Đánh giá việc thực hiện các biện pháp kiểm soát chống chuyển giá tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN HOÀNG LAN (Khoa Kinh tế vận tải - Đại học Công nghệ giao thông vận tải)

TÓM TẮT:

   Hiện nay có rất nhiều thủ thuật tinh vi để thực hiện hành vi chuyển giá không chỉ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, mà còn cả doanh nghiệp trong nước. Điều kiện để thực hiện chuyển giá chủ yếu thông qua những kẽ hở trong chính sách thuế, những ưu đãi và khuyến khích phát triển nền kinh tế đất nước, đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp,… Từ nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực trong thanh tra giá chuyển nhượng, như: hoàn thiện về hệ thống thuế, quy định chống chuyển giá; xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro để chọn các doanh nghiệp FDI có rủi ro cao về thuế, trong đó đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc kê khai nộp thuế có giao dịch liên kết… Bài viết đánh giá việc thực hiện các biện pháp kiểm soát chống chuyển giá tại Việt Nam.

Từ khóa: Chuyển giá, doanh nghiệp, FDI, thanh tra thuế.

1. Đặt vấn đề

Chuyển giá bất hợp pháp là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới, gây thất thu lớn cho ngân sách, tại Việt Nam, điều này cũng không phải là ngoại lệ. Nó tồn tại như một phần của hoạt động kinh doanh, hiện nay khoảng 60% giá trị hàng hóa chuyển dịch trên phạm vi quốc tế là nằm trong khu vực chuyển giá giữa các tập đoàn kinh tế lớn với các chiêu trò chuyển giá như: Nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cao, hạ giá xuất khẩu xuống thấp để từ đó báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận trên sổ sách (chuyển giá) nhằm trốn nộp thuế. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố những con số thống kê liên quan đến khảo sát PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Báo cáo PCI năm 2018 nêu rõ, chuyển giá, giảm lợi nhuận phổ biến nhất trong các ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất sản phẩm trong nước không có hàng thay thế nên cơ quan quản lý không có dữ liệu so sánh. Theo báo cáo này, có đến 20% doanh nghiệp thừa nhận có hành vi nâng giá hàng hóa, dịch vụ nội bộ để giảm lợi nhuận trên sổ sách và càng được hưởng nhiều thuận lợi, kiếm được lợi nhuận lớn thì doanh nghiệp FDI lại càng tìm cách tăng chi phí, giảm lãi để trốn thuế. Dữ liệu PCI cho thấy, hơn 65% doanh nghiệp FDI có tỷ suất lợi nhuận trên 20% thực hiện hành vi chuyển giá; khoảng 44,5% doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận từ 10-20% thực hiện hành vi này.

Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, những ngành đầu tư có tỷ lệ doanh nghiệp chuyển giá nhiều nhất gồm: 90% doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, 70% doanh nghiệp sản xuất dệt may, 51% doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô… Với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa, hàng hóa tiêu thụ trong nước rất khó tùy tiện tăng giá so với mặt bằng chung nên họ phải tìm mọi cách để nâng chi phí đầu vào sản xuất. Lỗ hổng để nâng giá dễ nhất là điều chỉnh con số ở thiết bị vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư trên một đơn vi sản phẩm, chi phí phân bổ từ công ty mẹ ở nước ngoài. Theo đó, chi phí tăng sẽ kéo giảm lợi nhuận, doanh nghiệp giảm hoặc không có lãi, thậm chí lỗ sẽ giảm và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Cũng dùng thủ thuật nâng chi phí đầu vào, nhóm doanh nghiệp FDI làm hàng xuất khẩu thì dùng thêm “kỹ thuật” ép giá bán sản phẩm xuống tối thiểu. Ví dụ, chi phí làm ra một đôi giày xuất khẩu là 10 USD, thị trường châu Âu chấp nhận mua vào với giá 12 USD, lợi nhuận tạm tính mỗi đôi giày 2 USD là phần thu nhập chịu thuế. Thế nhưng, doanh nghiệp lại “biến hóa” để giá xuất khẩu thấp hơn để giảm thuế. Liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI đã trốn thuế bằng cách hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu lòng vòng qua một nước trung gian có thuế suất thấp, thông qua một nhà thương mại để đưa hàng vào châu Âu… Với nhóm gia công hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp FDI vận dụng cả hai hình thức nâng chi phí đầu vào và ép giá đầu ra. Vì nguyên liệu do công ty FDI nhập khẩu vào trong nước có thể được nâng giá, trong khi công ty mẹ ở nước ngoài lại bao tiêu đầu ra nhiều khi với mức ghi trong hợp đồng gia công rất vô lý. Chẳng hạn, khi chi phí gia công một chiếc áo của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là 2 USD, công ty mẹ chỉ ký hợp đồng bao giá gia công 1,5 USD/chiếc, lập tức doanh nghiệp phát sinh lỗ.

