TÓM TẮT:
Bài báo trình bày quy trình 2 giai đoạn quản lý học tập điện tử (E-Learning) các môn học và kết quả khảo sát thực trạng quy trình này. Trên cơ sở đó, rút ra các kết luận về những vấn đề cần điều chỉnh để nâng cao chất lượng học tập điện tử các môn học của sinh viên.
Từ khóa: quy trình quản lý học tập điện tử, khảo sát thực trạng.
1. Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cơ bản thị trường lao động về mặt chất lượng, người lao động không thể chỉ sử dụng những kiến thức đã tích lũy được trong thực tiễn và ở Nhà trường, mà còn phải cập nhật thường xuyên những kiến thức mới về kỹ thuật và công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Do vậy, người lao động muốn đứng vững trong thị trường lao động phải thường xuyên học tập và tích lũy kiến thức trong Trường học open school - Trường mở vô cùng thuận tiện, bình đẳng với bất kỳ ai mong muốn được học tập, xuất hiện do ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ. Các trường đại học cũng không ngừng đa dạng hóa các loại hình và hình thức đào tạo phục vụ không chỉ cho sinh viên (SV) đang học tại trường, mà còn phục vụ cho thị trường lao động. Mặt khác, khảo sát thực tiễn quản lý cho thấy, trong một cuộc thăm dò, ý kiến của giảng viên, cán bộ và SV tại một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề: “Vai trò của chương trình, phương pháp giảng dạy, quản lý và kiểm tra kiến thức đã có những ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng giáo dục của Nhà trường?”, đã cho những kết quả như sau: “Đánh giá, kiểm tra: 9%; Chương trình cơ sở vật chất: 18%; Phương pháp giảng dạy: 22%; Quản lý giáo dục 51%. Kết quả cho thấy, quản lý nhà trường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục - đào tạo: 51%”. (Nguyễn Quang Toản, 2014, tr 34.)
Thế kỷ XXI, thế kỷ của nền kinh tế tri thức, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, mỗi cá nhân đều có quyền tiếp cận các kho tàng thông tin khổng lồ trên mạng. Tuy nhiên, dù các phương tiện kỹ thuật có hiện đại đến mức nào chăng nữa, thì quản lý tổ chức trước hết là quản lý con người. Hiểu biết con người đầy đủ, đáp ứng mọi yêu cầu của con người, quản lý sẽ thành công. Do vậy, cần xác định quy trình quản lý học tập điện tử phù hợp và khảo sát thực trạng nhằm phát hiện và chỉnh sửa những khâu chưa hoàn thiện theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của SV. Trong bài báo này, xuất phát từ thực tiễn quản lý và khảo sát thực trạng quản lý học tập điện tử các học phần môn học ở Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Văn Lang, bước đầu tác giả trao đổi về các vấn đề trên.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Thang đo Bloom về 6 cấp độ nhận thức
Trong lĩnh vực giáo dục, thang cấp độ tư duy có thể được xem là một công cụ nền tảng, để từ đó xây dựng và sắp xếp các mục tiêu giáo dục, xây dựng các chương trình, quy trình giáo dục và đào tạo, xây dựng và hệ thống hóa các câu hỏi, bài tập dùng để kiểm tra, đánh giá quá trình học tập. Thang cấp độ tư duy đầu tiên được xây dựng bởi Benjamin S.Bloom (1956), thường được gọi tắt là Thang Bloom hay Bảng phân loại Bloom (Bloom’s Taxonomy) bao gồm 6 cấp độ: 1. Biết (Knowledge); 2. Hiểu (Comprehension); 3. Vận dụng (Application); 4. Phân tích (Analysis); 5. Tổng hợp (Synthesis); 6. Đánh giá (Evaluation).
