Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau.
EVFTA tác động mạnh mẽ tới thương mại đầu tư hai chiều
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU – ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai.
Thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn. Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới, dự kiến kim ngạch của ta tăng trung bình 4,36-7,27% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 10,63-15,4% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 16,41-21,66% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).
Về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường, khiến Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế.
Về xuất khẩu, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Các ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao gồm nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%); nhóm ngành chế biến chế tạo tăng: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%); nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%). Về nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Tuy nghiên cứu chưa tính được con số chính xác về FDI tăng thêm, uy nhiên, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.
Các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Về chất lượng đầu tư, với Hiệp định EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và các lĩnh vực thu hút đầu tư được mở rộng. Với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Mức độ ảnh hưởng các ngành khác nhau tùy theo độ mở thị trường và lợi thế cạnh tranh
Với ngành thủy sản, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều khó khăn cả ngắn và dài hạn (chủ động được nguồn nguyên liệu, con giống, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, giải quyết vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản) và hàng rào phi thuế quan khá cao từ EU là những thách thức rất lớn. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020-2030, trong khi nhập khẩu từ EU có thể tăng cao hơn (trong khoảng 2,8%-5%).
Ngành Dệt may được dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất vào thị trường EU với mức tăng khoảng 67%. Về sản lượng, nhìn chung Hiệp định EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. Bên cạnh đó, ngành da giày được dự báo sẽ tăng xuất khẩu ở mức 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Theo biểu thuế hiện hành của EU, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy tính điện tử (máy vi tính), sản phẩm điện tử (hàng tiêu dùng cuối cùng) hầu hết có thuế suất bằng 0%, hoặc thuế suất dưới 10% nên khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tác động không đáng kể tới xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy vậy, Hiệp định EVFTA cũng là động lực để thu hút FDI từ EU và các nước khác vào Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam tập trung vào phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.
Hiệp định EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở cả hai góc độ cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải và cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.
Việt Nam là nước nhập khẩu lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi đó EU là nước có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Việt Nam đối với mặt hàng này. Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu, v à có thể giảm ở các thị trường khác do tác động chuyển hướng thương mại. Do máy móc thiết bị của EU có công nghệ cao hơn một số thị trường truyền thống khác nên điều này có thể tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy tự do hóa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam. Tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp từ EU. Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.
Sức ép lành mạnh thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo đánh giá, Hiệp định cũng có thể mang lại một số thách thức nhất định. Thứ nhất, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp.
Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp được phép áp dụng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.
Thứ hai, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững, v.v. Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của ta. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng của ta. Mặc khác, công việc này cũng đã và đang được Chính phủ triển khai hết sức chủ động và khẩn trương. Ngay từ trước khi ký Hiệp định EVFTA, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát các quy định hiện hành trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phụ trách để từ đó đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung hoặc hình thức áp dụng phù hợp nhằm đảm bảo phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định EVFTA.