Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quý III/2021 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất trong lịch sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam kể từ khi số liệu GDP được công bố. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Tính chung 9 tháng, GDP chỉ tăng 1,42%, là mức tăng thấp nhất kể từ trước đến nay.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.077,4 tỷ đồng, băng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đến 30/9/2021 là 218.550,92 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn FDI) ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã trình Chính phủ kịch bản tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam năm 2021 với 2 phương án được tính toán trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và phân tích, dự báo các điều kiện để thực hiện mục tiêu những tháng cuối năm.
Cụ thể, tăng trưởng GDP ước thực hiện cả năm 2021 đạt 3 - 3,5%. Tương ứng với đó, để đạt được mục tiêu 3% cả năm, quý IV/2021 cần đạt mức tăng trưởng khoảng 7,06% trở lên; để đạt được mục tiêu 3,5% cả năm, quý IV/2021 cần đạt mức tăng trưởng 8,84% trở lên.
“Đối với mức tăng trưởng quý đạt 7% trở lên thì chúng ta đã từng có, tuy nhiên quý IV/2021 có rất nhiều điểm đặc biệt, phụ thuộc nhiều vào đề “án thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Chính phủ sắp ban hành”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, để đạt được mục tiêu này đặt ra một số yêu cầu. Đối với doanh nghiệp, phải được hoạt động, không bị đóng băng, không đóng cửa. Đối với lao động, phải được dịch chuyển an toàn. Đối với hàng hóa, phải được lưu thông thông suốt, bao gồm cả hàng hóa đầu vào và đầu ra, có như vậy mới hỗ trợ được cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa phải thúc đẩy sản xuất.
“Việt Nam đang bước vào lộ trình mới, chủ yếu là phục hồi, các doanh nghiệp và khu vực kinh tế mà đạt được khoảng 80% công suất đã là thành công lớn trong phục hồi kinh tế rồi. Hy vọng rằng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như các doanh nghiệp thì mong rằng Quý IV có thể đạt được mức tăng trưởng trên 7% mà chúng ta đã từng đạt được”, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương.
Tại Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa Thu năm 2021 công bố tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5-7% từ năm 2022 trở đi.
Trong khi đó, vào tháng 9 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra dự báo do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022.