Lượng hàng dự trữ tăng 10-15% so với tháng thường
Bộ Công Thương cho biết, đến chiều mùng 5 Tết, nhiều hoạt động đã trở lại bình thường, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thịt lợn với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo từ Sở Công Thương các địa phương, trong suốt dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa đã được các địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là Chương trình bình ổn thị trường (BOTT). Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021, trong đó có 27 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình BOTT.
Vì vậy, lượng hàng hoá nói chung và hàng hoá thực hiện bình ổn thị trường nói riêng dịp Tết Nguyên Đán được chuẩn bị với số lượng dồi dào, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường.
Tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp tăng khoảng 10-15% so với các tháng thông thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 5-10% so với năm trước.
Đáng lưu ý, các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Giá bán hàng bình ổn được các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết và được niêm yết giá công khai. Hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Ngoài ra, nhằm giảm áp lực cho thị trường, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với những mặt hàng có nhu cầu cao, Sở Công Thương các địa phương đã đề nghị các doanh nghiệp tăng thời gian phục vụ Tết tại các điểm bán hàng bình ổn theo hướng nghỉ Tết muộn, sau Tết mở cửa hàng sớm nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết.
Do đó, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết được lưu thông, phân phối thông qua các chợ truyền thống và các hệ thống phân phối hiện đại gồm 8.500 chợ, 1.084 siêu thị và khoảng 241 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi...
Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích đã có những chương trình khuyến mại, giảm giá sâu dịp sát Tết với mục đích kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập của người dân bị giảm và dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.
Sức mua tăng 7-10% so với cùng kỳ
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Công Thương còn cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi.
Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý...
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công Thương) để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên cũng vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm.
Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều.
Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020, Bộ Công Thương đánh giá.
Ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, cùng với lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế đi chúc Tết, lễ chùa.
Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng.
Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết.
Các mặt hàng rau củ quả vụ Đông nguồn cung tốt bởi thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sản lượng cao), giá tương đối thấp. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch Covid-19.
Hiện giá một số loại gạo tẻ chất lượng cao khoảng 20.000 - 32.000 đồng/kg (tuỳ loại và địa phương). Mặc dù giá bán khá cao so với mặt bằng chung của thị trường nhưng theo đánh giá, số lượng tiêu thụ tốt và phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng.
Đối với mặt hàng thịt lợn, sau khi ổn định vào cuối năm 2020 đã tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong tháng 1 năm 2021 nhưng sau đó giá mặt hàng thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại do nguồn cung dồi dào, ổn định ngay cả trong những ngày sát Tết và ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, báo cáo từ Bộ Công Thương cũng cho biết, dịp Tết Âm lịch năm nay người dân có nhiều thời gian mua sắm, chuẩn bị Tết do có 2 ngày nghỉ cuối tuần trước tuần nghỉ Tết và có 2 ngày nghỉ sát Tết (ngày 29 và ngày 30). Đồng thời, người dân không có tâm lý tích trữ thực phẩm trong dịp Tết nữa, thay vào đó vào 10 ngày trước Tết người dân đã tập trung mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong Tết và tiếp tục kéo dài đến sát Tết.
Thế nhưng, do dịch Covid-19 đã xuất hiện trở lại vào 2 tuần trước Tết nên thị trường có phần trầm lắng hơn so với mọi năm, các buổi liên hoan tất niên, tổng kết dịp cuối năm bị hoãn, hoạt động của các nhà hàng, quán ăn đình trệ, nhu cầu mua sắm của người dân có phần giảm sút, nhất là tại các địa phương có dịch, phương thức mua hàng trực tuyến tiếp tục được ưa chuộng.