Giải pháp phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2025 - 2030

Bài báo Giải pháp phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2025 - 2030 do ThS. Đỗ Thị Thanh Tâm (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 đã xác định rõ quan điểm xây dựng Kiểm toán Nhà nước xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia. Việc xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) giai đoạn 2025 - 2030 xác định 3 trụ cột phát triển và 7 nội dung chính, tập trung ở khuôn khổ pháp lý, hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng kiểm toán, hội nhập, hợp tác quốc tế và công nghệ thông tin, công nghệ cao… Bài viết đã nêu rõ Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2025 – 2030, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm phát triển kiểm toán nhà nước giai đoạn này.

Từ khóa: Kiểm toán Nhà nước, hiệu quả, chất lượng, nhân lực.

1. Đặt vấn đề

Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng NSNN, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2025 -2030.

Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn năm 2025 - 2030 dựa trên 3 cột trụ về khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và về công nghệ. Trong đó, công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai; tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.

2. Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2025 - 2030

- Về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước

Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục rà soát và phối hợp đề xuất sửa đổi các luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và yêu cầu thực tiễn; rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng KTNN.

- Về phát triển hệ thống tổ chức bộ máy

KTNN cần xây dựng các đề án tăng cường, củng cố năng lực nhằm sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc; xây dựng bộ máy tham mưu hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; duy trì ổn định hoạt động các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực. Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực của các đơn vị trực thuộc; phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng nâng cao mức độ tự chủ, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng Trung tâm công nghệ thông tin và dữ liệu trên cơ sở cơ cấu lại và bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm Tin học để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin của KTNN trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

- Về phát triển nguồn nhân lực

Định hướng phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý; tập trung kiện toàn, sắp xếp, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ đặt ra; trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung biên chế phù hợp đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, tối đa không quá 2.700 người. Xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ, chú trọng trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức, kiểm toán viên nhà nước căn cứ vào Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế đồng thời gắn việc đánh giá trình độ, năng lực với công việc, vị trí đảm nhiệm một cách khách quan và công tâm. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm toán viên nhà nước tiếp cận và vận dụng phương pháp kiểm toán hiện đại, kỹ năng kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, có văn hóa ứng xử, bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng trong hoạt động kiểm toán; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái để rèn luyện công chức, kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động thực tiễn.

- Về nâng cao chất lượng kiểm toán

Mục tiêu đầu tiên là nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời phát triển đa dạng hóa các nội dung kiểm toán, từng bước tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới; phấn đấu đến năm 2025 thực hiện kiểm toán các nội dung này đạt khoảng 30% và đến năm 2030 đạt từ 40% trở lên số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng kiểm toán tài chính, thay đổi cách thức tiếp cận kiểm toán, tổ chức kiểm toán theo thông lệ quốc tế; tăng cường và phát huy hơn nữa tính độc lập của KTNN, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại.

Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi đầy đủ, liên tục các kết luận, kiến nghị kiểm toán; áp dụng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN; phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tổ chức một số phiên giải trình về kết quả kiểm toán, báo cáo kiểm toán để thúc đẩy việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% kiến nghị kiểm toán và đến năm 2030 hầu hết các kiến nghị kiểm toán được thực hiện.

Không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực trong tổ chức và hoạt động KTNN; tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán theo thông lệ quốc tế và công nghệ thông tin hiện đại vào công tác kiểm toán để tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN.

Xây dựng và hoàn thiện đầy đủ quy trình, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung: hoàn thiện đầy đủ Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro theo Chuẩn mực KTNN từng lĩnh vực; hoàn thiện quy trình kiểm toán theo hướng phù hợp với Chuẩn mực KTNN, thông lệ quốc tế; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán phù hợp với Luật KTNN, hệ thống Chuẩn mực KTNN, thực tiễn hoạt động kiểm toán và tương thích với Luật Ngân sách nhà nướcLuật Kế toán.

- Về phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao

Mục tiêu của Chiến lược là xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình chuyển đổi số thông qua xây dựng hạ tầng tập trung, tích hợp, hiện đại của KTNN. Từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây, hình thành Trung tâm điều hành xử lý tập trung đa nhiệm của KTNN. Đồng thời xây dựng hạ tầng dữ liệu thông qua việc số hóa, xây dựng kho dữ liệu tập trung, đồng bộ, thống nhất, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các lĩnh vực liên quan, với các đơn vị được kiểm toán và các tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán để tạo lập hệ thống dữ liệu lớn và kho tri thức ngành kiểm toán, hướng đến thực hiện kiểm toán số, ứng dụng các công nghệ số cho hoạt động kiểm toán và thực hiện công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.

Phát triển phần mềm ứng dụng phục vụ các hoạt động của KTNN; xây dựng hệ thống, công cụ báo cáo thống kê, phân tích và dự báo dựa trên các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ tự động hóa và các hệ trợ giúp tư vấn, ra quyết định cho hoạt động quản lý điều hành và trong tác nghiệp kiểm toán, tăng cường sử dụng kết quả công nghệ viễn thám, kiểm định chất lượng, kiểm tra phần chìm, kết cấu chịu lực... trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm toán; tiếp tục kế thừa, phát triển và khai thác các ứng dụng đã và đang triển khai một cách hiệu quả, làm tiền đề cho sự chuyển dịch và hình thành kiểm toán số.

Cuối cùng là bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng theo hướng trọng tâm là bảo vệ dữ liệu, đồng thời đảm bảo thuận tiện cho công tác chuyên môn trong môi trường kiểm toán điện tử, kiểm toán số; triển khai các giải pháp, hệ thống giám sát và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật.

3. Giải pháp phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2025 - 2030

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ để triển khai thực hiện Chiến lược đảm bảo khoa học, hiệu quả; nâng cao quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp KTNN. Việc triển khai Chiến lược phải bám sát nhiệm vụ mới, gắn với tình hình và bối cảnh cụ thể; chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành triển khai Chiến lược gắn với từng nội dung, thời kỳ và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết bảo đảm thực hiện Chiến lược. Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2025-2030).

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật KTNN cho phù hợp với tình hình mới và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật KTNN với các luật có liên quan.

Ba là, xây dựng các đề án kiện toàn tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực của KTNN, trong đó nghiên cứu cơ cấu lại, sắp xếp, nâng cấp, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, đảm bảo nguyên tắc một đơn vị có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, một nhiệm vụ chỉ do một đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì; phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ, minh bạch hóa hoạt động cả về phạm vi và thời gian tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; phát triển đội ngũ công chức, viên chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, tổ chức các hội thảo khoa học cấp bộ, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán toàn diện trên cả ba mặt năng lực, hiệu lực và hiệu quả, đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán với từng giải pháp cụ thể.

Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế của KTNN; đóng góp sáng kiến, khởi tạo một diễn đàn chuyên môn đa phương; thúc đẩy việc xây dựng, tái cơ cấu các ban, nhóm chuyên môn mà KTNN Việt Nam là thành viên.

Sáu là, triển khai xây dựng và thực hiện các đề án chi tiết thuộc Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2025- 2030.

Bảy là, xây dựng đề án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của KTNN để tương thích với nhu cầu hạ tầng công nghệ số, tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN, công khai minh bạch hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ban hành chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
  2. Nguyễn Thị Thanh Thắm (2018), Kế toán, kiểm toán và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html
  3. Kiểm toán Nhà nước (2022), Nghị quyết số 88-NQ/ĐU của Đảng ủy Kiểm toán nhà nước về “Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030”.

Solutions for the development of the State Audit of Vietnam in the period 2025 - 2030

Master. Do Thi Thanh Tam

Faculty of Accounting – Auditing, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The development strategy of the State Audit of Vietnam (SAV) to 2030 clearly defines the viewpoint of building the SAV as a responsible, professional, modern, and reputable state management agency, making an important contribution to the stable, sustainable, and transparent development of national finance. The development of the SAV’s development strategy for the period 2025 - 2030 identified 3 development pillars and 7 main contents, focusing on the legal framework, organizational system, human resources, improving audit quality, integration, international cooperation, enhancing information technology with high technology, etc. This paper clearly introduced the SAV’s development strategy for the period 2025 - 2030 and also proposed solutions to develop the SAV in this current period.

Keywords: the State Audit of Vietnam, efficiency, quality, human resources.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương