Giải pháp đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế

ThS. NGUYỄN THỊ MINH HUYỀN (Khoa Quốc tế - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng và đã đem lại những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ngoài việc giúp Việt Nam tiếp thu được khoa học - công nghệ mới và kỹ năng quản lý tiên tiến, quá trình hội nhập còn góp phần đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cả về chuyên môn lẫn quản lý. Tuy nhiên, hội nhập cũng đồng thời đặt giáo dục - đào tạo của Việt Nam trước áp lực không ngừng nâng cao chất lượng để xây dựng nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao.

Bài viết phân tích vai trò của đào tạo nguồn nhân lực, từ đó đề xuất những định hướng mang tầm chiến lược liên quan đến nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ khóa: Đào tạo, năng lực, nguồn nhân lực, hội nhập kinh tế quốc tế.

 1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là chìa khóa quan trọng để Việt Nam cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam còn khá hạn chế cả về quy mô và chất lượng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có các giải pháp toàn diện và đồng bộ từ vấn đề tuyển dụng, sử dụng đến năng lực quản lý. Đặc biệt, cần coi đào tạo nguồn nhân lực hợp lý và hiệu quả là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực. Nói cách khác, việc đào tạo lực lượng lao động (LLLĐ) có năng lực thực sự cần được chú trọng.

 2. Khái niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhân lực chất lượng cao là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của sự phát triển. Xét trong quá trình sản xuất, con người không chỉ là một yếu tố cấu thành, mà còn là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác. Thực tế cho thấy, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học - công nghệ đều hữu hạn, chỉ có thể phát huy tác dụng khi kết hợp hiệu quả với nguồn nhân lực. Trong khi đó, nguồn nhân lực có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý. Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen phức tạp. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở thành phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Việt Nam đã và đang chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và trình độ khoa học - công nghệ cao. Đây là những điều kiện cần thiết để hội nhập, cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, cũng như khẳng định vị thế của tri thức và trí tuệ Việt Nam trong sân chơi toàn cầu.

3. Xây dựng nguồn lao động với kĩ năng nghề nghiệp vững chắc

Theo số liệu thống kê gần đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, quy mô lao động qua đào tạo tại Việt Nam hiện còn quá nhỏ so với yêu cầu của nền kinh tế, của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước [1]. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ còn rất thấp. Còn nhiều bất hợp lý trong cơ cấu theo trình độ các cấp. Cơ cấu lao động qua đào tạo phân bổ không đồng đều, tập trung cục bộ ở một số ngành dịch vụ, thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động ở các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ. Thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm. Thực tế, lực lượng lao động Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng, kỹ thuật phù hợp và kỹ năng làm việc cốt lõi. Sự phát triển của đội ngũ công nhân lành nghề còn chậm, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế, một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.

Để có lực lượng lao động với kỹ năng cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, Việt Nam cần có hệ thống giáo dục và đào tạo nghề vận hành hiệu quả hơn và các hệ thống giáo dục cao hơn. Việt Nam sẽ cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để hiện đại hóa - công nghiệp hóa, cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này đòi hỏi cần phải có một thị trường lao động được hiện đại hóa. Một thị trường lao động cho phép học tập suốt đời và mọi người, dù xuất thân từ gia đình với mức thu nhập nào đi chăng nữa, đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục - đào tạo nghề và giáo dục đại học. Đó là một thị trường lao động với cơ chế bảo trợ xã hội toàn dân và có những thiết chế thị trường lao động được điều chỉnh theo những thay đổi của bản thân thị trường đó. Đây cũng là hướng đi cần thiết để tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân.

4. Đầu tư hiệu quả vào hệ thống trường chất lượng cao

Công tác quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao, nghề trọng điểm ở Việt Nam cần được thực hiện kịp thời làm cơ sở cho việc chuẩn bị, tổ chức đào tạo nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được nâng cao, kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ở các trường nghề được nâng lên, nhất là ở các chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chính là nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo nói chung và đào tạo nhân lực tay nghề cao nói riêng còn thấp.

Hàng năm, việc hỗ trợ đầu tư cho các trường còn dàn trải, chưa tập trung cho các cơ sở có khả năng sớm đạt các tiêu chí trường chất lượng cao, chưa có quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân lực có tay nghề cao sát với thị trường lao động. Các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa hoàn thiện. Bản thân các trường thực hiện việc triển khai tự chủ chưa đồng bộ và mạnh mẽ. Để nâng cao chất lượng đào tạo nói chung cũng như các trường nghề chất lượng cao hoạt động hiệu quả, các Hội đồng kỹ năng ngành, nghề cần được thành lập để làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Để giảm bớt thực trạng thất nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, việc thành lập các hội đồng kỹ năng nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, các Bộ, ngành, các doanh nghiệp là một nhu cầu thực tế. Đồng thời, đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, bảo đảm liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo, giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo cho nhà trường. Đồng thời, cần sớm ban hành tiêu chí chất lượng cao và đánh giá trường chất lượng cao. Trước bối cảnh thống nhất hệ thống giáo dục - đào tạo, để tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam cần có những trường nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế, những trường trọng điểm đặt ở các vùng kinh tế lớn của đất nước. Phải chọn ra được những trường chất lượng cao để đầu tư trọng điểm, đầu tư đồng bộ để các trường trở thành mũi nhọn, tạo thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, trung tâm đào tạo ra các giảng viên. Bên cạnh đó, vẫn đầu tư nâng cao chất lượng cho cơ sở giáo dục - đào tạo, kêu gọi xã hội hóa để mọi người dân đều có thể tiếp cận được.

