TÓM TẮT:
Giáo dục đào tạo những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn không ít bất cập, hạn chế. Một trong những nguyên nhân là "việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ". Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với giáo dục (GD) và đào tạo (ÐT) nói chung, giáo dục đại học (GDÐH) nói riêng cần "đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất" đòi hỏi toàn ngành GD & ÐT cần có những đổi mới phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bài viết phân tích những hạn chế và đặt ra một số giải pháp trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học ở Việt Nam.
Từ khóa: Quản lý Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cơ sở Giáo dục đại học.
1. Đặt vấn đề
Sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, GDÐH đã có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, vấn đề quản lý GDÐH còn yếu kém là một trong những nguyên nhân tạo nên những hạn chế trong phát triển nâng cao chất lượng đào tạo. Việc thực hiện đổi mới quản lý GDÐH ở các cấp, các ngành, nhất là ngành GD và ÐT được thực hiện một cách bài bản sẽ nâng cao chất lượng GDÐH. Ðiều này sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu "đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài" đồng thời, góp phần thực hiện tốt Chiến lược phát triển giáo dục 2020 với mục tiêu: "Ðào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động và một bộ phận có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới".
2. Đánh giá những hạn chế trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học ở Việt Nam
- Những hạn chế về thể chế quản lý nhà nước (QLNN) về GDĐH
Một là, chưa hoàn thiện được khung pháp lý về phân cấp quản lý đối với cơ sở GDĐH, đặc biệt là quản lý tài chính, đầu tư.
Hai là, thể chế QLNN về GDĐH chậm được đổi mới và còn tập trung nhiều vào vấn đề quản lý hành chính các cơ sở GDĐH;
Ba là, hệ thống thể chế QLNN về GDĐH còn thiếu đồng bộ, hệ thống.
- Những hạn chế về hoạch định và thực thi chiến lược phát triển GDĐH;
Một là, chính sách phát triển GDĐH đã hướng tới mục tiêu nhưng chưa thể hiện được hiệu quả và tính hiện thực;
Hai là, chưa phát huy được các công cụ của chính sách tài chính và chính sách đầu tư đối với GDĐH;
Ba là, thể chế, chính sách về học phí, lệ phí và học bổng chưa thực sự đảm bảo sự công bằng trong GDĐH về quyền và nghĩa vụ của sinh viên.
- Những hạn chế về bộ máy QLNN đối với GDĐH
Kết quả phân tích cho thấy, bộ máy QLNN đối với GDĐH còn phân tán, đồng thời, còn có sự chồng chéo giữa chức năng QLNN và chức năng cung ứng dịch vụ công.
Bên cạnh đó, tư duy quản lý GDĐH còn chậm được đổi mới theo hướng quản lý chất lượng, hội nhập quốc tế. Cơ chế, phương thức QLNN về GDĐH chưa tiếp cận đầy đủ theo yêu cầu quản lý chất lượng, có tình trạng vừa ôm đồm sự vụ, vừa buông lỏng chức năng QLNN; chưa thực hiện tốt sự quản lý thống nhất, giữ vững kỷ cương trong công tác giáo dục, đồng thời chưa phát huy quyền chủ động và trách nhiệm nhà trường.
- Những hạn chế về hoạt động thanh tra, giám sát đối với cơ sở GDĐH
Một là, hoạt động QLNN về chất lượng GDĐH chưa có cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng xã hội;
Hai là, chưa tạo được thể chế và cơ chế giám sát chất lượng GDĐH hiệu quả;
Ba là, cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động GDĐH chưa được thực hiện hiệu quả.
Có thể nói, công tác quản lý nhà nước về GDĐH ở Việt Nam những năm qua đã đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là bước chuyển trong tư duy quản lý đối với GDĐH theo hướng quản lý chất lượng với những bước đi cụ thể và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tư duy QLNN về GDĐH đã được thể hiện trên góc độ tạo lập khung thể chế, chính sách đến tổ chức bộ máy quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về GDĐH.
Quản lý GDĐH ở Việt nam còn nhiều hạn chế cả về góc độ quản lý đầu tư, tài chính và nguồn nhân lực; hạn chế trong việc cải cách hành chính, đổi mới quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng lao động, chính sách tiền lương... Những hạn chế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có các giải pháp đổi mới, tăng cường quản lý GDĐH ở Việt Nam trong thời gian tới.
3. Giải pháp tăng cường quản lý GDĐH ở Việt Nam
Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục đại học
Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về GDĐH được đánh giá có mức độ hiệu lực, đầy đủ và kịp thời cao. Tuy nhiên, còn tồn tại những hạn chế như chưa thực sự tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động và tận dụng các cơ hội giữa cơ sở GDĐH công lập và cơ sở GDĐH ngoài công lập, chưa coi các cơ sở GDĐH như một đơn vị cung cấp dịch vụ có pháp nhân và quyền tự chủ cao, chưa tạo sự bình đẳng cao trong GDĐH giữa các CSGDĐH, các tổ chức, cá nhân liên quan,... Do đó cần thực hiện một số giải pháp:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý GDĐH theo hướng coi các cơ sở GDĐH là những thực thể pháp nhân có quyền tự chủ cao.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về học phí, lệ phí, chế độ học bổng, chính sách trợ cấp và hỗ trợ sinh viên.
- Pháp lý hóa mối quan hệ giữa Nhà nước và trường đại học.
Hai là, hoàn thiện chiến lược và các chính sách phát triển GDĐH
Với vai trò là công cụ thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, chiến lược và các chính sách phát triển GDĐH được hiểu như nội dung cơ bản và trọng tâm của QLNN về kinh tế đối với GDĐH.
Đầu tiên, cần hoàn thiện chiến lược phát triển giáo dục; Xây dựng chiến lược chủ động ứng phó với các hiệp định quốc tế song phương và đa phương có liên quan đến dịch vụ GDĐH xuyên biên giới; Đào tạo và bồi dưỡng các loại nhân lực trực tiếp phục vụ hội nhập; Nâng cao chất lượng các chương trình nghiên cứu và đào tạo đặc thù cho quốc gia và dân tộc để thu hút các nhà nghiên cứu và học viên quốc tế;...
Tiếp đó, hoàn thiện chính sách tài chính để phát triển giáo dục đại học bằng cách đa dạng hóa thu nhập từ các nguồn thu, các chương trình chia sẻ chi phí khác như thu học phí, cho sinh viên vay, quyên góp và tặng cho doanh nghiệp,... Cần khuyến khích sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục ngoài nhà nước. Cần phân biệt rõ giữa loại trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trong ban hành và thực thi chính sách liên quan đến tài chính thay vì chỉ phân biệt theo hình thức sở hữu như hiện nay.
Đồng thời hoàn thiện chính sách đầu tư trong giáo dục đại học. Thực hiện phân cấp cơ quan ra quyết định đầu tư cho ngành giáo dục là Bộ GD&ĐT. Chỉ quyết định đầu tư khi có đủ các căn cứ theo quy định của pháp luật và đã xác định rõ nguồn vốn, trong phạm vi được phân cấp, tránh việc phê duyệt vốn đầu tư dự án vượt quá khả năng cân đối. Cần thành lập ban quản lý dự án (cơ cấu tổ chức như: cục, vụ, viện) thuộc Bộ GD&ĐT, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý các dự án trong GDĐH, nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện dự án. Quy định rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan đến chất lượng dự án, hiệu quả đầu tư. Cần xây dựng lộ trình xã hội hóa từng phần hoặc 100% các cơ sở đào tạo do nhà nước đầu tư, trừ những cơ sở đào tạo thuộc trọng điểm quốc gia.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của GDĐH
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát là một nội dung quan trọng trong quản lý QLNN nói chung và QLNN về kinh tế đối với GDDH nói riêng. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát có tác dụng đảm bảo để các đơn vị thực hiện đúng pháp luật và các quy định của Nhà nước nói chung và quy định về GDĐH nói riêng; đảm bảo phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện, hành vi trái với quy định quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý đầu tư, quản lý tuyển sinh và đào tạo,... ở các cơ sở GDĐH; cảnh báo và ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí tài sản Nhà nước.
Trong quá trình quản lý cần phải thống nhất và phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở GDĐH, cần có giải pháp thay đổi sâu sắc và toàn diện, cụ thể:
+ Thực hiện công việc kiểm tra chéo giữa các trường, đây là hình thức vừa kiểm tra giám sát vừa học hỏi lẫn nhau của các cơ sở GDĐH, giúp các cơ sở GDĐH ngày càng hoàn thiện hơn trong các khâu từ tổ chức, đào tạo, tài chính,…
+ Thực hiện quá trình kiểm tra giám sát của xã hội, của người dân. Điều này biểu hiện các cơ sở GDĐH khi đào tạo ra những sản phẩm có được xã hội chấp nhận hay không.
Bốn là, hoàn thiện bộ máy quản lý GDĐH
Bộ máy quản lý GDĐH về kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong QLNN về kinh tế đối với GDĐH. Bộ máy quản lý GDĐH về kinh tế là đơn vị thực hiện cụ thể hóa thể chế, chiến lược và chính sách phát triển GDĐH của Nhà nước, đồng thời là đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra giám sát đối với các cơ sở GDĐH. Hoàn thiện bộ máy quản lý giáo dục, bao gồm việc hoàn thiện về tổ chức bộ máy quản lý, hoàn thiện về năng lực và trình độ của đội ngũ quản lý, hoàn thiện về nội dung và phương thức quản lý.
Hoàn thiện cơ chế quản lý gồm xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở GDĐH công lập. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng GDĐH.
Hoàn thiện phân cấp quản lý, tức là quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển; chỉ đạo triển khai hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH; hoàn thiện môi trường pháp lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; điều tiết vĩ mô cơ cấu và quy mô GDĐH, đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước trong từng thời kỳ.
Hoàn thiện nội dung quản lý là tăng cường công tác QLNN về giá đối với một số hình thức đào tạo, dịch vụ độc quyền, bảo đảm tuân thủ yêu cầu của cơ chế thị trường và các cam kết quốc tế. Và xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng đào tạo, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra chất lượng đào tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2006), Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thủ tướng chính phủ (2006), Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
- Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 71/2006/TT- BTC ngày 06/09/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
- Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đạo tạo - Bộ Nội vụ (2003), Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT/BTC- GDĐT- NV ngày 24/3/2003 của Bộ tài chính đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập hoạt động có thu. Kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở GDĐH để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 71/2006/TT- BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính.
- Công văn số 1075/ KTKĐCLG - KĐĐH ngày 28 tháng 6 năm 2016 hướng dẫn tự đánh giá chương trình đào tạo.
- Hồ Viết Thịnh (2013), Bàn về đổi mới quản lý giáo dục đại học ở Việt Nam,
Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14 (7- 2013), tr. 41- 42.
Solutions for improving the state management of higher education sector in Vietnam
Master. Nguyen Thi Hong Sam
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
Education and training field in Vietnam has achieved many achievements in recent year. However, many shortcomings and limitations have been revealed. One of main reasons behind these shortcomings is that there are unclear definitions about the state management and governance at educational and training institutions." Therefore, it is important for the education and training field in general and the higher education sector in particular to “fundamentally transform the education and training management in order to maintain the democracy and the union.” This paper analyzes the limitations and proposes some solutions for improving the state management of higher education sector in Vietnam.
Keywords: Higher education management, Ministry of Education and Training, higher education institution.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]