TÓM TẮT:
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[1] Là cơ quan quyền lực nhất đại diện cho toàn thể nhân dân, Quốc hội có vai trò vô cùng quan trọng bộ máy chính trị Việt Nam. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu Ủy ban thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực của Quốc hội Việt Nam. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Hoàn thiện các quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội nói chung và Chủ tịch Quốc hội nói riêng là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện bộ máy chính trị ở nước ta. Đây là nội dung được bàn đến trong bài viết dưới đây.
Từ khóa: Chủ tịch Quốc hội, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội, hoàn thiện pháp luật về nhiệm vụ.
1. Đặt vấn đề
Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội là cơ quan duy nhất thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Quốc hội có quyền bầu, miễn nhiệm các chức danh, cơ quan giúp việc trong bộ máy chính trị, trong đó Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Quốc hội bầu ra Chủ tịch Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách và không thể đồng thời là thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội mỗi khóa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội. Qua đó, có thể thấy vị trí quan trọng của Chủ tịch Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng của Quốc hội. Luật Tổ chức Quốc hội đã sửa đổi qua các thời kỳ từ Luật Tổ chức Quốc hội 1960 đến Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020, cùng với những thay đổi về nội dung các quy định của pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội cũng không ngoại lệ. Hoàn thiện các quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội không chỉ nhằm mục đích nâng cao hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vai trò của Quốc hội, mà còn góp phần kiện toàn bộ máy chính trị Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
2. Thực trạng pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội
Căn cứ tại Điều 72 Hiến pháp 2013 quy định: “Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội”. Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội còn được quy định cụ thể tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020), theo đó, Chủ tịch Quốc hội có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Nhiệm vụ, quyền hạn đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội là chủ tọa phiên họp Quốc hội. Tại Điều 83 Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín. Cũng tại Điều này, Quốc hội có cuộc họp mỗi năm 2 kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội. Như vậy, có thể thấy, Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, là chủ tọa của tất cả các phiên họp của Quốc hội. Tuy nhiên, quyền được yêu cầu tổ chức họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ thông qua Ủy ban thường vụ Quốc hội để yêu cầu họp Quốc hội bất thường thay vì có thể yêu cầu với tư cách độc lập như Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ. Là người đứng đầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan chuyên trách của Quốc hội và đại diện cho cho toàn thể đại biểu Quốc hội thi hành các hoạt động, việc Chủ tịch Quốc hội chỉ có thể thông qua Ủy ban thường trực Quốc hội mới có quyền yêu cầu họp Quốc hội là chưa phù hợp. Quy định tại Điều 83 của Hiến pháp 2013 không chỉ cho thấy hạn chế trong việc Chủ tịch Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà còn hạn chế quyền của Đại biểu Quốc hội khi thực hiện các quy định của mình, quy định về kỳ họp của Quốc hội.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Tương tự như việc tổ chức và chủ tọa trong các phiên họp Quốc hội, đối với nhiệm vụ, quyền hạn ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội tại khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp. Qua đó, có thể thấy đối với nhiệm vụ, quyền hạn đầu tiên này, Chủ tịch Quốc hội chỉ thực hiện với tư cách là người tổ chức, chủ tọa, điều hành các phiên họp Quốc hội và ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Chỉ được thực hiện quyền yêu cầu họp Quốc hội, hội xem xét, quyết định việc làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp, luật, nghị quyết một cách gián tiếp thông qua Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Là người đảm nhận chức danh Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội như: Lãnh đạo phối hợp công tác giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; Lãnh đạo trong việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì cuộc họp Quốc hội; Lãnh đạo trong việc chuẩn bị luật, pháp lệnh,…
Nhiệm vụ, quyền hạn thứ hai tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) được quy định Chủ tịch Quốc hội lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nội dung của quyền hạn này đã khái quát được việc Chủ tịch Quốc hội có quyền chỉ đạo cả việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do vậy, việc quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội “chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội” là không cần thiết. Bởi lẽ, chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội,… cũng là một trong những công tác khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 60 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định “Chủ tịch Quốc hội chủ tọa phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội”, tại khoản 2 Điều 61 Luật này quy định “khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội” và tại khoản 1 Điều 62 Luật này quy định “Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo việc chuẩn bị phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự kiến chương trình, quyết định thời gian họp và các biện pháp bảo đảm. Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị những nội dung được Chủ tịch Quốc hội phân công”. Như vậy, việc quy định lại các chức năng nhiệm vụ này của Chủ tịch Quốc hội này lại một lần nữa tại khoản 2 Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) là thể hiện khái quát được nhiệm vụ, quyền hạn đối với tất cả các công tác, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức.
Đây là nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội được bổ sung tại khoản 3 Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020). Khoản 3 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 quy định Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm. Là người đứng đầu và đại diện cho Đại biểu Quốc hội, việc Chủ tịch Quốc hội chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập là hoàn toàn phù hợp.
- Triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi cần thiết.
Tại Điều 85 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, trong đó “triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội”, có thể thấy hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là khác nhau. Đối với phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ có quyền tham dự không có quyền triệu tập và chủ tọa phiên họp. Đối với hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội có quyền triệu tập và chủ tọa. Tuy nhiên, trên thực tế, trách nhiệm, quyền hạn này của Chủ tịch Quốc hội lại chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn các trường hợp triệu tập, tổ chức và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội. Trong khi đó, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2020 cũng chưa bổ sung các nội dung này. Do vậy, trên thực tế, việc triệu tập hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội vẫn thuộc trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội, nhưng vì không có bất kỳ quy phạm hướng dẫn để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên nên vô cùng khó khăn trong việc triệu tập, tổ chức và xác định đó là hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội hay các hội nghị do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức.
- Giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.[2] Trong tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.[3] Do vậy, về bản chất, Chủ tịch Quốc hội cũng là một đại biểu Quốc hội, vậy nên Chủ tịch Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, cũng giống với nhiệm vụ, quyền hạn về triệu tập, chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, việc “giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội” cũng không được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.[4] Ngoài ra, đại biểu Quốc hội còn có các quyền khác được quy định cụ thể tại Chương II Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Khó có thể đồng nhất giữa các quyền của Đại biểu Quốc hội chính là các hình thức giữ quan hệ với đại biểu Quốc hội của Chủ tịch Quốc hội. Bởi trên thực tế, quyền của Đại biểu Quốc hội được quy định thành một chương riêng trong Luật Tổ chức Quốc hội, đây chính là quyền cơ bản của mỗi Đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội trong việc giữ quan hệ với đại biểu Quốc hội dưới hình thức nào, cách thức thực hiện ra sao lại không có bất cứ quy định viện dẫn nào đến các quyền của Đại biểu Quốc hội. Do vậy, việc đưa “giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội” thành một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội nhưng lại không có sự hướng dẫn thực hiện cụ thể đã vô tình chung khiến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này của Chủ tịch Quốc hội bị hạn chế và khó xác định.
- Chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.
Căn cứ khoản 15 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định: “Kinh phí hoạt động của Quốc hội là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định, bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội.”. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, kinh phí hoạt động của Quốc hội được quản lý bởi Văn phòng Quốc hội. Là người đứng đầu cho Ủy ban thường trực Quốc hội và Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội là tất yếu khách quan. Nhiệm vụ, quyền hạn này của Chủ tịch Quốc hội được quy định khoản 2 Điều 101 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành như sau: “Việc dự toán, quản lý, cấp và sử dụng kinh phí hoạt động của Quốc hội được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, tại Luật Ngân sách Nhà nước 2015, lại không quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội về ngân sách nhà nước thay vào đó là quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Về bản chất, Chủ tịch Quốc hội là người sau cùng ký chứng thực vào các văn bản luật về tài chính, ngân hàng do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành. Dẫu vậy, việc không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội về ngân sách nhà nước đã cho thấy sự thiếu thống nhất giữa Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ngân sách Nhà nước trong việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.
- Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực.
Tại Điều 5 Nghị quyết số 1170/2016/NQ-UBTVQH13 ban hành ngày 17/3/2016 về ban hành quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội, trong đó nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội trong hoạt động đối ngoại bao gồm:
- Chỉ đạo việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam tại các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực.
- Xem xét, quyết định hoạt động đối ngoại của Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, người đứng đầu các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội là Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước và các đối tượng thuộc diện Ủy ban thường vụ Quốc hội quản lý.
- Xem xét, quyết định chủ trương để cán bộ giữ các chức danh quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết nhận huân chương, huy chương, danh hiệu, giải thưởng do nước ngoài, tổ chức quốc tế tặng, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Xem xét, quyết định chủ trương đón và nội dung làm việc với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Quốc hội các nước; chủ trương đón Chủ nhiệm Ủy ban và lãnh đạo cấp tương đương của Quốc hội các nước; lãnh đạo các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực thăm, làm việc tại Việt Nam.
