Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối

Đề tài Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối do ThS. Trần Thị Hà (Khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội) thực hiện

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành về hợp đồng vô hiệu nhằm phục vụ trong việc nghiên cứu bản chất của hợp đồng vô hiệu, cũng như trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến thủ tục tuyên bố một hợp đồng vô hiệu để cho thấy sự khác biệt của hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra ý kiến về tồn tại cần giải quyết liên quan các quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vô hiệu.

Từ khóa: Hợp đồng vô hiệu, vô hiệu tuyệt đối, vô hiệu tương đối.

1. Đặt vấn đề:

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015). Trong đó, hợp đồng dân sự là một trong những căn cứ quan trọng và phổ biến nhất làm phát sinh quan hệ pháp luật dân sự, là phương tiện pháp lý để các chủ thể trong xã hội thiết lập các quan hệ về tài sản và nhân thân. Tuy nhiên, không phải hợp đồng nào khi xác lập cũng làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể. Theo đó, Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận các điều kiện làm phát sinh hiệu lực của giao dịch nói chung, hiệu lực của hợp đồng nói riêng và các Điều 122, 123, 124, 125, 126, 127, 128, 129 ghi nhận về giao dịch dân sự vô hiệu hay hợp đồng cũng sẽ vô hiệu khi rơi vào các trường hợp này. Nhằm nghiên cứu hợp đồng vô hiệu một cách khách quan, đầy đủ, khoa học luật dân sự có nhiều cách phân loại hợp đồng vô hiệu. Trong phạm vi bài nghiên cứu này, tác giả chỉ bàn luận đến hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối.

Trong một số nghiên cứu trước đây đã đề cập tới khái niệm “hợp đồng vô hiệu tuyệt đối”“hợp đồng vô hiệu tương đối”, 2 khái niệm này chỉ mang tính lý thuyết và chưa được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc sử dụng hai khái niệm này cũng chỉ nhằm phục vụ trong việc nghiên cứu bản chất của hợp đồng vô hiệu, cũng như trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến thủ tục tuyên bố một hợp đồng vô hiệu. Có thể thấy, sự phân loại này có cơ sở dựa vào một số đặc điểm khác biệt về trình tự bị coi là vô hiệu, thời hạn yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và sự khác biệt về hiệu lực pháp lý của hợp đồng. Trên cơ sở này, một hợp đồng bị coi là vô hiệu tuyệt đối trong các trường hợp sau:

i) Khi vi phạm vào các điều cấm của luật, trái với đạo đức của xã hội;

ii) Khi hợp đồng được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng khác;

Hợp đồng bị coi là vô hiệu tương đối trong các trường hợp:

i) Khi hợp đồng được xác lập bởi người chưa thành niên (có năng lực hành vi dân sự một phần);

ii) Khi hợp đồng được xác lập bởi người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

iii) Khi hợp đồng được xác lập bởi người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi;

iv) Khi hợp đồng được xác lập do bị nhầm lẫn;

v) Khi một bên chủ thể tham gia xác lập hợp đồng do bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

vi) Khi người xác lập hợp đồng không nhận thức được hành vi của mình;

vii) Khi hợp đồng được xác lập không tuân thủ quy định về hình thức luật định.

Sự phân loại nêu trên có cơ sở dựa vào một số đặc điểm khác biệt chung thể hiện bản chất của 2 khái niệm hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối, đó là:

2. Về trình tự vô hiệu của hợp đồng

Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối thì mặc nhiên bị coi là vô hiệu. Còn đối với các hợp đồng vô hiệu tương đối thì không mặc nhiên vô hiệu mà chỉ trở nên vô hiệu khi có đủ những điều kiện nhất định: i) Khi có đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan; ii) Theo quyết định có hiệu lực của Tòa án.

Đây là sự khác biệt quan trọng nhất, được coi là tiêu chí hàng đầu để phân loại một hợp đồng vô hiệu thuộc trường hợp vô hiệu tuyệt đối hay vô hiệu tương đối khi nghiên cứu nội dung các văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, đối với các hợp đồng vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội theo quy định Điều 123 BLDS 2015 sẽ mặc nhiên bị coi là vô hiệu, không cần có đơn yêu cầu của bất kỳ chủ thể nào:Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”.

Còn đối với các hợp đồng vô hiệu tương đối chỉ vô hiệu khi có đủ những điều kiện nhất định: i) Khi có đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan; ii) Theo quyết định có hiệu lực của Tòa án. Do đó, đối với các hợp đồng do nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ, cưỡng ép… sẽ chỉ bị vô hiệu khi có đơn yêu cầu của chính người bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị cưỡng ép, bị đe dọa và bị Tòa án tuyên vô hiệu. Ví dụ: Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu… Như vậy, quy định được đặt ra nhằm bảo đảm cho quyền tự định đoạt của chủ thể tham gia hợp đồng là khởi kiện hoặc không khởi kiện để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp hợp đồng xác lập trái với ý chí của mình; có nghĩa là luật tạo ra sự tự do cho các chủ thể; tôn trọng ý chí, mong muốn của các chủ thể khi xác lập hợp đồng với nhau.

3. Về thời hạn yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu

Đối với các hợp đồng vô hiệu tuyệt đối do tính chất nghiêm trọng, các hợp đồng này thường xâm phạm tới lợi ích chung và lợi ích của người khác cho nên đối với những hợp đồng này thời hạn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu không bị hạn chế, theo Khoản 3 Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015: Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế. Như vậy, đối với các giao dịch vô hiệu tuyệt đối như Điều 123, Điều 124 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế; có nghĩa là bất cứ khi nào, bất cứ ai khi xác định được các loại hợp đồng này cũng không công nhận giá trị hiệu lực của các loại hợp đồng này.

 Còn đối với các hợp đồng vô hiệu tương đối do tính chất của các loại hợp đồng này không quá nghiêm trọng, chỉ xâm phạm đến lợi ích của các bên trong quan hệ hợp đồng cho nên luật xác định một khoảng thời gian nhất định cho các chủ thể trong hợp đồng có thể khởi kiện yêu cầu Tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ngoài ra, có thể thấy, mặc dù có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của chính các chủ thể trong quan hệ hợp đồng vô hiệu đó nhưng trong một thời gian nhất định mà chính các chủ thể đó không có yêu cầu thì để đảm bảo tính ổn định trong giao lưu dân sự, để đảm bảo giá trị của chứng cứ (liên quan đến tố quyền), luật đã quy định về thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu tương đối là 2 năm (khoản 1 Điều 132 Bộ luật Dân sự).

4. Về hiệu lực pháp lý của hợp đồng

Hợp đồng thuộc trường hợp vô hiệu tuyệt đối không có hiệu lực pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên, thậm chí ngay cả trong trường hợp khi các bên đã tiến hành thực hiện các hành vi theo nội dung cam kết[1].

Còn hợp đồng thuộc trường hợp vô hiệu tương đối thì được coi là có hiệu lực pháp lý cho đến khi nào bị tuyên bố vô hiệu hoặc khi thời hiệu khởi kiện theo quy định của luật đã hết mà các bên trong hợp đồng không yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng này vô hiệu (Điều 125, 126, 127, 128 và 132 Bộ luật Dân sự 2015).

5. Vai trò hoạt động tuyên bố hợp đồng vô hiệu của Tòa án

Trong cả 2 trường hợp thì Tòa án đều có thể ra quyết định tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng bản chất của hai loại quyết định này có sự khác biệt cơ bản.

Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối bị coi là vô hiệu không phụ thuộc vào quyết định của Tòa án. Hay nói cách khác, bị vô hiệu ngay cả khi không có quyết định của Tòa án. Chính bởi vậy, quyết định của Tòa án (nếu có) đối với hợp đồng vô hiệu tuyệt đối không mang tính chất phán xử mà đơn thuần chỉ là một trong những hình thức công nhận sự vô hiệu của hợp đồng dựa trên các cơ sở luật định. Bên cạnh đó, quyết định của Tòa án còn có thêm nội dung xác định rõ hậu quả và cưỡng chế các bên vi phạm thực hiện các hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Ngoài Tòa án ra thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cũng có quyền tuyên bố sự vô hiệu tuyệt đối của hợp đồng.

