Giải pháp vượt rào cản phi thuế nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU

TS. NGUYỄN THỊ THU THỦY (Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được ký kết vào ngày 30/6/2019, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều triển vọng lớn cho Thủy sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường EU. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội quý giá này, thủy sản Việt Nam cần phải đối phó với các rào cản thương mại phi thuế. Bài viết nhằm phân tích hiện trạng của một số rào cản chủ yếu được EU áp dụng với thủy sản nói chung và với thủy sản Việt Nam nói riêng khi tiếp cận thị trường này và đề xuất một số giải pháp để thủy sản Việt Nam vượt qua những trở ngại rào cản phi thuế do EU quy định.

Từ khóa: EU, EVFTA, rào cản phi thuế, xuất khẩu thủy sản.

1. Đặt vấn đề

Với xu hướng ký kết các hiệp định tự do thương mại, các biện pháp phi thuế quan ngày càng được sử dụng phổ biến và tinh vi. Mức độ cần thiết và lý do sâu xa dẫn đến việc bảo hộ sản xuất nội địa của từng nước cũng khác nhau, đối tượng cần bảo hộ cũng khác nhau khiến cho các hàng rào phi thuế càng trở nên đa dạng và khắt khe.

EU là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng trong những năm tới. Tuy nhiên, thị trường EU có những yêu cầu đặc thù, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Với các quy định nghiêm ngặt này, Việt Nam thuộc nhóm danh sách có nguy cơ gặp khó khăn với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Những rào cản như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, bảo vệ nguồn lợi IUU, hay chương trình thanh tra riêng biệt đang và sẽ được tăng cường áp dụng, đặc biệt là khi EVFTA mới được ký kết ngày 30/6/2019 và kỳ vọng sẽ có hiệu lực trong thời gian không xa. Điều này sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản, vốn là mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh sẽ gặp phải không ít khó khăn.

2. Khái quát tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Năm 2017, lần đầu tiên EU vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản số một của Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt mức 1,46 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2016. Năm 2018, do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU đã khiến cho tổng xuất khẩu thủy sản sang EU chỉ tăng nhẹ lên 1,47 tỷ USD. EU rơi xuống vị trí thị trường nhập khẩu thứ 2 của thủy sản Việt Nam (xem Bảng 1).

kim-ngach-xuat-khau-thuy-san

Cơ cấu mặt hàng thủy sản về cơ bản của Việt Nam có tính bổ sung với nhu cầu tiêu dùng ở thị trường EU. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu vào thị trường EU bao gồm tôm, cá tra, nhuyễn thể và cá ngừ, trong đó tôm là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu. EU vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 838,3 triệu USD, giảm 2,8%. Anh, Hà Lan, Đức là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối EU. XK sang Anh và Đức năm 2018 tăng trưởng lần lượt là 13% và 11%, xuất khẩu sang Hà Lan giảm 15% so với năm 2017 (xem Hình).

xuat-khau-tom-sang-eu

3. Rào cản phi thuế đối với thủy sản xuất khẩu vào EU và mức độ đáp ứng của thủy sản Việt Nam

3.1. Một số rào cản phi thuế đối với thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU

- Các biện pháp hạn chế định lượng: Đây là các biện pháp nhằm trực tiếp giới hạn khối lượng hoặc giá trị hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia. Do đó, có tính chất bảo hộ rất cao, bao gồm cấm nhập khẩu, hạn ngạch và cấp phép nhập khẩu không tự động.

- Các biện pháp quản lý về giá: Các biện pháp quản lý giá nhập khẩu hay giá bán tại thị trường EU thông qua việc quy định giá tối đa, giá tính thuế, các khoản phí và phụ thu có thể có tác động trực tiếp hay gián tiếp tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU.

- Hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ: Các biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và động thực vật, ngăn ngừa các hành động xấu,... mà EU cho là thích hợp, với điều kiện là các biện pháp đó không được áp dụng theo cách thức tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện, hay hạn chế vô lý đối với thương mại quốc tế. Các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật phổ biến nhất được EU sử dụng gồm: (1) Quy định đối với sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm; (2) Tiêu chuẩn của EU về quản lý chất lượng; (3) Quy định của EU về bảo vệ môi trường và nguồn lợi (ISO 14000, EMAS, IUU, quy định của EU về trách nhiệm xã hội) (Bảng 2).

Chỉ tiêu kiểm tra về chất lượng an toàn thực phẩm về xuất khẩu thủy sản

- Các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời: Thuộc nhóm này là các biện pháp tự vệ, chống trợ cấp và chống bán phá giá. Xu hướng gần đây cho thấy EU sử dụng khá thường xuyên các biện pháp này trong việc hạn chế nhập thủy sản vào thị trường EU.

- Các biện pháp quản lý hành chính: Qui định về thanh toán, qui định về đặt cọc, qui định về kích cỡ hàng hóa, qui định về quảng cáo, vị trí thông quan.

Có thể thấy EU áp dụng rất đa dạng các loại rào cản để kiểm soát luồng hàng hoá nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng nội địa cũng như bảo vệ môi trường. Hệ thống rào cản này hết sức phức tạp, có thể làm “nản lòng” không ít doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài có mong muốn chiếm lĩnh thị trường EU. Xu hướng chung trong việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan của EU là chuyển từ các biện pháp mang tính chất hạn chế định lượng trực tiếp sang các biện pháp tinh vi hơn như chống trợ cấp, tự vệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp hạn chế nhập khẩu gắn với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và lao động, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Vụ việc có ảnh hưởng nghiêm trọng gần đây nhất đối với thủy sản xuất khẩu vào EU là việc EU áp đặt thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này biến động trong năm 2018.

3.2.  Mức độ đáp ứng của hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đối với các rào cản phi thuế của EU

Mặc dù gặp phải không ít trở ngại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhìn chung tăng qua các năm phần nào cho thấy thủy sản Việt Nam đã khẳng định được uy tín và thương hiệu ở thị trường EU. Chất lượng hàng thủy sản của Việt Nam không ngừng được nâng cao, hoạt động đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản luôn được đổi mới, công nghệ chế biến thủy sản theo tiêu chuẩn HACCP luôn được cải tiến. Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản đều có đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và được EU chấp nhận. Một số doanh nghiệp đã thể hiện được sự nhạy bén trong việc đối phó với rào cản phi thuế. Chẳng hạn, để đối phó với truyền thông bôi nhọ về mặt hàng cá tra năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm bằng chất lượng, chú ý đến các sản phẩm giá trị gia tăng cao và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì cạnh tranh bằng giá cả đang giúp cá tra Việt Nam lấy lại thiện cảm tại thị trường này.

Tuy nhiên, trong công tác đáp ứng với các rào cản phi thuế vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu vào EU chưa đều và chưa ổn định; Các con giống mới chỉ đảm bảo mức độ cơ bản, chưa tạo ra được các loại giống sạch có khả năng kháng bệnh cao; Chất lượng thủy sản sau thu hoạch chưa được kiểm soát tận gốc; Còn có tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, khai thác, bảo quản thủy sản. Những hạn chế trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính bao gồm: Nhận thức về nguy cơ và hậu quả của rào cản phi thuế đối với xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU của một số doanh nghiệp còn khá hạn chế; Việc kiểm soát chất lượng thủy sản, đặc biệt là các công đoạn trước chế biến còn khá hạn chế; Công tác truy xuất nguồn gốc đôi khi chưa được chú trọng và thiếu hệ thống; Công tác nuôi trồng thủy sản chưa thực sự được quy hoạch, triển khai tổng thể, phù hợp với đặc điểm từng vùng và từng loại thủy sản.

4. Một số khuyến nghị giải pháp nhằm đáp ứng rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đến năm 2025

4.1. Đối với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản

Thứ nhất, các doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu luật pháp, đặc biệt là những thay đổi trong những quy định của EU. Việc không cập nhật thông tin thường xuyên sẽ khiến các doanh nghiệp rơi vào thế bị động và sẽ gặp rủi ro cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải có những biện pháp tích cực để đối phó mỗi khi xảy ra tranh chấp thương mại. Doanh nghiệp nên thông qua các hiệp hội của mình, các cơ quan chuyên nghiệp để nắm bắt thông tin về hàng rào kỹ thuật của thị trường, và do đó khi làm ăn tại thị trường này cần có sự tư vấn của các đối tác sở tại.

Thứ hai, doanh nghiệp cần chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Thị trường EU vẫn là một thị trường khó tính với những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm nên doanh nghiệp cần bám sát các kết quả nghiên cứu thị trường về thị hiếu người tiêu dùng, các yếu tố liên quan đến sức khỏe con người, từ đó chào bán sản phẩm an toàn cho người sử dụng với mẫu mã, chất lượng cải tiến, đa tiện ích, giá cạnh tranh.  

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ cơ sở sản xuất (bao gồm cơ sở hạ tầng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP. Ngoài ra, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cần phải hiểu rõ một số quy định chung của EU liên quan tới quy tắc vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật, dư lượng cho phép một số chất nhất định với sản phẩm thủy sản.

Thứ tư, nắm vững và hiểu rõ quy tắc xuất xứ của sản phẩm. Cần lưu ý rằng mặt hàng thủy sản Việt Nam được coi là có xuất xứ thuần túy nếu như các sản phẩm thủy sản được sinh ra và nuôi lớn tại các trang trại thủy sản trong nước hoặc thu được qua quá trình đánh bắt trong lãnh hải mà Việt Nam có quyền khai thác độc quyền. Doanh nghiệp cần phối hợp tốt với những nhà nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trong việc tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp cần chú ý thu mua nguyên liệu hải sản được khai thác hợp pháp, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không thu mua hải sản của các ngư dân vi phạm, từ những hoạt động khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định hoặc khai thác bằng ngư cụ bị cấm.

Thứ năm, chuẩn bị các điều kiện vượt qua các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ thương mại. Ngoài những yêu cầu về SPS, TBT, ROO, thị trường EU vẫn có khả năng tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Thứ sáu, nỗ lực tận dụng EVFTA. EVFTA dự kiến sau khi có hiệu lực sẽ giảm thiểu các hàng rào thương mại bất hợp lý, tăng tính công khai, minh bạch, có thể dự báo khi triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm dịch động thực vật, cũng như rào kỹ thuật. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể tận dụng những cam kết này để tránh hoặc giảm thiểu nguy cơ đối mặt với các rào cản thương mại phi thuế mà EU đang và sẽ áp dụng với thủy sản nhập khẩu nói chung và thủy sản từ Việt Nam nói riêng.

4.2. Đối với nhà nước và các cơ quan hữu quan

Một là, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng và xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thông qua các biện pháp hỗ trợ tư vấn, đào tạo; Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; Có chính sách ưu tiên đối với đào tạo nguồn nhân lực hoạt động nghề cá trên biển. Gắn kết giữa phát triển nguồn nhân lực với bố trí dân cư và xây dựng làng cá ven biển; Có chính sách hiệu quả tăng cường năng lực cho các trung tâm khuyến ngư; Tăng cường phổ biến những kiến thức và thông tin khoa học về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản về vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường và xúc tiến thương mại...

Hai là, Bộ Công Thương cần giúp doanh nghiệp hiểu lợi ích của chứng nhận xuất xứ và tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứng minh nguồn gốc xuất xứ, cũng như tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và không có đòi hỏi nào mang tính chất đặt điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Việc này giúp doanh nghiệp có thể làm quen với một phương thức mới, đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp.

Ba là, các cơ quan quản lý cần tăng cường đẩy mạnh các kênh thông tin, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về rào cản thương mại phi thuế của EU và các nước thành viên. Doanh nghiệp Việt phần lớn là quy mô nhỏ, khá hạn chế trong việc hiểu và ứng xử với các rào cản như vậy, nên việc hỗ trợ doanh nghiệp hết sức quan trọng và cần thiết, giúp doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đối phó, là yếu tố quyết định ban đầu giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản phi thuế quan.

Bốn là, cần tiếp tục quy hoạch các vùng sản phẩm theo lợi thế so sánh. Ứng phó với xu hướng bảo hộ mậu dịch và vượt qua rào cản về hàng rào kỹ thuật các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần phát triển những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế, có tính chất bổ sung với sản phẩm của EU. Mỗi vùng đều có 1 sản phẩm có giá trị kinh tế cao, khối lượng không lớn nhưng đó chính là lợi thế trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

5. Kết luận

Trong thời gian tới, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường tăng cường áp dụng các biện pháp phi thuế quan. Những rào cản như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, bảo vệ nguồn lợi hay chương trình thanh tra riêng biệt đang và sẽ nhiều khả năng được tăng cường áp dụng. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng bền vững, trách nhiệm, đặc biệt là tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước và Hiệp hội rất quan trọng trong việc hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc, đòi hỏi của thị trường, cũng như các cam kết trong EVFTA.

Bài viết này là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài cấp cơ sở mã số T2008-PC-109 do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cấp kinh phí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (2018), Công văn 79/QLCL-CL1, http://www.nafiqad.gov.vn/nguoidung/vanbanuserviewdetail/tabid/245/id/3067/language/vi-VN/Default.aspx
  2. Đỗ Đức Bình, Bùi Huy Nhượng (2009), Đáp ứng rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu bền vững hàng thủy sản Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
  3. Nguyễn Thị Thu Thủy (2018), Rào cản phi thuế với xuất khẩu thủy sản sang EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số tháng 2/2018.
  4. Trần Tuấn Anh (2018), Luận cứ khoa học phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, Báo cáo tổng hợp Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia.
  5. UNDP (2013), Non-tariff Measures to Trade: Economic and Policy Issues for Developing countries, United Nations Publication, ISSN 1817-1214.
  6. Vasep (2019), Báo cáo xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2018.

 

SOLUTIONS TO HELP VIETNAMESE SEAFOOD OVERCOME NON-TARIFF BARRIERS OF THE EU TO PROMOTE SEAFOOD EXPORTS

TO THE EU MARKET

 Ph.D NGUYEN THI THU THUY

School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

The EU - Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) was officially signed on June 30, 2019, promising to bring great prospects for Vietnamese seafood to dominate the EU market. However, in order to take advantage of this valuable opportunity, Vietnamese seafood needs to handle non-tariff barriers of the EU market. This article is to analyze some major non-tariff barriers of the EU for imported seafood in general and for Vietnamese seafood in particular. This article also proposes some solutions to help Vietnamese seafood overcome non-tariff barriers of the EU. 

Keywords: EU, EVFTA, non-tariff barriers, seafood export.