TÓM TẮT:
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, ngành Hải quan đóng vai trò quan trọng “gác cửa’ nền kinh tế quốc gia, bảo đảm an toàn cho thương mại hợp pháp và an ninh, an toàn cộng đồng.
Bài viết bàn về vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của cơ quan Hải quan Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Hoàn thiện hệ thống pháp luật từ cơ sở pháp lý trong nước và tham gia vào các điều ước/hiệp ước quốc tế song phương và đa là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Hệ thống pháp luật, hợp tác quốc tế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hải quan Việt Nam, hội nhập.
1. Đặt vấn đề
Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, thời gian gần đây, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với các đối tác lớn trên toàn cầu, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA. Việc Việt Nam gia nhập các “sân chơi”, diễn đàn về hợp tác kinh tế quốc tế và khu vực thương mại tự do, bên cạnh những lợi ích về gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình đối với các nước trong khu vực, còn đồng thời giúp thực hiện chính sách quản lý ngoại thương theo những quy tắc chung. Theo lộ trình đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gia nhập sâu hơn vào môi trường kinh tế khu vực và kinh tế thế giới. Sự chênh lệch giá cả hàng hóa giữa thị trường trong nước và thị trường các quốc gia khác trong khu vực sẽ ngày càng được thu hẹp, những thay đổi căn bản trong chính sách quản lý xuất, nhập khẩu là tất yếu.
Khi thương mại toàn cầu tăng nhanh, bên cạnh các luồng hàng hóa hợp pháp được lưu chuyển toàn cầu, thì luồng hàng hóa phi pháp cũng tăng lên. Các hoạt động kinh doanh phi pháp của tội phạm xuyên quốc gia mang tính toàn cầu hóa ngày càng mở rộng địa bàn, tận dụng ưu thế của các thị trường. Trong khi các hoạt động thương mại hợp pháp chịu sự điều chỉnh của các chính sách kiểm soát tại biên giới và các hệ thống quản lý tập trung thì các nhóm tội phạm xuyên quốc gia lại tự do hoạt động và tận dụng những "lỗ hổng" của luật pháp, sử dụng những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để tăng cường hoạt động, đồng thời xuất hiện những dịch vụ phi pháp cho hoạt động tội phạm. Dự báo trong những năm tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan sẽ tiếp tục hoạt động phức tạp, liên quan nhiều tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bằng những thủ đoạn tinh vi và với nhiều mục đích khác nhau về chính trị, kinh tế, xã hội,... hơn nữa. Các đối tượng buôn lậu có tổ chức xuất hiện với quy mô, mức độ nghiêm trọng ngày càng cao, đa dạng về hình thức, ngày càng tinh vi về thủ đoạn, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển động vật hoang dã thuộc danh mục cấm của CITES, buôn bán, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, buôn bán ma túy,... cũng sẽ diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những tác động rất lớn từ đại dịch bệnh Covid 19 đã và đang xảy ra theo chiều hướng phức tạp và khôn lường, tác động đến nền kinh tế thế giới nói chung trong đó có Việt Nam. Hiện nay, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, Việt Nam được dự báo là thị trường hàng Trung Quốc nhắm tới. Các sản phẩm hàng hóa sẽ ồ ạt vào thị trường trong nước để tiêu thụ, thậm chí “núp bóng” xuất xứ trong đó có “made in Việt Nam”.
Trước nguy cơ về gian lận xuất xứ của hàng hóa Trung Quốc chuyển tải bất hợp pháp qua Việt Nam, đặc biệt là đối với các mặt hàng bị Mỹ, EU, Nhật Bản áp dụng phòng vệ thương mại, cơ quan Hải quan Việt Nam trong đó có lực lượng kiểm soát chống buôn lậu phải xây dựng những phương án phù hợp vừa tạo thuận lợi cho thương mại nhưng đồng thời cũng phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn những vi phạm hải quan về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng gian lận để bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước, đồng thời đảm bảo những cạnh tranh lành mạnh cho các dòng thương mại toàn cầu. Vì vậy, tăng cường một hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và gian lận thương mại của cơ quan Hải quan là một trong những yêu cầu đòi hỏi khách quan cần được quan tâm.