Trong thời gian tới, để các trường nghề chất lượng cao hoạt động hiệu quả, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) cần có chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong việc tự chủ của các trường. Càng trường chất lượng cao càng phải đẩy mạnh tự chủ toàn diện đi đôi với trách nhiệm giải trình. Xây dựng cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ minh bạch, hiệu quả, một mặt để thực hiện chủ trương đổi mới trong việc cấp phát ngân sách, giám sát chất lượng theo đầu ra, mặt khác thúc đẩy quá trình tự chủ của các trường. Tiếp tục đầu tư đồng bộ để phát triển trường nghề, đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư trường chất lượng cao và nghề trọng điểm.

5. Tiếp cận đào tạo mô hình giáo dục quốc tế

Trường chất lượng cao cần phải đào tạo chuẩn chất lượng cao. Đây cũng chính là nhiệm vụ được đặt ra yêu cầu các nhà trường phải đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, tổ chức đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia và nghề trọng điểm quốc tế. Ðây cũng là chủ trương và định hướng phát triển giáo dục đào tạo tiệm cận với đào tạo nghề quốc tế của Bộ LÐ-TB và XH, giúp định hướng tốt về nguồn nhân lực tương lai cũng như tiệm cận với tiêu chuẩn đào tạo nghề của thế giới.

Theo đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012-2015", hiện nay các trường đã tiếp nhận chuyển giao đồng bộ hơn 30 bộ chương trình của hơn 30 nghề trọng điểm quốc tế [2]. Ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận, người học sau khi tốt nghiệp có năng lực tiếng Anh thấp nhất là đạt trình độ B1 theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế hoặc có thể học liên thông lên trình độ cao hơn ở các quốc gia tiên tiến.

Bộ LÐ-TB và XH sẽ là đơn vị đánh giá và nhân rộng cho toàn bộ hệ thống. Khi đó, Việt Nam cũng đã có được những chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo; công nghệ đào tạo, danh mục thiết bị, nội dung, cách thức kiểm tra, đánh giá, cấp văn bằng quốc tế và những cơ sở đào tạo có đủ năng lực về quản trị, bảo đảm chất lượng và đội ngũ nhà giáo. Điều này nhằm triển khai các chương trình được quốc tế công nhận, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và cơ hội việc làm cho sinh viên trên thị trường lao động nước ngoài.

Việc học chương trình đào tạo quốc tế một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng Anh và thực tập tại các tổ chức, tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp sinh viên thuận lợi trong việc tiếp xúc thực tế công việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước sau này. Ðây là cách chuyển giao tri thức toàn diện, theo đó không chỉ chuyển giao giáo trình đào tạo, bộ chương trình còn chuyển giao hệ thống đánh giá về tiêu chí đánh giá người học, bài kiểm tra lý thuyết, thực hành hay bài viết báo cáo. Ðể nhận chuyển giao chương trình đào tạo cấp độ quốc tế, trường thực hiện đào tạo thí điểm sẽ phải đáp ứng đủ năng lực giáo viên và cơ sở vật chất đạt yêu cầu chương trình đào tạo mà các nước đó đặt ra. Chương trình đào tạo cần chú trọng việc đào tạo lý thuyết song song với thực hành, hướng dẫn cụ thể cách tổ chức thực hành cho giáo viên và sinh viên tại nhà trường, tại xưởng sản xuất, tại điểm thực tế và tại các doanh nghiệp.

6. Kết luận

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục - đào tạo trong nước là giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Phải đổi mới đồng bộ cả về chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra; vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục - đào tạo theo tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.

Việt Nam không chỉ coi giáo dục là quốc sách hàng đầu mà còn nhấn mạnh ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, Việt Nam cần có hướng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.

Thực tế, hướng đào tạo này phải được xem xét trên cả hai phương diện: Cơ sở đào tạo cần có sự nghiên cứu hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội trong việc biên soạn chương trình giảng dạy để tiến hành đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu xã hội. Đồng thời, cơ sở đào tạo cần lắng nghe, tiếp nhận sự đánh giá, góp ý từ các cơ sở sử dụng lao động cả về việc xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo và chất lượng của nguồn nhân lực do cơ sở đào tạo cung cấp. Từ đó, bổ sung, điều chỉnh kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ cho sinh viên sau đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất công việc. Thông qua các hình thức liên kết giữa nhà trường với các cơ sở, doanh nghiệp để chương trình đào tạo luôn được điều chỉnh, cập nhật, hiện đại hơn, giúp thích ứng hơn với trình độ công nghệ mới và yêu cầu toàn cầu hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thu Thuỷ (2017). Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường. Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Quốc gia.
  2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2012). Chuyển giao các Bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012-2015. Đề án Quốc gia.

 

SOLUTIONS FOR IMPROVING THE QUALITY OF HUMAN RESOURCES IN THE CONTEXT OF THE COUNTRY’S INTERNATIONAL INTEGRATION PROCESS

MA. NGUYEN THI MINH HUYEN

                         International School, Vietnam National University – Hanoi

ABSTRACT:

Vietnam has integrated more deeply and widely into the world and has gain great achivements in all fields. In the field of education and training, the strong integration process not only has help Vietnam acquire the latest scientific and technical knowledge and advanced management skills but also contributes to training the country’s human resources. However, the integration process also puts Vietnam’s education and training sector under a great pressure to constantly improve the quality of training to build highly competitive human resources. This paper analyzes the role of human resource training, thereby proposing strategic guidelines for improving the quality of human resources to meet requirements of the country’s international integration process.

Keywords: Training, competency, human resources, international economic integration.