Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Khánh Hòa, 14 năm qua, kể từ khi Cuộc vận động đi vào cuộc sống, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tỉnh Khánh Hòa đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa tầm quan trọng và được gắn kết chặt chẽ với CVĐ “Toàn dân đoàn kết dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Các phong trào thi đua bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: Thông qua các hội nghị sơ, tổng kết định kỳ; các cuộc sinh hoạt ở khu dân cư; các buổi sinh hoạt hội viên ở các chi tổ hội; treo pano, khẩu hiệu; đăng tin bài trên bản tin và trang thông tin điện tử; mở chuyên trang, hay tổ chức phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh địa phương; phối hợp thông tin tuyên truyền và tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình quảng bá những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt tại chợ truyền thống... góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức và hình thành thói quen sử dụng hàng hóa Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân, gia đình, cũng như khi mua sắm tài sản công đối với các cơ quan, đơn vị.
Nhìn vào tỷ lệ các sản phẩm được bày bán trong hệ thống các siêu thị ai cũng nhận thấy hàng Việt đã chiếm ưu thế, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa đến đời sống xã hội, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tạo chuyển biến về hành động, tạo thành thói quen mua sắm hàng Việt của đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Tại siêu thị Co.opmart Chi nhánh Nha Trang, hàng Việt chiếm đến 90% cơ cấu hàng hóa của chi nhánh cũng như hệ thống. Hệ thống các siêu thị khác cũng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhât cho các nhà cung cấp Việt đưa hàng hóa vào kinh doanh tại hệ thống.
Các sản phẩm đều có xuất xứ rõ ràng, có các chứng nhận như: “hàng Việt chất lượng cao”, sản phẩm OCOP,… Hàng Việt luôn được ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày trung tâm nhất trên quầy kệ. Đặc biệt, các chương trình khuyến mãi cũng ưu tiên cho những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Nhìn chung, tâm lý người tiêu dùng hiện nay đã ưu tiên ủng hộ hàng Việt. Nhà cung cấp hàng Việt thay đổi mẫu mã các sản phẩm thường xuyên, thực hiện các chương trình khuyến mãi hàng tuần, hàng tháng, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm hàng Việt tốt, một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh được so với hàng nước ngoài – chủ các siêu thị ở Khánh Hòa đều thừa nhận kết quả này.
Không chỉ qua hệ thống siêu thị, hàng Việt còn đến với người tiêu dùng tỉnh Khánh Hòa thông qua một hình thức không kém phần thú vị là đẩy mạnh tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Đây là một mũi tên trúng hai đích bởi vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng Việt cho nhân dân địa phương vừa hỗ trợ quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đến người tiêu dùng và du khách.
Mới đây, Sở Công Thương Khánh Hòa mới tổ chức “Phiên chợ triển lãm sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Khánh Hòa năm 2023”. Phiên chợ có quy mô 22 gian hàng đến từ 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, doanh nghiệp, cơ sở có sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Mang đến phiên chợ các sản phẩm như trái cây, sầu riêng Khánh Sơn, mật ong rừng, thảo dược, trà thảo mộc, các sản phẩm từ nấm, nông sản sấy, gỗ mỹ nghệ, nước gội đầu bồ kết, tinh dầu... là ban tổ chức mong muốn giới thiệu những đặc sản tốt nhất tới người tiêu dùng, để người Việt thêm những hài lòng, thú vị về sản phẩm của chính quê hương mình làm ra.
Việc các sản phẩm tham gia phiên chợ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; sản phẩm có chứng nhận sản phẩm OCOP/chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… càng thêm những ưu điểm khiến người mua càng yên tâm về sự uy tín và khơi dậy cả lòng tự hào dân tộc.
Ông Huỳnh Tấn Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa – cho biết, phiên chợ được tổ chức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của vùng dân tộc và thiểu số miền núi của tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh Tây nguyên đến với các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng và du khách. Qua đó, hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Khánh Hòa có lợi thế là một tỉnh du lịch, rất hấp dẫn du khách khắp nơi tìm về. Cảm hứng mua sắm khi đi du lịch cũng là một nguồn kích thích không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Bên cạnh đó, thông qua con đường du lịch, đặc sản các vùng miền cũng có thêm cơ hội được quáng bá rộng rãi, nhiều người biết đến hơn, lan tỏa rộng nhiều hơn nữa niềm tự hào khi mua sắm, tiêu dùng và sản xuất hàng Việt Nam. Đó cũng chính là một trong những ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà chúng ta đã và đang thực hiện trong nhiều năm nay.