Giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp giao thông đường bộ Việt Nam đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN lần thứ tư

ThS. ĐÀM KHẮC CỬ (Trường Đại học Công đoàn)

TÓM TẮT:

Việc hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước (QLNN) về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong doanh nghiệp giao thông đường bộ Việt Nam hiện đang là một trong những vấn đề bức thiết cần giải quyết. Bài viết phân tích thực trạng đồng thời đưa ra những giải pháp hoàn thiện mô hình QLNN về ATVSLĐ trong doanh nghiệp giao thông đường bộ Việt Nam  nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, an toàn, vệ sinh lao động, mô hình tổ chức, doanh nghiệp giao thông đường bộ.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong xu hướng chung đó, bộ máy QLNN về ATVSLĐ cũng dần được định hình và từng bước đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhất là từ khi Nhà nước ban hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, thì mô hình tổ chức bộ máy QLNN đã được thiết lập cơ bản, ổn định và nhất quán hơn.

Tuy nhiên, trong  doanh nghiệp (DN) giao thông đường bộ, mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ vẫn còn một số bất hợp lý như: Tổ chức bộ máy bảo đảm ATVSLĐ còn thiếu đồng bộ; sự phân chia chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ phận trong bộ máy bảo đảm ATVSLĐ còn chồng chéo, không rõ ràng, dễ gây tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, năng lực cán bộ quản lý còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì thế, hiện tượng một số DN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về ATVSLĐ  còn chưa được xử lý dứt điểm, nhiều DN thực hiện các quy định có tính chất đối phó với sự kiểm tra của cơ quan QLNN, … Những tồn tại nêu trên là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Thứ nhất, do sự xuống cấp và lạc hậu của thiết bị công nghệ và hạ tầng kỹ thuật của DN giao thông đường bộ Việt Nam.

Thứ hai, do trình độ, năng lực và ý thức của cán bộ phụ trách ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ Việt Nam còn bất cập.

Thứ ba, các cơ quan QLNN lúng túng trong thực thi trách nhiệm bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động trong DN giao thông đường bộ Việt Nam.

Thực tế cho thấy, nếu mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ Việt Nam hoạt động kém hiệu quả thì sẽ không thể giải quyết ngọn nguồn vấn đề đảm bảo ATVSLĐ trong DN. Kết quả là xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động gây chết người và thiệt hại lớn về tài sản.

2. Thực trạng mô hình tổ chức bộ máy

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động của Việt Nam (2015), Nhà nước Việt Nam cam kết thực thi các chính sách sau:

- Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong quá trình lao động; khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động.

- Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về ATVSLĐ; hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia phục vụ ATVSLĐ.

- Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức xây dựng, công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về ATVSLĐ trong quá trình lao động.

- Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

- Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.

Cùng với doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động, Nhà nước Việt Nam tham gia QLNN về ATVSLĐ theo các nội dung sau:

- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ; xây dựng, ban hành hoặc công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về ATVSLĐ theo thẩm quyền được phân công quản lý.

- Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về ATVSLĐ.

- Theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng chương trình, hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ.

- Quản lý tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ trong lĩnh vực ATVSLĐ.

- Tổ chức và tiến hành nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ATVSLĐ.

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATVSLĐ.

- Bồi dưỡng, huấn luyện về ATVSLĐ.

- Hợp tác quốc tế về ATVSLĐ.

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động của Việt Nam (2015), quy định pháp lý về mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ bao gồm các cơ quan QLNN và cơ chế phối hợp như sau:

* Chính phủ thống nhất QLNN về ATVSLĐ.

* Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất thực hiện QLNN về ATVSLĐ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ sau:

- Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, kế hoạch về ATVSLĐ, chương trình quốc gia về ATVSLĐ; lập hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ.

- Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này; chủ trì thực hiện công tác QLNN đối với hoạt động huấn luyện ATVSLĐ và hoạt động kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

- Xây dựng hoặc tham gia ý kiến theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ.

- Theo dõi, tổng hợp, thống kê, cung cấp thông tin về ATVSLĐ.

- Chủ trì tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ; phòng ngừa sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp.

- Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ; thực hiện, phối hợp điều tra TNLĐ, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ; kiến nghị với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra, xử lý TNLĐ có dấu hiệu tội phạm.

- Hợp tác quốc tế về ATVSLĐ.

* Trách nhiệm QLNN về ATVSLĐ của Bộ trưởng Bộ Y tế:

- Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc môi trường lao động; đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc; quản lý, tổ chức quan trắc môi trường lao động.

- Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ đối với các yếu tố vệ sinh lao động trong môi trường lao động; tham gia ý kiến về nội dung vệ sinh lao động.

- Hướng dẫn thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

- Hướng dẫn việc khám sức khỏe người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định mức suy giảm khả năng lao động, điều trị, phục hồi chức năng đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, quản lý hồ sơ sức khỏe lao động.

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng nội dung huấn luyện về vệ sinh lao động; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ sinh lao động.

- Xây dựng, ban hành và định kỳ rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp; tổ chức giám định bệnh nghề nghiệp; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sức khỏe cho từng loại nghề, công việc sau khi có ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.

- Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin về công tác vệ sinh lao động; thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng tiêu chí đánh giá cho Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ trong lĩnh vực quản lý.

* Trách nhiệm QLNN về ATVSLĐ của Ủy ban nhân dân các cấp

- Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

- Chịu trách nhiệm quản lý ATVSLĐ tại địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại địa phương.

- Hàng năm, báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật ATVSLĐ tại địa phương với Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, bố trí nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ tại địa phương.

* Trách nhiệm xây dựng, công bố các tiêu chuẩn quốc gia về ATVSLD và xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ

- Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về ATVSLĐ và công bố tiêu chuẩn quốc gia về ATVSLĐ.                                              - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tổ chức lập kế hoạch xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ.

- Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về ATVSLĐ và xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ trong phạm vi quản lý được Chính phủ phân công sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trường hợp không thống nhất ý kiến, cơ quan chủ trì xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Việc thẩm định tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ thuộc thẩm quyền quản lý; có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân công trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới hoặc liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ.

- Bộ Y tế xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về ATVSLĐ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ thuộc thẩm quyền quản lý; có ý kiến thống nhất về nội dung vệ sinh lao động trong quá trình các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ.

* Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ, Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh

Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ là tổ chức tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, bao gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, các bộ, ngành có liên quan và một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực ATVSLĐ.

* Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động

Thanh tra ATVSLĐ là thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan thực hiện QLNN về lao động cấp trung ương và cấp tỉnh. Việc thanh tra ATVSLĐ trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân do các cơ quan QLNN về lĩnh vực đó thực hiện với sự phối hợp của thanh tra ATVSLĐ.

* Cơ chế phối hợp về ATVSLĐ được thực hiện như sau:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nội dung phối hợp trong phạm vi trách nhiệm của mình;

- Cơ quan QLNN về ATVSLĐ các cấp phối hợp với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác trong công tác ATVSLĐ theo lĩnh vực có liên quan.

Trên cơ sở các nội dung sau: Xây dựng chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ; Xây dựng chương trình, hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ; Điều tra TNLĐ; sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ; chính sách, chế độ đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, thống kê, báo cáo về ATVSLĐ; kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ và xử lý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ; Khen thưởng về ATVSLĐ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về ATVSLĐ.

Phương hướng hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ trong thời gian tới ưu tiên các nội dung sau:

- Thiết lập đồng bộ các bộ phận trong mô hình tổ chức, bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong cả nước, trong đó có bộ máy thuộc ngành giao thông đường bộ.

- Bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các văn bản pháp luật quy định về tổ chức, bộ máy QLNN về ATVSLĐ nói chung, trong ngành giao thông đường bộ nói riêng, đảm bảo phù hợp với các công ước, khuyến nghị và hội nhập quốc tế.

- Xây dựng hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ như chủ trương, đường lối của Đảng về công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các chính sách, tiêu chuẩn quy phạm; hệ thống thông tin, báo cáo; các dịch vụ, nguồn nhân lực trong công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm mục đích cung cấp những thông tin cơ bản liên quan đến ATVSLĐ trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở cấp quốc gia.

- Nâng cao trình độ, năng lực ý thức cán bộ QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ Việt Nam.

- Hoàn thiện về cơ bản mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ Việt Nam về các phương diện: thành lập đủ các bộ phận quản lý ATVSLĐ ở các cơ quan nhà nước liên quan; xây dựng cơ chế vận hành đồng bộ, nhất là quy chế phối hợp giữa các bộ phận.

- Đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức nhà nước có đủ năng lực và đạo đức đảm đương các vị trí làm việc trong mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ Việt Nam.

3. Các nhóm giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy

Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ đối với DN giao thông đường bộ Việt Nam.

Ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động ở tất cả các cơ quan QLNN về ATVSLĐ đối với DN giao thông đường bộ Việt Nam để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý ATVSLĐ trong toàn hệ thống, đặc biệt là các quy định về đối tượng, phạm vi và nội dung QLNN về ATVSLĐ. Coi trọng và ưu tiên các giải pháp kỹ thuật giúp các cơ quan QLNN về ATVSLĐ có thể hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các biện pháp của DN trong phòng ngừa tai nạn lao động, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong các DN giao thông đường bộ, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Nhà nước cần quy định về vốn pháp định đặc thù cho DN giao thông đường bộ, đảm bảo cho việc đầu tư đồng bộ, đủ các nguồn lực cho giao thông đường bộ; tạo điều kiện cho DN huy động được các nguồn vốn trong và ngoài nước để hiện đại hóa công nghệ trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đồng thời tranh thủ tối đa vốn đầu tư trong nước của các thành phần kinh tế, kết hợp với huy động vốn đầu tư từ nước ngoài trong hoạt động kinh doanh, khai thác cơ sở vật chất kĩ thuật giao thông đường bộ. Hỗ trợ kịp thời để các DN vay ưu đãi đầu tư vào các hoạt động kinh doanh, khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật giao thông đường bộ theo trọng tâm, trọng điểm để thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư. Nhà nước cần hỗ trợ các DN giao thông đường bộ đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng công nghệ cao, an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện môi trường lao động, giảm tai nạn lao động và các bệnh liên quan nghề nghiệp trong DN giao thông đường bộ.

Đổi mới phương thức QLNN về ATVSLĐ theo hướng kiểm soát các yếu tố có nguy cơ, việc quản lý dựa trên tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Chuyển đổi các quy phạm an toàn, tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn thành các quy chuẩn kỹ thuật an toàn và nghiên cứu ban hành các quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong DN giao thông đường bộ, quy chuẩn an toàn quản lý và vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, quy chuẩn về các loại phương tiện bảo vệ cá nhân trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Căn cứ vào hệ thống quy chuẩn các cơ quan quản lý ban hành các quy trình kiểm tra, kiểm định máy móc, thiết bị; các DN ban hành nội quy vận hành chi tiết; các cơ quan thanh tra có căn cứ để thanh tra và xử lý các vi phạm; người lao động có điều kiện được học tập các biện pháp làm việc an toàn và đảm bảo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn.

Nhóm giải pháp về tổ chức, thực hiện nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ Việt Nam.

- Tăng cường chỉ đạo cán bộ lãnh đạo trong DN giao thông đường bộ; gắn kết trách nhiệm của người đứng đầu các DN này với các cơ quan, tổ chức, cơ sở lao động trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong việc thực hiện chính sách, qui định pháp luật về ATVSLĐ. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, các tổ chức thanh niên trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ quản lý và người lao động. Công đoàn tích cực tham gia xây dựng văn bản pháp luật, giám sát, tham gia các đoàn kiểm tra, điều tra tai nạn lao động trong DN giao thông đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả QLNN về ATVSLĐ.

- Thành lập thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ. Xây dựng các chế tài đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa tai nạn lao động tại DN giao thông đường bộ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng thanh tra của DN với lực lượng thanh tra của các cấp bộ, ngành giao thông đường bộ. Đổi mới phương pháp thanh, kiểm tra theo hướng thiết thực hiệu quả thông qua việc lấy công tác tự kiểm tra là chính; Tự kiểm tra theo bảng kiểm định để phát hiện sai phạm của đơn vị mình nhờ đó có biện pháp kịp thời khắc phục; Thanh tra có trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nóng, nơi có nguy cơ và xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất; Thanh tra thí điểm nhưng xử lý nghiêm khắc để tăng cường tính răn đe; Công bố những sai phạm về đơn vị quản lý và trên các phương tiện thông tin đại chúng;…

- Cung cấp nguồn ngân sách cho hoạt động QLNN về ATVSLĐ: Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý cần đảm bảo cung cấp đủ ngân sách cho hoạt động quản lý ATVSLĐ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về ATVSLĐ; cải tiến công tác nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp.

- Xây dựng cơ chế quỹ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để giảm bớt khó khăn cho DN giao thông đường bộ sử dụng lao động hay bị xảy ra tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, đồng thời có cơ chế đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Khuyến khích DN giao thông đường bộ đầu tư cải thiện điều kiện bằng cách giảm mức tham gia bảo hiểm.

Nhóm giải pháp về nâng cao trình độ, năng lực và ý thức cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ Việt Nam.

- Thiết lập đủ các cơ quan, bộ phận QLNN về ATVSLĐ theo luật định. Từng bước xây dựng mô hình mẫu QLNN về ATVSLĐ cho DN giao thông đường bộ. Vận dụng mô hình đó, mỗi DN sẽ thiết kế bộ máy đảm bảo ATVSLĐ phù hợp với đặc điểm của mình, đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phát huy được sức mạnh tập thể của toàn DN đối với công tác ATVSLĐ.

+ Thể hiện rõ trách nhiệm chính và trách nhiệm phối hợp của các bộ phận phòng, ban, cá nhân đối với từng nội dung QLNN về ATVSLĐ, phù hợp với chức năng của mình.

+ Bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và có hiệu quả của giám đốc trong công tác đảm bảo ATVSLĐ và phù hợp với quy định của pháp luật. Quy định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, phòng, ban.

Thứ nhất, đối với Hội đồng bảo hộ lao động trong DN giao thông đường bộ:

+ Chủ tịch Hội đồng bảo hộ lao động trong DN giao thông đường bộ - người đại diện có thẩm quyền của người sử dụng lao động (Phó Giám đốc kỹ thuật).

+ Phó chủ tịch Hội đồng bảo hộ lao động - đại diện của Công đoàn DN (Chủ tịch hoặc phó chủ tịch Công đoàn).

+ Ủy viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng (Trưởng bộ phận ATVSLĐ hoặc cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp).

 Ngoài ra, đối với các  DN lớn, công nghệ phức tạp, có nhiều vấn đề về ATVSLĐ có thể có thêm các thành viên đại diện phòng kỹ thuật, y tế, tổ chức,… Những đối tượng nêu trên sẽ tham gia ý kiến và tư vấn với người sử dụng lao động về những vấn đề ATVSLĐ trong DN; Phối hợp với các bộ phận có liên quan trong việc xây dựng các văn bản về quy chế quản lý, chương trình, kế hoạch ATVSLĐ của DN; định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ ở các phân xưởng sản xuất và yêu cầu người quản lý sản xuất thực hiện các biện pháp loại trừ các nguy cơ mất an toàn trong sản xuất, kinh doanh và khai thác giao thông đường bộ.

Thứ hai, đối với những người thực hiện quản lý công tác bảo hộ lao động trong khối trực tiếp sản xuất trong DN giao thông đường bộ:

+ Quản đốc phân xưởng hoặc chức vụ tương đương: Quản đốc phân xưởng là người chịu trách nhiệm trước giám đốc về công tác bảo đảm ATVSLĐ tại phân xưởng. Đối tượng này cần tổ chức huấn luyện, kèm cặp, hướng dẫn đối với lao động mới tuyển dụng hoặc mới chuyển đến làm việc tại phân xưởng về ATVSLĐ khi giao việc cho họ; Bố trí người lao động làm việc đúng nghề được đào tạo, đã được huấn luyện và đã qua sát hạch kiến thức ATVSLĐ đạt yêu cầu; Thực hiện và kiểm tra đôn đốc các tổ trưởng Tổ sản xuất và mọi người thực hiện tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình, biện pháp làm việc an toàn và các quy định về ATVSLĐ; Tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung kế hoạch ATVSLĐ, xử lý kịp thời các thiếu sót được phát hiện qua kiểm tra, qua các kiến nghị của các tổ sản xuất, các đoàn thanh tra, kiểm tra có liên quan đến trách nhiệm của phân xưởng và báo cáo với cấp trên những vấn đề ngoài khả năng giải quyết của phân xưởng.

Thứ ba, các phòng, ban trong DN giao thông đường bộ: Nói chung các phòng, ban đều phải được giao nhiệm vụ, công tác ATVSLĐ của DN:

+ Phòng Kỹ thuật nghiên cứu cải tiến trang thiết bị, hợp lý hóa sản xuất và các biện pháp về kỹ thuật an toàn, kỹ thuật vệ sinh để đưa vào kế hoạch ATVSLĐ và hướng dẫn giám sát việc thực hiện các biện pháp này; biên soạn, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy trình, các biện pháp làm việc an toàn đối với các máy móc, thiết bị, hóa chất và từng công việc, các phương án ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố, biên soạn tài liệu giảng dạy về ATVSLĐ và phối hợp với bộ phận bảo hộ lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động; Tham gia kiểm tra định kỳ về ATVSLĐ và tham gia điều tra tai nạn lao động; Phối hợp với bộ phận bảo hộ lao động theo dõi việc quản lý, đăng ký, kiểm định và xin cấp giấy phép sử dụng các máy móc, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và chế độ thử nghiệm đối với các loại thiết bị an toàn, trang bị bảo vệ cá nhân theo quy định; Thực hiện khai báo, điều tra tai nạn lao động xảy ra trong phân xưởng theo quy định của Nhà nước và phân cấp của DN; Phối hợp với Chủ tịch Công đoàn bộ phận định kỳ tổ chức kiểm tra về ATVSLĐ ở bộ phận, tạo điều kiện để mạng lưới an toàn, vệ sinh viên của phân xưởng, DN hoạt động có hiệu quả.

+ Phòng Kế hoạch: Tổng hợp các yêu cầu về nguyên vật liệu, nhân lực và kinh phí trong kế hoạch ATVSLĐ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN và tổ chức thực hiện; Cùng với bộ phận bảo hộ lao động theo dõi, đôn đốc và đánh giá việc thực hiện các nội dung công việc đã đề ra trong kế hoạch bảo hộ lao động đảm bảo cho kế hoạch được thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ.

+ Phòng Tổ chức: Phối hợp với các phân xưởng và các bộ phận có liên quan tổ chức và huấn luyện lực lượng phòng chống tai nạn, sự cố trong sản xuất phù hợp với đặc điểm của DN giao thông đường bộ; Phối hợp với bộ phận bảo hộ lao động và các phân xưởng sản xuất tổ chức thực hiện các chế độ ATVSLĐ, đào tạo, nâng cao tay nghề kết hợp với huấn luyện về ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, bồi dưỡng hiện vật, bồi thường TNLĐ, bảo hiểm xã hội,… Bảo đảm việc cung cấp đầy đủ, kịp thời nhân công để thực hiện tốt các nội dung, biện pháp đề ra trong kế hoạch bảo đảm ATVSLĐ.

+ Phòng Tài vụ: Tham gia việc lập kế hoạch bảo hộ lao động; tổng hợp và cung cấp kinh phí thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động đầy đủ, đúng thời hạn.

+ Phòng Vật tư: Mua sắm, bảo quản và cấp phát đầy đủ, kịp thời những vật liệu, dụng cụ, trang bị, phương tiện bảo hộ lao động, phương tiện khắc phục sự cố sản xuất có chất lượng theo đúng kế hoạch.

+ Phòng Bảo vệ: Phòng bảo vệ ngoài chức năng tham gia công tác bảo hộ lao động trong DN giao thông đường bộ, có thể được giao nhiệm vụ tổ chức và quản lý lực lượng chữa cháy của DN nên nhiệm vụ của phòng bảo vệ là: Tổ chức lực lượng chữa cháy với số lượng và chất lượng đảm bảo; Trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy; Huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho lực lượng phòng cháy chữa cháy; Phối hợp với công an phòng chống chữa cháy ở địa phương xây dựng các tình huống cháy và phương án chữa cháy của DN.

- Xây dựng và triển khai các mô hình QLNN về ATVSLĐ trong các DN giao thông đường bộ. Đảm bảo mỗi DN phải có người có chuyên môn phù hợp hoặc được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về ATVSLĐ. Tại các DN giao thông đường bộ có quy mô từ 300 lao động trở lên phải biên chế người làm công tác ATVSLĐ chuyên trách phù hợp với số lượng lao động và mức độ nguy cơ TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp.

- Áp dụng quy trình đánh giá rủi ro trong mô hình quản lý ATVSLĐ ở DN giao thông đường bộ. Việc đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ được thực hiện trên cơ sở kết hợp 2  phương pháp: Đánh giá định tính và đánh giá định lượng. Đánh giá định tính là phương pháp tiếp cận nhằm mô tả và phân tích đặc điểm điều kiện lao động của các nghề, công việc, quy trình sản xuất để nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo cảm quan của con người. Đánh giá định lượng: là phương pháp chấm điểm đánh giá trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường lao động, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Thời điểm đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ do người sử dụng lao động quyết định nhưng phải đảm bảo đánh giá tổng thể ít nhất một lần trong 3 năm. Đồng thời, trong quá trình triển khai phải thường xuyên rà soát, cập nhật khi có những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phát sinh mới do thay đổi về nguyên vật liệu đến công nghệ, tổ chức sản xuất hoặc khi có tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tỉ lệ các rủi ro về tai nạn lao động là khá cao, do đó phương pháp này là vô cùng cần thiết đối cho công tác quản lý ATVSLĐ.

Đổi mới mô hình QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ từ các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, người sử dụng lao động, người lao động kết hợp song song cùng với các giải pháp về chính sách, quy hoạch và luật pháp của Nhà nước. Mặc dù việc đổi mới hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ còn phải thực hiện trong nhiều năm tới đây, nhưng ngay từ bây giờ, việc đổi mới hoạt động của các cơ quan QLNN cũng có thể khiến các DN giao thông đường bộ và người lao động cải thiện chất lượng bảo đảm ATVSLĐ.

Trong những năm tới, khi kinh tế, thu nhập của dân cư, của DN tăng lên, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong DN giao thông đường bộ cần phải đẩy nhanh hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để đạt được mục đích đó cần cần có sự chung tay, chung sức của toàn Đảng, Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và DN cũng như của mỗi người lao động, của nhân dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Hữu Dũng (2009), Một số phương thức và mô hình hoạt động có hiệu quả trong thực hiện xã hội hóa an toàn, vệ sinh lao động, Tạp chí Lao động và Xã hội, 366, 21-23.
  2. Đỗ Văn Hàm (2007), Sức khỏe nghề nghiệp, NXB Y học, Hà Nội.
  3. Lê Bạch Hồng (2007), Tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở ngoài quốc doanh, Tạp chí Lao động và Xã hội, 305, 23-25.
  4. Đoàn Minh Hòa (2005), Cần có một chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, Tạp chí Lao động và Xã hội, 254, 29-31.
  5. Đoàn Minh Hòa (2007), Thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Tạp chí Lao động và Xã hội, 323, 15-17.
  6. Nguyễn Thắng Lợi (2013), Nghiên cứu và áp dụng thử mô hình quản lý rủi ro trong sản xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động ở các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật bảo hộ lao động, Hà Nội.
  7. Nguyễn An Lương, Lê Vân Trình và Phạm Quốc Quân (2004), Nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động trong quá trình hội nhập, Đề tài khoa học cấp Nhà nước.
  8. Hà Tất Thắng (2015), Quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong các DN khai thác đá xây dựng ở Việt Nam, luận án tiến sĩ, chuyên ngành Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  9. Nguyễn Thanh Sơn, Đoàn Việt Dũng (2015), Quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong DN hướng tới cải thiện điều kiện lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Tạp chí Lao động và Xã hội, (354), tr12-13.
  10. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2016), Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, NXB Lao động. Hà Nội.
  11. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2016). Hồ sơ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2010-2015. < http://antoanlaodong.gov.vn/catld/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=1964>
  12. Cục An toàn lao động (2012), Chiến lược an toàn vệ sinh lao động ở Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn 2020.
  13. Barbaga A.plog (2012), Fundamentals of Industrial Hygiene, 6th Edition, National Safty Council Publisher.
  14. BSI. (2004). Occupational Safety and Health Management Systems – Guide. London: British Standard Institution.
  15. Canadian Standards Association. (2006). CAN/CSA - Z1000 - 06 Occupational Health and Safety Management. Ontario, Canada: Canadian Standards Association.
  16. Helen lingard và Stephen M. Rowlinson. (2005). Occupational Health and safety in Construction Project Management. In: Taylor & Francis.
  17. Gallagher C., Underhill E., Rimmer M. (2001). Occupational Health and Safety Management Systems: A Review of their effectiveness in securing health and safe workplaces. Sydney: NOHSC, Commonwealth of Australia.
  18. ILO (2003), Guidelines on Occupational Safety and Health Management Systems (ILO-OSH 2001), Thirteenth Session of the Joint ILO/WHO Commitee on Occupationa Health, Working Document, ILO Office, Geneva.
  19. Kazutaka Kogi (2001), Annex: Summary of country papers on Occupational Safety and Health Management Systems Programmes in Asia and the Pacific, The ILO/Japan Asia - Pacific Regional Seminar on Occupational D|Safety and Health Management Systems , Kuala Lumpur, Malaysia 22 -24 May, 2001.
  20. Management Systems - Guidelines for the Implementation of OHSAS 18001:2007, British Standard Institution.
  21. Palassis J. et al. (2006). A new American management Systems Standard in Occupational Safety and Health - ANSI Z10. Journal of Chemical Health & Safety, 13(1):20-23.
  22. Roger L. Brauer. (2006). Safety and health for Engineers, Edition 2th. In: John Wiley & sons, Inc., Publication.
  23. Viện tiêu chuẩn Anh (2007), Tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007, Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe.

 

SOLUTIONS FOR PERFECTING THE STATE MANAGEMENT

ORGANIZATIONAL MODEL OF OCCUPATIONAL SAFETY

AND SANITATION IN LAND TRANSPORT ENTERPRISES

IN VIETNAM TO MEET THE REQUIREMENTS OF INDUSTRY 4.0

Master. DAM KHAC CU

Vietnam Trade Union University

ABSTRACT:

Perfecting the state management organizational model of occupational safety and sanitation in land transport enterprises in Vietnam is one of urgent issues. This paper analyzes the current situation of this issue and proposes solutions to perfect the state management organizational model of occupational safety and sanitation in land transport enterprises in order to meet the requirements of Industry 4.0.

Keywords: State management, occupational safety and sanitation, organizational model, land transport enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 23, tháng 9 năm 2020]