Nhận thấy thang trên chưa thật sự hoàn chỉnh, vào giữa thập niên 1990 Lorin Anderson, một học trò của Benjamin Bloom, đã cùng một số cộng sự đề xuất sự điều chỉnh, như: (Pohl, 2000): 1. Nhớ (Remembering); 2. Hiểu (Understanding); 3. Vận dụng (Applying); 4. Phân tích (Analyzing); 5. Đánh giá (Evaluating); 6. Sáng tạo (Creating).
Có 3 sự thay đổi đáng lưu ý trong sự điều chỉnh này so với Thang Bloom: cấp độ tư duy thấp nhất là Nhớ thay vì Biết, cấp độ tổng hợp được bỏ đi và đưa thêm sáng tạo vào mức cao nhất, các danh động từ được thay cho các danh từ. Sự điều chỉnh này sau đó đã nhận được sự ủng hộ bởi đa số các cơ sở giáo dục, nhất là các trường đại học - nơi đề cao các hoạt động giúp phát triển năng lực sáng tạo của người học ([6], tr 17).
2.2. Quy trình 2 giai đoạn quản lý học tập điện tử (E-Learning) ở các trường đại học
Đặc điểm nổi bật của quản lý học tập điện tử là “gián tiếp”, không “đối mặt” nhưng mọi “liên hệ” lại có thể “liên tục thực hiện” thông qua nhiều cách khác nhau: E-Learning, meeting chat, Email, Facebook,… Do vậy, cấu trúc mô hình quản lí học tập điện tử (E-Learning) có thể chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Quản lý học tập điện tử “ảo” (trên trang trực tuyến pre-test) gồm 4 bước: DEPF (Documentation; Exercise ; Practice; Feedback):
Bước 1. Tài liệu (Documentation): Giảng viên đưa toàn bộ tài liệu học tập lên E-Learning.
Bước 2. Bài tập (Exercise): Giảng viên đặt câu hỏi, bài tập trên trang trực tuyến.
Bước 3. Thực hành (Practice): Giảng viên yêu cầu tất cả sinh viên làm.
Bước 4. Phản hồi (Feedback): Giảng viên theo dõi và phản hồi cho sinh viên.
Giai đoạn thứ nhất, tạo điều kiện cho SV hoàn thành 3 cấp độ đầu tiên trong thang nhận thức Bloom: 1. Nhớ (Remembering); 2. Hiểu (Understanding); 3. Vận dụng (Applying).
Giai đoạn thứ hai: Quản lý học tập điện tử với không gian và thời gian thực (GV trực tiếp trên lớp): Gồm 4 bước SLKT (Summary; Lecture; Knowledge development; Test your knowledge).
Bước 5. Tổng kết (Summary): Giảng viên tổng kết những ý kiến phản hồi của sinh viên trên trang trực tuyến; kiểm tra thu hoạch của sinh viên bằng bài test ngắn (pre-test).
Bước 6. Giảng bài (Lecture): Giảng viên lên lớp rà soát nội dung bài giảng giải đáp thắc mắc, giải thích các vấn đề mà sinh viên còn gặp khó khăn. Giảng, giải trình các nội dung khó của bài học.
Bước 7. Phát triển kiến thức (Knowledge development): Giảng viên hướng dẫn sinh viên cách thức phát triển, nâng cao các kiến thức đã nghiên cứu; chỉ ra các cách thức hoạt động sáng tạo trên các kiến thức đó.
Bước 8. Kiểm tra kiến thức đã học (Test your knowledge): Giảng viên ra bài kiểm tra ngắn, để đánh giá kết quả lĩnh hội kiến thức của sinh viên.
Giai đoạn thứ hai, tạo điều kiện cho SV hoàn thành 3 cấp độ sau trong thang nhận thức Bloom: 4. Phân tích (Analyzing); 5. Đánh giá (Evaluating); 6. Sáng tạo (Creating).
2.3. Quy trình khảo sát thực trạng học tập điện tử các học phần ở trường đại học
2.3.1. Mục tiêu khảo sát
Đánh giá đúng thực trạng quản lý học tập điện tử các học phần. Xác định chính xác các mặt mạnh để phát huy và các mặt hạn chế để khắc phục.
2.3.2. Địa bàn và thời gian khảo sát
Khảo sát tiến hành vào tháng 3/2021, tại Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Văn Lang.
2.3.3. Nội dung khảo sát
+ Khảo sát thực trạng nhận thức của sinh viên về E-Learning
+ Khảo sát thực trang nhận thức của cán bộ quản lý (CBQL) và giảng viên (GV) về học tập điện tử và quản lý học tập điện tử (E-Learning)
+ Khảo sát thực trạng nhận thức của CBQL và GV về các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý học tập điện tử (E-Learning)
2.3.4. Phương pháp chọn mẫu
Từ tổng thể, ta lấy ra N phần tử và đo lường dấu hiệu X* của chúng. Khi đó, N phần tử này lập nên 1 mẫu và số phần tử của mẫu gọi là kích thước của mẫu.
Trong số 490 sinh viên K26T Khoa Quản trị Kinh doanh, chúng tôi chọn mẫu ngẫu nhiên là 200 sinh viên để làm mẫu điều tra.
Trong số cán bộ phòng đào tạo, cán bộ phòng thanh tra; Ban chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, cán bộ giáo vụ Khoa, giáo viên chủ nhiệm các lớp, GV dạy các học phần, chúng tôi chọn ra 30 CBQL, 20 GV làm mẫu điều tra.
2.3.5. Phương pháp khảo sát
+ Phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi
Nguyên tắc điều tra bảng hỏi là mỗi khách thể trả lời độc lập một phiếu khảo sát. Trước khi trả lời, các khách thể được hướng dẫn chi tiết để hiểu rõ mục đích và yêu cầu trả lời ở các nội dung của phiếu. Đối tượng khảo sát là 200 SV và 30 CBQL và 20 GV.
+ Phương pháp phỏng vấn sâu
Được tiến hành nhằm làm rõ hơn kết quả điều tra thu được từ bảng hỏi. Đối tượng phỏng vấn bao gồm: 30 CBQL và 20 GV.
2.3.6. Xử lý kết quả khảo sát
Xử lý các kết quả khảo sát bằng phương pháp thống kê Toán học. (Hoàng Chúng, 1983).
- Đối tượng khảo sát: 200 SV K.26 Khoa Quản trị Kinh doanh và 20 GV dạy học phần “Đạo đức kinh doanh” và 30 CBQL của Trường và Khoa Quản trị Kinh doanh.
- Điều tra bằng bảng hỏi 5 mức độ bằng thang đo Likert Scale đã mã hóa
Mỗi điểm trong thang đo Likert Scale tương ứng với các mức đánh giá như Bảng 1.
Bảng 1. Đánh giá bằng thang đo Likert Scale
Quy ước đánh giá các mức độ của từng nội dung dựa vào giá trị điểm trung bình ([4]).
Bảng 2. Đánh giá bằng điểm trung bình
Sử dụng công thức tính giá trị trung bình
Với mẫu có N phần tử, trong đó, các phần tử khác nhau x1, x2, …, xk có tần số tương ứng f1, f2, …, fk. Trung bình cộng là:
2.4. Nội dung và kết quả khảo sát
Nội dung quản lý học tập điện tử các học phần được thực hiện ở 2 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Giai đoạn quản lý học tập điện tử “ảo”với thời gian và không gian không hạn chế. Ở giai đoạn này, SV truy cập đề cương môn học, giáo trình, bài giảng Powerpoint, video bài giảng, các tài liệu tham khảo, tất cả các tài liệu này GV đã đưa lên trang E-Learning của Trường Đại học Văn Lang. SV tham gia diễn đàn học tập học phần, tương tác với bạn bè và tương tác với GV.
Giai đoạn thứ hai: Giai đoạn quản lý học tập điện tử “thực” với thời gian và không gian hạn chế. Ở giai đoạn này, SV được GV hướng dẫn giảng dạy trực tiếp, GV tổng kết các thảo luận của SV ở giai đoạn học “ảo”, giải thích những vấn đề khó, mở rộng và nâng cao các nội dung cơ bản. Tương ứng với 2 giai đoạn, chúng tôi thực hiện 2 bảng khảo sát thực trạng như trình bảy tại Bảng 3 và Bảng 4.
Bảng 3. Thực trạng thực hiện nội dung học tập điện tử
các học phần với không gian và thời gian “ảo” của sinh viên
Nguồn: Số liệu khảo sát tháng 3/2021
Kết quả khảo sát từ Bảng 3 cho thấy: Hoạt động truy suất tài liệu học tập trên trang E-Learning của SV tương đối tốt, cụ thể là:
- Truy xuất để xem thông báo của giảng viên và đề cương bài giảng môn học (ĐTBCBQL, GV = 4,67, mức Tốt, xếp hạng1; ĐTBSV = 4,13, mức Trung bình, xếp hạng 2).
- Truy xuất giáo trình môn học và bài giảng Powerpoint môn học (ĐTBCBQL, GV = 4,13, mức Khá, xếp hạng 2; ĐTBSV = 4,69, mức Tốt, xếp hạng 1).
- Truy xuất các video clip bài giảng và các sách tham khảo, bài báo, tài liệu về môn học (ĐTBCBQL, GV = 3,32, mức Trung bình, xếp hạng 3; ĐTBSV = 3,27, mức Trung bình, xếp hạng 3).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy các loại hình hoạt động tương tác còn hạn chế, cần chú ý tăng cường hơn nữa.
- Trao đổi, tương tác giữa các SV với nhau trực tiếp trong các nhóm học tập và trên diễn đàn học “ảo”, (ĐTBCBQL, GV = 1,78, mức Kém, xếp hạng 5; ĐTBSV = 2,53, mức Yếu, xếp hạng 4).
- SV tương tác với GV, GV giải đáp thắc mắc cho SV (ĐTBCBQL, GV = 2,45, mức Yếu, xếp hạng 4; ĐTBSV = 1,74, mức Kém, xếp hạng 5).
Kết quả khảo sát từ Bảng 3 cho thấy, ĐTB toàn mẫu dao động 3,27 - 3,272. Điều đó cho thấy, SV sử dụng E-Learning để tải tài liệu, ít sử dụng để tương tác, ít tham gia các hoạt động chung, do vậy, chưa khai thác hết tiềm năng của trang E-Learning.
Kết quả phỏng vấn CBQL cho biết: GV khi giảng dạy thường tập trung sử dụng giáo trình chính mà ít khi yêu cầu SV tham khảo các giáo trình và tài liệu khác để mở rộng và phát triển kiến thức. SV chưa chú trọng hoàn thành các nhiệm vụ GV giao cho nên không chủ động học thêm các kỹ năng còn thiếu.
Bảng 4. Thực trạng thực hiện nội dung học tập điện tử
các học phẩm với không gian và thời gian “thực” của sinh viên
Nguồn: Số liệu khảo sát tháng 3/2021
Kết quả khảo sát từ Bảng 4 cho thấy: hoạt động học tập trong giờ học tương đối tốt, cụ thể:
- SV có mặt trong giờ học trực tuyến và tương tác với giảng viên (ĐTBCBQL, GV =4,63, mức Tốt, xếp hạng 1; ĐTBSV = 4,13, mức Khá, xếp hạng 2).
- SV làm bài tập tự luyện tự luận và trắc nghiệm trong giờ học (ĐTBCBQL, GV =4,15, mức khá, xếp hạng 2; ĐTBSV = 4,52, mức Tốt, xếp hạng 1).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy điểm trung bình toàn mẫu thay đổi trong khoảng (3,186 - 3,276), chứng tỏ việc sử dụng trang E-Learning chưa thật hiệu quả và chưa sâu rộng, SV sử dụng chủ yếu để truy cập tài liệu học tập và nộp bài cho GV. SV ít tham gia các hoạt động hỗ trợ, như: tham gia diễn đàn học tập, tham gia trao đổi tương tác với bạn bè, (ĐTBCBQL, GV =2,56, mức Yếu, xếp hạng 4; ĐTBSV = 3,26, mức TB, xếp hạng 3). SV tham gia phát triển kiến thức, trình bày các hoạt động sáng tạo với tỉ lệ rất thấp, (ĐTBCBQL, GV=3,34, mức Trung bình, xếp hạng 3; ĐTBSV=2,41, mức Yếu, xếp hạng 4).
Kết quả phỏng vấn CBQL cho biết SV thường chú trọng học, ghi chép bài để phục vụ cho kiểm tra cuối môn học; SV chưa hình thành được phương pháp học đại học, qua việc tham khảo thêm tài liệu, giáo trình phát triển kiến thức và sáng tạo. Sự phân bổ thời gian cho các hoạt động còn có vấn đề khi SV cho rằng không có nhiều thời gian để đọc thêm sách và tài liệu tham khảo do phải hoàn thành bài tập các môn học của GV.
3. Kết luận
Các kết quả khảo sát và phỏng vấn sâu cho thấy, việc xác định quy trình 2 giai đoạn trong dạy học và quản lý học tập điện tử (E-Learning) của sinh viên với 8 bước nêu trên là cần thiết và tạo điều kiện cho SV có thể hoàn thành 6 cấp độ nhận thức, hướng tới hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Mặt khác, kết quả khảo sát cũng cho thấy chất lượng và kết quả quản lý học tập điện tử các môn học của SV phụ thuộc rất cao vào quy trình quản lý và tổ chức hoạt động dạy học điện tử của GV. Điều đó, cho thấy GV luôn là nhân tố không thay thế được trong hoạt động dạy học và quản lý hoạt động học tập của SV ở trường đại học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng số: 12/2016/TT-BGDĐT Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2016.
- Hoàng Chúng (1983). Phương pháp thống kê Toán học trong khoa học Giáo dục, NXB Giáo dục.
- Vũ Hữu Đức (2020). Nghiên cứu về phương thức học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin (E-Learning) trong giáo dục đại học và đào tạo trực tuyến mở dành cho đại chúng MOOCs (Massive Online Open Courses): Kinh nghiệm thế giới và ứng dụng tại Việt Nam. Đề tài KHGD/16-20.ĐT.043.
- Phạm Thị Hồng (2017). Thực trạng quản lý hoạt động của giảng viên tại Trường Đại học Sài Gòn. Tạp chí Giáo dục, kỳ 1 tháng 10/2017, 26-29. https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/magazine/so-415-ki-i-thang-10/07-thuc-trang-quan-li-hoat-dong-giang-day-cua-giang-vien-tai-truong-dai-hoc-sai-gon-5312.html
- Nguyễn Quang Toản (2014). Dịch vụ giáo dục Quản lý và Kiểm định: NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Xavier roegiers (1996). Khoa Sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực trong nhà trường. NXB Giáo dục.
- Trường Đại học Văn Lang (2000). Kỹ năng giảng dạy Online - Thinking School. Truy cập tại: https://thinkingschool.vn/vanlanguni./.VLU.
SURVEYING THE CURRENT STATUS OF E-LEARNING MANAGEMENT PROCESS FOR UNIVERSITY COURSES
TESOL. VO NGOC THAO
Office of Postgraduate Studies, Ho Chi Minh City University of Education
ABSTRACT:
This paper presents the two-stage e-learning management process and the results of surveying the current status of this process. Based on the paper’s findings, some conclusions about the e-learning management process are drawn in order to improve the quality of student learning at universities, on that basis, drawing conclusions about the issues that need to be adjusted. adjusted to improve the quality of students' E-Learning of subjects.
Keywords: e-learning management process, status survey.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 2, tháng 2 năm 2022]