Hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển ngành Thủy sản

ThS. LÊ THỊ MAI ANH (Bộ môn Kinh tế quốc tế, Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính)

TÓM TẮT:

Thực hiện mục tiêu phát triển ngành Thủy sản giai đoạn từ 2014 - 2018, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm định hướng đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho ngành Thủy sản. Khi chính sách đầu tư ngày càng tăng sẽ góp phần tạo thêm cơ sở vật chất cho ngành Thủy sản, cũng như góp phần thúc đẩy ngành này ngày càng phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, như: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, cơ cấu vốn đầu tư được sử dụng chưa hiệu quả, đầu tư chưa hợp lý, dàn trải và thiếu tập trung. Bài viết đánh giá thực trạng chính sách đầu tư đối với ngành Thủy sản trong thời gian qua, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện chính sách này trong thời gian tới.

Từ khoá: Ngành Thủy sản, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, chính sách đầu tư.

1. Đặt vấn đề

Để ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều các văn bản pháp luật nhằm định hướng đầu tư phát triển ngành Thủy sản. Việc đầu tư đúng hướng đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản ở Việt Nam. Bên cạnh các mặt tích cực, quá trình triển khai các chính sách đầu tư cũng đã bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế, tồn tại. Chẳng hạn như các hạng mục công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, cơ sở dịch vụ hậu cần, nhất là các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu vỏ thép chưa hợp lý và đồng bộ. Bài viết nêu thực trạng chính sách đầu tư, đồng thời chỉ ra thành tựu và hạn chế, cũng như đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển thủy sản trong giai đoạn 2014 - 2018.

2. Thực trạng chính sách đầu tư phát triển ngành Thủy sản

Trong khuôn khổ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP nêu rõ ngân sách Trung ương tập trung đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng).

Ngân sách Nhà nước ưu tiên bố trí vốn hàng năm theo kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 được cấp thẩm quyền phê duyệt với mức đầu tư bình quân hàng năm tăng tối thiểu gấp 2 lần so với số vốn bình quân hàng năm đã bố trí cho giai đoạn 2011 - 2014 để thực hiện, bảo đảm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định. Tập trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo: Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ và một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ; bố trí vốn đầu tư xây dựng các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm tại các thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng; các tỉnh: Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Cụ thể, Nghị định nêu rõ: Ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng) và đầu tư xây dựng 5 Trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực).

Ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các dự án do Bộ, ngành Trung ương quản lý đối với các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; vùng sản xuất giống tập trung bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung; nâng cấp cơ sở hạ tầng các Trung tâm giống thủy sản quốc gia, Trung tâm giống thủy sản cấp vùng; Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp Trung ương và cấp vùng.

3. Những kết quả đạt được

Hàng năm, các tỉnh xây dựng kế hoạch và nhu cầu vốn đầu tư gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí kế hoạch vốn. Tuy nhiên do nhu cầu đầu tư lớn nên nguồn vốn không đáp ứng đủ theo yêu cầu đối với chính sách phát triển thủy sản. Nhiều địa phương có nhu cầu nhưng chưa được cân đối bố trí vốn để thực hiện. Mặt khác, một số địa phương không đưa vào kế hoạch dự toán, trong khi hiện trạng các cảng cá không còn phù hợp với việc neo đậu của các tàu cá vỏ thép lớn. Nhu cầu vốn do Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp từ các địa phương cao, hầu hết các dự án được bố trí vốn đều là các dự án chuyển tiếp đang đồng thời triển khai, nên vốn bố trí dự án mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP rất hạn chế. Tổng số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí trong năm 2015 là 1.501 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2014 (1.150 tỷ đồng), trong đó:

- Nguồn vốn đầu tư qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là 160 tỷ đồng (năm 2014 là 90 tỷ đồng) tăng 78%.

- Nguồn vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu thuộc lĩnh vực thủy sản gồm:

+ Đầu tư các dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là 480 tỷ đồng (năm 2014: 383 tỷ đồng), tăng 25%.

 + Dự án đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản bố trí 640,5 tỷ đồng (năm 2014 là 590 tỷ đồng), tăng 8%.

+ Đầu tư cho chương trình giống thủy sản là 220,2 tỷ đồng (năm 2014 là 115,2 tỷ đồng), tăng 91%.

Vốn đầu tư dự kiến trung hạn cho phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là 4.282 triệu đồng.

Năm 2016, vốn giao là 949 tỷ đồng (giảm 22,5% so với năm 2015), trong đó vốn đầu tư qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 125 tỷ đồng, địa phương quản lý 824 tỷ đồng.

Tuy chính sách đầu tư chưa đáp ứng theo yêu cầu nhưng ngân sách Nhà nước bước đầu đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư các chương trình hỗ trợ có mục tiêu thuộc lĩnh vực thủy sản, gồm: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản; chương trình phát triển giống thủy sản.

4. Các hạn chế của chính sách đầu tư

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì chính sách đầu tư còn tồn tại một số vấn đề như sau:

- Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ (chưa quy định đối với các hạng mục, như: hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng); ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế (năm 2015 tăng 30,5% so với 2014; năm 2016 giảm 22,5% so với năm 2015).

