Giải pháp thúc đẩy áp dụng giá trị hợp lý trong công bố thông tin đối với các doanh nghiệp Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ BÌNH (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Từ ngày 23/3/2019, Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế ở Việt Nam. Giá trị hợp lý (GTHL) vẫn là một yêu cầu và thách thức cần được giải quyết để đảm bảo quá trình hòa hợp với thông lệ quốc tế. Bài nghiên cứu giới thiệu về sự cần thiết và vai trò của GTHL trong công bố thông tin BCTC, khái quát về tình hình vận dụng GTHL, áp dụng GTHL trong kế toán và đề xuất một số nhóm giải pháp để áp dụng GTHL ở Việt Nam.

Từ khóa: giá trị hợp lý, chuẩn mực kế toán, áp dụng giá trị hợp lý.

1. Vai trò của giá trị hợp lý trong công bố báo cáo tài chính

GTHL vẫn được chấp nhận rộng rãi như cơ sở giá trị mang lại tính phù hợp và kịp thời cho thông tin báo cáo về công cụ tài chính (CCTC) và một số khoản mục được quy định trong các Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS 09) và kế toán Mỹ (Chủ đề 820). Tuy nhiên, bài học từ khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 và gần đây nhất là đại dịch Covid-19 bùng nổ ở hầu hết các quốc gia khiến cho thị trường toàn cầu lao dốc, tính thanh khoản của loạt công cụ chứng khoán bốc hơi đã bộc lộ điểm hạn chế trong mô hình kế toán này. Trên thực tế, vấn đề nổi trội liên quan đến trình bày công bố thông tin là sự bất cân xứng thông tin giữa những người có và không có thông tin tài chính hữu ích, nhà quản lý DN có xu hướng do dự khi trình bày những khoản thua lỗ trong khi luôn sẵn sàng với việc công bố có lợi nhuận.

Sự trình bày BCTC một cách hợp lý giúp giảm việc thao túng lợi nhuận cũng như sự bất cân xứng thông tin, kéo theo chất lượng cao hơn của việc công bố thông tin. Theo Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), thông tin kế toán được trình bày phải trung thực và hợp lý, có khả năng hỗ trợ người sử dụng BCTC xem xét và đánh giá được các sự kiện của DN trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Lợi ích của việc công bố thông tin minh bạch và hiệu quả sẽ giúp cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ và khả năng giao dịch cổ phiếu của DN. Những DN với chất lượng công bố thông tin tốt thường sẽ công bố cho những đối tượng quan tâm thông tin về những khoản tổn thất tài chính và những sự kiện tài chính tiêu cực khác, những vấn đề xác minh được thông qua những trình bày ở các khoản mục của BCTC, hay những tin tức đang có tác động tới DN.

Cùng với sự phát triển của thị trường vốn, một trong những thay đổi quan trọng là áp đặt lợi ích của người dùng với mô hình kế toán theo GTHL. Giai đoạn này rơi vào cuối thế kỷ XX, khi mô hình kế toán GTHL cho các tài sản và nợ phải trả dần được hoàn thiện và thay thế cho mô hình giá gốc lâu đời.

Tại Úc và Anh, Cairns và cộng sự (2011) đã nghiên cứu tình hình áp dụng GTHL với mẫu là 228 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán thuộc 22 ngành, bao gồm: 13 công ty thuộc ngành vật liệu; 9 công ty thuộc ngành dịch vụ khách hàng và năng lượng; 8 công ty trong lĩnh vực ngân hàng, thị trường vốn, thiết bị chăm sóc sức khỏe; 6 công ty từ lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, truyền thông và bất động sản; và các công ty còn lại thuộc một số ngành khác. Báo cáo thường niên của các công ty được lấy trực tiếp từ website của họ trong 2 năm, bao gồm năm đầu tiên áp dụng IFRS và năm trước khi áp dụng IFRS (năm vẫn áp dụng theo Các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi của Úc và Anh). Nhóm nghiên cứu đã tìm ra tại Úc và Anh, với các khoản mục yêu cầu bắt buộc phải áp dụng GTHL như các CCTC (IAS 39) và thanh toán cổ tức (IFRS 2), mức độ áp dụng IFRS rất cao. Đối với các khoản được quyền lựa chọn giữa GTHL và giá gốc, các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản đầu tư đã áp dụng GTHL một cách phổ biến và đem lại nhiều hiệu quả kinh tế nhất. Đối với các khoản mục khác như máy móc, thiết bị, nhà xưởng, tỷ lệ công ty áp dụng phương pháp GTHL còn thấp.

