TÓM TẮT:
Trong 10 năm qua, ngành Nhựa Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ cao, ổn định và đã có nhiều đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu dùng nhựa cũng đã và đang có nhiều tác động đến môi trường, con người và cộng đồng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội với các bên liên quan. Để công tác trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đạt hiệu quả, việc áp dụng kế toán trách nhiệm xã hội là điều cần thiết, để ghi chép các dòng thu, dòng chi động cho hoạt xã hội. Bài viết này đề cập đến công tác trách nhiệm xã hội của ngành Nhựa và đề xuất việc hạch toán các chỉ tiêu có liên quan tới kế toán trách nhiệm xã hội.
Từ khóa: ngành Nhựa, trách nhiệm xã hội, kế toán trách nhiệm xã hội.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua ngành Nhựa Việt Nam là một trong số các ngành có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định ngay cả trong giai đoạn 2020 - 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Người Việt Nam có thói quen ưa chuộng sử dụng sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là các loại bao bì nhựa, do vậy nhu cầu sử dụng nhựa của Việt Nam tương đối cao. Hiện nay, với mức tăng trưởng kinh tế ổn định, cộng với thu nhập bình quân đầu người gia tăng sẽ là động lực chính cho đầu ra ngành công nghiệp nhựa trong nước ngày càng phát triển. (Bảng 1)
Các sản phẩm nhựa Việt Nam được chia làm 4 nhóm chính, gồm: nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Nhựa bao bì: Mặc dù là dòng sản phẩm có giá trị gia tăng thấp nhưng nhựa bao bì chiếm tới 39% giá trị sản xuất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của dân cư gia tăng là yếu tố then chốt giúp ngành nhựa bao bì đảm bảo đầu ra vững chắc. Bao bì nhựa là một ngành giao nhau giữa hai ngành Nhựa và Bao bì. Nhựa bao bì cũng là mặt hàng nhựa xuất khẩu chủ yếu của ngành nhựa Việt Nam, các thị trường chính bao gồm Mỹ, Nhật Bản, EU. Dù có nhiều lợi thế về chi phí sản xuất thấp nhưng thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn như việc EU đã thông qua quy định về hạn chế sử dụng túi nhựa và xu hướng chuyển sang dùng các loại túi, bao bì tự phân hủy. Hàng nhựa bao bì Việt Nam xuất sang châu Âu thường phải đáp ứng những yêu cầu chất lượng cao, chủ yếu là bao bì cao cấp và bao bì tự hủy, nên quy định này sẽ không quá ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của bao bì Việt Nam.
Nhựa vật liệu xây dựng: Chiếm 14% giá trị sản xuất, bao gồm các sản phẩm như ống nước, khung cửa chính, cửa sổ. Nhờ thị trường bất động sản đang hồi phục và các hoạt động xây dựng dân dụng, hạ tầng gia tăng với nhiều dự án có quy mô lớn và vốn đầu tư cao, đặc biệt là các dự án về xây dựng nhà xưởng và cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp, hạ tầng giao thông, nâng cấp đường bộ,… nên thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) được kỳ vọng sẽ được mở rộng mạnh mẽ với tiềm năng cao.
Nhựa gia dụng: Bao gồm các sản phẩm gia dụng như nội thất, tủ, đĩa, đồ chơi, và giầy dép thường chiếm khoảng 32% giá trị sản xuất. Các công ty trong nước chủ yếu tập trung sản xuất nhóm sản phẩm này, nhưng thường có biên lợi nhuận thấp, trong khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tập trung ở phân khúc sản phẩm cao cấp, có giá trị và biên lợi nhuận cao.
Nhựa công nghệ cao: Bao gồm các sản phẩm như phụ tùng nhựa, dùng trong lắp ráp ô-tô, xe máy, thiết bị y tế và trang thiết bị dùng trong công nghiệp composite, chiếm 9% tổng giá trị sản xuất. Đến nay, toàn ngành Nhựa Việt Nam có khoảng hơn 2.000 công ty trải dài từ Bắc vào Nam và tập trung chủ yếu ở TP.HCM (tại TP.HCM chiếm hơn 84%) thuộc mọi thành phần kinh tế với hơn 99,8% là công ty tư nhân. Các công ty trong nước chiếm 85%, còn các công ty nước ngoài tuy chỉ chiếm 15% về số lượng nhưng chiếm đến 40% về vốn đầu tư.
