Tóm tắt:
Bài viết nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế về hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế, từ đó đề xuất và đánh giá triển vọng hài hòa pháp luật thương mại quốc tế trong khu vực ASEAN. Cụ thể, về luật hợp đồng chung, có thể cân nhắc áp dụng Bộ nguyên tắc chung của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế của Viện Quốc tế về Thống nhất Luật Tư nhân (UNIDROIT) về hợp đồng TMQT (PICC). Về Luật Hợp đồng mua bán chung, có thể sử dụng Công ước Viên năm 1980 của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - CISG) để điều chỉnh hợp đồng giữa thương nhân nội khối và ngoại khối thuộc khu vực ASEAN.
Từ khóa: hài hòa hoá pháp luật, hợp đồng thương mại quốc tế, ASEAN.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa việc hài hóa pháp luật (legal harmonization) và cao hơn nữa là nhất thể hóa pháp luật (legal unification) giữa các quốc gia là một yêu cầu đặt ra có tính thiết yếu1. Hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế xuất hiện như một nhu cầu tất yếu của nền kinh tế đa quốc gia thời đại toàn cầu hóa. Với khu vực các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng không ngoại lệ. Một mặt, hài hóa pháp luật thúc đẩy thương mại quốc tế. Mặt khác, sự phát triển của quan hệ thương mại xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN cũng khiến cho nhu cầu có một “luật chơi chung” trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, để đạt được sự hài hòa về pháp lý giữa các quốc gia đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhất là với khu vực đa dạng bản sắc như ASEAN. Để làm được điều đó, các quốc gia sẽ đàm phán với nhau để đạt được những thỏa thuận chung trong phạm vi khu vực hoặc toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình hài hòa hóa pháp luật là rất phức tạp, bởi nó liên quan đến sự tương tác giữa các hệ thống pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế, giữa luật công và luật tư2. “Hài hòa hóa pháp luật” là quá trình xem xét và dung hòa những khác biệt trong hệ thống pháp luật và văn hóa nhằm tạo ra các công cụ tiêu chuẩn hóa các điều khoản và thông lệ thương mại xuyên biên giới. Theo Christian Twigg-Flesner (2021) (Making International Commercial Law: Harmonization - process and methods…) có thể đạt được sự hài hòa hóa thông qua 2 phương thức sau: (i) thay thế các quy tắc trong nước hiện tại bằng một quy tắc được quốc tế đồng thuận; hoặc; (ii) bổ sung luật trong nước bằng một quy tắc được quốc tế đồng ý chỉ áp dụng cho các giao dịch quốc tế. Sự hài hòa của pháp luật quốc tế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ chính trị quốc tế, quan hệ kinh tế cũng như các giao dịch dân sự và thương mại giữa các quốc gia, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Vấn đề hài hòa hóa pháp luật thông thường được hiểu và giải quyết dựa theo 3 cấp độ khác nhau, gồm:
(i) Hài hòa hóa pháp luật ở cấp độ chính sách pháp luật;
(ii) Hài hòa hóa pháp luật ở cấp độ quy trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật;
(iii) Hài hòa hóa pháp luật ở cấp độ nhất thể hóa các thủ tục hành chính áp dụng chung, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật pháp lí áp dụng chung đối với các hoạt động tác nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể3.
Trên thực tế, hiếm khi xuất hiện những nỗ lực về hài hòa hóa pháp luật trong các vấn đề về luật công, bởi các vấn đề này thể hiện chủ quyền và quyền tự quyết của mỗi quốc gia mà không một chủ thể nào có thể dễ dàng can thiệp hay đặt ra được sự thỏa hiệp giữa các quốc gia. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống pháp luật của một quốc gia, thậm chí có những điều là cố hữu, dường như bất khả thi để thay đổi. Do đó, việc hài hòaoà hóa pháp luật công như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hành chính - lĩnh vực chịu sự chi phối sâu sắc là rất khó khả thi tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề này lại khả thi hơn nhiều đối với luật tư như pháp luật về thương mại, hợp đồng, sở hữu trí tuệ,… bởi sự linh hoạt, phổ biến và tương đồng về mặt nguyên tắc chung của nó tại mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, mục đích chung của luật tư là giúp cho quá trình giao thương giữa các quốc gia dễ dàng hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế5. Trong lĩnh vực thương mại quốc tế (TMQT), hành động này được cụ thể hóaoá thông qua việc tham gia kí kết các hiệp định thương mại tự do; xây dựng bộ quy tắc chung về hợp đồng TMQT; xây dựng pháp luật hay những nguyên tắc chung để giải quyết tranh chấp về TMQT.
Khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á4 cũng không phải là ngoại lệ của xu hướng này. Kể từ khi ra đời năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC - một trong ba trụ cột của ASEAN) đã nhanh chóng phát triển, tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho nền kinh tế khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia thành viên. AEC đã trở thành một trong bốn khối mậu dịch quan trọng của thế giới, với qui mô rộng lớn hơn 600 triệu dân, GDP chung đạt 3.100 tỉ USD, đứng thứ năm toàn cầu, thương mại nội khối khoảng 750 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các thị trường mới nổi5.
Trong lĩnh vực TMQT, hiện nay ASEAN đã có những FTA như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS), điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về thương mại trong nội khối. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ thương mại giữa các nước ASEAN, rất cần có những nỗ lực hài hòa hóa pháp luật ở mức cao hơn, như bộ hợp đồng mẫu chung hay cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại trong nội khối.
2. Kinh nghiệm nước ngoài về hài hòa hóa quan hệ pháp luật hợp đồng thương mại quốc tế
2.1. Hài hòa pháp luật hợp đồng thương mại quốc tế của Liên minh châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 01/11/1993 dựa trên nền tảng của Cộng đồng châu Âu (EC), hiện nay bao gồm 27 thành viên6. Đây là tổ chức liên chính phủ, siêu quốc gia duy nhất và có vai trò đặc biệt trong hệ thống quốc tế. Năm 1999 đồng Euro ra đời, tính đến thời điểm hiện tại đồng Euro đã chính thức được lưu hành trên 20 quốc gia thành viên của EU tham gia khu vực đồng Euro (Eurozone). Ngoài ra, các quốc gia không phải là thành viên của EU như Iceland, Na Uy, Liechtenstein hay Thụy Sĩ đều đã tham gia vào Eurozone7. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của thương mại trong thị trường EU. Xuất phát từ nhu cầu thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia trong liên minh, EU đã xây dựng khung pháp lý từ rất sớm. Hay nói cách khác, pháp luật EU ngay từ khi ra đời đã là nhằm mục đích kinh tế, do đó pháp luật châu Âu vừa là pháp luật quốc gia vừa là pháp luật quốc tế. Pháp luật của EU giống pháp luật quốc tế ở chỗ các Hiệp ước thành lập đều là những điều ước quốc tế, được ký kết trên cơ sở các nguyên tắc, quy định của pháp luật quốc tế. Nhưng cũng đồng thời khác với pháp luật quốc tế ở chỗ khá tương đồng với luật pháp của một quốc gia, pháp luật của EU có thể áp dụng trực tiếp trên lãnh thổ của các nước thành viên. Trong phạm vi thẩm quyền của EU, pháp luật của nước thành viên không còn quyền điều chỉnh và được thay thế bởi pháp luật của EU8.
Về Bộ Nguyên tắc trong hợp đồng thương mại, EU đã xây dựng được Bộ Nguyên tắc luật hợp đồng châu Âu (PECL) được soạn thảo từ năm 1995 đến năm 2003 và Luật Hợp đồng mua bán chung châu Âu (CESL). PECL có phạm vi điều chỉnh giải quyết một loạt các vấn đề về hợp đồng, chẳng hạn như: vi phạm hợp đồng, biện pháp khắc phục vi phạm, hình thành, hiệu lực, giải thích, cơ quan và chuyển nhượng khiếu nại.
Về xét xử trong lĩnh vực thương mại, EU ban hành Công ước về quyền tài phán và thi hành các bản án trong các vấn đề dân sự và thương mại, được ký tại Lugano ngày 16/9/1988 (88/592/EEC). Sau này, Công ước này được thay thể bởi Công ước Lugano 2007, có hiệu lực đối với tất cả các Quốc gia Thành viên ngoại trừ Đan Mạch vào ngày 18/5/2009, được áp dụng giữa các Quốc gia Thành viên EU và các thành viên của EFTA (Na Uy, Iceland và Thụy Sĩ) và Đan Mạch9.
2.2. Hài hòa pháp luật hợp đồng thương mại của các quốc gia châu Phi
Sự ra đời của Tổ chức Hài hòa hóa Luật Kinh doanh ở châu Phi (OHADA). Tổ chức này được thành lập theo Hiệp ước về Hài hòa hóa Luật Kinh doanh ở châu Phi ký ngày 17/10/1993 tại Port - Louis, Mauritius Ireland và được sửa đổi tại Quebec, Canada vào ngày 17/10/2008. OHADA hiện nay gồm 17 quốc gia châu Phi và vẫn mở cửa cho bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên minh châu Phi (AU), hoặc thậm chí với bất kỳ quốc gia không phải thành viên nào của AU sẽ được mời tham gia theo thỏa thuận chung của các quốc gia thành viên.
Tính đến nay, tổ chức này đã ban hành được 9 văn bản pháp lý ở cấp độ khu vực gồm: Đạo luật thống nhất tổ chức đơn giản hóa thủ tục tố tụng và các biện pháp thi hành năm 1998; Đạo luật thống nhất về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ năm 2003; Đạo luật thống nhất về hợp tác xã năm 2010; Đạo luật thống nhất về tổ chức chứng khoán năm 2010; Đạo luật thống nhất về luật thương mại chung năm 2010; Đạo luật thống nhất về các công ty thương mại và các nhóm lợi ích kinh tế năm 2014; Luật Phá sản (Insolvency law) năm 2015; Đạo luật Thống nhất liên quan đến luật kế toán và thông tin tài chính năm 2017; Đạo luật Tthống nhất về hòa giải) năm 2017; Đạo luật Thống nhất về luật trọng tài năm 2017; và hiện nay OHADA đang trong quá trình nghiên cứu và soạn thảo Đạo luật thống nhất về Luật Lao động. Như vậy, có thể thấy rằng trong khu vực đã có quy định pháp luật nhằm hài hóa pháp luật hợp đồng thương mại. Về pháp luật thương mại, đã có pháp luật chung về thương mại, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. Về giải quyết tranh chấp trong thương mại, đã có quy định pháp lý thống nhất về những phương thức giải quyết tranh chấp như trọng tài và hòa giải thương mại. Điều này tạo ra thuận lợi đáng kể đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên của OHADA. Bởi một khi thiết lập được những căn cứ pháp lý chung rõ ràng, cụ thể về những vấn đề trên sẽ giảm thiểu được những tranh chấp về thương mại, cũng như tạo ra sự thuận tiện cho các cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh thương mại bên trong khu vực. Mặt khác, điều này cũng thu hút được các chủ thể ngoài khu vực đầu tư và tham gia kinh doanh, bởi có những cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất bên trong OHADA.
Từ những kinh nghiệm của Liên minh châu Âu - EU và Liên minh châu Phi - AU, có thể thấy cơ sở để có hài hòa hóa luật tư thành công, đặc biệt trong lĩnh vực luật hợp đồng TMQT bao gồm một số yếu tố quan trọng:
Thứ nhất, giữa các quốc gia trong khu vực phải có quan hệ liên kết chặt chẽ về kinh tế, có chung mục tiêu và chia sẻ tầm nhìn. Với EU, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đã tạo ra động lực cho hài hòa hóa pháp luật; còn với AU, sự tụt hậu và những khuyết điểm trong kinh tế lại là động lực để buộc các quốc gia trong ODAHA phải có những nỗ lực thống nhất luật tư.
Thứ hai, giữa các quốc gia trong khu vực phải chia sẻ chung triết lý về lập pháp, về luật tư nói chung và luật hợp đồng nói riêng. Các quốc gia EU và AU nói chung đều chịu ảnh hưởng của dòng họ pháp luật dân sự (civil law), sự khác biệt nhìn chung là không lớn.
Với khối ASEAN, tình hình khác biệt hơn rất nhiều: nền kinh tế ASEAN phát triển rất nhanh, nhưng quan hệ kinh tế của khối ASEAN chủ yếu là giữa từng quốc gia thành viên với các đối tác kinh tế lớn trên thế giới (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…). Tỉ trọng thương mại nội khối vẫn còn rất hạn chế, chưa tạo ra động lực cho hài hòa hóa luật tư. Hài hòa hóa pháp luật hợp đồng TMQT trong khu vực ASEAN còn bị hạn chế bởi sự khác biệt trong truyền thống pháp luật giữa các quốc gia trong khối.
3. Một số khuyến nghị để thực hiện hài hòa hóa pháp luật hợp đồng thương mại quốc tế của ASEAN
Hiện nay, trong lĩnh vực hợp đồng TMQT đã có những quy định pháp luật ở cấp độ toàn cầu. Căn cứ vào đó, ASEAN có thể lựa chọn thống nhất áp dụng đối với từng vấn đề cụ thế. Trên thực tế, điều này đã từng xuất hiện trong tiền lệ ở ASEAN như Hiệp định ATIGA, AFAS.
Về Luật Hợp đồng chung, có thể cân nhắc áp dụng Bộ nguyên tắc chung của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế của Viện Quốc tế về Thống nhất Luật Tư nhân (UNIDROIT) về hợp đồng TMQT (PICC).
Về Luật Hợp đồng mua bán chung, có thể sử dụng Công ước Viên năm 1980 của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - CISG) để điều chỉnh hợp đồng giữa thương nhân nội khối và ngoại khối thuộc khu vực ASEAN. CISG là văn bản hài hòa hóa pháp luật nhằm thống nhất các quy phạm được áp dụng để điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, dù các bên của hợp đồng ở quốc gia nào10. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề cần phải cân nhắc về tính khả thi trong thực tiễn tại ASEAN. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, tính phổ biến trong việc áp dụng CISG tại các quốc gia ASEAN còn hạn chế. Căn cứ theo thống kế về danh sách các quốc gia tham gia ký kết CISG của Viện luật Thương mại quốc tế (IICL), có thể nhận thấy chỉ có 03/10 quốc gia thành viên ASEAN là thành viên của CISG11. Do đó, rất khó để CISG có thể được áp dụng phổ biến như một phương thức để hàải hòa hóa pháp luật về mua bán hàng hóa trong nội khối ASEAN.
Thứ hai, phạm vi điều chỉnh của CISG còn chưa bao trùm, không giải quyết tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, như: trách nhiệm của các bên trong giai đoạn đàm phán, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, vấn đề ủy quyền, vấn đề thời hiệu, vấn đề chuyển quyền sở hữu của hàng hóa. Vì thế, bên cạnh Công ước Viên 1980, vẫn cần một nguồn luật khác (thường là luật quốc gia) để điều chỉnh các vấn đề mà Công ước Viên 1980 không đề cập đến. Bên cạnh đó, CISG được soạn thảo từ cách đây hơn 30 năm, nên chưa dự liệu để điều chỉnh đầy đủ những vấn đề pháp lý mới liên quan đến hoạt động thương mại điện tử và các hoạt động kinh tế số. Do đó, vấn đề hài hòa hóa pháp luật hợp đồng TMQT vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thứ ba, việc áp dụng các án lệ của CISG gây khó khăn cho những hệ thống pháp luật không thân thuộc. Từ thực tiễn áp dụng tại Việt Nam có thể nhận thấy những bất cập trong tương lai nếu áp dụng CISG giữa các quốc gia trong ASEAN. Mặc dù Việt Nam đã gia nhập CISG từ ngày 01/01/2017 (tính đến nay là hơn 7 năm), nhưng số lượng các vụ việc liên quan đến mua bán hàng hoá được giải quyết theo CISG vẫn còn hạn chế. Trong đó, việc áp dụng án lệ của CISG để giải quyết hợp đồng tranh chấp TMQT vẫn còn lạ lẫm với các vụ xét xử tại nước ta12.
Tóm lại, hài hòa hóa pháp hợp đồng TMQT luật là tất yếu đối với ASEAN ở thời điểm hiện tại và tương lai. Tuy nhiên với những yếu tố đặc thù của ASEAN, việc hài hòa hóa pháp luật nội khối cần phải đảm bảo thỏa mãn được những điều kiện này. Bên cạnh đó, kinh nghiệm thành công cũng như khó khăn tại EU và OHADA cũng cần được nghiên cứu và đánh giá để hoàn thiện hài hoà pháp luật hợp đồng TMQT tại ASEAN./.
Tài liệu trích dẫn:
1 Razeen Sappideen (2006). Harmonizing International Commercial Law Through Codification, Journal of World Trade, https://doi.org/10.2139/SSRN.1533087
2 Backer, L.C. (2007). Harmonizing Law in an Era of Globalization: Convergence, Divergence and Resistance, tr.8-9.
3 Hoàng Phước Hiệp (2020). “25 năm Việt Nam hài hòa hóa pháp luật và nội luật hóa các nghĩa vụ thành viên ASEAN”. Tạp chí Luật học (12), tr.19.
4 Hiện nay, ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên là: Chính phủ các nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang My-an-ma, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan, và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Xem thêm tại: https://asean.org/member-states/.
5 Phạm Hữu Doanh, Phạm Ngọc Hòa (2023). Những tác động mạnh mẽ của cộng đồng kinh tế ASEAN tới nền kinh tế Việt Nam. Truy cập tại https://tapchinganhang.gov.vn/nhung-tac-dong-manh-me-cua-cong-dong-kinh-te-asean-toi-nen-kinh-te-viet-nam.htm
6 Sau sự kiện Brexit xảy ra ngày 23/6/2016 đánh dấu nước Anh đã chính thức rời khỏi EU.
7 Vũ Thanh Tùng - Hoàng Thị Minh Châu (2019). “Vận dụng bài học kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật chung cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN”. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 46 (56) - Tháng 05 - 06, tr.83.
8 Vũ Thanh Tùng (2019). Tlđd, tr.86.
9 Duncan Alford và Matthew Novak (2022).“Researching the Harmonization of International Commercial Law (update)”, Hauser Global Law School Program, New York University School of Law. Available at https://www.nyulawglobal.org/globalex/Unification_Harmonization1.html#the-organization-for-the-harmonization-of-business-laws-in-africa-ohada.
10 Điều 1, Công ước Viên về mua bán hàng hóaoá quốc tế năm 1980 (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods).
11 Xem thêm tại: https://iicl.law.pace.edu/cisg/page/cisg-table-contracting-states
12 Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hoài Thương, Lê Thị Thoa (2021). Áp dụng án lệ của CISG để giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế tại các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam. Truy cập tại https://danchuphapluat.vn/ap-dung-an-le-cua-cisg-de-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-thuong-mai-quoc-te-tai-cac-trung-tam-trong-tai-thuong-mai-o-viet-nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Thanh Tùng, Hoàng Thị Minh Châu (2019). “Lý giải những thách thức đối với hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia khu vực ASEAN”. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 46 (56), tr. 83-89.
2. Nguyễn Bá Bình (2018). “Khả năng hài hòa hóa pháp luật trong khu vực Asean: Trường hợp của Luật Hợp đồng”. Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp, số 22(374). Truy cập tại http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207662.
3. Châu Dương (2024). “Hội nghị ALAWMM và ASLOM: Ghi nhận hiệu quả hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp của ASEAN”. Truy cập tại https://baophapluat.vn/hoi-nghi-alawmm-va-aslom-ghi-nhan-hieu-qua-hoat-dong-hop-tac-phap-luat-va-tu-phap-cua-asean-post503080.html.
4. Christian Twigg-Flesner (2021). Making International Commercial Law: Harmonization - process and methods, in Foundations of International Commercial Law 62, eBook ISBN9781315692807.
Harmonizing international trade laws: International experiences and prospects for ASEAN
Nguyen Ha Khanh Linh
Hanoi Law University
Abstract:
This study analyzed international experiences in harmonizing international trade laws and evaluated the prospects for harmonizing international trade laws in the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN). Specifically, regarding general contract law, it is possible to consider applying the Common Principles of the United Nations Commission on International Commercial Law and the Principles of International Commercial Contracts (PICC) of the International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT). Regarding the Law on General Sales Contracts, the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG), sometimes known as the Vienna Convention of 1980, can be used to regulate contracts between internal and external traders in ASEAN.
Keywords: legal harmonization, international commercial contract, ASEAN.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 13 tháng 6 năm 2024]