Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang

ThS. NGUYỄN THANH NHÀN (Văn phòng HĐND - UBND Thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang)

TÓM TẮT:

Bài báo phân tích thực trạng hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2008 - 2018, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục một số khó khăn, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Kiên Giang với các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước.

Từ khóa: Xuất khẩu, năng lực cạnh tranh, khai thác và nuôi trồng thủy sản, tỉnh Kiên Giang.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị trí của mình với quốc tế. Các mặt hàng của Việt Nam đã từng bước tiếp cận thị trường nước trong khu vực và trên thế giới, đem lại kim ngạch xuất khẩu (KNXK) khá lớn cho nước ta. Vì vậy, xuất khẩu (XK) trở thành vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển. Kiên Giang là một tỉnh lớn nhất khu vực miền Tây Nam Bộ, vùng trọng điểm kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long, có vùng biển rộng tới 63.000km2 với trên 140 hòn đảo lớn, nhỏ, là thị trường vô cùng tiềm năng thích hợp cho việc XK thủy sản.

Tuy nhiên, thực trạng XK của Kiên Giang trong những năm qua vẫn gặp không ít khó khăn như XK bị giảm, các mặt hàng bị phá giá, các doanh nghiệp (DN) không kí được hợp đồng XK. Vì vậy, việc phân tích, đánh giá toàn bộ kết quả hoạt động XK của tỉnh Kiên Giang để đưa ra giải pháp nhằm có thể khai thác được hết những tiềm năng XK của DN tỉnh Kiên Giang là việc làm hết sức cần thiết.

2. Cơ sở lí luận về xuất khẩu

Theo Luật Thương mại 2005, hoạt động XK được nêu cụ thể tại Điều 28, khoản 1 như sau: "XK hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật". Như vậy, XK là hoạt động buôn bán diễn ra trên phạm vi ngoài quốc gia. Việc thanh toán bằng đồng tiền ngoại tệ do bên bán và bên mua thống nhất và hàng hóa được vận chuyển qua biên giới quốc gia, phải tuân theo những tập quán buôn bán quốc tế. Hoạt động XK diễn ra trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế cả với hàng tiêu dùng cũng như với tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, chung quy lại, tất cả những hoạt động này đều nhằm mục đích đem lại lợi ích DN và quốc gia xuất nhập khẩu.

Vai trò của XK bao gồm: (1) Góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, tạo thêm nhiều chuỗi cung hàng hóa mang tính chất toàn cầu, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nền kinh tế toàn cầu. Tạo ra được sự sàng lọc thông qua năng lực cạnh của từng DN. (2) Mang lại nguồn ngoại tệ cho quốc gia, với nguồn ngoại tệ này sẽ giúp quốc gia XK có nhiều cơ hội đầu tư máy móc thiết bị, phát triển công nghệ, phát triển kinh tế, đảm bảo cán cân thanh toán, tăng tích lũy và dự trữ ngoại tệ. (3) XK là việc mua bán hàng hóa thể hiện mối quan hệ kinh tế giữa 2 quốc gia, đây cũng cơ sở để các quốc gia mở rộng và thúc đẩy các mối quan hệ khác như giáo dục, nghiên cứu khoa học nhằm hỗ trợ phát triển chung cho 2 quốc gia. (4) Mang lại thị trường quốc tế cho DN, việc XK không những mang lại doanh thu cho DN mà còn có ý nghĩa mang lại cơ hội cho DN tiếp cận thị trường quốc tế làm cơ sở cho DN mở rộng thị trường quốc tế sau này. (5) Hoạt động XK còn có ý nghĩa quảng bá thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia. (6) XK tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện đời sống nhân dân.