2. Công tác trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp ngành Nhựa
Nói đến trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp, người ta thường đề cập đến 3 trách nhiệm chính của doanh nghiệp là trách nhiệm với môi trường, với người lao động và với cộng đồng.
a. Về khía cạnh môi trường
Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu các chất thải ra môi trường như:
- Chất thải: bao gồm cả chất thải rắn, chất thải khí và chất thải lỏng. Trong đó có nhiều chất thải thuộc dạng chất thải nguy hại có ảnh hưởng đến môi trường như dầu mỡ,…
- Nước thải: bao gồm nước mặt sinh hoạt và nước trong quá trình sản xuất như nước làm mát các thiết bị.
- Khí thải: loại khí có hại có nguy cơ gây tác động đến môi trường sinh thái và môi trường lao động.
- Bụi: các chất thải bụi trong các nhà máy
b. Về vấn đề người lao động
Các vấn đề liên quan đến người lao động như thời giờ làm việc, chế độ tiền lương và phúc lợi, sự gắn kết, phát triển nghề nghiệp. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của người lao động.
c. Về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng địa phương
Thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng địa phương nơi doanh nghiệp đóng cũng như trong khu vực có liên quan.
Chi phí cho các hoạt động này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài chính của Công ty bù lại Công ty sẽ nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng địa phương, cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của các thành viên trong Công ty.
Cho đến nay đã có một số doanh ngiệp thực hiện công bố báo cáo thường niên, trong đó có thông tin về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp đã công bố áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, như: GRI như CTCP Nhựa Bình Minh, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, CTCP Nhựa Rạng Đông, CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát.
Số doanh nghiệp còn lại áp dụng linh hoạt để báo cáo tùy theo tình hình hoạt động, mức độ trọng yếu trong các lĩnh vực đối với từng doanh nghiệp nhằm công bố các yếu tố tác động đến kinh tế, môi trường, xã hội một cách phù hợp.
Nhiều báo cáo thực hiện khá sơ sài, chủ yếu chỉ nêu tầm nhìn, định hướng phát triển, đưa ra một mục tiêu chung phát triển dài hạn về cả sản xuất - kinh doanh lẫn mục tiêu, cam kết về bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng xã hội, không thay đổi qua các năm. Khá nhiều báo cáo của các doanh nghiệp trong ngành Nhựa không nêu lên tác động của quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tới môi trường, chỉ đề cập đến chính sách đối với người lao động, chế độ đào tạo, đãi ngộ, môi trường làm việc cho người lao động và chủ yếu thể hiện trên báo cáo các chiến dịch dự án đóng góp cho cộng đồng xã hội, các chương trình thiện nguyện.
3. Kế toán trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp ngành Nhựa
Kế toán trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp đề cập đến việc ghi nhận, đo lường, cung cấp thông tin về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của một thực thể với các bên liên quan. Kế toán trách nhiệm xã hội được sử dụng để công bố thông tin ra bên ngoài thông qua các báo cáo trách nhiệm xã hội hoặc phục vụ cho quyết định kinh doanh nội bộ thông qua các báo cáo quản trị. Để thực hiện được nội dung này, kế toán cần thu thập và cung cấp các thông tin phi tài chính cũng như các thông tin tài chính sau.
3.1. Cơ sở thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội tại Việt Nam
Kế toán trách nhiệm xã hội có mục đích và nhu cầu thông tin khác biệt song vẫn được xem là một nội dung trong hệ thống thông tin kế toán của doanh nghiệp. Kế toán trách nhiệm xã hội được xem xét một cách độc lập hơn nhằm cung cấp thông tin kinh tế, tài chính liên quan đến hoạt động trách nhiệm xã hội cho các đối tượng sử dụng thông tin. Do đó, doanh nghiệp vẫn cần tuân thủ các quy định của Luật Kế toán năm 2015, các Chuẩn mực kế toán Việt Nam, các thông tư hướng dẫn về Chế độ kế toán để thực hiện lập Báo cáo tài chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần theo dõi, phân loại, xem xét và báo cáo một cách độc lập các loại tài sản, nợ phải trả, doanh thu hay chi phí của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động trách nhiệm xã hội. Thông qua việc ghi nhận và cung cấp thông tin một cách kịp thời, người sử dụng có thể đánh giá mức độ bảo vệ môi trường, trách nhiệm với người lao động và các đóng góp cho cộng đồng của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, văn bản đầu tiên đề cập đến các thông tin liên quan đến báo cáo tình hình thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội là Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Thông tư này hướng dẫn các DN trình bày thông tin chung về công ty, trong đó có các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, xã hội và cộng đồng. Trong đó, doanh nghiệp phải báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, xã hội và cộng đồng; các chương trình chính liên quan đến ngắn hạn và trung hạn của Công ty; Trình bày các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đối với việc thực hiện các mục tiêu (trong đó có rủi ro về môi trường); Trình bày Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty (Report related impact of the Company on the environment and society). Báo cáo này gồm các nội dung:
Thứ nhất, quản lý nguồn nguyên vật liệu: Báo cáo tổng lượng nguyên vật liệu được sử dụng để sản xuất và đóng gói các sản phẩm và dịch vụ chính của doanh nghiệp trong năm; Báo cáo tỷ lệ phần trăm nguyên vật liệu được tái chế được sử dụng để sản xuất sản phẩm và dịch vụ chính của doanh nghiệp.
Thứ hai, tiêu thụ năng lượng: Năng lượng tiêu thụ trực tiếp và gián tiếp; Năng lượng tiết kiệm được thông qua các sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả; Các báo cáo sáng kiến tiết kiệm năng lượng; báo cáo kết quả của các sáng kiến này.
Thứ ba, tiêu thụ nước: Báo cáo mức tiêu thụ nước của các hoạt động kinh doanh trong năm gồm nguồn cung cấp nước và lượng nước sử dụng và tỷ lệ phần trăm và tổng lượng nước tái chế và tái sử dụng.
Thứ tư, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường: Báo cáo số lần bị xử phạt vi phạm do không tuân thủ luật pháp và các quy định về môi trường; Tổng số tiền do bị xử phạt vi phạm do không tuân thủ luật pháp và các quy định về môi trường.
Thứ năm, chính sách liên quan đến người lao động: Báo cáo số lượng lao động, mức lương trung bình đối với người lao động; Các chính sách lao động đảm bảo sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động; Hoạt động đào tạo người lao động, các chương trình phát triển kỹ năng và học tập liên tục để hỗ trợ người lao động đảm bảo có việc làm và phát triển sự nghiệp.
Thứ sáu, báo cáo liên quan đến trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương: Các hoạt động đầu tư cộng đồng và hoạt động phát triển cộng đồng khác, bao gồm hỗ trợ tài chính nhằm phục vụ cộng đồng.
Thứ bảy, báo cáo liên quan đến hoạt động thị trường vốn xanh theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3.2. Các nội dung cần phản ánh của kế toán trách nhiệm xã hội
3.2.1. Cung cấp thông tin phi tài chính
Thông tin phi tài chính trách nhiệm xã hội là thông tin định tính, mang tính chất mô tả nhằm thông báo cho các bên liên quan bên ngoài về chính sách trách nhiệm xã hội, mục tiêu, hệ thống quản lý đối với trách nhiệm xã hội. Chính sách trách nhiệm xã hội gồm những nội dung như: chính sách và chương trình chính thức đã được doanh nghiệp thông qua; trong trường hợp không có chính sách và chương trình như vậy thì doanh nghiệp cũng cần nêu rõ những cải tiến chính đã được thực hiện trong các năm qua; các biện pháp, mức độ bảo vệ môi trường hay trách nhiệm với người lao động đã được thực hiện theo yêu cầu pháp luật. Tuy nhiên, thông tin phi tài chính không thể cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sự tương tác giữa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội.
3.2.2. Cung cấp thông tin tài chính
Thứ nhất, cung cấp thông tin về tài sản phục vụ cho hoạt động trách nhiệm xã hội.
Doanh nghiệp có thể ghi nhận các tài sản phục vụ cho hoạt động trách nhiệm xã hội là tài sản ngắn hạn hoặc tài sản dài hạn trên Bảng cân đối kế toán. Theo Khung khái niệm (Conceptual framework) của Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (2018) IASB (International Accounting Standards Board) thì tài sản là một nguồn lực kinh tế hiện tại được kiểm soát bởi một đơn vị do kết quả của các sự kiện quá khứ. Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 (VAS01), tài sản là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai. Căn cứ vào các quy định trên, doanh nghiệp có thể ghi nhận các tài sản phục vụ cho hoạt động trách nhiệm xã hội như:
- Tài sản dùng vào mục đích xử lý và kiểm soát chất thải nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định môi trường như: hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thu bụi,…
- Tài sản dùng cho mục đích phòng ngừa và quản lý môi trường như: thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường.
- Tài sản dùng vào mục đích nghiên cứu phát triển về môi trường, chẳng hạn như: phòng thí nghiệm sử dụng cho mục đích nghiên cứu các giải pháp quản lý tốt hơn vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Tài sản vô hình như giấy phép phát thải, chứng chỉ giảm phát thải,…
- Tài sản phục vụ người lao động như nhà ăn, nhà nghỉ giữa ca, phòng thay đồ, phòng tập thể thao,...
Thứ hai, cung cấp thông tin về chi phí trách nhiệm xã hội.
Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01, Chi phí là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán dưới hình thức các khoản tiền chi ra, các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu. Do vậy, chi phí trách nhiệm xã hội là các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán được thực hiện nhằm quản lý các tác động đến môi trường, đến người lao động, đến cộng đồng,... phục vụ cho yêu cầu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần công bố các nội dung về chi phí trách nhiệm xã hội như: danh mục chi phí cho hoạt động trách nhiệm xã hội; chi phí cho người lao động; chi phí phát sinh do bị phạt tiền vì không tuân thủ các quy định về môi trường hoặc bồi thường cho bên thứ ba do ô nhiễm môi trường,...
Thứ ba, cung cấp thông tin về nợ phải trả trách nhiệm xã hội.
Theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 01, nợ phải trả là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình. Do đó, nợ phải trả trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phải thực hiện để thanh toán các khoản phát sinh liên quan đến trách nhiệm xã hội và đáp ứng các tiêu chí để ghi nhận là nợ phải trả. Thông tin nợ phải trả trách nhiệm xã hội được công bố sẽ giúp người sử dụng thông tin đánh giá bản chất, thời gian và cam kết của doanh nghiệp về nguồn tài chính tương lai. Đối với mỗi loại nợ phải trả trách nhiệm xã hội cần mô tả ngắn gọn về bản chất (ví dụ thiệt hại môi trường, các quy định phục hồi môi trường, những thay đổi hợp lý dự kiến đối với các luật hoặc công nghệ hiện có), thời gian, quy định thanh toán của nợ phải trả; cách tiếp cận được sử dụng để đo lường các khoản nợ môi trường. Nếu sử dụng phương pháp giá trị hiện tại để đo lường khoản nợ phải trả thì tất cả các giả định quan trọng để ước tính dòng tiền tương lai được công bố trong báo cáo tài chính, gồm: giá trị hiện tại của nợ phải trả, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ chiết khấu, ước tính chi phí tương lai.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần công bố nợ tiềm tàng trách nhiệm xã hội với các nội dung như: mô tả ngắn gọn về bản chất của khoản nợ tiềm tàng; ước tính hiệu quả tài chính của các khoản nợ tiềm tàng, xác định yếu tố không chắc chắn liên quan đến không ghi nhận nợ tiềm tàng, khả năng bồi thường của doanh nghiệp.
Thứ tư, cung cấp thông tin về thu nhập/ưu đãi đối với hoạt động trách nhiệm xã hội.
Doanh thu và thu nhập khác là tổng giá trị các lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh thông thường và các hoạt động khác, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14).
Thu nhập liên quan đến hoạt động trách nhiệm xã hội có thể phát sinh từ hoạt động bán phế liệu, chất thải hay thu nhập phát sinh từ các khoản bồi hoàn bảo hiểm cho các khiếu nại liên quan đến môi trường, người tiêu dùng, người lao động. Doanh nghiệp cũng có thể đánh giá phần lợi nhuận tăng thêm từ các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm vật liệu sử dụng, nâng cao hiệu suất làm việc,... Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể nhận được các ưu đãi của Chính phủ liên quan đến hoạt động trách nhiệm xã hội như các khoản tài trợ hoặc ưu đãi thuế. Thông tin thu nhập từ hoạt động trách nhiệm xã hội giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin có thể đánh giá được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động và các hoạt động xã hội khác.
3.2.3. Báo cáo kế toán trách nhiệm xã hội
Các thông tin tài chính và phi tài chính trách nhiệm xã hội có thể được đề cập trong báo cáo tài chính hoặc được thể hiện trong một báo cáo riêng biệt như báo cáo trách nhiệm xã hội - CSR, báo cáo tích hợp - IR, báo cáo phát triển bền vững. Cụ thể:
Thứ nhất, Báo cáo trách nhiệm xã hội.
Báo cáo trách nhiệm xã hội là báo cáo thể hiện các thông tin liên quan đến trách nhiệm kinh tế nhằm đem lại lợi ích cho các cổ đông, trách nhiệm bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội đối với các chủ thể khác.
Thứ hai, Báo cáo tích hợp (Intergrated reporting - IR).
Đây là báo cáo lồng ghép giữa nội dung báo cáo thường niên hoặc báo cáo bền vững với báo cáo tài chính nhằm cung cấp cho doanh nghiệp và các bên liên quan góc nhìn toàn diện về doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, quản trị, trách nhiệm xã hội và môi trường. Tuy nhiên, báo cáo tích hợp không chỉ đơn thuần là việc ghép các báo cáo mà là sự tích hợp thông tin một cách sáng tạo để truyền tải một câu chuyện xuyên suốt về cách thức tạo ra giá trị của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng báo cáo tích hợp như một công cụ trao đổi rõ ràng với các bên liên quan về chiến lược, kế hoạch, cách thức sử dụng nguồn lực và tạo ra giá trị. Vì vậy, để xây dựng báo cáo tích hợp, doanh nhiệp cần gắn kết với các bên liên quan nhằm xác định các vấn đề trọng yếu mà các bên quan tâm cũng như mức độ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Báo cáo tích hợp không chỉ thể hiện hoạt động của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại, mà còn cung cấp cho người đọc triển vọng về tương lai doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn hơn.
Kết quả nghiên cứu này là sản phẩm khoa học của đề tài cấp Bộ "Nhân tố tác động đến kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp ngành Nhựa Việt Nam", Mã số: B2020-NTH-02
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính (2015), Thông thư số 155/TT-BTC, ngày 6/10/2015.
- Hiệp hội Nhựa Việt Nam (2021), Báo cáo hoạt động Hiệp hội Nhựa Việt Nam và hoạt động sản xuất - kinh doanh ngành Nhựa năm 2018, 2019, 2020, 2021.
- Hoàng Tùng, (2014), Kế toán quản trị - Từ khía cạnh lợi ích doanh nghiệp đến khía cạnh trách nhiệm xã hội, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 206, tháng 8/2014.
- Huỳnh Đức Lộng, (2015), Kế toán trách nhiệm xã hội, Tạp chí Kế toán Kiểm toán.
- Huỳnh Đức Lộng, (2016), Kế toán TNXH - Công cụ quan trọng phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 124, 07/2016, p. 57-64.
- Nguyễn Thị Thu Hằng , (2017), Áp dụng kế toán trách nhiệm xã hội: Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính, https://vjol.info.vn/index.php/TC/article/view/43979.
- Quốc hội, (2022). Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14.
- Quốc hội, (2014). Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13.
- Quốc hội, (2015). Luật Kế toán số 88/2015/QH 13.
The social responsibility accounting for companies in Vietnam’s plastic industry
Assoc.Prof.Ph.D. Nguyen Thi Thu Hang
Faculty of Accounting - Audit
Foreign Trade University
Abstract:
For over the past 10 years, Vietnam's plastic industry has always experienced a high and stable growth rate. The industry has greatly contributed to the country’s economy. However, the production and consumption of plastic products have had many impacts on the environment, communities, and public health. These issues require businesses to fulfill their social responsibilities for stakeholders. In order to effectively fulfill corporate social responsibilities, it is essential for businesses to implement the social responsibility accounting to record the income and expenditure flows for their social activities. This paper presents an overview of the social responsibilities of the plastic industry and proposes the accounting of indicators related to social responsibility accounting.
Keywords: plastic industry, social responsibility, social responsibility accounting.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]