Đối với hợp đồng vô hiệu tương đối, thì quyết định của Toòa án là cơ sở làm cho giao dịch trở nên vô hiệu.

Ví dụ: Trong trường hợp đồng được xác lập bởi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự như theo quy định của Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015: 1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

6. Ý nghĩa của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối

 Điều 122 Bộ luật Dân sự quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”. Việc tuyên bố giao dịch vô hiệu nói chung hay tuyến bố hợp đồng vô hiệu trong cả 2 trường hợp đều có ý nghĩa để áp dụng chế tài cần thiết vào từng hợp đồng cụ thể, khi hợp đồng đó vi phạm vào bất cứ điều kiện nào tại điều 117 Bộ luật Dân sự.

Nhưng, ngoài ý nghĩa đó, đối với riêng hợp đồng vô hiệu tương đối, việc yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu còn là một trong những biện pháp bảo vệ quyền dân sự quan trọng. Thực tế xét xử tại các nước cho thấy, các vụ việc liên quan đến việc kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu (thuộc trường hợp vô hiệu tương đối) có xu hướng ngày một gia tăng. Điều đó cho thấy, biện pháp bảo vệ quyền dân sự dưới hình thức kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu tỏ ra là một biện pháp rất hữu hiệu.

Từ những sự khác biệt cơ bản mang tính lý thuyết giữa hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối vừa nêu trên, cho thấy có một số thắc mắc liên quan đến cách hiểu đúng về hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối cũng như còn tồn tại cần giải quyết liên quan các quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vô hiệu, đó là:

Vấn đề liên quan đến các trường hợp vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự

Trên thực tế đang tồn tại 2 quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất, hợp đồng vô hiệu do vi phạm các quy định về hình thức là thuộc trường hợp vô hiệu tuyệt đối. Bởi lẽ các trường hợp hợp đồng phải tuân thủ theo hình thức nhất định được pháp luật quy định cụ thể và mang tính bắt buộc đối với các bên của hợp đồng. Chính vì tính chất vô hiệu tuyệt đối mà ngay cả khi hết thời hiệu sau 2 năm như điểm đ khoản 1 Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định thì hợp đồng do vi phạm điều kiện về hình thức vẫn vô hiệu. Ví dụ: Trong Hợp đồng mua bán nhà mà hai bên không tuân thủ quy định về hình thức theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 đó là phải lập thành văn bản và sau đó phải công chứng nhưng hai bên không công chứng thì sau hết thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu hợp đồng này vẫn bị coi là vô hiệu và bên mua cũng không làm thủ tục đăng ký được. Điều đó có nghĩa khi các bên chưa thực hiện các quy định về hình thức văn bản có công chứng, chứng thực thì hợp đồng chưa có hiệu lực pháp luật.

Quan điểm thứ hai, hợp đồng vô hiệu do vi phạm các quy định về hình thức là thuộc trường hợp vô hiệu tương đối. Bởi lẽ xét về tính chất và trình tự tuyên bố hợp đồng vô hiệu tương đối thì hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức thỏa mãn tất cả các đặc điểm: Thời hạn yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là 2 năm (có thời hạn nhất định để các chủ thể trong quan hệ hợp đồng yêu cầu); hiệu lực pháp lý của hợp đồng; trình tự vô hiệu (không mặc nhiên vô hiệu)…

Theo quan điểm của tác giả, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức có thời hiệu để yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu rất rõ ràng: 1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức”.