Như vậy, đẩy mạnh hoạt động XK là vấn đề có ý nghĩa chiến lược là mục tiêu để phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

3. Thực trạng hoạt động XK của ngành Thủy sản Việt Nam trong 15 năm qua

3.1. Phân tích KNXK ngành Thủy sản Việt Nam

Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, ngành Thủy sản Việt Nam đã từng bước đổi mới, phát triển theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 17/4/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, đã mở ra hướng phát triển cho ngành Thủy sản nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung. Trải qua 15 năm, hoạt động XK thủy sản Việt Nam đã đạt được một số kết quả thành tựu như hỗ trợ ngư dân mở rộng ngư trường đánh bắt, gia tăng sản lượng khai thác; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản; hoàn thiện hoạt động sản xuất chế biến thủy sản theo công nghệ tiên tiến, từng bước tham gia và phát triển thị trường quốc tế. KNXK của thủy sản Việt Nam có xu thế phát triển trong 15 năm qua và trải qua 3 giai đoạn thăng trầm.

Giai đoạn 1 (Từ năm 2004 - 2008): Là giai đoạn 5 năm ngành Thủy sản Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới về khoa học kỹ thuật, tiếp cận một số thị trường quốc tế tiềm năng mới, đưa ngành Thủy sản đi vào ổn định theo định hướng phát triển. KNXK tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2004, KNXK thủy sản là 2.401 triệu USD, thì năm 2008 là 4.509 triệu USD, đạt tỉ lệ tăng trưởng 187,79%.

Giai đoạn 2 (Từ năm 2009 - 2014): Ngành Thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới về khoa học kỹ thuật, nhưng tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng khai thác thị trường quốc tế đưa ngành Thủy sản đi theo hướng phát triển mang tính bền vững. KNXK tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2009, KNXK thủy sản đạt 4.251 triệu USD, chỉ đạt tỉ lệ 94,27% so với năm 2008, thì năm 2014, KNXK thủy sản đạt 7.922 triệu USD, đạt tỉ lệ tăng trưởng 186,35% tăng 329,94% so với năm 2004.

Giai đoạn 3 (Từ năm 2015 - 2018): Ngoài việc tiếp đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, ngành Thủy sản của Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp nhu cầu gia tăng của một số thị trường lớn như EU, Mỹ, đưa ngành Thủy sản đi theo hướng phát triển bền vững. KNXK tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2015, KNXK thủy sản so với năm 2014 giảm xuống còn 6.677 triệu USD, thì năm 2018, KNXK thủy sản đạt 8.802 triệu USD, đạt tỉ lệ tăng trưởng131,82% so với năm 2015 và tăng 366,59% so với năm 2004.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, KNXK có những năm giảm so với năm trước, như năm 2015 KNXK 6.677, đạt tỉ lệ 84,28 so với năm 2014; năm 2009 KNXK 4.251, đạt tỉ lệ 94,27 so với năm 2008. Nguyên nhân là do thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cao hơn, khiến cho một số DN chưa chuẩn bị kịp để đáp ứng, bệnh dịch, thiên tai (xâm nhập mặn) làm giảm sản lượng nuôi trồng, năm 2015 sản phẩm của một số doanh nghiệp XK thủy sản kém chất lượng bị trả về làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín thủy sản Việt Nam. 

Sơ đồ 1: KNXK thủy sản Việt Nam giai đoạn 2004 - 2018

ĐVT: Triệu USD

KNXK thủy sản Việt Nam giai đoạn 2004 - 2018

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Tổng cục Thống kê

3.2. Phân tích KNXK thủy sản của DN tỉnh Kiên Giang

Bảng 1. KNXH thủy sản tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2008 - 2018

Đơn vị: Triệu USD

KNXH thủy sản tỉnh Kiên Giang  giai đoạn 2008 - 2018

KNXK thủy sản tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn trên có nhiều thăng trầm, KNXK dao động từ 115 triệu USD đến 192 triệu USD, nhưng nhìn chung có xu hướng phát triển trong thời gian qua. Đáng chú ý vào các năm 2013, 2017 và 2018, KNXK ngành Thủy sản tỉnh Kiên Giang đạt trên 150 triệu USD, cụ thể:

Năm 2013, ngành XK tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2008 - 2013 rất ổn định khi UBND Kiên Giang kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách phát triển vùng biển, hải đảo, ven biển Kiên Giang thành khu kinh tế trọng điểm. Đến cuối năm 2013, số lượng tàu đánh cá của tỉnh Kiên Giang lên tới hơn 12.400 chiếc, trong đó 261 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng công suất gần 1,7 triệu CV. Năm 2013, cũng là năm thành công khi tỉnh Kiên Giang kiên quyết không cho ngư dân đóng mới tàu công suất nhỏ kết hợp giảm dần số lượng, khuyến khích đầu tư phát triển tàu cá công suất lớn, tạo điều thuận lợi cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề như: nuôi cá lồng bè, nuôi trồng thủy sản ven biển… Đồng thời, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những chính sách của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân phát triển phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản ở vùng biển xa bờ; Tổ chức đánh bắt thủy sản theo từng tổ, đội tàu để hỗ trợ nhau, cung ứng nhiên liệu, vật tư và thu gom sản phẩm trên ngư trường, nhằm giảm chi phí sản xuất cho từng chuyến đánh bắt, khai thác biển của ngư dân, kết hợp đẩy mạnh công tác khuyến ngư trong khai thác xa bờ; xúc tiến và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN liên kết với DN nước ngoài đưa tàu đi khai thác vùng biển Malaysia, Indonesia…

Năm 2017, tỉnh Kiên Giang xác định nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là ngành Nuôi tôm. Thời điểm này, diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang liên tục tăng, từ 159.175 ha năm 2014 lên đến 221.580 ha năm 2016. Bên cạnh việc liên tục tăng diện tích, năng suất và sản lượng thì các loại hình nuôi thủy sản  trong tỉnh cũng ngày càng đa dạng. Trong đó, các mô hình nuôi ghép ngày càng phong phú, kể cả nuôi nước lợ và nuôi nước ngọt. Áp dụng và triển khai rộng rãi mô hình trồng lúa và nuôi tôm trên cùng một diện tích canh tác như mô hình tôm sú - lúa; tôm sú - cua - lúa; tôm sú - sò; tôm sú - sò - rừng; tôm càng xanh - lúa; lúa - cá,… tận dụng khai thác tiềm năng của đất và mặt nước, tạo vùng nguyên liệu cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2017, Tỉnh siết chặt việc quản lý chất lượng tôm giống ngay từ đầu năm, các đoàn kiểm tra do Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì thường xuyên thanh tra, kiểm tra lưu động tại các vùng nuôi tôm trọng điểm. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương xây dựng các phòng thí nghiệm kiểm dịch giống thủy sản kết hợp với quảng bá sản phẩm và không thu phí kiểm dịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp giống phải đảm bảo chất lượng.

3.3. Thuận lợi và khó khăn ngành Thủy sản Kiên Giang

3.3.1. Về thuận lợi

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đang thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện ở các lĩnh vực kinh tế, giáo dục…, các ngành nghề kinh doanh, bước đầu có những kết quả chuyển biến tốt.

Thứ hai, ngành Thủy sản Việt Nam đã có sự nghiên cứu, đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế một số thị trường lớn châu Âu, Mỹ, đồng thời lực lượng lao động trong ngành Thủy sản cũng từng bước được nâng cao trình độ để tiếp cận các công nghệ mới.

Thứ ba, năng lực khai thác thị trường quốc tế của ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng ngày càng phát triển, với việc tiếp cận và cung cấp sản phẩm cho hơn 163 thị trường ở 5 châu lục, doanh số XK tập trung chủ yếu ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, tiềm năng phát triển thị trường còn lớn.

Thứ tư, Kiên Giang là địa phương có diện tích bờ biển dài hơn 200km, có nguồn nguyên liệu ổn định và đa dạng, có tiềm năng phát triển diện tích nuôi biển, nuôi sinh thái các giống loài thủy hải sản tạo đảm bảo nguồn cung cho XK.

Thứ năm, sản phẩm thủy sản đa dạng, phong phú, có tiềm năng nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm như tôm sú, cá tra và có khả năng đa dạng hóa sản phẩm từ các nguồn thủy sản nuôi trồng và đánh bắt khác.

Thứ sáu, tỉnh Kiên Giang đã hình thành và triển khai một số chiến lược phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái.

3.3.2. Khó khăn

Ngành Thủy sản Kiên Giang có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu mang lại.

Thứ nhất, do xu thế thế toàn cầu hóa nên áp lực cạnh tranh đè nặng lên hoạt động XK của ngành Thủy sản Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp XK Kiên Giang còn hạn chế so với các DN, công ty nước ngoài. Trong đó, năng lực cạnh tranh bên trong DN còn nhiều hạn chế cần khắc phục thì mới vượt qua được một số thị trường lớn như Mỹ, EU… Đặc biệt với việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam XK vào EU từ cuối năm 2017, đã gây khó khăn với ngành Thủy sản Kiên Giang nói riêng và ngành Thủy sản Việt Nam nói chung.

Thứ hai, là vấn đề an toàn thực phẩm được thể hiện qua các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ngày càng đa dạng và khắt khe. Mỗi thị trường đều chọn cho mình một tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với tập quán tiêu dùng của thị trường đó. Chính vì vậy, không những ngành Thủy sản Kiên Giang, mà cả ngành Thủy sản Việt Nam phải nghiên cứu và nỗ lực hết mình mới đáp ứng được sự đa dạng về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của thị trường thế giới.

Thứ ba, ngoài việc đánh bắt, hoạt động nuôi trồng thủy sản Kiên Giang còn gặp nhiều khó khăn như bệnh dịch, thời tiết khí hậu bất thường, thiên tai, kỹ thuật chăm sóc, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho quá trình nuôi trồng chưa hoàn chỉnh, đồng bộ.

Thứ tư, việc quản lý chất lượng tôm giống còn bất cập, chưa đồng bộ dẫn đến việc tôm giống bị pha trộn, lai tạp là nguyên nhân gây ra bệnh dịch, tôm chết hàng loạt khi bắt đầu trưởng thành, chuẩn bị thu hoạch.

Thứ năm, một số biến động, xung đột về kinh tế, quân sự trên thế giới làm cho XK thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng, có sự sụt giảm về nhu cầu khiến cho sản lượng và KNXK Việt Nam có khuynh hướng giảm. Cụ thể, sự cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, cùng với đồng nhân dân tệ mất giá cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng đến XK thủy sản sang thị trường này.

4. Đề xuất giải pháp phát triển ngành Thủy sản Kiên Giang

Căn cứ vào chương trình hành động của Tỉnh ủy và thực trạng phân tích trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN ngành Thủy sản tỉnh Kiên Giang như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp XK Kiên Giang. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực sản xuất, công nghệ, giúp DN sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng XK sơ chế, phát triển sản xuất các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường, nhằm giúp DN thâm nhập thị trường quốc tế sâu rộng, tạo thị phần ổn định trên thị trường khu vực và thế giới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao năng lực tài chính để giúp DN khai thác tốt các nguồn vốn trong và ngoài nước, đảm bảo cho hoạt động XK doanh nghiệp được phát triển bền vững.

Thứ hai, áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để giảm thất thoát và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thủy sản. Đồng thời, tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tàu cá hoạt động hiệu quả; bảo vệ nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cảng cá, bến cá và đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng nhu cầu khai thác đánh bắt thủy sản.

Thứ ba, cần xây dựng một chiến lược khắc phục sự biến đổi khí hậu về thời tiết, nắng nóng, xâm nhập mặn do độ dâng của biển nhằm giảm thiểu tối đa sự thiệt hại nguồn thủy sản của tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và triển khai các kế hoạch chương trình hành động cụ thể theo hướng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản mang tính bền vững, phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường, vùng biển; tập trung đầu tư sản xuất, nhất là nuôi tôm nước lợ, tôm thâm canh - bán thâm canh, tôm quảng canh cải tiến, tôm càng xanh trong ruộng lúa, cua biển và các loài nhuyễn thể ở những nơi có điều kiện theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu để nhằm đạt được hiệu quả cao về kinh tế cũng như lợi nhuận.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung xây dựng ngành Thủy sản thành ngành XK hàng hóa lớn của tỉnh theo hướng hiện đại, hiệu quả cao,...; tập trung, rà soát lại các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh chồng chéo; tạo sự đồng thuận trong nuôi trồng thủy sản và trồng lúa, đẩy mạnh công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, tuyên truyền cho người nuôi sử dụng các sản phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi không còn dư lượng kháng sinh và các tạp chất khác trong sản phẩm.