- Thời gian gần đây đội tàu cá phát triển mạnh về số lượng; kích thước và công suất tàu lớn hơn, trong khi cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, khu neo đậu) chưa kịp thời đáp ứng được; nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải.

- Việc thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị định, ngân sách bố trí để thực hiện chính sách này còn hạn chế (năm 2015 tăng 30,5% so với 2014; năm 2016 giảm 22,5% so với năm 2015).

- Việc cân đối, bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành Thủy sản chưa được như quy định tại Điều 3 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (bố trí kinh phí hàng năm giai đoạn 2015 - 2020 với mức đầu tư bình quân hàng năm tăng gấp 2 lần so với mức bình quân giai đoạn 2011 - 2014). Do đó, đã ảnh hưởng tiến độ và khả năng đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đặc biệt là nơi neo đậu đối với các tàu cá có kích thước lớn, tàu vỏ thép.

- Nghị định số 67/2014/NĐ-CP quy định địa phương phải có vốn đối ứng nhưng đa số các địa phương không bố trí được nguồn ngân sách này dẫn đến đầu tư không đồng bộ, nhiều cảng cá không có mái che và hệ thống xử lý nước thải; chưa đầu tư việc nạo vét luồng lạch, đặt phao tiêu, biển báo cho tàu ra vào.

5. Khuyến nghị về chính sách đầu tư

Thứ nhất, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, kết quả triển khai các quyết định đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, so sánh đối chiếu với quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035, xác định những điểm chưa phù hợp, bất hợp lý, mâu thuẫn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trong sử dụng nguồn vốn đầu tư để có các giải pháp khắc phục, đáp ứng kịp thời với sự đổi mới cơ cấu đội tàu, vỏ tàu đang thay đổi nhanh theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Thứ hai, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hệ thống cảng cá, bến cá, thúc đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế đầu tư theo các hình thức PPP, PPC, PPI, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, giảm gánh nặng vốn đầu tư từ ngân sách.

Thứ ba, tăng cường quản lý hoạt động đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, thất thoát, gây lãng phí. Vì nguồn vốn hạn chế, cho nên mỗi đồng vốn ngân sách cần được sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Để tránh việc đầu tư ồ ạt và thiếu thận trọng, Việt Nam cần tiến hành đầu tư theo chương trình cụ thể. Tuy nhiên, do sự phức tạp của sản phẩm thủy sản mà mỗi chương trình lại liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau, cần tiến hành ở những thời điểm khác nhau. Vì thế, cần phân bổ các chương trình lớn thành các chương trình nhỏ hay các tổ hợp chương trình hợp lý dựa trên tính chất và đặc điểm của mỗi chương trình.

Thứ tư, tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển thủy sản theo hướng ưu tiên nâng cao năng lực, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Khoa học công nghệ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và toàn diện ngành Thủy sản xuất khẩu, đầu tư phát triển công nghệ sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản mang tính quyết định cho việc thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản.

Thứ năm, tăng cường quan tâm đầu tư bảo vệ môi trường, bảo vệ tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đề cao yêu cầu, nhiệm vụ BVMT trong chính sách xuất khẩu thủy sản. Để có chính sách bám sát tình hình thực tế, trước hết cơ quan chức năng sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thăm dò các nguồn tài nguyên thủy sản ở các vùng biển của Việt Nam; Xây dựng bản đồ số hóa về phân bổ nguồn lợi hải sản tạo cơ sở để cơ quan chức năng dự báo, tham mưu các biện pháp phát triển ngành Thủy sản với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Tóm lại, đầu tư của Nhà nước là khoản đầu tư có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ phát triển ngành Thủy sản ở nước ta hiện nay. Để đầu tư hiệu quả thì đầu tư phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của ngành Thủy sản. Việc đầu tư phải gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cụ thể và gắn với đặc thù của ngành Thủy sản để có thể phát huy được những thế mạnh sẵn có của ngành Thủy sản, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của ngành Thủy sản sẽ tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư, cũng như thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2017). Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

2. Tổng cục Thủy sản (2016). Biên bản họp góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

3. Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản.

ENHANCING THE EFFECTIVENESS

OF THE INVESTMENT POLICIES FOR

THE FISHERY SECTOR DEVELOPMENT

Master. LE THI MAI ANH

Department of International Economy,

Faculty of International Finance, Academy of Finance

ABSTRACT:

In order to achieving goals of the fishery sector development in the period of 2014 - 2018, the State has issued many legal documents to orient investment in order to create a favorable environment for the fishery sector. The increasingly issuing of investment policies has contributed to establish material facilities for the fishery sector, promoting the comprehensively development of the fishery sector’s fields, such as:  fishing, aquaculture, processing and exporting seafood products. However, the structure of investment capital in the fishery sector is being used ineffectively and the investment activities do not focus on specific fields. This paper is to assess the current situation of investment policies for the fishery sector in the past period and also propose some solution to enhance the effectiveness of these investment policies in the coming time.

Keywords: Fishery sector, Decree No.67/ND-CP, investment policies.