Huy động vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

THS. TRẦN NGỌC VÂN (Khoa Tài chính ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế mỗi nước, đặc biệt là trong giai đoạn ngày nay, nền nông nghiệp nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ sang hình thái nông nghiệp công nghệ cao. Khảo sát trên địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cho thấy Huyện có những điều kiện rất phù hợp cho việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, song vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các khó khăn trong quá trình huy động vốn, đòi hỏi phải có các biện pháp tháo gỡ. Bài viết phân tích thực trạng và giải pháp đẩy mạnh huy động vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Từ khóa: Huy động vốn, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

1. Thực trạng huy động vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

1.1. Điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vụ Bản

Huyện Vụ Bản đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa đối với đất nông nghiệp; xây dựng xong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Từng bước triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (05/18 xã xây dựng là xã: Vĩnh Hào, Minh Tân, Liên Bảo, Đại Thắng, Trung Thành), gắn liền với cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tiếp tục chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hàng năm 21.200 ha, trong đó diện tích cấy lúa 16.870 ha, diện tích giống lúa chất lượng cao 8.300 ha, chiếm 50% diện tích. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 95.558 tấn. Giá trị 1 ha canh tác đạt 93,5 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,1%/năm.

1.2. Thực trạng các kênh huy động vốn cho phát triển nông nghiệp tại huyện Vụ Bản

1.2.1. Huy động vốn ngân sách nhà nước

Huy động vốn ngân sách nhà nước để phát triển nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, nó tạo ra "cú hích" ban đầu cho nông nghiệp phát triển. Trong những năm đổi mới, nguồn vốn huy động vào ngân sách nhà nước trên địa bàn Huyện không ngừng tăng lên.

Trong giai đoạn năm 2006 - 2011: Tổng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước vào nông nghiệp đạt 30,366 tỷ đồng, đây là sự ưu tiên lớn đối với nông nghiệp ở huyện Vụ Bản. Mức vốn đầu tư của ngân sách nhà nước tăng, cùng với việc huy động nguồn vốn trong dân nên đã xây dựng được một số công trình hạ tầng cơ sở phục vụ nông nghiệp, như: thủy lợi, giao thông, mạng lưới điện,...

Trong giai đoạn 2006 - 2021: Dự kiến triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện chương trình phát triển kinh tế ngoại thành và xây dựng nông thôn mới, vốn đầu tư huy động qua ngân sách nhà nước để phát triển nông nghiệp ở huyện Vụ Bản tăng lên rõ rệt. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước huyện Vụ Bản dành chi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao dự kiến đạt 60,007 tỷ đồng.

Số vốn huy động từ nguồn ngân sách được đầu tư vào các lĩnh vực chủ yếu như sau:

- Đầu tư cho trại, trạm nông nghiệp

- Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp

- Nâng cấp hệ thống giao thông, cải tạo hệ thống điện

1.2.2. Huy động vốn từ dân cư để phát triển nông nghiệp

Chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường đã khơi dậy được tiềm năng kinh tế của các hộ nông dân. Với trên 10.000 hộ dân tham gia lĩnh vực nông nghiệp, tiềm năng kinh tế của hộ được phản ánh thông qua việc huy động tổng hợp các nguồn lực: đất đai, lao động, nhất là tiền vốn vào phát triển sản xuất nông nghiệp.

Năm 2019, huyện Vụ Bản đã có trên 36 trang trại hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Đa số trang trại bước đầu làm ăn có hiệu quả. Điều tra thực tế cho thấy, vốn bình quân một trang trại ước khoảng 150 triệu đồng.

1.2.3. Huy động vốn từ doanh nghiệp và hợp tác xã

Đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện Vụ Bản có 13 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; thu hút hàng nghìn lao động. Kết quả, trong 4 năm (2008 - 2011) số vốn tự huy động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đạt 121 tỷ đồng. Số vốn trên đã được đưa vào phát triển sản xuất, thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hàng năm được Nhà nước ưu tiên cấp từ 30% - 50% tổng số vốn lưu động và 2-3 tỷ đồng/năm vốn xây dựng cơ bản.

1.2.4. Tín dụng cho phát triển nông nghiệp

Trong nền kinh tế thị trường, vốn tín dụng là nguồn vốn quan trọng, lâu dài cung cấp vốn cho mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặc dù dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp còn chưa cao nhưng đã đóng góp một phần đáng kể trong việc hỗ trợ nông nghiệp phát triển. Về cơ bản, vốn tín dụng huy động vào phát triển nông nghiệp của Vụ Bản chủ yếu là vốn ngắn hạn. Lượng vốn tín dụng cho vay trung hạn chiếm tỷ lệ thấp.

1.3. Đánh giá chung về huy động vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vụ Bản

1.3.1. Những thành công

Thứ nhất, đã huy động được tổng hợp các nguồn vốn khác nhau (vốn ngân sách nhà nước, vốn DN, vốn tín dụng, vốn của dân cư), với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Thứ hai, quá trình huy động vốn để phát triển nông nghiệp ven đô từng bước bám sát định hướng mục tiêu, chương trình, dự án kinh tế nông nghiệp của Tỉnh.

Thứ ba, nhiều vướng mắc về cơ chế huy động và cho vay vốn để phát triển nông nghiệp ven đô đã được phát hiện, tập hợp và xử lý theo hướng đơn giản, phù hợp với thực tế.

Thứ tư, bên cạnh các hình thức huy động vốn trực tiếp và gián tiếp như thường thấy ở các địa phương khác ở huyện Nam Định, tỉnh Vụ Bản còn có hình thức huy động vốn thông qua việc xây dựng các Quỹ (Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ tự giúp nhau thoát đói, nghèo), tạo nên tính phong phú, đa dạng trong công tác huy động vốn.

1.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân

+ Về Hạn chế:

Một là, chưa huy động được lượng vốn ngân sách nhà nước đủ mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn để phát triển một nền nông nghiệp ven đô hiện đại.

Hai là, chưa khai thác được triệt để nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư gồm có vàng bạc, đá quý, bất động sản..., cũng như vốn tiềm tàng trong các DN vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ba là, vốn tín dụng chưa thực sự trở thành một kênh chủ yếu để huy động vốn phát triển nông nghiệp ven đô; chất lượng tín dụng chưa cao, thủ tục cho vay tuy đã được cải tiến nhưng vẫn còn rườm rà, gây phiền hà cho hộ sản xuất.

Bốn là, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa huy động và cho vay các nguồn vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

+ Nguyên nhân:

Một là, công tác vận động, giáo dục thuyết phục nhân dân chưa tốt dẫn đến chưa khai thác được triệt để nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào phát triển nông nghiệp.

Hai là, nhiều vấn đề vướng mắc về cơ chế đã được phát hiện nhưng chậm được đổi mới, thiếu tính hiệu quả, chưa trực tiếp tác động đến kết quả huy động vốn để phát triển nông nghiệp.

Ba là, chưa xây dựng được một hệ chính sách (chính sách đầu tư, chính sách giá cả, lãi suất, chính sách tín dụng, chính sách khoa học - công nghệ...) một cách đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác huy động vốn.

Bốn là, chưa có một cơ chế quản lý vốn đầu tư thống nhất giữa huyện với các cơ quan, tổ chức tài trợ vốn để phát triển nông nghiệp, dẫn đến quản lý vốn chồng chéo, thất thoát, lãng phí làm giảm hiệu quả đầu tư.

2. Giải pháp đẩy mạnh huy động vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

Một là, hoàn thiện chính sách đối với phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với các công trình theo chốt mang tính đầu mối như giao thông, hệ thống thông tin liên lạc... có khả năng thu hồi vốn đầu tư hoặc vốn đầu tư chậm nhằm đảm bảo yêu cầu sản xuất của các nhà đầu tư. Nhanh chóng triển khai, hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm đòn bẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trong vào ngoài nước vào sản xuất nông nghiệp như khu nông nghiệp công nghệ cao. 

Hai là, hoàn thiện chính sách đất đai trong sản xuất nông nghiệp. Giảm thiểu thời gian và chi phí giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất. Thúc đẩy hình thức tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, hình thành quỹ “đất sạch”, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp đảm bảo hài hòa lợi ích của người nông dân và doanh nghiệp.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa đào tạo nghề thiết thực, cụ thể gắn với tình hình đặc điểm của địa phương và định hướng phát triển nông nghiệp. Theo đó, đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho lao động có sự tham gia của doanh nghiệp nhằm gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động là việc làm hết sức cần thiết trong thời gian tới của Nam Định. Đồng thời, cần những có chính sách thích hợp để khuyến khích đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi tại địa phương, phát huy cao nhất khả năng của từng cá nhân; xây dựng cơ chế thu hút và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao từ bên ngoài công tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bốn là, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cần có chính sách đột phá về khoa học công nghệ, khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ vào một số lĩnh vực đang còn thiếu và yếu; cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được những kết quả nghiên cứu khoa học và đẩy nhanh các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ trên diện rộng.

Năm là, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Hàng năm, tỉnh Nam Định cần bố trí ngân sách đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như các loại cây ăn quả có múi, cây chè, cao su, lạc,... Tăng cường công tác cung cấp thông tin thị trường nhằm đáp ứng kịp thời các thông tin về giá cả nông sản, nhu cầu thị trường. Hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, GAP, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông sản, tạo niềm tin đối với khách hàng cho sản phẩm nông sản của tỉnh Nam Định. Khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, thực hiện liên kết “4 nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông và Nhà DN trong nông nghiệp).

Hiện nay, Nam Định đã có có hình thức liên kết kinh tế “4 nhà”, tuy nhiên hình thức này trong tiêu thụ nông sản còn khá lỏng lẻo. Phần lớn các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ nông sản thông qua thương lái, việc liên kết trực tiếp với nông dân còn ít. Vì vậy, để tăng tính hiệu quả trong việc tiêu thụ nông sản qua hợp đồng cần có quy định rõ ràng và chặt chẽ giữa các bên liên quan tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Có như vậy, các nguồn vốn được huy động cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vụ Bản mới mang lại những hiệu quả tích cực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Bích (2007), Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau hai mươi năm đổi mới - Quá khứ và hiện tại, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  2. Chu Tiến Quang (2011), Nông nghiệp Việt Nam sau 4 năm gia nhập WTO - Những thay đổi về chính sách, Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội.
  3. UBND tỉnh Nam Định (2018), Thống kê tình hình kinh tế- xã hội năm 2017-2018.

Mobilizing capital for hi-tech agriculture development in Vu Ban District, Nam Dinh Province

Master. Tran Ngoc Van

Faculty of Finance and Banking, University of Economics -

Technology for Industries

ABSTRACT:

Agriculture is an important economic sector in the economy. In Vietnam, the country's agriculture sector is strongly transforming with high-tech agricultural production models. Vu Ban District, Nam Dinh provicne has favourable conditions for the development of hi-tech agriculture but it still faces many difficulties in promoting the growth of hi-tech agriculture including capital mobilization challenge. This paper analyzes the situation and solutions to boost capital mobilization for hi-tech agricultural development in Vu Ban District, Nam Dinh Province.

Keywords: Capital mobilization, hi-tech agriculture, Vu Ban District, Nam Dinh Province.