2. Vai trò của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại của cơ quan hải quan
Công tác quản lý nhà nước về hải quan luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là một phần không thể thiếu trong mỗi khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế và quá trình triển khai, thực thi các cam kết của các hiệp định thương mại quốc tế. Xu thế hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế mạnh mẽ hiện nay đang đặt ra cho cơ quan Hải quan những thách thức mới, vừa phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch, đồng thời phải đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn ra rất phức tạp, nghiêm trọng. Đặc biệt, trước mức độ giao thương mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới hội nhập, bên cạnh các thủ đoạn buôn lậu gian lận thương mại truyền thống, gần đây hoạt động buôn lậu mang những đặc trưng mới như việc lợi dụng những chính sách tạo thông thoáng trong quản lý và thông quan hàng hóa, sự gia tăng của quy mô và mức độ nghiêm trọng của các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sự hình thành của các đường dây vi phạm pháp luật có tổ chức xuyên quốc gia, sự gia tăng và khó kiểm soát trên không gian mạng internet,…
Để giải quyết yêu cầu trên, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ truyền thống, lực lượng Hải quan Việt Nam đã đẩy mạnh hiện đại hóa, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, đồng thời tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế như: Ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác đa phương và song phương về hỗ trợ hành chính trong đấu tranh chống buôn lậu; Tham gia các hoạt động chia sẻ, thu thập thông tin với các cơ quan, văn phòng tình báo hải quan khu vực và quốc tế; Tham gia các chương trình kiểm soát chung của khu vực và thế giới; Hợp tác điều tra chống buôn lậu...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2019, lực lượng chống buôn lậu hải quan đã bắt giữ 182.608 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 9.000 tỷ đồng, thu nộp ngân sách hơn 2.311 tỷ đồng, khởi tố 331 vụ buôn lậu và chuyển các cơ quan khác khởi tố 867 vụ[1]. Điều đáng kể đến là trong những vụ án, chuyên án lớn được triệt phá thành công luôn có sự đóng góp từ hoạt động hợp tác chia sẻ thông tin, hỗ trợ điều tra trên cơ sở hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phối hợp giữa lực lượng chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam và hải quan các nước vẫn còn nhiều hạn chế từ khuôn khổ pháp lý cho đến thực tiễn triển khai. Hình thức hợp tác chủ yếu vẫn là hỗ trợ hành chính nên tạo ra những khó khăn không nhỏ trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ điều tra, xác minh, cũng như hạn chế giá trị pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho đấu tranh chống buôn lậu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác đấu tranh chống buôn lậu chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Do vậy, một trong những giải pháp đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong quản lý nhà nước về hải quan.
3. Cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác quốc tế cơ quan Hải quan trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại của Hải quan Việt Nam
Cơ sở pháp lý quốc tế
Hai văn bản pháp lý có tính thông lệ được Hải quan Việt Nam cũng như cơ quan hải quan các nước sử dụng trong hoạt động hợp tác hành chính trong phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, bao gồm:
+ Công ước quốc tế về hỗ trợ hành chính lẫn nhau nhằm ngăn ngừa và trấn áp các vi phạm Hải quan - Công ước Nairobi: Công ước ra đời ngày 9 tháng 6 năm 1977 tại Nairobi - Kenya do Hội đồng hợp tác Hải quan (nay là tổ chức Hải quan thế giới) xây dựng và quản lý, nhằm thiết lập quan hệ hợp tác đa phương giữa các nước thành viên trên cơ sở hỗ trợ hành chính trong việc trao đổi thông tin về kiểm soát Hải quan nói chung. Công ước này nhằm tạo ra cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu quả của công tác điều tra chống buôn lậu và chống gian lận thương mại, tạo cơ sở cho công tác chia sẻ thông tin nghiệp vụ hải quan. Việt Nam hiện chưa tham gia Công ước này, do sự khác biệt về hệ thống pháp luật với các nước. Nhưng trên thực tế, đã vận dụng một phần tinh thần Công ước này trong việc trao đổi thông tin song phương với các nước để phục vụ công tác điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại[2].
+ Công ước quốc tế về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan - Công ước Johanesburge: Công ước ra đời ngày 27 tháng 6 năm 2003 tại phiên họp Hội đồng 101/102 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) xây dựng trên cơ sở sửa đổi, cập nhật công ước Nairobi; đưa vào các nhu cầu của thành viên; đảm bảo tương thích với các văn kiện quốc tế khác về hỗ trợ hành chính lẫn nhau, tạo cơ sở cho các hoạt động trao đổi thông tin hải quan và hình thành các trung tâm thông tin[3].
+ Các Hiệp định về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước: Hàn Quốc (1995); Mông Cổ (2003); Belarus (2008); Ucraina (2010); Nga(2010); Các Thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, bao gồm hợp tác trao đổi thông tin, chống buôn lậu và các vi phạm hải quan: Trung Quốc (1993); Campuchia (2007), Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (2007). Pháp (2009), New Zealand (2010), Australia( 2010); Italia (2012), Xu đăng (2012), Ác-hen-ti-na (2012), Hồng Kông-Trung Quốc (2013), Cuba (2013); Lào (2014)
Cơ sở pháp lý trong nước:
+ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, hiện được thay thế bằng Luật Điều ước quốc tế 2016, quy định về việc ký kết, bảo lưu, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, đăng tải, đăng ký và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
+ Luật Hải quan 2014 với nhiều quy định về hợp tác quốc tế về hải quan nói chung và về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại nói riêng. Chẳng hạn, tại Điều 6, Luật quy định về các hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan. Tại Điều 94, trong quy định về hệ thống thông tin hải quan, Luật xác định: “Kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống thông tin,… của Hải quan các nước và tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật”. Luật cũng dành Điều 96 quy định cụ thể về hoạt động thu thập thông tin hải quan ở nước ngoài để “xác minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…”[4].
+ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan (Điều 101 về các biện pháp kiểm soát hải quan, từ điều 105 - 109) quy định về hoạt động thu thập và cung cấp thông tin hải quan bao gồm thông tin phục vụ hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, ngày 20/04/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, ngày 21/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Theo đó, điểm 53 sửa đổi, bổ sung khoản 1 - Điều 106 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, ngày 21/02/2015 quy định Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thu thập thông tin hải quan ở nước ngoài thông qua việc cử công chức hải quan ra nước ngoài để thực hiện nghiệp vụ này.
- Điều 9 của Thông tư số 728/2018/TT-BTC, ngày 15/06/2018 của Bộ Tài chính quy định việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan và Thông tư số 1420/2018/TT-BTC, ngày 14/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thu thập thông tin nghiệp vụ hải quan ở nước ngoài. Theo đó, hướng dẫn chi tiết về hình thức, nội dung, quy trình, quy định trách nhiệm trong việc thực hiện thu thập thông tin trực tiếp nghiệp vụ hải quan tại nước ngoài.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của cơ quan Hải quan
Một là, rà soát sửa đổi, bổ sung và tham gia hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quốc tế trong hợp tác song và đa phương.
Cần tiến hành rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế cơ quan hải quan nói chung và trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng. Qua đó, tham mưu đề xuất nâng cấp khung pháp lý cho các Điều ước/Thỏa thuận hợp tác đối với các đối tác đã có ký kết lên thành Hiệp định Chính phủ để tăng tính pháp lý cho các thỏa thuận. Đồng thời, từ đó tham mưu bổ sung các điều khoản hỗ trợ điều tra theo chiều hướng phục vụ các hoạt động tố tụng. Như vậy, sẽ nâng cao được hiệu quả và giá trị các hoạt động hợp tác tương ứng với vai trò của các bên tham gia ký kết. Đây cũng là xu thế trong hoạt động hợp tác của cơ quan hải quan trên thế giới hoặc xây dựng và ký kết Hiệp định hỗ trợ tư pháp làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động phối hợp điều tra giữa hai bên.
