Hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tình hình mới

Sản xuất công nghiệp trong quý I/2025 tiếp tục khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I kể từ năm 2020 đến nay, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.

Số liệu của Cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024 tăng 5,9%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (quý I/2024 tăng 6,0%), đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,7%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

sản xuất công nghiệp
(Nguồn: Cục Thống kê)

Sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng cao nhất so cùng kỳ 5 năm qua

Chỉ số sản xuất quý I/2025 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất xe có động cơ tăng 36,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,1%; sản xuất trang phục tăng 14,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 12,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa...  tăng 11,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,6%; dệt tăng 9,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,6%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 1,1%; sản xuất đồ uống giảm 0,7%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương và giảm ở 04 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Phú Thọ tăng 44,0%; Bắc Kạn tăng 31,8%; Bắc Giang tăng 27,2%; Nam Định tăng 23,5%; Hà Nam tăng 18,6%; Tây Ninh tăng 16,1%; Huế tăng 14,0%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Hòa Bình tăng 89,0%; Huế tăng 47,5%; Lai Châu tăng 35,3%; Trà Vinh tăng 22,2%; Hà Nam tăng 10,4%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2025 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Lào Cai tăng 1,5%; Hà Tĩnh giảm 7,1%. Cao Bằng giảm 7,0%; Gia Lai giảm 0,5%.

Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện quý I/2025 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Cao Bằng tăng 0,2%; Bình Thuận tăng 0,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 27,5%; Bạc Liêu giảm 18,9%; Lào Cai giảm 5,2%; Gia Lai giảm 1,7%. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước giảm: Gia Lai giảm 18,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 11,5%; Sóc Trăng giảm 11,1%; Hà Nội giảm 5,4%.

công nghiệp chủ yếu
(Nguồn: Cục Thống kê)

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 81,5%; ti vi tăng 22,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 18,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,8%; quần áo mặc thường tăng 14,3%; linh kiện điện thoại tăng 12,0%; giày, dép da tăng 9,1%; thức ăn cho thủy sản tăng 7,4%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 12,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,4%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 2,4%; thép cán giảm 1,8%; điện thoại di động giảm 1,7%; sơn hóa học giảm 0,9%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2025 tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,2%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2025 tăng 5,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 15,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2025 là 90,0% (bình quân quý I/2024 là 68,7%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2025 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 0,6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% và tăng 3,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,4% và tăng 5,8%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,2% và tăng 5,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tương đương cùng thời điểm tháng trước và tăng lần lượt là 0,2% và 1,5% so với cùng thời điểm năm trước.

Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025 chiều 04/4/2025, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, theo tính toán, để tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% trong năm nay, ngành công nghiệp phải tăng trưởng ít nhất 9,3% và ngành công nghiệp chế biến chế tạo phải đạt mức tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp công nghiệp, trong đó có việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với Việt Nam có thể khiến hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Để ứng phó với những khó khăn, trước mắt, lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã ngay lập tức có những động thái nhằm đẩy mạnh các biện pháp ngoại giao, đàm phán với phía Hoa Kỳ để thỏa thuận mức thuế đối ứng phù hợp hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng thế mạnh sẵn có là 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường; đẩy nhanh công tác đàm phán các FTA với các thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường khác,...

công nghiệp
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trao đổi về tình hình sản xuất công nghiệp và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thời gian tới. (Ảnh: TCCT/Huyền My)

Về dài hạn, đại diện Cục Công nghiệp đề xuất một số giải pháp để tăng trưởng ngành công nghiệp bền vững trong thời gian tới.

Thứ nhất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật phát triển công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược theo định hướng của Đảng và Chính phủ trong thời gian tới để tạo khung pháp lý bền vững, thống nhất cho quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Thứ hai, triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia giai đoạn 2016-2025, và xây dựng Chương trình giai đoạn 2026-2035 để hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn cải tiến sản xuất, cơ sở dữ liệu, phổ biến thông tin,….

Thứ ba, phối hợp với các địa phương để hoàn thiện cơ chế, chính sách địa phương nhằm tăng cường phân bổ, thu hút các nguồn lực đầu tư và triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp địa phương.

Việt Hằng