Tóm tắt:
Bài viết phân tích quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết số 120 - NQ/CP ngày 17/11/2017 về phát triển nông nghiệp bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở những nội dung chỉ đạo, bài viết phân tích những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện nội dung này, từ đó đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả hơn Nghị quyết này để phát triển nông nghiệp của vùng bền vững hơn nữa, đưa đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp của khu vực và thế giới.
Từ khóa: Nghị quyết số 120 - NQ/CP, phát triển nông nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Nông nghiệp là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và được là ngành kinh tế trụ cột, có liên quan đến đời sống của nhiều người dân sống trong vùng, tạo công ăn việc làm cho dân cư của vùng ĐBSCL, có những đóng góp lớn vào GDP nông nghiệp cả nước. Trong định hướng phát triển của vùng ĐBSCL, nông nghiệp luôn được xác định là trọng tâm được ưu tiên.
Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước hết phải phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là vấn đề an ninh nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, để đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững, vùng ĐBSCL cần có những thay đổi trong chiến lược phát triển nông nghiệp.
Vấn đề này, Nghị quyết số 120-NQ/CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ (Nghị quyết số 120) đã chỉ ra những định hướng cụ thể.
2. Những nội dung chỉ đạo về phát triển nông nghiệp trong Nghị quyết số 120 - NQ/CP
Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước hết phải phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là vấn đề an ninh nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ thì để đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững, vùng ĐBSCL cần có những thay đổi trong chiến lược phát triển nông nghiệp. Vấn đề này, Nghị quyết số 120 đã chỉ ra những định hướng cụ thể.
Thứ nhất, cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường chuyển từ số lượng sang chất lượng. Theo đó, từ tư duy sản xuất nông nghiệp với hạn chế là người sản xuất không chú trọng đến nhu cầu của thị trường, chỉ sản xuất thứ mình có chứ không sản xuất theo thị trường cần, do đó hàng hóa không thể bán được giá cao; khi phát triển sang tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ dẫn dắt người nông dân sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thứ hai, Nghị quyết số 120 đã đưa ra chiến lược phát triển các sản phẩm nông nghiệp của vùng là “Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó thủy sản (nước ngọt, lợ, mặn) là sản phẩm chủ lực”. Trước đây, vùng ĐBSCL được đặt nhiệm vụ cung cấp lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, với diện tích trồng lúa chiếm tới 45% diện tích đất trồng lúa của cả nước[1]; tuy nhiên, trồng lúa đòi hỏi một nguồn nước ngọt rất lớn, trong khi ĐBSCL thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt, đặc biệt là vào mùa khô, nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Nghị quyết khẳng định “Giảm diện tích lúa và cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp”. Lúa vẫn được xác định là sản phẩm chủ yếu nhưng đặt ở hàng thứ 3, sản phẩm chủ lực đứng hàng đầu cần phải ưu tiên chính là thủy sản. Bởi với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có thể nhiều vùng ĐBSCL sẽ bị chìm sâu trong nước, khi đó ngành có khả năng phát triển là thủy sản.
Thứ ba, Nghị quyết số 120 xác định “xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp”. Chủ trương này góp phần khắc phục một trong những hạn chế hiện tại của nông sản Việt Nam là giá trị gia tăng thấp, chủ yếu xuất thô; ngành công nghiệp chế biến chưa phát triển nên nông sản luôn gặp phải rớt giá, giá thấp; đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về chất lượng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngon và bổ dưỡng, có thể truy nguyên nguồn gốc rõ ràng. Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào sản xuất như cơ giới hóa, tự động hóa các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp.
Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ đã đề cập như sau: nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái. Nông nghiệp hữu cơ có vai trò rất to lớn không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững nền nông nghiệp. Chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch là phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay, phù hợp với nhu cầu của thị trường khó tính, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Chỉ có công nghệ hiện đại mới đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng của nông sản để cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Thứ tư, Nghị quyết số 120 cũng đặt ra vấn đề về đẩy mạnh liên kết và tích tụ, tập trung ruộng đất ở vùng ĐBSCL “Đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”; “Tạo nên các liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản vùng đồng bằng”. Sở dĩ như vậy nhằm làm tăng diện tích ruộng đất của hộ gia đình hoặc tổ chức kinh tế thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp từ các tổ chức, cá nhân khác, vì ĐBSCL có khoảng 3% cá nhân có diện tích đất từ 10 - 20 ha[2]. Tích tụ và tập trung ruộng đất có điểm chung là tăng quy mô đất đai để sản xuất nông nghiệp trên một địa bàn để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết số 120 nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, muốn liên kết được với các doanh nghiệp thì bản thân người nông dân phải liên kết được với nhau, đồng thời việc liên kết sẽ phát huy được nguồn lực của từng chủ thể; đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của các doanh nghiệp, đảm bảo cung cầu thị trường hạn chế tình trạng thừa thiếu, cũng như đảm bảo cho ngành công nghiệp chế biến nông sản có điều kiện phát triển bền vững, ổn định.
Đồng thời, Nghị quyết số 120 cũng nêu: “Biến ĐBSCL không chỉ là nơi tiếp thu, ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ thế giới và của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà còn là nơi phát minh, sáng tạo ra nhiều mô hình mới, đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu”; “Khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái”. Theo đó, xác định, nông nghiệp ĐBSCL phải thích ứng được với tình trạng biến đổi khí hậu và cần khai thác tổng hợp hiệu quả của kinh tế nông nghiệp một cách sáng tạo, phù hợp điều kiện tình hình.
3. Kết quả thực hiện quan điểm về phát triển nông nghiệp trong Nghị quyết số 120 - NQ/CP
3.1. Những kết quả đạt được
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 120, ĐBSCL đã chuyển sang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực đặc biệt là thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo; trong đó xác định thế mạnh là thủy sản, trái cây là chủ yếu. Sau 3 năm, diện tích trồng cây ăn trái đã tăng đáng kể, từ 385.000 ha cây ăn trái lên tới 450.000 ha; thủy sản tăng từ 860.000 ha lên trên 900.000 ha; diện tích đất lúa từ 1,82 triệu ha giảm còn 1,7 triệu ha. Bộ NNPTNT cũng cho biết, xuất khẩu nông sản của toàn ĐBSCL tăng từ 7 tỷ USD năm 2016 lên 8,8 tỷ USD năm 2020[3]. Sản lượng thủy sản cũng tăng từ 3.703.448 tấn năm 2015 lên 4.649.099 tấn năm 2019[4]; tổng sản lượng thủy sản của ĐBSCL năm 2019 chiếm 56,2% so với cả nước, trong đó sản lượng khai thác chiếm 32,1% và sản lượng nuôi trồng chiếm 67,9%.
ĐBSCL cũng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và cũng đã đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững đạt trên 20%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn được xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt 50%. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt trên 30%[5],… Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất nước với hơn 3.000 ha, trong đó chủ yếu là diện tích trồng dừa hữu cơ. Đã có một số địa phương của vùng đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ được tổ chức nước ngoài chứng nhận như Cà Mau được tổ chức chứng nhận Control Union của Hà Lan, tiêu chuẩn EU, USDA; một số đã áp dụng công nghệ thông minh vào sản xuất như hệ thống cảm biến, tự động tưới ở Đồng Tháp, Trà Vinh,…
Nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng đã được triển khai ở vùng như mô hình cánh đồng lớn, doanh nghiệp cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra cho người nông dân như Tập đoàn Lộc Trời.
Thực hiện Nghị quyết số 120, ĐBSCL cũng rất tích cực suy nghĩ, thử nghiệm nhiều sáng kiến, mô hình phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu như mô hình đa cây đa con trên cùng 1 diện tích ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu; mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh tại tỉnh Kiên Giang; mô hình nuôi cá tra, mô hình nuôi tôm nước lợ, mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, mô hình du lịch sinh thái của tỉnh An Giang; mô hình lúa chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre…
Mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm). Đây được nhận diện là mô hình thủy sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tính đến tháng 1/2019, có 8/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có thả nuôi tôm sú, với tổng diện tích khoảng 598.000 ha, trong đó mô hình tôm - lúa và quảng canh cải tiến luôn chiếm diện tích lớn so với các mô hình còn lại. Mô hình nuôi tôm - lúa có tốc độ tăng trưởng khá nhanh tại ĐBSCL. Nếu như năm 2000, diện tích nuôi tôm - lúa của cả khu vực chỉ có 71.000 ha thì 15 năm sau, diện tích đã tăng lên 175.000 ha, chiếm 30,5% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng và sản lượng đạt 75.000 tấn. Các tỉnh có diện tích thả nuôi tôm - lúa lớn, gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Năng suất nuôi tôm - lúa bình quân đạt khoảng 300 - 500 kg/ha tôm và 4 - 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình từ 30 - 35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35 - 50 triệu đồng/ha/năm.
ĐBSCL còn tích cực nghiên cứu những giống cây con chịu được hạn, chịu được mặn và phèn để thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng. Vùng đã sản xuất thử 41 bộ giống lúa; trong đó, có nhiều giống ngắn ngày, giúp né mặn, tránh lũ chịu phèn, chịu mặn tốt hơn. Để phát triển các giống cây ăn quả vừa đảm bảo cho giá trị cao, vừa chịu mặn, ĐBSCL đã tiến hành sản xuất những tổ hợp gốc ghép cam, gốc ghép bưởi chống chịu mặn ở nồng độ 6°/oo - 8°/00, dòng/giống chôm chôm, dòng/giống sầu riêng làm gốc ghép chịu mặn.
3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân
Có thể khẳng định, vùng ĐBSCL đã có những hành động tích cực để thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ và đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang diễn ra và sẽ ngày càng trầm trọng, nặng nề hơn tạo ra những thách thức trong phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói chung.
Sự khai thác tài nguyên với cường độ cao như phát triển thủy điện ở thượng nguồn khiến ĐBSCL sẽ là khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng lớn với các diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, đồng bằng cũng ít triển khai dồn điền đổi thửa mà chủ yếu liên kết để tập trung sản xuất quy mô lớn hoặc mua lại ruộng đất. Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết vẫn còn hạn chế. Diện tích cánh đồng lớn chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa của vùng, một số mô hình liên kết chưa bền vững, vẫn có hiện tượng bẻ kèo từ cả hai phía doanh nghiệp và người nông dân.
Chính vì vậy, cần thiết phải có những giải pháp phù hợp để phát huy những yếu tố tích cực và giải quyết những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.
4. Một số đề xuất
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 120, giúp nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững trong bối cảnh mới, thời gian tới, vùng cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nâng cao trình độ và nhận thức của người nông dân ĐBSCL. Việc có phát triển được nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ hay không phụ thuộc rất lớn vào chính chủ thể của nền nông nghiệp là người nông dân. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2020, trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp, có khoảng 97,2% số lao động không được đào tạo về nghề nghiệp, chỉ có khoảng 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp, khoảng 1,2% có trình độ trung cấp và khoảng 0,2% có trình độ cao đẳng, đại học. Nguồn nhân lực ở ĐBSCL lại càng thấp hơn. Vì vậy, phải đẩy mạnh phổ cập giáo dục toàn dân, thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ cho người nông dân trong phát triển nông nghiệp cao, nông nghiệp hữu cơ.
Thứ hai, các tỉnh cần có những cơ chế, chính sách thật sự ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp chế biến, các cơ sở bảo quản nông sản cho người nông dân, các ngành công nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là sản xuất phân bón hữu cơ các loại hóa chất sinh học an toàn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, cũng như đẩy mạnh các hình thức liên kết với người nông dân. Chính quyền các cấp phải trở thành cơ quan điều phối, trung gian đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và ngăn chặn những hiện tượng bẻ kèo.
Thứ ba, các tỉnh ĐBSCL cần liên kết để phát huy nguồn lực về tài chính, cũng như nguồn nhân lực để nghiên cứu những công trình đề tài về sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tính năng động, sáng tạo của người dân trong xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, Những mô hình đã chứng minh tính hiệu quả trên thực tế cần khuyến khích nhân rộng.
Nghị quyết số 120 đã được ban hành đúng lúc, có tính định hướng cho sự phát triển của Vùng và đã phát huy tác dụng, hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, để đưa Nghị quyết 120 thực sự trở thành động lực, “kim chỉ nam” hành động cho sự phát triển của Vùng, còn nhiều việc cần phải làm, đòi hỏi sự quyết tâm của người nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Tổng cục Thống kê Việt Nam (2018). Báo cáo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản, Nxb. Thống Kê, Hà Nội.
[2] Quang Hạnh, Anh Thư (2017). Giải pháp mở rộng hạn điền và tích tụ ruộng đất vtv.vn ngày 14/4/2017.
[3] Bích Ngọc (2021). Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 - tín hiệu vui để đồng bằng sông Cửu Long “thuận thiên” bền vững. Tạp chí Con số và Sự kiện, kỳ II số 5 năm 2021
[4] Vũ Thị Lê Hoa (2017). Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 1 năm 2021
[5] BT (2022). Thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-vung-dong-bang-song-cuu-long-605873.html
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2017). Nghị quyết số 120-NQ/CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Vũ Thị Lê Hoa (2017). Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 1 năm 2021.
3. Bích Ngọc (2021). Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 - Tín hiệu vui để đồng bằng sông Cửu Long “thuận thiên” bền vững. Tạp chí Con số và Sự kiện, kỳ II số 5 năm 2021.
4. Xuân Phong (2023). Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng thuận thiên. Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, số 88 năm 2023.
Evaluating the implementation of Resolution No. 120/NQ-CP:
Advancing sustainable agricultural development in the Mekong Delta
Assocc. Prof. PhD. Nguyen Thi Thuy Ha1
PhD. Vu Thi Hong Trang1
1Academy of Politics Region I
ABSTRACT:
This study examines the government's strategic vision outlined in Resolution No.120-NQ/CP, issued on November 17, 2017, which focuses on promoting the sustainable development of agriculture in the Mekong Delta. It evaluates the outcomes achieved in implementing the resolution’s directives and identifies key challenges. Based on these findings, the study proposes practical solutions to enhance the effectiveness of the resolution’s implementation, aiming to establish the Mekong Delta as a leading hub for sustainable agricultural development both regionally and globally.
Keywords: Resolution No. 120 - NQ/CP, agricultural development, Mekong Delta, agriculture.