Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Thanh Hóa

ThS. NGUYỄN NGỌC ANH (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại (NHTM), vốn luôn đóng vai trò quan trọng. Nguồn vốn sẽ qui định qui mô, kết cấu tài sản sinh lời, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản, mục tiêu phát triển và an toàn của ngân hàng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, được sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), sự hợp tác chặt chẽ của các bạn hàng và sự nỗ lực cố gắng của các cán bộ công nhân viên, MB Thanh Hóa đã đạt được kết quả khả quan trong hoạt động huy động vốn những năm gần đây.

Từ khóa: Huy động vốn, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), hiệu quả, sinh lời, an toàn, khách hàng, kỳ hạn, lãi suất.

I. Đặt vấn đề

Nguồn vốn luôn là mạch máu xuyên suốt và quan trọng đầu tiên cho bất cứ doanh nghiệp nào muốn hoạt động và tồn tại. Đối với các doanh nghiệp mà sản phẩm là tiền tệ như các NHTM, nguồn vốn là nền tảng then chốt để hoạt động và phát triển. Nếu như NHTM hoạt động tốt, vốn được lưu chuyển hợp lý và liên tục, sẽ tạo đà cho nền kinh tế phát triển. Trong giai đoạn sắp tới, khi các ngân hàng nước ngoài được phép vào hoạt động trên thị trường Việt Nam, thì việc cạnh tranh giữa các ngân hàng được dự báo sẽ diễn ra vô cùng gay gắt. Muốn tồn tại và đứng vững trên thị trường, mỗi một ngân hàng cần phải có một nguồn vốn đủ mạnh, bởi vì vốn là tiền đề quan trọng nhất trong mọi hoạt động của NHTM. Để có nguồn vốn đủ mạnh, các NHTM phải thực hiện nhiều hoạt động nhằm huy động được nguồn vốn đủ lớn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của ngân hàng. Trong khi đó, các NHTM nước ta có “thâm niên” hoạt động chưa dài, các hình thức huy động vốn còn đơn điệu, chưa phù hợp và chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế. Ngân hàng TMCP Quân đội cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

II. Thực trạng huy động vốn tại MB Thanh Hóa

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, của Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội, sự hợp tác chặt chẽ của các bạn hàng và sự nỗ lực cố gắng của các cán bộ công nhân viên, MB Thanh Hóa đã đạt được những kết quả khả quan.

Khi MB xâm nhập vào thị trường Thanh Hóa, trước đó đã có rất nhiều ngân hàng đã và đang nắm giữ được một lượng khách hàng lớn. MB Thanh Hóa đã sớm phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh với các ngân hàng đã có bề dày hoạt động kinh doanh và có nhiều lợi thế hơn hẳn, không những thế còn luôn trong tình trạng thiếu vốn, thiếu tiền mặt. Nhưng với sự quyết tâm vượt gian khó của CBCNV chi nhánh, mọi người đã cùng đồng lòng, góp sức tạo ra sự khác biệt, gây dựng niềm tin cho khách hàng đến với MB. Bên cạnh đó, MB Thanh Hóa chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động mảng quân sự, như: Bộ chỉ huy quân sự Thanh Hóa, Công ty Z111, chi nhánh Viettel Thanh Hóa,… Đây là những tổ chức mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm của một ngân hàng mang tên: Ngân hàng Quân đội. Bởi từ khi được thành lập, MB hoạt động kinh doanh dưới hình thức là Ngân hàng TMCP, chuyên doanh về tiền tệ tín dụng và dịch vụ ngân hàng với định hướng phục vụ các doanh nghiệp quân đội sản xuất quốc phòng và làm kinh tế. Chi nhánh đã và đang tích cực mở rộng thị trường, thị phần; có chiến lược khai thác khách hàng trong huy động vốn và cho vay vốn.

Trong năm 2016, chi nhánh đã phát triển thêm nhiều khách hàng mới có quan hệ tiền gửi, tiền vay thường xuyên với số dư lớn; Duy trì tốt mối quan hệ với các khách hàng cũ; Phát triển thêm được nhiều khách hàng mới có triển vọng cả về tiền gửi lẫn tiền vay. Lượng khách hàng đến với MB Thanh Hóa năm 2016 tăng 46,44% so với năm 2015. Năm 2016 có 6143 khách hàng, đạt 231% kế hoạch phát triển khách hàng đầu năm. Trong đó, quan hệ tiền gửi là 2.200 khách hàng, tiền vay là 342 khách hàng (255 khách hàng cá nhân và 87 khách hàng doanh nghiệp), còn lại là các khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ khác như thẻ ATM.

Đi sâu vào hoạt động huy động vốn của chi nhánh có thể thấy với phương châm "Đi vay để cho vay", MB Thanh Hóa đã xác định được tầm quan trọng của công tác huy động vốn nhằm tạo lập nguồn vốn huy động đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Chi nhánh đã tích cực, chủ động trong khai thác nguồn vốn nhàn rỗi, mở rộng mạng lưới hoạt động, đưa ra nhiều hình thức huy động phù hợp với mọi tầng lớp dân cư, như: Huy động tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiết kiệm có kỳ hạn ngắn nhất là 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng...; tiết kiệm dự thưởng và phát hành giấy tờ có giá; lãnh đạo ngân hàng thường xuyên gặp gỡ và có chính sách khuyến khích, ưu đãi với các khách hàng có nguồn tiền gửi lớn, các cơ quan đơn vị có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, hộ kinh doanh mở tài khoản chuyển qua ngân hàng. Hiểu rõ tầm quan trọng của vốn đối với sự sống còn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế. MB Thanh Hóa coi trọng nghiệp vụ nguồn vốn mà chủ yếu là công tác huy động vốn. Phát huy thế mạnh trên địa bàn Thanh Hóa, nơi tập trung dân cư có thu nhập cao, các đơn vị kinh tế, chi nhánh đã tập trung chỉ đạo bằng các biện pháp tích cực để thu hút được nguồn vốn lớn, góp phần tăng cường nguồn vốn để mở rộng cho vay cũng như điều chuyển vốn trong hệ thống Ngân hàng TMCP Quân Đội.

Tuy nhiên, việc huy động và sử dụng vốn của MB Thanh Hóa nhìn chung vẫn còn điểm chưa hợp lý:

Về cơ cấu chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn, huy động vốn trung dài hạn có tăng về cơ cấu, qui mô nhưng còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Đây cũng là xu hướng chung của các NHTM, vì hiện nay huy động nguồn vốn trung, dài hạn rất khó khăn và cũng không mang lại hiệu quả cao cho các ngân hàng. Vì thế, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM chỉ được lấy 30% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đó là lý do khiến nhiều ngân hàng phải "lách" bằng cách đưa ra các sản phẩm kỳ hạn dài nhưng cho phép khách hàng rút tiền trước hạn và vẫn được hưởng lãi suất bằng lãi suất kỳ hạn thực gửi.

Về sử dụng vốn: Quy mô, tỷ trọng cho vay ngắn hạn ít và trung dài hạn nhiều. Điều này buộc ngân hàng phải hoán chuyển một phần lớn nguồn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Nếu việc quản trị danh mục tài sản, nguồn vốn không tốt thì ngân hàng phải đối đầu với nhiều loại rủi ro dẫn đến hiệu quả công tác huy động vốn không cao. MB Thanh Hóa còn gặp rất nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách huy động vốn của mình, vẫn thiếu vốn huy động vốn có kỳ hạn dài, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) có xu hướng giảm. Điều này đòi hỏi MB Thanh Hóa phải tăng cường công tác huy động vốn từ bên ngoài nhiều hơn nữa.

Nguyên nhân của thực trạng trên do những điểm sau:

- MB Thanh Hóa chưa thực hiện tốt công tác phân tích nguồn vốn, mặc dù những năm qua, ngân hàng đã nghiên cứu, xem xét vấn đề này nhưng những việc đó chưa đúng với thực chất phân tích nguồn vốn. Công tác này nếu thực hiện tốt sẽ giúp cho ngân hàng hạn chế bớt các rủi ro có thể gặp và tối thiểu hóa chi phí đầu vào. Thực tế cho thấy, ngân hàng bị mất cân đối về kỳ hạn huy động, cơ cấu vốn huy động chưa thực sự cân xứng và phù hợp với cơ cấu sử dụng vốn về kỳ hạn và việc cân đối nguồn vốn, lập kế hoạch dự trữ chưa tốt.

- MB Thanh Hóa vẫn duy trì huy động vốn bằng những hình thức đơn giản, truyền thống. Các hình thức mới, như: tiết kiệm tích lũy, tiết kiệm bậc thang, tiết kiệm có mục đích gần đây mới được triển khai nhưng còn chậm, mới ở mức độ thăm dò, thử nghiệm. Việc bỏ qua huy động vốn thông qua hình thức phát hành giấy tờ có giá là một hạn chế lớn của MB Thanh Hóa.

- MB Thanh Hóa vẫn chưa xác định rõ được chiến lược khách hàng phù hợp, từ đó chưa có chính sách khách hàng hợp lý. Việc tổ chức thực hiện chính sách chưa thường xuyên, mức độ chưa thỏa đáng, MB Thanh Hóa cũng chưa đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng. Trải qua thời gian dài hoạt động, MB Thanh Hóa đã bộc lộ hạn chế: Việc tiếp cận cộng đồng dân cư còn thụ động, công tác tuyên truyền, quảng cáo, cung cấp thông tin cho khách hàng chưa đa dạng, từ đó sự hiểu biết của người dân đối với ngân hàng còn hạn chế.

- Trong thời gian qua, MB tuy đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách lãi suất của mình, song cũng chỉ dừng lại ở mức độ tương đối. Việc đưa ra các mức lãi suất chủ yếu dựa trên cơ sở định tính, dựa trên việc phân tích, tổng hợp lãi suất đầu ra, đầu vào chưa được chú trọng.

III. Giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tại MB Thanh Hóa

Từ thực trạng nguồn vốn và những hạn chế, nhận thấy, hoạt động huy động vốn của MB Thanh Hóa đặt ra vấn đề cấp thiết là phải có các giải pháp nhằm tăng cường huy động vốn để đáp ứng yêu cầu không ngừng mở rộng, nâng cao kết quả kinh doanh tại NHTMCP Quân đội - Chi nhánh Thanh Hóa.

1. Thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt, hấp dẫn

Một là, lãi suất danh nghĩa phải cao hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Hai là, lãi suất cho vay phải đảm bảo lợi nhuận cho các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường (lãi suất cho vay phải nhỏ hơn tỷ lệ sinh lời của doanh nghiệp).

Ba là, lãi suất được xây dựng theo nguyên tắc thị trường và trong mối quan hệ về vốn. Lãi suất đầu ra quyết định lãi suất đầu vào, lãi suất thực dương tạo lợi nhuận cho ngân hàng. Lãi suất được xác định trong mặt bằng chung hệ thống ngân hàng, phải có tính cạnh tranh, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dài phải cao hơn lãi suất gửi tiền có kỳ hạn ngắn. Hiện nay các ngân hàng thường áp dụng lãi suất huy động bằng tỷ lệ lạm phát bình quân hoặc lãi suất gốc cộng với tỷ lệ thu nhập dự tính của người gửi tiền.

Bốn là, lựa chọn cơ cấu lãi suất sao cho vừa đảm bảo gia tăng qui mô tổng nguồn, điều chỉnh cơ cấu, tiết kiệm chi phí, lại vừa tăng tính ổn định của nguồn, dự báo được xu hướng biến động của lãi suất thị trường để chủ động tạo ra khe hở nhạy cảm với lãi suất thích hợp, từ đó hạn chế được rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, điều chỉnh kết quả kinh doanh theo hướng tích cực.

Hiện nay, đối với MB Thanh Hóa, việc xác định lãi suất này cần tuân thủ theo nguyên tắc: Nâng cao lãi suất đối với tiền gửi trung và dài hạn, đồng thời hạ lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn để đảm bảo lãi suất trung bình không bị tăng lên đối với toàn bộ vốn huy động. Việc nâng cao lãi suất trung dài hạn phải nằm trong khung giá, phải có tính cạnh tranh, ngân hàng có thể dựa vào khung lãi suất kỳ phiếu, trái phiếu của các ngân hàng lớn để đưa ra mức lãi suất vừa hấp dẫn, mang tính cạnh tranh. Ngoài ra, để thực hiện lãi suất linh hoạt cũng nên mở rộng các hình thức trả lãi. Bên cạnh việc áp dụng hình thức trả lãi trước, trả lãi sau, trả lãi hàng tháng, MB Thanh Hóa có thể áp dụng hình thức lãi suất lũy tiến theo số lượng gửi tiền. Với cùng một kỳ hạn như nhau, ngân hàng có thể thay đổi mức lãi suất với những khoản tiền lớn. Với chính sách lãi suất nhạy cảm như vậy, ngân hàng có thể thu hút được những khoản tiền lớn. Trong những năm tới, khi dịch vụ ngân hàng phát triển, công tác thanh toán qua ngân hàng được hiện đại hóa, ngân hàng sẽ tiến tới không trả lãi đối với các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn như ở các ngân hàng nước ngoài đã làm hiện nay.

2. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn

Cần phải thực hiện giải pháp này vì hiện nay, phương thức cạnh tranh hiện đại giữa các ngân hàng là cạnh tranh bằng loại hình và chất lượng dịch vụ. Một số khó khăn vướng mắc của các hoạt động dịch vụ liên qua tác động trực tiếp đến khả năng tăng trưởng nguồn huy động của các NHTM. Các loại hình dịch vụ của ngân hàng hiện được đổi mới áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực ngân hàng. Qua nhiều lần nâng cấp phần mềm, công nghệ, hiện nay, chi nhánh cũng như toàn bộ hệ thống MB Bank đã đưa vào sử dụng phần mềm T24 (Hệ thống CoreBanking của MB) và WAY4 (Hệ thống quản lý thẻ của MB). Đảm bảo cho khách hàng có thể giao dịch một cách thuận tiện và nhanh nhất, cũng như tinh giảm các thủ tục rườm rà, giảm thiểu chi phí cho ngân hàng, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động chuyên môn của nhân viên. Đối với khách hàng thông qua hoạt động cung ứng dịch vụ cho khách hàng, ngân hàng sẽ nắm được những thông tin về tài chính của khách hàng, biết được khi nào khách hàng thừa vốn hoặc thiếu vốn và có thể đưa ra các biện pháp để giúp đỡ khách hàng.

Với sự hỗ trợ của phòng IT và phòng Quan hệ khách hàng, khối bán hàng sẽ trực tiếp thực hiện. Ngân sách thực hiện được lấy từ quỹ đầu tư và phát triển sản phẩm mới.

Hiện nay, tại trụ sở chính của ngân hàng có 1 máy ATM và 2 máy đặt ở những địa điểm phát triển khác trên địa bàn còn các phòng giao dịch hầu như chưa có. Vì vậy, sẽ trang bị thêm máy rút tiền tự động ATM (Automatic Teller Machine) tại tất cả các chi nhánh và đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, tin học - điện tử trong các hoạt động dịch vụ ngân hàng. Trong đó, phát triển mạnh hoạt động dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng đảm bảo đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về thanh khoản với nhiều tiện ích, tiện lợi cao, tăng tốc độ thanh toán và thủ tục thuận tiện. Đây sẽ là cơ sở để phát triển hoạt động huy động vốn, tăng trưởng và mở rộng nguồn tiền gửi của dân cư.

+ Dịch vụ tư vấn: Khách hàng khi đến ngân hàng không phải ai cũng hiểu biết rõ về các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng có thể cung ứng, các nhân viên giao dịch có thể giúp đỡ, hướng dẫn khách hàng lựa chọn cho mình hình thức phù hợp nhất để khách hàng gửi tiền hay đầu tư.

+ Dịch vụ bảo quản: Là việc ngân hàng xác nhận trách nhiệm giữ hộ cho khách hàng tài sản theo yêu cầu của khách hàng và đảm bảo giữ an toàn bí mật. Ngân hàng cho thuê két sắt để khách hàng có thể bảo quản tài sản an toàn tại ngân hàng. Thực hiện dịch vụ này một mặt ngân hàng thu được dịch vụ phí, mặt khác khai thác được những thông tin để vận động khách hàng, đặt khách hàng trước sự lựa chọn giữa tài sản như vàng, bạc, ngoại tệ hay gửi tiền vào để lấy lãi.

+ Làm dịch vụ thu tiền bảo hiểm và thanh toán bảo hiểm cho một số đối tượng bảo hiểm tài sản, bảo hiểm nhân thọ… Cơ hội để phát triển các dịch vụ mới của các ngân hàng Việt Nam nói chung và Ngân hàng TMCP Quân đội nói riêng là rất lớn. Do đó, Ngân hàng TMCP Quân đội cần nhanh chóng nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc ứng dụng để cung cấp cho thị trường những sản phẩm dịch vụ đa dạng.

3. Xây dựng một chiến lược khách hàng hợp lý

Khách hàng gửi tiền vào ngân hàng vì nhiều lý do, trong đó có các lý do cơ bản là đảm bảo sự an toàn tài sản, tăng giá trị bằng tiền lãi trong khi chưa có nhu cầu khác và thực hiện các qui định trong giao dịch với ngân hàng kể cả nhu cầu cho vay vốn trong tương lai. Để lựa chọn hình thức, số lượng và thời hạn gửi tiền, khách hàng đã cân nhắc thông qua nghiên cứu các chính sách, các thông tin về huy động vốn hoặc khả năng, chất lượng các dịch vụ mà ngân hàng sẽ cung ứng. Vì vậy, căn cứ vào số liệu thu thập được, phòng nguồn vốn nghiên cứu từng nhóm đối tượng hoặc từng khách hàng về động cơ, thói quen và hoạt động kinh doanh, thói quen tiêu dùng của họ để đáp ứng cao nhất những yêu cầu. Khi xây dựng chính sách khách hàng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Về kỹ thuật nghiệp vụ thể hiện ở những qui định, qui trình cần gọn nhẹ, đơn giản nhưng hiệu quả. Khi khách hàng cần đến dịch vụ, điều quan tâm trước hết là chất lượng dịch vụ và giá cả của nó.

+ Chất lượng dịch vụ trong hoạt động ngân hàng nên thể hiện tính chính xác, kịp thời, an toàn và tiện lợi.

+ Giá cả dịch vụ chính là lãi suất huy động vốn, phí dịch vụ. Trên cơ sở hiểu rõ điều khách hàng cần ở ngân hàng, MB Thanh Hóa sẽ từng bước tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật bằng việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp và mở rộng hệ thống trụ sở các chi nhánh, trang bị thiết bị máy tính hiện đại; thường xuyên thực hiện công tác tổ chức cán bộ và đào tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, đổi mới phong cách giao tiếp, từ đó đã tạo được niềm tin đối với khách hàng. Không chỉ quan tâm tới số lượng, hình thức các sản phẩm và dịch vụ cung cấp mà còn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền, lưu giữ hồ sơ, quản lý tài sản của khách hàng một cách khoa học và an toàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Ngân hàng thương mại – Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

2. Giáo trình Ngân hàng thương mại - Học viện Ngân hàng.

3. Tạp chí Tài chính.

4. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh MB Thanh Hóa các năm 2014, 2015, 2016.

PROPOSING SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFECTIVENESS OF CAPITAL MOBILIZATION AT THE BRANCH OF MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK IN THANH HOA PROVINCE

MA. NGUYEN NGOC ANH

Faculty of Banking and Finance, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Capital plays a key role in the operation of commercial banks. The size and the structure of profitable assets of a commercial bank depend on the bank’s capital. Hence, the capital of a bank would have impacts on a variety of aspects of the bank, such as quality of assets, development goals and safety level of the bank. The capital mobilization of the branch of the Military commercial Joint Stock Bank (MB) in Thanh Hoa province has achieved positive results in recent times thanks to the appropriate recoginiztion of the branch for importances of capital, the timely guidance of the board of directors of MB, the effective cooperation of clietns and the sustained efforts of staff of the branch.

Keywords: Capital mobilization, Military Commerical Joint Stock Bank (MB), efficiency, profitability, safety, customers, terms, interest rates.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây.