Bộ Công Thương vừa cập nhật tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và lượng hàng hòa còn tồn tại ở các cửa khẩu trong ngày 21/2/2020.
Cụ thể tại tỉnh Lạng Sơn đã xuất 219 xe; nhập 196 xe, toa; tồn 742 xe, toa. Trong đó: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã xuất 192 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, khẩu trang, hàng may mặc); nhập 175 xe (linh kiện điện thoại, nông sản: lê, hành, tỏi, nấm..., máy móc, nhôm, giấy...); tồn 325 xe nông sản (mít, thanh long, nhãn, ớt...), linh kiện điện tử.
Tại Cửa khẩu Cốc Nam không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, hiện còn tồn 10 xe hàng xuất (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm). Đã có 16 xe khẩu trang y tế xuất qua cửa khẩu Chi Ma, hiện còn tồn 3 xe hàng xuất khẩu (1 xe tái nhập thạch đen; 2 xe hạt tiêu).
Tại Cửa khẩu Ga Đồng Đăng đã nhập 18 toa (thép tấm, hồ điện cực, melamin); tồn 12 toa chờ làm thủ tục nhập khẩu (thép, melamin).
Giá trị xuất nhập khẩu tại Lào Cai tổng đạt 3,6 triệu USD, trong đó: Nhập khẩu đạt 410 nghìn USD (93 xe); xuất khẩu đạt: 3,2 triệu USD (124 xe). Hiện ở cửa khẩu quốc tế đường sắt còn tồn khoảng 200 xe chờ xuất.
Tại tỉnh Quảng Ninh, số lượng xe làm thủ tục thông quan là 38 xe (13 xe xuất, 25 xe nhập).
Tại tỉnh Hà Giang đã Xuất 04 xe ván gỗ qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (số lượng: 120 tấn).
Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh: Đến thời điểm hiện tại xuất khẩu 26 xe ( chủ yếu thanh long, dưa dấu), nhập khẩu 4 xe, tồn trên 30 xe ( thanh long, dưa hấu).
Thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid- 19 dự kiến có thể còn kéo dài, các lô hàng nông sản và trái cây của ta, mặc dù có thể đã được làm thủ tục thông quan xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới như Tân Thanh, Lạng Sơn, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước.
Trước tình hình đó, để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía Bắc, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện công văn số 1021/BCT-XNK ngày 18/2/2020 và các công văn, khuyến nghị trước đây của Bộ Công Thương.
Đồng thời để có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua các cửa khẩu biên giới, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, căn cứ theo từng loại hình xuất khẩu và khả năng nhận hàng của phía đối tác Trung Quốc để chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, hiện tại hàng hóa đưa về cửa khẩu chờ làm thủ tục phải đảm bảo có hợp đồng mua bán, tránh việc đưa hàng lên cửa khẩu với mục đích trao đổi cư dân biên giới. Tiếp tục liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.