều thuốc N.

Hướng nghiên cứu tiếp theo: từ kết quả nghiên cứu, tác giả sẽ tiến hành nghiên cứu tình hình thuốc sử dụng tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Trà Vinh năm 2022 sau giai đoạn Covid-19 để có đánh giá về tính hiệu quả kinh tế và đề xuất các giải pháp nhằm quản lý thuốc đạt hiệu quả kinh tế hơn cho Bệnh viện trong năm 2023.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Y tế (2013), Thông tư số 21/2013/TT-BYT ngày 08/08/2013 Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị trong bệnh viện.
  2. Huỳnh Hiền Trung, Đoàn Minh Phúc, Nguyễn Thị Thúy Hà, Nguyễn Thanh Bình, Từ Minh Koóng (2009). Sử dụng phân tích ABC/VEN đánh giá hiệu quả can thiệp cung ứng thuốc tại Bệnh viện Nhân dân 115. Tạp chí Dược học, 11, 12-15.
  3. Huỳnh Thu Hà (2017). Ứng dụng phân tích ABC/VEN đánh giá danh mục thuốc sử dụng tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Trà Vinh năm 2017. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Trà Vinh.
  4. Trần Quang Hiền, Nguyễn Thiện Tri (2013). Bước đầu nghiên cứu sử dụng thuốc qua phân tích ABC/VEN năm 2013 tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Kỷ yếu nghiên cứu khoa học năm 2014, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, tỉnh An Giang.
  5. Trương Thanh Phương (2017). Đánh giá sử dụng thuốc qua phân tích ABC/VEN năm 2017 tại Trung tâm y tế huyện Trà Cú. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Trà Vinh.
  6. Trương Thùy Linh (2023). Phân tích sử dụng thuốc ABC/VEN tại khoa Dược Bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp viện Bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh.

EVALUATING THE ECONOMIC EFFICIENCY

OF MEDICINES MANAGEMENT AT THE TRADITIONAL

MEDICINE AND PHARMACY HOSPITAL

OF TRA VINH PROVINCE IN 2020

• TRINH THI THANH LE

Faculty of Medicine - Pharmacy

Tra Vinh University   

ABSTRACT:

This study evaluates the economic efficiency of medicines management at the Traditional Medicine and Pharmacy Hospital of Tra Vinh Province in the period from October 1, 2019 to September 30, 2020 before the hospital became a field hospital during the COVID-19 pandemic. This study aims to provide an overview of the hospital’s medicines management before the COVID-19 pandemic, and provide findings for further studies about the hospital’s medicines management in 2022 and the hospital’s medicines management goal in 2023.

Keywords: medicines management, economic efficiency, Traditional Medicine and Pharmacy Hospital of Tra Vinh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2023]