- Chỉ đạo Ủy ban đối ngoại của Quốc hội trong việc giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội điều hòa, phối hợp và triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
- Quyết định việc tổ chức hội nghị về công tác đối ngoại của Quốc hội khi cần thiết.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội về hoạt động đối ngoại đã được quy định cụ thể tại Mục 1 Chương II Nghị quyết số 1170/2016/NQ-UBTVQH13. So với các nhiệm vụ, quyền hạn trên của Chủ tịch Quốc hội vẫn chưa được có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội được hướng dẫn bằng một nghị quyết cụ thể, dựa vào đây những nhà nghiên cứu luật có thể nhìn khái quát và xác định được chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội hơn.
3. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội
Thông qua thực trạng các quy định pháp luật hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội, tác giả xin kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội như sau:
Một là, cần phải tách bạch giữa nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội với nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội bầu một trong các đại biểu Quốc hội để đảm nhận chức danh Chủ tịch Quốc hội. Trong khi Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, gồm: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch. Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ. Số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể đại diện cho các chức danh thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, tuy nhiên, mỗi chức danh trong Ủy ban lại có nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Chính vì thế, trong trường hợp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội nhưng lại không quy định chi tiết về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó sẽ rất dễ dẫn đến trường hợp nhiệm vụ, quyền hạn đó của Chủ tịch Quốc hội là thực hiện các quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội như các chức danh khác. Hai là, bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội về yêu cầu tổ chức phiên họp Quốc hội bất thường bên cạnh các cơ quan Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội không chỉ với tư cách là người đứng đầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội mà còn là một trong số các đại biểu Quốc hội, do vậy Chủ tịch Quốc hội cũng cần có quyền yêu cầu tổ chức phiên họp Quốc hội bất thường.
Ba là,ban hành Nghị quyết hướng dẫn về nhiệm vụ quyền hạn triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Như đã phân tích ở trên, đây là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, hiện nay trong Luật Tổ chức quốc hội hiện hành cùng với các văn bản luật khác đều chưa ban hành các nội dung chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội,… Do vậy, cần phải có một văn bản quy định về cách thức thực hiện nhiệm vụ này của Chủ tịch Quốc hội.
Bốn là, ban hành Nghị quyết quy định các hình thức, biện pháp để thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội về giữ mối quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Tương tự như nhiệm vụ quyền hạn trên, giữ mối quan hệ với các đại biểu Quốc hội là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn chính của Chủ tịch Quốc hội. Song, quy định về nhiệm vụ này chưa phát huy được vai trò, ý nghĩa của nó. Do vậy, cần phải quy định Chủ tịch Quốc hội giữ mối quan hệ với đại biểu Quốc hội bằng cách nào, thông qua cách thức ra sao tại các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Năm là, để đảm bảo trách nhiệm, quyền hạn chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội của Chủ tịch Quốc hội, tại Luật Ngân sách Nhà nước, bổ sung thêm điều khoản về trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội về Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội cần phải thống nhất về mặt nội dung, tránh mâu thuẫn, chồng chéo và tránh trường hợp các trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội không thể thực hiện trên thực tế vì chưa có chế định hướng dẫn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2013), Hiến pháp 2013.
- Quốc hội (2014), Luật Tổ chức Quốc hội 2014.
- Quốc hội (2020), Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, bổ sung 2020.
- Quốc hội (2016), Nghị quyết số 1170/2016/NQ-UBTVQH13 ban hành ngày 17/3/2016 về ban hành quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Completing the legal provisions on the tasks and powers of the Chairman of the National Assembly
Phan Khuyen
National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus
Abstract:
The National Assembly is is the people's highest representative body and it is also the most powerful state organization of the Socialist Republic of Vietnam. The National Assembly plays an extremely important role in the Vietnamese political system. In particular, the Chairman of the National Assembly is the head of the National Assembly Standing Committee. Duties and powers of the Chairman of the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam are stipulated in the Constitution and the current Law on Organization of the National Assembly. Completing the legal provisions on the tasks and powers of the National Assembly in general and the Chairman of the National Assembly in particular are two of the important requirements in perfecting the political apparatus in Vietnam. This paper is about this content.
Keywords: The National Assembly Chairman, duties and powers of the National Assembly Chairman, perfecting the law on tasks and powers of the National Assembly Chairman.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2022]