Hiện nay, trong đàm phán ký kết các hiệp định song phương cấp Chính phủ về hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Hải quan Việt Nam và hải quan một số nước đã dần đưa vào các điều khoản hợp tác theo hướng phục vụ cho điều tra và quy trình tố tụng nếu có sự đồng thuận.
Thứ hai, cần có nghiên cứu và tham mưu đề xuất các cấp có thẩm quyền (theo Luật Điều ước năm 2016) để từng bước xây dựng lộ trình tham gia là thành viên của các Công ước đa phương về hỗ trợ hành chính lẫn nhau nhằm ngăn ngừa và trấn áp các vi phạm Hải quan như Công ước Nairobi và Johanesburg, từ đó nâng tầm hợp tác về phòng chống buôn lậu của cơ quan hải quan Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế hiện đại, tạo cơ sở cho các hoạt động hợp tác sâu, rộng về kiểm soát.
Thứ ba, bổ sung cơ chế triển khai đối với các điều ước đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả công tác, tổ chức hướng dẫn thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
- Trong hợp tác song phương, xác định lợi thế của từng bên để hài hòa hóa các hoạt động phối hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất phục vụ cho công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại là một cách làm đem lại hiệu quả nghiệp vụ cao nhất. Cụ thể, như với đối tác Hải quan Trung Quốc hay Hải quan Hồng Kông, có khả năng hợp tác hỗ trợ điều tra với thẩm quyền lớn (có thể tiến hành như lực lượng cảnh sát), do vậy ta có thể đưa ra các nội dung hợp tác ở mức độ nghiệp vụ sâu như lấy lời khai, thẩm vấn đối tượng, yêu cầu xác minh các giao dịch tài chính… bổ sung cho các cơ chế hoặc khung hợp tác. Với cơ quan điều tra của Hải quan Hoa Kỳ có hệ thống mạng lưới tình báo toàn cầu, ta có thể đưa ra các yêu cầu hỗ trợ xác minh liên khu vực, nhằm tìm ra những đường dây ổ nhóm và chuỗi cung ứng. Đối với Hải quan Đài Loan cần tăng cường xây dựng các cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin trong các lô hàng nghi vấn để đảm bảo tính “đối đẳng” trong công tác phối hợp. Đối với Hải quan Lào, trong các vụ việc nghiêm trọng có thể nghiên cứu khả năng đề nghị đẩy mạnh thống nhất cơ chế thực hiện hoạt động hỗ trợ xác minh điều tra tại chỗ để đảm bảo tính hiệu quả hơn. Cùng với đó, trong các hoạt động phối hợp điều tra cũng cần khéo léo tránh đề cập đến những nội dung bất lợi khó hài hòa trong các cơ chế hợp tác với đối tác, cụ thể như với Singapore đồng ý cung cấp thông tin cho doanh nghiệp đối tác trong quá trình điều tra hay với Hải quan Hàn Quốc không đề cập trực diện tới vấn đề trị giá hàng hóa.
- Đối với hợp tác đa phương, cần tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm các nhóm đối tác, nhóm tài trợ có cùng mục tiêu kiểm soát trên cơ sở các khung hợp tác là các công ước quốc tế, có thể tăng cường cơ chế hợp tác thông qua xây dựng các điều khoản tham chiếu để cùng triển khai xây dựng các đề xuất, sáng kiến ở các mức độ hợp tác sâu rộng hơn, thậm chí mang tính chất toàn cầu trên nguyên tắc “cùng có lợi”.
- Đối với tổ chức hướng dẫn thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước cần phải tổ chức tập huấn hướng dẫn cho lực lượng làm kiểm soát trong toàn ngành để kịp thời nắm bắt các quy định trong triển khai. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh, kiểm tra việc thực thi các quy định về trao đổi thông tin với nước ngoài. Trên cơ sở đó, rà soát, đánh giá và xây dựng các nhu cầu hợp tác để phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trên cơ sở xây dựng các cơ chế hợp tác thực chất trong đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sẽ dần thay đổi nhận thức và tư duy của lãnh đạo và cán bộ thực thi, loại bỏ tâm lý chưa coi trọng hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói chung và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động này nói riêng.
Thứ tư, hoàn thiện các quy định hệ thống pháp luật trong nước.
Trên cơ sở các quy định của Luật Hải quan 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, ngày 21/02/2015 của Chính phủ và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, ngày 20/04/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định cụ thể việc thu thập thông tin hải quan ở nước ngoài, cần có báo cáo đánh giá tổng thể về hệ thống văn bản hướng dẫn trong ngành Hải quan, để từ đó xây dựng quy chế thống nhất về tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin với nước ngoài trong hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại: (1) Quản lý tập trung, thống nhất ở cấp Tổng cục, có phân cấp nhưng đảm bảo theo dõi, quản lý, liên kết để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp Tổng cục; (2) Thống nhất nguyên tắc, đầu mối và trách nhiệm trong công tác thu thập xử lý thông tin với nước ngoài; (3) Cụ thể hóa quy định cụ thể, chi tiết về quy trình tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin nước ngoài từ bước tiếp nhận, xử lý, cung cấp, trao đổi đến theo dõi, đôn đốc, thanh khoản, quản lý và lưu trữ thông tin nước ngoài; (4) Quy chế sẽ hệ thống hóa và thay thế các quy định hiện nay đang chồng chéo, vướng mắc để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành trên cơ sở quản lý số hóa với Hệ thống phần mềm quản lý tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin nước ngoài từ khâu đầu đến khâu cuối nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật thông tin./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
- Tổng cục Hải quan (2019), Báo cáo công tác kiểm soát Hải quan từ năm 2010 - 2019, Hà Nội.
- World Customs Organization (1977), International Convention on Mutual Administrative Assistance for the Prevention, Investigation and Repression of Customs Offences (Nairobi, 9 June 1977), Nairobi - Kenya.
- World Customs Organization (2003), Mutual Administrative Assistance In Customs Matters, 27 June 2003, WCO Council Meeting 101/102, Bruxell, Belgium.
- Quốc hội (2014), Luật Hải quan sửa đổi 2014, Điều 6, Điều 94, Điều 96.
- Rongxing Guo (2015), Cross-border Management: Theory, Method and Application, NXB Springer, USA.
- World Customs Organization (2016), Stopping illicit trade 06/2016, Bruxell, Belgium.
Improving the legal system to enhance the effectiveness of Vietnam Customs’ international cooperation in the prevention of anti-smuggling and commercial frauds amid the country’s integration process
Master. Pham Thi Thu Huong
Deputy Head, Department of Anti-smuggling and Investigation, General Department of Vietnam Customs
ABSTRACT:
In the context of Vietnam’s current integration process, the customs is considered the gatekeeper of the country’s economy and plays an important role in ensuring legal trade activities, maintaining the national security and the community safety. This paper is about the improvement of Vietnam’s legal system in order to improve the effectiveness of Vietnam Customs’ international cooperation in the prevention of smuggling and trade frauds of amid the country’s integration period. Perfecting the legal systems including completing domestic legal bases and participating in bilateral and multilateral treaties is indispensable requirements to improve the effectiveness of Vietnam Customs’ international cooperation in the prevention of smuggling and trade frauds in the current context.
Keywords: Legal system, international cooperation, anti-smuggling, commercial frauds, Vietnam’s customs, integration.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]