Thứ năm, ngành Thủy sản Kiên Giang cần đẩy mạnh mối quan hệ, liên kết đầu tư với các đối tác, phấn đấu xây dựng chuỗi liên kết 5: nhà nông - nhà khoa học - DN - Nhà nước - ngân hàng để gia tăng sản lượng đánh bắt, nuôi trồng và sản xuất, chế biến thủy sản, đáp ứng chuỗi cung toàn cầu cho ngành Thủy sản Kiên Giang. Đồng thời, các ngân hàng tại tỉnh cũng cần tạo điều kiện cho các DN đầu tư nâng cấp công suất nhà máy, dây chuyền sản xuất, mời gọi, thu hút những dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại vào chế biến nông sản hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện dự án xây dựng khu công nghệ cao phát triển ngành Tôm.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU của Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác ngày càng được siết chặt. IUU quy định tất cả lô hàng thủy sản khai thác phải có chứng nhận tên tàu khai thác, vùng biển khai thác. Điều này gây khó khăn cho Thủy sản Việt Nam trong việc đảm bảo uy tín trên thị trường thế giới. Vì vậy, việc tăng cường kiểm tra biển kết hợp với việc bảo vệ biển đảo để bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam, đặc biệt là các huyện đảo phải gắn phát triển sản xuất với an ninh quốc phòng là việc làm vô cùng cần thiết.

5. Kết luận

XK thủy sản là một trong những hàng hóa đem lại kim ngạch lớn cho tỉnh Kiên Giang. Vì vậy, Tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp trên để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được an toàn và hiệu quả, tạo ra nguồn nguyên liệu thủy sản chất lượng cao một cách ổn định, cung cấp đầy đủ cho hoạt động chế biến XK, phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phấn đấu XK thủy sản đạt 1 tỷ USD đến năm 2019 - 2020, trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào việc gia tăng GDP của cả nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đài Truyền hình Việt Nam (2018), "Kiên Giang sẽ xây dựng khu công nghệ cao phát triển ngành Tôm". Truy cập từ https://vtv.vn/kinh-te/kien-giang-se-xay-dung-khu-cong-nghe-cao-phat-trien-nganh-tom-20180308162913751.htm

2. Giáng Hương (2017), Kiên Giang tổ chức lại những vùng nuôi tôm trọng điểm. Truy cập từ https://tongcucthuysan.gov.vn/nu%C3%B4i-tr%E1%BB%93ng-th%E1%BB%A7y-s%E1%BA%A3n/-nu%C3%B4i-th%E1%BB%A7y-s%E1%BA%A3n/doc-tin/007658/2017-05-03/kien-giang-to-chuc-lai-nhung-vung-nuoi-tom-trong-diem

3. Hiệp hội Chế biến thủy sản VN - VASEP (2013). Sản lượng khai thác thủy sản tăng gần 4%, nuôi tăng 3,3%.

Truy cập từ http://vasep.com.vn/Tin-Tuc/989_33839/Nam-2013-san-luong-thuy-san-khai-thac-tang-gan-4-nuoi-tang-33.htm

5. Tổng cục Thống kê (2008 - 2018). Số liệu thống kê.

6. UBND tỉnh Kiên Giang (2018). Kế hoạch số 60/KH-UBND, ngày 26/3/218 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang "Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Định hướng đến năm 2030". Truy cập từ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Ke-hoach-60-KH-UBND-2018-nang-luc-canh-tranh-mat-hang-xuat-khau-Kien-Giang-den-2020-385624.aspx

7. Chính phủ (2004). Quyết định số 153//2004/QĐ-TTg, ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ "Ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam".

8. Chính phủ (2012). Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12/04/212 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020".

SOLUTIONS TO PROMOTE THE FISHERIES EXPORTS

OF ENTERPRISES IN KIEN GIANG PROVINCE

Master. NGUYEN THANH NHAN

Office of People's Council - People's Committee

of Ha Tien City - Kien Giang Province

ABSTRACT:

This article analyzes the exports of enterprises in Kien Giang Province during the period from 2008 to 2018 to propose some solutions to overcome some difficulties and improve the competitiveness of exporters in Kien Giang Province. 

Keywords: Exports, competitiveness, aquaculture and fisheries, Kien Giang Province.