Tại các quốc gia ở châu Á, Benjamin và cộng sự (2012) đã nghiên cứu bản chất cùa việc áp dụng GTHL trong đo lường bất động sản đầu tư trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính ở Malaysia (2007 - 2008) của 11 công ty đầu tư bất động sản trên thị trường chứng khoán Malaysia. Kết quả, năm 2008, có 8/11 công ty ghi tăng GTHL khoản mục bất động sản đầu tư, 3 công ty không ghi nhận thay đổi. Trong năm 2009 (năm vẫn còn chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng), có 9/11 công ty vẫn ghi tăng GTHL của bất động sản đầu tư, 2 công ty không báo cáo bất kỳ sự thay đổi nào. Điều này trái ngược với các công ty ở châu Âu, Mỹ và Singapore.

Tại Ấn Độ, Jain (2013) cũng đã nghiên cứu về mức độ áp dụng GTHL với phương pháp phân tích và tổng hợp các tài liệu thứ cấp. Tác giả đã trình bày trong nghiên cứu: GTHL được áp dụng phổ biến và với tốc độ cao ở ngành bất động sản, thị trường tương lai và quyền chọn, các CCTC, các công ty cho thuê tài chính; ở các lĩnh vực khác giá gốc vẫn được sử dụng phổ biến. Tác giả cũng phân tích để việc áp dụng GTHL mang lại nhiều lợi ích cho Ấn Độ và đề xuất một số biện pháp đáng chú ý, như: Điều chỉnh hệ thống môi trường pháp lý, bao gồm thay đổi hệ thống các văn bản pháp luật về thuế đối với việc định giá tài sản và nợ phải trả, trang bị và đào tạo đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên các kiến thức về phương pháp kế toán GTHL, tăng cường nhận thức cho các công ty ở Ấn Độ về lợi ích của kế toán theo GTHL, hạn chế những nhận định tiêu cực trong kế toán GTHL.

2. Tính cấp thiết về áp dụng giá trị hợp lý tại Việt Nam

Theo Luật Kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015, GTHL lần đầu tiên chính thức được xác định phù hợp với giá thị trường. Cụ thể, theo Điều 28 quy định, kế toán có thể áp dụng đánh giá và ghi nhận theo GTHL tại thời điểm cuối kỳ lập BCTC với công cụ tài chính theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán (CMKT) phải ghi nhận và đánh giá lại theo GTHL. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức và thống nhất về phương pháp xác định GTHL trong kế toán cho các tổ chức tài chính, ngân hàng lẫn DN phi tài chính nêu trên. Chế độ kế toán cho DN như Thông tư 200/2014/TT- BTC và quy định kế toán CCTC cho các tổ chức tài chính, tín dụng vẫn coi giá gốc hoặc giá trị phân bổ là cơ sở giá cho các CCTC. Thậm chí, các CCTC giữ vì mục đích kinh doanh như tài sản tài chính giữ trong ngắn hạn, công cụ phái sinh vẫn phản ánh theo giá gốc. GTHL được đề cập đến khi đánh giá giảm giá trị định kỳ, nhưng đáng nói vẫn quy định rõ là so sánh giá trị thị trường với giá trị ghi sổ của công cụ.

Thực tế, việc ban hành và cập nhật phương pháp kế toán GTHL ở nước ta đang còn chậm, do có những lo ngại việc áp dụng GTHL sẽ gây xáo trộn và bóp méo trên BCTC, trình độ của kế toán cũng như mức độ hoàn thiện của thị trường tài chính chưa đủ để mang lại cơ sở xác định GTHL đáng tin cậy. Tuy nhiên, không thể phủ nhận GTHL chính là cơ sở tính giá phù hợp nhất với các CCTC và xu thế phát triển hội nhập mạnh mẽ về kinh tế, cũng như điều kiện thị trường vốn toàn cầu. Thêm vào đó, trong điều kiện cách mạng công nghệ và thông tin phát triển nhanh như vũ bão, các đối tượng sử dụng thông tin của thị trường - các nhà đầu tư cũng như DN đều có nhu cầu tiếp cận thông tin minh bạch và kịp thời nhất.

Thời gian tới, tiếp tục cần thiết có những công trình nghiên cứu, đánh giá thực trạng tồn tại trong vấn đề áp dụng GTHL để đưa ra giải pháp phù hợp, đảm bảo hành lang và cơ chế cho cơ sở giá trị này. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trong nước về GTHL và tính phù hợp của thông tin trình bày theo GTHL tại Việt Nam còn hạn chế. Tác giả Trịnh Hồng Hạnh và các cộng sự (2018), thực hiện phân tích thực trạng áp dụng kế toán GTHL đối với các loại hình DN này, đồng thời đưa ra phương hướng để kế toán theo GTHL theo CMKT quốc tế. Đáng chú ý, đề tài đưa ra kết quả khảo sát cho thấy, có 20% các ngân hàng ở Việt Nam đã và đang lập BCTC theo IFRS, thuộc nhóm 10 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thực hiện thí điểm Basel 2, bao gồm: VCB, BIDV, Vietinbank, Sacombank, VIB, MB, Techcombank, VP Bank, Maritimebank, ACB. Tuy nhiên, mức độ áp dụng kế toán GTHL theo CMKT quốc tế của các ngân hàng còn phân hóa, chưa đủ để có cơ sở đánh giá các thông tin so sánh được giữa các ngân hàng. Do đó, ngoài các giải pháp cụ thể về thể chế, về hoàn thiện tổ chức hiệp hội nghề nghiệp để làm nền tảng vận dụng GTHL, nhóm tác giả còn đưa ra các giải pháp hỗ trợ tự nguyện áp dụng IFRS cho một số ngân hàng và DN.

Tại Việt Nam, tất các DN đều lập và trình bày BCTC theo giá gốc với cơ sở là Luật Kế toán 2003 (cũ) và Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Luật Kế toán của Việt Nam năm 2003 nêu: “Giá trị của tài sản được tính theo giá gốc, bao gồm chi phí mua, bốc xếp, vận chuyển, lắp ráp, chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng”. Tương tự, VAS 1 “Chuẩn mực chung” được coi như khuôn mẫu lý thuyết xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam cũng đã coi giá gốc là 1 trong 7 nguyên tắc kế toán cơ bản và yêu cầu: “Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc”. Do đó, đối với các DN đặc thù như các tổ chức tài chính, công ty chứng khoán với các tài sản và công nợ tài chính là chủ yếu, đặc biệt là khi nắm giữ các chứng khoán niêm yết trên TTCK với biến động hàng kỳ, nhưng BCTC vẫn dựa trên cơ sở giá gốc. Điều này khiến cho BCTC không phản ánh kịp thời theo giá thị trường hay giá hợp lý, người sử dụng BCTC chưa có thông tin phù hợp và kịp thời về tình hình tài chính của các đơn vị này.  

Tuy nhiên, theo lộ trình và định hướng phát triển chung do Bộ Tài chính ban hành cũng như xu thế phát triển kế toán trên thế giới đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải áp dụng GTHL trong công bố BCTC của các DN. Sau hơn 10 năm kể từ ngày ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTC áp dụng CMKT quốc tế về trình bày BCTC và thuyết minh đối với CCTC, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam ngày 16/3/2020. Để áp dụng CMKT quốc tế thành công, GTHL trở thành tiêu chuẩn bắt buộc để đảm bảo đồng bộ và hài hòa với hệ thống kế toán.

3. Đề xuất một số nhóm giải pháp về áp dụng giá trị hợp lý trong công bố thông tin của các doanh nghiệp

Trong thời gian tới, cần gấp rút thực hiện định hướng chung, nhanh chóng xây dựng khung quy định hướng dẫn áp dụng GTHL, phù hợp với CM IFRS 13. Trong đó, cũng cần có một CM riêng để quy định nội dung thống nhất về khái niệm, phương pháp xác định và kế toán GTHL. Đây sẽ là cơ sở để tham chiếu cho các CM khác và quy định khác. Bên cạnh đó, cần thực hiện một số nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc áp dụng GTHL trong kế toán tại các DN như sau:

Thứ nhất, nhóm giải pháp chính sách.

Theo kết quả nghiên cứu của Trần Văn Tùng (2017), 1 trong 3 nhóm nhân tố tác động mạnh nhất đến việc vận dụng GTHL trong kế toán của các DN ở Việt Nam chính là môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh. Tại Việt Nam, mô hình kinh tế quyết định các chính sách kinh tế áp dụng bao gồm các chính sách về CMKT nói chung và các quy định về cơ sở giá trị kế toán nói riêng. Do đó, Bộ Tài chính cần tạo hành lang pháp lý phù hợp cho sự phát triển của GTHL, hoặc nghiên cứu sớm tháo gỡ những khó khăn trong việc áp dụng GTHL trong công bố BCTC của các DN Việt Nam. Bước đầu, GTHL cần được thừa nhận chính thức như một cơ sở giá trị trong Luật Kế toán và CMKT chung như một cách định giá riêng, thay vì đề cập một cách mờ nhạt và gắn với riêng đối tượng CCTC như hiện tại. Tiếp đó, cần hoàn thiện công tác biên dịch chuyển ngữ và ban hành chuẩn mực kế toán về “Đo lường GTHL” nhằm thống nhất các khái niệm về GTHL, phương pháp đo lường GTHL tương tự như CMKT quốc tế IFRS 13. Tháo gỡ được từ hành lang pháp lý sẽ mở đường cho việc áp dụng rộng rãi theo GTHL như cơ sở đo lường chính thức trong kế toán.

Thứ hai, nhóm giải pháp hướng dẫn nâng cao trình độ của kế toán

Theo Trần Văn Tùng (2017), trình độ nhân lực kế toán cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng GTHL trong kế toán. Điều này xuất phát từ những khó khăn trong việc xác định GTHL cũng như kế toán GTHL có những vấn đề tương đối phức tạp hơn mô hình kế toán giá gốc truyền thống. Do đó, cần chú trọng nâng cao trình độ nhận thức và kỹ thuật kế toán cho nhân lực cũng là vấn đề cần được quan tâm đúng mực trong thời gian tới. Trong đó, cần có sự đồng bộ khi thực hiện các giải pháp tích cực từ môi trường kế toán, các hiệp hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo và nâng cao chất lượng thẩm định giá của các đơn vị thẩm định giá ở Việt Nam.

Đối với nhân tố vai trò của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp: Tăng cường vai trò quản lý, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho người làm nghề kế toán, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức về các mô hình định giá trong kế toán; giao quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho hội nghề nghiệp. Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, tác giả đề xuất việc tổ chức đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cần được giao lại cho các tổ chức hội nghề nghiệp.

Các trường đại học, tổ chức đào tạo kế toán cần đi đầu trong việc bắt kịp xu hướng phát triển của GTHL để nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy. 

Bên cạnh đó, các DN cũng cần tích cực chủ động xây dựng được đội ngũ nghiệp vụ chuyên nghiệp tự xác định được GTHL trong kế toán một cách đáng tin cậy.

Thứ ba, nhóm giải pháp về phát triển thị trường.

Đây được coi là điều kiện môi trường để có thể áp dụng GTHL. Với thực trạng thiếu thông tin của giá thị trường làm tham chiếu để xác định GTHL của tài sản và nợ phải trả, thị trường hoạt động cũng đủ mạnh, khiến cho các căn cứ phục vụ cho việc xác định GTHL của một số tài sản và nợ phải trả chưa thực sự đáng tin cậy. Trong bối cảnh tính tuân thủ luật pháp của một bộ phận DN chưa cao, dẫn đến tình trạng cố tình làm sai lệch các thông tin được công bố theo ý định chủ quan của người quản lý, điều hành phát sinh từ việc thực hiện các ước tính kế toán một cách không trung thực.

Giải pháp cần thực hiện là cải thiện và phát triển thị trường hoạt động, từ đó giúp kế toán có thể xác định GTHL cho nhu cầu báo cáo. Cụ thể, TTCK Việt Nam là cơ sở xác định giá hợp lý của các cổ phiếu niêm yết trên thị trường. Đối với các tài sản và nợ phải trả chưa có giá tham chiếu trên thị trường thì sử dụng dịch vụ thẩm định giá. Phát triển thị trường dịch vụ thẩm định giá ở Việt Nam nhằm tăng cường chất lượng thẩm định giá phù hợp theo thông lệ quốc tế.   

Do đó, cần phát triển đội ngũ cán bộ xác định giá trị tài sản và bản thân các doanh nghiệp cũng phải tích cực chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ tự tiến hành thẩm định giá các tài sản. Điều này có thể thúc đẩy bằng cách đào tạo các cán bộ có đủ năng lực để thực hiện xác định GTHL của tài sản và nợ phải trả một cách đáng tin cậy. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần tạo “sân chơi” bình đẳng cho các DN, đồng thời, phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và nâng cao môi trường kinh doanh.      

4. Kết luận

Trên thực tế, dù lợi ích của cơ sở GTHL không thể phủ nhận, nhưng chuẩn mực IFRS 13 về GTHL là một trong những chuẩn mực có, yêu cầu một số kỹ thuật cao để ước tính kế toán. Ví dụ, các ước tính về GTHL, giá trị có thể thu hồi, tổn thất tài sản, xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai… đều là những vấn đề yêu cầu kiến thức và kỹ năng khó. Do đó, qua khảo sát các quốc gia áp dụng IAS/IFRS cho thấy việc áp dụng GTHL chỉ phù hợp với những DN có quy mô lớn, hoặc các đơn vị có lợi ích công chúng, được niêm yết với công tác kế toán được tổ chức cao. Đối với các DN khác, chủ yếu là DN quy mô vừa và nhỏ, việc áp dụng chuẩn mực  này chỉ khuyến khích áp dụng. Do đó, tác giả đề xuất hướng áp dụng CMKT quốc tế ở Việt Nam nói chung và yêu cầu bắt buộc áp dụng cơ sở GTHL cần được hướng dẫn có tính phân hóa cho các loại hình DN khác nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Laux, C. & Leuz, C. (2010). Did financial accounting contribute to the financial crisis. Journal of Economic Perspectives.
  2. Ashford and C. C. (2011). Fair Value Accounting: Its Impacts on Financial Reporting and How It Can Be Enhanced to Provide More Clarity and Reliability of Information for Users of Financial Statements. International Journal of Business and Social Science, 2(20).
  3. Cairns, David, et al. (2011). IFRS fair value measurement and accounting policy choice in the United Kingdom and Australia. The British Accounting Review, 43(1), 1-21.
  4. Ngô Thị Thùy Trang (2012), Phương hướng và giải pháp vận dụng giá trị hợp lí trong kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  5. Pawan Jain. (2013). Fair Value Accounting: Adoptability in Indian Corporate Financial Reporting Scenario. International Journal of Accounting, and Business Management (IJABM), 1(1).
  6. Trần Văn Tùng (2017), Vận dụng giá trị hợp lý trong kế toán tại các công ty niêm yết trên HOSE, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/van-dung-gia-tri-hop-ly-trong-ke-toan-tai-cac-cong-ty-niem-yet-tren-hose-128587.html
  7. Trịnh Hồng Hạnh và các cộng sự (2021), Định hướng áp dụng kế toán giá trị hợp lý tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam theo chuẩn mực kế toán quốc tế. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM109824 

 Solutions to support the application of the fair value principle in the disclosure of financial statements in Vietnam

Master. Nguyen Thi Binh

Banking Academy

Abstract:

On March 23, 2019, the Ministry of Finance proposed a roadmap to apply International Financial Reporting Standards (IFRS) in Vietnam. In Vietnam, the application of the fair value principle is still a requirement to ensure that the IFRS application process in Vietnam is in harmony with international practices. This study introduces the necessity and role of the fair value principle in the disclosure of financial statements, gives an overview of the application of the fair value principle, and proposes solutions to support the application of the fair value principle in Vietnam.

Keywords: fair value, accounting standards, disclosure, application of the fair value principle.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]