Các hành vi chuyển giá được thực hiện với nhiều chiêu trò tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan thuế để thực hiện kiểm soát hành vi này. Trong những năm qua, Nhà nước đã có rất nhiều biện pháp khác nhau để thực hiện hạn chế và chống hoạt động chuyển giá nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và hạn chế cần thiết được hoàn thiện hơn nữa.

2. Đánh giá về các biện pháp chống chuyển giá được thực hiện ở Việt Nam

Kể từ năm 2012, cơ quan Thuế đã có thêm công cụ pháp lý trong đấu tranh với hành vichuyển giá không chỉ tại doanh nghiệp FDI mà cả các doanh nghiệp trong nước thông quaviệc Bộ Tài chính đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm quản lý chính sáchchống chuyển giá của các doanh nghiệp FDI giai đoạn 2012-2015. Cùng với chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyếtđịnh số 732/QĐ TTg ngày 17/5/2011. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang gấp rút xây dựng thông tư về cơ chế thỏa thuận, phương pháp tính giá theo Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2014) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày26/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, mà theo đó, sẽ áp dụng cơ chế giá thỏathuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong chống chuyển giá ở cácdoanh nghiệp FDI. Nghị định số 83/2013/NĐ-CP và Thông tư số 201/2013/TT-BTC được ban hành nhằm hướng dẫn về việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giátính thuế (APA). Nhưng APA chỉ giới hạn ở các giao dịch mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê,chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Doanh nghiệp nộp thuế có thể gộp chung nhiều giao dịch có tính chấtphụ thuộc lẫn nhau thành giao dịch tổng thể để phản ánh tính khách quan phù hợp với thực tiễn thông lệ kinh doanh tương ứng với chức năng, tài sản và rủi ro kinh doanh liên quan đến nghĩa vụ theo kỳ kê khai thuế. Do vậy, nếu chỉ dựa vào APA thì chưa tạo ra hiệu quả cao.

Đồng thời, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết ra đời ngày 24/02/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2017, được đánh giá là một bước tiến quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật về giao dịch liên kết ở Việt Nam thông qua việc mở rộng phạm vi định nghĩa đối với một số quy định hiện hành, đồng thời đưa ra một số khái niệm mới theo hướng dẫn của OECD. Các quy định được đưa ra trong Nghị định này được xây dựng trên cơ sở phát huy những quy định về quản lý giao dịch liên kết mang lại kết quả trong thời gian qua, khắc phục một số điểm vướng mắc trước đây và cập nhật, bổ sung các giải pháp quản lý mới BEPS (Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận).

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế và các cơ quan liên quan đã thực hiện xây dựng các kế hoạch thanh, kiểm tra các doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hoàn thuế, về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, về ưu đãi thuế, các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, các doanh nghiệp giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ... Đặc biệt những doanh nghiệp có dấu hiệu thực hiện hành vi chuyển giá trong đó điển hình là khu vực doanh nghiệp FDI và thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về vấn đề này. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp thường xuyên báo cáo thua lỗ liên tục. Nhưng một điều bất hợp lý là dù thua lỗ liên tục nhưng những doanh nghiệp này vẫn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã đạt được những kết quả đáng kể qua các năm, giảm thất thu cho ngân sách nhà nước. Cụ thể theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy: Năm 2013, kiểm tra tại 2.110 doanh nghiệp đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ VND, giảm khấu trừ 136,95 tỷ VND, giảm lỗ lên đến hơn 4.192 tỷ VND. Năm 2014, ngành Thuế cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.077 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, kết quả đã giảm số lỗ là 5.439,87 tỷ VND. Năm 2015, số doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá bị thanh tra, kiểm tra là 4.751, kết quả giảm số lỗ là 10.050 tỷ VND. Năm 2016, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra 84.472 doanh nghiệp, truy thu 17.164 tỷ VND tiền thuế; trong đó thanh tra về giá chuyển nhượng là 329 trường hợp với số thuế truy thu và tiền phạt chậm nộp là 607,52 tỷ VND, điều chỉnh giảm lỗ 5.612,21 tỷ VND. Năm 2017, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện 97.233 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 107,06% kế hoạch năm 2017. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.960 tỷ VND; giảm khấu trừ là 1.632 tỷ VND; giảm lỗ là 34.117 tỷ VND. Từ đó, số tiền thuế nộp vào ngân sách là 14.374 tỷ VND, đạt 80,04% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. Trong đó, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 364 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.306 tỷ VND; giảm lỗ 6.022 tỷ VND; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.798 tỷ VND.

Ngoài ra, các biện pháp cưỡng chế cũng được áp dụng nhằm đảm bảo tuân thủ kê khai đúng đắn các giao dịch liên kết. Trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan Thuế còn thực hiện linh hoạt các biện pháp cưỡng chế, theo quy định cơ quan thuế được ấn định mức giá sử dụng để kê khai tính thuế hoặc ấn định thu nhập chịu thuế hay số thuế thu nhập phải nộp. Việc ấn định dựa trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế phù hợp quy định về ấn định thuế hoặc theo giá trị không thấp hơn giá trị trung bình của biên độ giá thị trường chuẩn được cơ quan thuế ấn định.

Như vậy, qua các năm kết quả thanh tra, kiểm tra đã có những dấu hiệu tích cực làm hạn chế đáng kể thất thu cho ngân sách. Tuy nhiên, việc kiểm soát chuyển giá hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, quản lý giá chuyển nhượng cũng chỉ đạt kết quả ở mức nhất định vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ nhất, về khía cạnh pháp lý, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Khi áp dụng trong thực tiễn vẫn tồn tại một số vấn đề như sau:

  • Việc bỏ qua hoàn toàn nguyên tắc giá thị trường để thay bằng các quy định cụ thể hơntrong việc lựa chọn số lượng các đơn vị độc lập cho việc tiến hành so sánh. Vấn đề đặt ra làai sẽ có quyền lựa chọn các đơn vị độc lập và dựa trên cơ sở nào. Do vậy, có thể dẫn đếnnhững sai phạm khác lớn hơn.
  • Chưa hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết (ví dụ như:điều chỉnh tăng) và những ảnh hưởng tiềm tàng tới các loại thuế khác (thuế giá trị gia tăng,thuế nhà thầu…); thủ tục phân tích khi lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch.
  • Quy định về khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ không quá 20% tiềm ẩn một sốkhả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp đặc biệt vào lĩnh vực hạ tầng xã hội như nôngnghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục. Việc đạt được mức lợi nhuận cao trong những năm đầulà “bất khả thi”, dẫn đến doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản lớn chi phí không đượckhấu trừ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ngay từ lúc mới khởi nghiệp.
  • Nghị định 20 cũng cho phép cơ quan thuế được sử dụng dữ liệu nội bộ cho mục đíchđiều chỉnh giá giao dịch liên kết trong trường hợp người nộp thuế được xem là không tuânthủ quy định. Điều này có thể làm nảy sinh nhiều hơn các bất đồng giữa người nộp thuế vàcơ quan thuế.

Thứ hai, về công tác thanh tra, kiểm tra, cục Thuế và các cơ quan liên quan đã tăng
cường kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết phát hiện, nhận diện được nhiều
trường hợp có dấu hiệu chuyển giá. Tuy nhiên, rất khó có thể kiểm soát được hoạt động mua bán của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu và việc xác định mức lãi đối với doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá là không hề đơn giản hoặc doanh nghiệp biết cách “né thuế” như: doanh nghiệp chuyển giá từ khâu nhập khẩu thiết bị, máy móc…

Thứ ba, về tổ chức và sự phối hợp giữa các cơ quan để thực hiện chống chuyển giá cũng còn nhiều vấn đề hạn chế. Nhiều doanh nghiệp FDI khi báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan thuế thì báo lỗ nhưng trong hồ sơ gửi ngân hàng để vay vốn thì lại báo lãi. Nên sự phối hợp của ngân hàng với cơ quan thuế trong việc chứng minh dấu hiệu chuyển giá của doanh nghiệp là rất cần thiết. Liên quan đến công tác chống chuyển giá, hệ thống ngân hàng chưa thực sự tích cực tham gia phối hợp cung cấp thông tin qua hoạt động dịch vụ ngân hàng, hoạt động thanh toán, chuyển tiền, giao dịch ngoại hối và các dịch vụ có liên quan khác cho cơ quan thuế. Thanh tra Chính phủ cũng từng phải thừa nhận sự phối hợp còn lỏng lẻo giữa thuế và hải quan cùng những bất cập, lỗ hổng tồn tại trong các quy định hiện hành khiến việc kiểm soát chuyển giá trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Công tác phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát Kinh tế và Cục Thuế tại các nơi vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ngày 24/02/2017.
  2. Thông tư số 41/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, Hướng dẫn thực hiện một số điều củaNghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 28/04/2017.
  3. Lê Văn Sua, Cơ sở pháp lý chống chuyển giá và vấn đề hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá ở Việt Nam, Tòa án quân sự Khu vực 1 - QK9.
  4. Hoàng Thắng (2017), Lật tẩy thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế của DN nước ngoài.

EVALUATING THE IMPLEMENTATION OF CONTROLLING TRANSFER PRICING MEASURES IN VIETNAM

Master. NGUYEN HOANG LAN

Faculty of Transport Economics

University of Transport Technology

ABSTRACT:

Not only foreign-invested enterprises or multinational enterprises but also domestic enterprises have a lot of sophisticated tricks to do transfer pricing. The transfer pricing issues happen mainly through loopholes in tax policies, incentives and business characteristics. For many years, the Ministry of Finance has actively introduced many solutions related to the transfer pricing inspection, such as improving the tax system, introducing anti-transfer pricing regulations, developing inspection plans based on risk analysis to inspect foreign direct investment (FDI) enterprises with high tax risks, especially enterprises which have associated transactions with signs of transfer pricing, strengthening propaganda and supporting taxpayers in tax declaration and payment with associated transactions. This article evaluates the implementation of controlling transfer pricing measures in Vietnam.

Keywords: Transfer pricing, enterprise, FDI, tax inspection.