Tại châu Á, đặc biệt là hai trung tâm tài chính và bảo hiểm lớn Singapore và Hongkong (Trung Quố) - nơi có độ hấp dẫn rất cao đối với ngành bảo hiểm, xuất phát từ quy mô và tốc độ phát triển của tầng lớp trung lưu. Riêng đối với thị trường Việt Nam, tầng lớp trung lưu ước tính đến năm 2020 sẽ lên tới con số 33 triệu người, và đây là tốc độ tăng ước tính cao nhất Đông Nam Á. Với tỷ lệ tăng này, Việt Nam được coi là một trong những trung tâm của cơn lốc chuyển đổi từ Bảo hiểm truyền thống sang một mô hình hiện đại, thân thiện, tiếp cận gần gũi với khách hàng hơn: InsurTech.
Thời đại số, cuộc đua ứng dụng công nghệ đang nóng lên hơn bao giờ hết và những tên tuổi hàng đầu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã và đang nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, phát triển sản phẩm mới cũng như thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng... Điều này đã giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh và bước đầu đã gặp hái thành công.
Thay đổi để thích nghi
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh bảo hiểm sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản, tối ưu hóa quy trình phục vụ khách hàng từ xử lý thông tin, bán sản phẩm, công tác chi trả bồi thường…; đồng thời giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm nhanh chóng hơn, tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư chiều sâu vào công nghệ và có được những dòng sản phẩm phù hợp.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp cao độ giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số. Thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... cách mạng công nghiệp 4.0 đã chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số.
Điển hình như Bảo hiểm Bảo Việt – tên tuổi hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã tiên phong ứng dụng công nghệ và các giải pháp công nghệ mới 4.0 không chỉ trong khâu bán hàng, quản lý nghiệp vụ, quản lý bồi thường, kiểm soát dữ liệu khách hàng mà còn trong việc tương tác với khách hàng để mang lại cho khách hàng sự thuận tiện cao nhất.
Theo đó, Bảo hiểm Bảo Việt không chỉ cho ra mắt website bán hàng trực tuyến mà còn đẩy mạnh việc tương tác cùng khách hàng thông qua hợp tác với các đối tác ngân hàng, ô tô, công nghệ... Một trong những thành tựu công nghệ được Bảo hiểm Bảo Việt ứng dụng trong hoạt động kinh doanh là công nghệ AI.
Các quy trình và giao dịch được chuyển đổi qua công nghệ số, giúp việc tra cứu và truy cập thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian hơn cho khách hàng; thông tin dữ liệu được quản lý có hệ thống, tăng tính bảo mật và được dự phòng cẩn thận. Bảo hiểm Bảo Việt cũng là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng tích hợp quản lý giải pháp bảo hiểm với tên gọi Baoviet Direct.
Chỉ cần tải về điện thoại và đăng nhập vào ứng dụng Baoviet Direct, khách hàng sẽ có thể dễ dàng đặt mua bảo hiểm, quản lý quyền lợi hợp đồng bảo hiểm, khai báo và theo dõi yêu cầu bồi thường, tìm kiếm garage, bệnh viện/phòng khám gần nhất, đặt lịch khám bệnh/sửa chửa xe… Tất cả được thực hiện chỉ bằng vài cú chạm với thông tin đầy đủ, chính xác, hoạt động mọi lúc, mọi nơi… mang đến tiện ích tối đa cho khách hàng
Cùng với đó, Bảo hiểm Bảo Việt đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng trực tuyến; hợp tác mạnh mẽ cùng các đối tác công nghệ thông tin, trong đó có Ví MoMo - Công ty Fintech cung cấp giải pháp ví điện tử an toàn, giúp khách hàng chủ động lựa chọn và trực tiếp mua sản phẩm bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Việt và được trải nghiệm quy trình đặt mua, thanh toán trực tuyến khép kín, nhanh chóng, tiện lợi với các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn bảo mật quốc tế chỉ bằng một chạm trên di động. Đặc biệt, Bảo hiểm Bảo Việt cũng tiên phong đưa ứng dụng Facebook Workplace vào sử dụng trong môi trường lao động, đánh dấu một cuộc cách mạng về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc kết nối, trao đổi và xử lý công việc hàng ngày.
Một tên tuổi khác là Bảo hiểm PTI cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu được năng lực quản trị, điều hành và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tại PTI, các thông tin yêu cầu của khách hàng được ghi nhận, xử lý và đồng bộ hóa tức thì trên toàn bộ hệ thống thông qua phần mềm quản lý nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, để tạo sự thuận lợi tối đa cho khách hàng trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin cũng như lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp, PTI đã phát triển một loạt các cổng thông tin và web bán hàng trực tuyến, khách hàng có thể tự động tìm hiểu về sản phẩm và hoàn tất các thủ tục cần thiết trên internet một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Đại diện Bảo hiểm PVI cũng cho biết, bằng việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, Bảo hiểm PVI có thể cung cấp các tiện ích thông minh, tiện lợi, nhanh gọn cho khách hàng như: Hotline 24/7, giám định trực tuyến, bảo hiểm trực tuyến. Riêng với kênh bán bảo hiểm trực tuyến đã được cải tiến với nhiều tính năng mới trong đó áp dụng cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử và tái tục online bảo hiểm vật chất xe ô tô giúp khách hàng nắm quyền chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, lựa chọn loại sản phẩm và phương thức thực hiện phù hợp.
Thị trường tiếp tục tăng trưởng bền vững
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gia tăng lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn. Đại diện các DNBH cũng khẳng định, ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã giúp doanh nghiệp đứng vững và tiếp tục tăng trưởng.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân ước đạt 22.297 tỷ đồng, tăng 12,97%. Về thị phần, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc, với doanh thu ước đạt 4.647 tỷ đồng, tăng 28,09%, chiếm 20,84% thị phần.
Vị trí thứ 2 thuộc về Bảo hiểm PVI ước đạt 3.671 tỷ đồng, tăng 2,76%, chiếm 16,46% thị phần. PTI đứng ở vị trí thứ 3, đạt doanh thu 1.919 tỷ đồng, tăng 28,51%, chiếm 8,61% thị phần… Ngoài ra, có một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao so với cùng kỳ năm 2017 như Bảo hiểm VietinBank (607 tỷ đồng, tăng 57,15%); Bảo hiểm Hàng không (416 tỷ đồng, tăng 46,99%)...
Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ, hiện Bảo hiểm Bảo Việt tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới; đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối, đặc biệt là các kênh trực tuyến... Mới đây, doanh nghiệp này cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần hữu hạn bảo hiểm tài sản Nhân dân Trung Quốc (PICC P&C), Công ty Bảo hiểm Bangkok (Bangkok Insurance), nhằm mở ra tiến trình hợp tác phát triển bảo hiểm thương mại vượt biên giới nhằm tận dụng các ưu thế của nhau. Điều này cũng thể hiện rõ định hướng phát triển lâu dài, mở rộng để phát triển của Bảo hiểm Bảo Việt khi InsurTech đang là xu hướng mới và là tương lai của ngành bảo hiểm.
Được biết, trong chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2020 ứng dụng công nghệ thông tin được coi là một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường bảo hiểm. Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin sẽ phát triển trên nền tảng cơ sở dữ liệu hiện đại, có khả năng phát triển, mở rộng, cung cấp thông tin đủ, kịp thời, chính xác, điều này không chỉ giúp với cơ quan quản lý trong quản lý, giám sát mà còn giúp doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và giúp khách hàng tiếp cận, lựa chọn sản phẩm và trải nghiệm những tiện ích tốt nhất, hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường.