Đánh giá tính hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập ở Việt Nam

TS. NGUYỄN THỊ HÀ1 - TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG2  (1Trường Đại học Thương mại  - 2Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải)

TÓM TẮT:

Đánh giá quản lý nhà nước (QLNN) là một yêu cầu tất yếu của mọi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ và dân chủ hóa ngày càng mở rộng. Dựa trên lý thuyết “Quản trị nhà nước tốt” (Good Governance), kết hợp với kết quả nghiên cứu mô hình IPA, bài viết phân tích tính hiệu quả trong QLNN đối với kiểm toán độc lập (KTĐL) ở Việt Nam, từ đó đưa ra các kiến nghị và hàm ý chính sách trong thời gian tới.

Từ khóa: quản lý nhà nước, kiểm toán độc lập, mô hình IPA, tiêu chí đánh giá, tính hiệu quả.

1. Tính hiệu quả trong QLNN đối với KTĐL

Hiệu quả là tiêu chí đánh giá trình độ khai thác các yếu tố đầu vào để tạo ra kết quả hoạt động tối đa với chi phí hoạt động tối thiểu, hoặc phản ánh năng suất hoạt động, hiệu suất sử dụng các chi phí đầu vào. Hiệu quả của QLNN là kết quả đạt được trong việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm nhất các nguồn lực.

Hiệu quả QLNN đối với KTĐL phản ánh năng suất quản lý, hiệu suất sử dụng kinh phí của bộ máy QLNN là thấp nhất, đồng thời kết quả tổ chức thực hiện là cao nhất. Tính hiệu quả còn được đánh giá bằng mức độ đạt được của nội dung QLNN so với các mục tiêu QLNN đối với KTĐL: kết quả của hoạt động định hướng, ban hành chính sách, kiểm tra, giám sát KTĐL so với các mục tiêu QLNN. Bên cạnh tính hiệu quả về mặt kinh tế, hiệu quả trong QLNN còn đo lường thông qua sự đánh giá về mức độ thực thi chống tham nhũng một cách có hiệu quả, ngăn ngừa, phát hiện gian lận, tham nhũng góp phần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính, tăng cường hiệu lực QLNN đối với KTĐL.

Các tiêu chí đánh giá tính hiệu quả, bao gồm:

HQ1: Chính sách và pháp luật đối với KTĐL đáp ứng yêu cầu và mục tiêu QLNN;

HQ2: Bộ máy QLNN hoạt động hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện, kiểm tra, giám sát liên tục và đảm bảo chất lượng kiểm toán;

HQ3: Nhân sự QLNN có năng lực, thực hiện hiệu quả chức năng quản lý và giám sát KTĐL;

HQ4: Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan QLNN trực tiếp với các cơ quan QLNN thuộc các lĩnh vực có liên quan trong quản lý, giám sát KTĐL;

HQ5: Quy trình kiểm tra, giám sát được công bố công khai, rõ ràng;

HQ6: Chính sách và pháp luật cho phép phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong hoạt động KTĐL;

HQ7: Công khai, minh bạch thông tin vi phạm của DNKiT, KTV và đơn vị được kiểm toán.

2. Đánh giá tính hiệu quả trong QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam thông qua mô hình IPA

2.1. Mô hình IPA

Mô hình phân tích IPA (Importance Performance Analysis), dựa trên sự khác biệt ý kiến của những nhà quản lý, khách thể quản lý, các nhà nghiên cứu về mức độ quan trọng và mức độ thực hiện các chỉ tiêu của cơ quan quản lý (I-P gaps). Mô hình tích hợp Kano - IPA, được xây dựng dựa trên 2 yếu tố: “Mức độ thực hiện” (Performance) và “Mức độ quan trọng” (Importance) và dựa vào trị số trung bình của 2 yếu tố để xây dựng ma trận Quadrant và biểu đồ Kano - IPA để lượng hóa mức độ quan trọng và mức độ thực hiện trong QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam.

2.2. Kiểm định độ tin cậy thang đo (Cronbach’s Anpha)

Tính hiệu quả trong QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam được đánh giá và mã hóa thành biến tổng với ký hiệu là HQ và các biến quan sát tương ứng với các câu hỏi trong phiếu khảo sát trên 2 thang đo: mức độ quan trọng và mức độ thực hiện. Mỗi một thang đo được đánh giá từ 1 đến 5 theo thang đo Likert. Với mức điểm từ 1 đến 5, giá trị khoảng cách = (Giá trị lớn nhất - Giá trị nhỏ nhất) / n = (5-1)/5 = 0.8 nên ý nghĩa các mức điểm trung bình như sau:

Mức độ quan trọng: Thang điểm: 1 = Không quan trọng; 2 = Kém quan trọng; 3 = Bình thường; 4 = Quan trọng; 5 = Rất quan trọng. Ý nghĩa điểm trung bình: 1.00 - 1.80: Rất không quan trọng; 1.81 - 2.60: Không quan trọng; 2.61 - 3.40: Bình thường; 3.41 - 4.20: Quan trọng; 4.21 - 5.00: Rất quan trọng.

Mức độ thực hiện: Thang điểm: 1 = Rất thấp; 2 = Thấp; 3 = Trung bình; 4 = Cao; 5 = Rất cao. Ý nghĩa điểm trung bình: 1.00 - 1.80: Rất thấp; 1.81 - 2.60: Thấp; 2.61 - 3.40: Trung bình; 3.41 - 4.20: Cao; 4.21 - 5.00: Rất cao.

Dữ liệu được thu nhập trên cơ sở phát phiếu khảo sát trực tiếp và gửi qua thư điện tử đến 7 đối tượng, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp hoạt động KTĐL; Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực có liên quan; Tổ chức nghề nghiệp về kế toán và kiểm toán; DNKiT; KTV; Đơn vị được kiểm toán; Đối tượng sử dụng kết quả của KTĐL. Số phiếu khảo sát phát ra 588, số phiếu thu về 308. Phiếu khảo sát hợp lệ được làm sạch dữ liệu và chạy mô hình IPA trên phần mềm SPSS. Kết quả kiểm định hệ số Cronbach - Alpha tính hiệu lực trong quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập ở Việt Nam lớn hơn 0,9, hệ số tương quan lớn hơn 0,4, cho thấy tiêu chí đánh giá tính hiệu lực có độ tin cậy rất cao, liên quan chặt chẽ với nhau.

2.3. Kết quả kiểm định giá trị trung bình và độ lệch chuẩn

Tiêu chí đánh giá được tổng hợp theo 2 đại lượng thống kê mô tả là điểm trung bình và độ lệch chuẩn. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, 2008), chỉ rõ, “Độ lệch chuẩn của các biến quan sát đều dao động xung quanh giá trị 1 cho thấy, các biến quan sát tuân theo quy luật phân phối chuẩn và có ý nghĩa thống kê ở mức 95%”. Kết quả kiểm định cho thấy, đánh giá mức độ quan trọng và mức độ thực hiện với độ lệch chuẩn thấp hơn so với giá trị trung bình, nghĩa là, đáp viên trả lời tương đối đồng nhất, dữ liệu thu thập có độ tin cậy cao, phù hợp mục tiêu nghiên cứu. (Bảng 1)

Bảng 1. Điểm trung bình, độ lệch chuẩn: Mức độ quan trọng, Mức độ thực hiện của biến quan sát

Tiêu chí

Số biến quan sát

Mức độ quan trọng

Mức độ thực hiện

Độ khác biệt

Điểm trung bình

Độ lệch chuẩn

Điểm trung bình

Độ lệch chuẩn

Tính hiệu quả trong QLNN đối với KTĐL

HQ1

308

4.4502

0.765

2.9501

0.818

1.500

HQ2

308

4.7121

0.759

2.4012

0.833

2.311

HQ3

308

4.5210

0.749

2.3903

0.830

2.131

HQ4

308

4.8201

0.745

4.4907

0.867

0.329

HQ5

308

4.9502

0.769

4.0704

0.878

0.880

HQ6

308

2.9613

0.800

4.1415

0.857

-1.180

HQ7

308

3.3912

0.842

2.5012

0.899

0.890

               

Bảng kết quả đánh giá mức độ quan trọng và mức độ thực hiện trong QLNN đối với KTĐL có độ lệch chuẩn thấp hơn so với giá trị trung bình. Điều đó có nghĩa là đáp viên trả lời tương đối đồng nhất, dữ liệu thu thập có độ tin cậy cao, phù hợp mục tiêu nghiên cứu. Kết quả khảo sát cho thấy, trong 7 tiêu chí đánh giá tính hiệu quả, các đáp viên đều nhận định rất quan trọng trong QLNN đối với KTĐL. Các tiêu chí: Quy trình kiểm tra, giám sát được công bố công khai, rõ ràng; Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan QLNN được đánh giá có mức độ quan trọng gần như tuyệt đối với điểm trung bình của các yếu tố được đánh giá là 4,9502 và 4,8201. Tuy nhiên, nội dung: Chính sách và pháp luật đối với KTĐL; Bộ máy QLNN; Nhân sự QLNN; Việc công khai, minh bạch thông tin vi phạm của DNKiT, KTV hành nghề, đơn vị được kiểm toán, cho thấy tính hiệu quả còn thấp, với mức điểm trung bình chỉ đạt từ 2.1012 đến 2.4012.

Kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá của các đáp viên về QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam trong thực tiễn quản lý chưa hiệu quả. (Hình 1)

3. Kết quả nghiên cứu và các hàm ý chính sách trong QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam

3.1. Kết quả nghiên cứu

Dựa vào giá trị trung bình của mức độ quan trọng (importance) và mức độ thực hiện (performance) của từng yếu tố trong tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của QLNN đối với KTĐL ở Việt Nam, đồ thị phân tán Kano-IPA với kết quả thu được như sau:

Những yếu tố Nhà nước cần tập trung cải thiện

Đây là những tiêu chí thuộc phần tư “Concentrate here”, trên đồ thị phân tán Kano-IPA, được đánh giá có mức độ quan trọng rất cao trong QLNN đối với KTĐL, với điểm trung bình lần lượt là 4,4502; 4,7121; 4,5210. Nhưng mức độ thực hiện trong thực tế được đánh giá thấp với điểm trung bình lần lượt là 2,9501; 2,4012; 2,3903. Đó là các tiêu chí:

HQ1: Chính sách và pháp luật đối với KTĐL đáp ứng yêu cầu và mục tiêu QLNN.

HQ2: Bộ máy QLNN hoạt động hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện, kiểm tra, giám sát liên tục và đảm bảo chất lượng kiểm toán.

HQ3: Nhân sự QLNN có năng lực, thực hiện hiệu quả chức năng quản lý và giám sát KTĐL.

Các yếu tố này có độ chênh lệch mức độ quan trọng và mức độ thực hiện trong thực tế từ 1,5 đến 2,3. Điều đó có hàm ý chính sách những yếu tố này cần được ưu tiên tập trung cải thiện nhằm nâng cao mức độ thực hiện. Điều này để đảm bảo những tiêu chí càng quan trọng trong QLNN đối KTĐL ở Việt Nam thì càng cần được chú trọng thực hiện.

Những yếu tố Nhà nước cần tiếp tục duy trì, giữ vững

Đây là những tiêu chí thuộc phần tư “Keep up good work” trên đồ thị IPA, được đánh giá có mức độ quan trọng rất cao trong QLNN đối với KTĐL và mức độ thực hiện trong thực tế là cao và rất cao, các tiêu chí này Nhà nước nên tiếp tục duy trì, đó là: HQ4: Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan QLNN trực tiếp với các cơ quan QLNN thuộc các lĩnh vực có liên quan trong quản lý, giám sát KTĐL; HQ5: Quy trình kiểm tra, giám sát được công bố công khai, rõ ràng. Những tiêu chí này được đánh giá có mức độ quan trọng cao trong QLNN đối với KTĐL với điểm trung bình là 4,8201 và 4, 9502 và có mức độ thực hiện trong thực tế cao với điểm trung bình là 4,4907 và 4,0704. 

Những yếu tố Nhà nước không nên tập trung quá nhiều nguồn lực

Đây là những tiêu chí thuộc phần tư “Possible overkill” trên đồ thị IPA, được đánh giá có mức độ kém quan trọng hoặc không quan trọng trong QLNN đối với KTĐL, nhưng đang có mức độ thực hiện cao và rất cao trong thực tế. Điều đó có nghĩa, trong điều kiện nguồn lực phục vụ cho QLNN còn hạn chế thì Nhà nước nên hạn chế đầu tư thực hiện các tiêu chí này. Đó là tiêu chí HQ6: Chính sách và pháp luật cho phép phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong hoạt động KTĐL.

Những yếu tố Nhà nước nên xem xét lại

Đây là những tiêu chí thuộc phần tư “Low priority” trên đồ thị IPA, được đánh giá có mức độ kém quan trọng hoặc không quan trọng trong QLNN đối với KTĐL và mức độ thực hiện thấp hoặc rất thấp. Điều đó có nghĩa, trong điều kiện nguồn lực hạn chế Nhà nước nên xem xét lại hoặc không nên chú ý đến quá nhiều các yếu tố này.

3.2. Các kiến nghị và hàm ý chính sách

Kết quả kiểm định dựa trên ma trận tích hợp Kano - IPA cho thấy, bộ máy QLNN được đánh giá có mức độ rất quan trọng trong QLNN đối với KTĐL, nhưng mức độ thực hiện thực tế hiện nay được đánh giá thấp với độ khác biệt rất cao. Điều này cho thấy, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện bộ máy QLNN đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện, kiểm tra, giám sát liên tục và nâng cao chất lượng KTĐL.

Giải pháp thực hiện là nên tách riêng chức năng quản lý và chức năng giám sát kế toán, kiểm toán trong bộ máy QLNN. Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý kế toán, kiểm toán và tham mưu chính sách, chiến lược cho Chính phủ và Quốc hội về kế toán, kiểm toán. Hoạt động kiểm tra và giám sát cần được hiện đại hóa và do một cơ quan chuyên môn (Ủy ban Điều hành cơ quan giám sát kế toán, kiểm toán), có đủ nguồn lực, độc lập thực hiện chức năng giám sát kế toán, kiểm toán. Khi tách riêng bộ phận thực hiện hiện giám sát sẽ tăng cường các kỹ năng và chuyên môn về giám sát dẫn tới hạn chế trong việc xác định các rủi ro trong chất lượng của báo cáo tài chính cũng như tham mưu chính sách chiến lược thích hợp cho Chính phủ và Quốc hội để phòng ngừa các rủi ro này.

Năng lực đội ngũ cán bộ QLNN được đánh giá là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công trong QLNN đối với KTĐL. Tuy nhiên, nhân sự QLNN hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về KTĐL dẫn đến khó khăn khi áp dụng các phương thức quản lý và giám sát hiện đại. Nhà nước chưa có cơ chế thu hút nhân sự có năng lực, có kinh nghiệm gắn bó lâu dài với cơ quan QLNN. Bên cạnh đó, việc tổ chức sắp xếp nhân sự trong bộ máy QLNN chưa khoa học hợp lý, phân công nhân sự chỉ chuyên trách từng mảng không có sự thuyên chuyển giữa các bộ phận nên khả năng đáp ứng công việc, sự phối hợp giữa các bộ phận không hiệu quả. Đặc biệt đối với các cán bộ chủ chốt, vì không luân chuyển nên khi sắp xếp vào các vị trí quản lý không phát huy hết hiệu quả trong hoạt động.

Giải pháp trong giai đoạn mới, cần thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ quan QLNN sẽ có điều kiện chủ động và đủ sức mạnh về tài chính để tổ chức công việc, thu hút được nhân sự có trình độ, có kinh nghiệm và có chứng chỉ Kiểm toán viên. Thường xuyên luân chuyển nhân sự giữa các bộ phận để tăng cường chuyên môn, khả năng phối hợp công việc và phát triển năng lực quản lý điều hành của cán bộ chủ chốt. Hoạt động luân chuyển nhân sự được thực hiện trên cơ sở coi trọng công tác bố trí, sắp xếp phù hợp với năng lực chính là định hướng, gợi mở, phát huy trí tuệ của cán bộ. Thông qua công tác luân chuyển, các nhân sự thuộc diện luân chuyển có cách nhìn mới, sáng tạo, có cơ hội kiểm nghiệm lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận luân chuyển. Đồng thời, cơ quan tiếp nhận cán bộ luân chuyển có thêm lực lượng nhân sự có trình độ chuyên môn, có đạo đức, ham học hỏi, nhiệt tình công việc.

4. Kết luận

QLNN đối với KTĐL có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của KTĐL và sự ổn định của nền kinh tế. KTĐL sẽ không thể phát triển và đóng góp tốt nhất vào nền kinh tế nếu không có sự đảm bảo về khuôn khổ pháp lý, tính hiệu lực, hiệu quả trong QLNN đối với KTĐL.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.
  2. Phạm Hồng Điệp (2017), Vận dụng mô hình Quản trị Nhà nước tốt ở Việt Nam, Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và kinh doanh, tập 33, số 3 (2017), 1-9.
  3. Quốc hội (2011), Luật Kiểm toán độc lập.
  4. Likert, R. (1932). A technique for the measurement of attitudes. Archives of Psychology, 22(140), pp. 1-55.
  5. Martilla, J. A., & James, J.C. (1997). Importantice - Performance Analysis. Journal of Marketing, 41 (1), 13-17.

Assessing the effectiveness of state management for independent auditors in Vietnam

Ph.D Nguyen Thi Ha1

Ph.D Nguyen Manh Hung2

1Thuongmai University

2University of Transport Technology

Abstract:

Assessing the state management is an indispensable requirement of every country in the context of increasing globalization and ever-expanding democratization. Based on the theory of "Good Governance" combined with the results from studying the IPD model, this paper analyzes the effectiveness of state management for independent auditors in Vietnam. This paper makes some recommendations and policy implications for the state management in Vietnam in the coming time.

Keywords: state management, independent audit, IPA model, evaluation criteria, effectiveness.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2022]