Như vậy, theo quan điểm của tác giả, quy định này khi hết thời hiệu 2 năm mà các chủ thể trong hợp đồng không yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức thì đương nhiên phải có hiệu lực. Theo quan điểm thứ nhất ở trên, khi hết thời hiệu 2 năm vẫn không phát sinh hiệu lực pháp luật và lấy dẫn chứng về việc không thể đăng ký sở hữu tài sản dù đã hết thời hiệu yêu cầu theo luật định; tác giả cho rằng không hợp lý vì ngay tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Dân sự cũng quy định: 2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực”. Như vậy, trong trường hợp này chủ thể trong hợp đồng có thể yêu cầu Tòa án công nhận giá trị hiệu lực của hợp đồng và tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký theo luật định. Còn nếu là hợp đồng vô hiệu tuyệt đối sẽ không thể khôi phục lại hiệu lực trong mọi trường hợp.

Thứ hai, xem xét quy định của Bộ luật Dân sự 1995; Bộ luật Dân sự 2005 với quy định của BLDS 2015 về điều kiện hình thức của giao dịch nói chung hay hợp đồng nói riêng cũng có sự khác biệt căn bản và chính sự khác biệt đó dẫn tới cách hiểu hợp đồng khi vi phạm điều kiện về hình thức là vô hiệu tuyệt đối hay tương đối, đó là:

Theo Điều 139 Bộ luật Dân sự 1995 quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự vô hiệu, nếu không được thể hiện bằng văn bản, không được Công chứng nhà nước chứng nhận, không được chứng thực, đăng ký hoặc cho phép, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện, thì giao dịch vô hiệu. Bên có lỗi làm cho giao dịch vô hiệu phải bồi thường thiệt hại”.

Theo Điều 134 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.

Theo quy định của 2 văn bản này có thể hiểu, luật cho phép các bên trong hợp đồng khắc phục vấn đề về hình thức mà trước đó các chủ thể này không tuân thủ. Nhưng nếu hết thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền đã cho các bên khắc phục về hình thức mà các bên vẫn không khắc phục được thì hợp đồng này vô hiệu.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 129: Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

"1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Điều 132 quy định:

1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 2 năm, kể từ ngày:

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực…

Như vậy, theo các quy định này, khi hợp đồng vi phạm điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự. Khi hết thời hiệu theo quy định luật định Điều 132 mà các bên không yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì vẫn phát sinh hiệu lực.

Ba là, thực tế trên thế giới nhiều nước cũng không quy định hình thức là một điều kiện bắt buộc có hiệu lực của hợp đồng, miễn là các bên chứng minh được có giao dịch (hình thức chỉ có giá trị chứng cứ). Như vậy, có thể thấy luật Việt Nam đang đi từ quy định điều kiện về hình thức là vi phạm nghiêm trọng đến vi phạm ko nghiêm trọng, tức là từ cho là tuyệt đối để sang tương đối và tác giả thấy như vậy là hợp lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. PGS.TS. Đỗ Văn Đại (2016). Bình luận khoa học những điểm mới của BLDS năm 2015, Nhà xuất bản Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam.
  2. TS. Bùi Đăng Hiếu (2001). Giao dịch dân sự vô hiệu tương đối và vô hiệu tuyệt đối. Tạp chí Luật học, số 5, 37-44.
  3. Quốc hội (2013), Luật Đất đai số 45/2013/QH13.
  4. Quốc hội (2014), Luật Nhà ở số 65/2014/QH13.
  5. Quốc hội (2015), Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13.
  6. https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanle?dDocName=TAND014299.

Tài liệu trích dẫn:

[1 https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-692021dspt-ngay-08032021-ve-tranh-chap-hop-dong-chuyen-nhuong-quyen-so-huu-nha-o-quyen-174443.

The difference between an absolute void contract and a relative void contract

Master. Tran Thi Ha

Faculty of Civil Law, Hanoi Law University

Abstract:

This paper studies the regulations of Vietnam’s Civil Code on void contracts to understand the nature of void contracts and to resolve issues related to the procedures for declaring void contracts. This paper also points out the difference between an absolute void contract and a relative void contract. Based on the paper’s findings, some opinions are presented to resolve existing issues about the Civil Code’s regulations on void contracts.

Keywords: void contract, absolutely void, relative void.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương