Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/202, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn để phục hồi du lịch những tháng cuối năm.
Trên thực tế, du lịch là ngành đầu tiên rơi vào trạng thái “đóng băng” do dịch Covid-19 nhưng cũng là một trong những ngành phục hồi trước tiên.
Nhớ đợt kích cầu hồi tháng 5, các điểm đến, doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực tung ra sản phẩm kích cầu giảm giá tới 70%.
Giới chuyên môn nhận định, chưa bao giờ các doanh nghiệp đua nhau giảm giá và tăng “chất” như hiện nay. Người hưởng lợi từ các chương trình này chính là du khách Việt.
Tuy nhiên, khác với đợt kích cầu du lịch lần trước, bối cảnh kích cầu lần này có nhiều yếu tố không thuận lợi, như tâm lý người Việt e dè hơn khi lo ngại dịch có thể bùng phát tại các điểm đến vốn tưởng là an toàn nhất (điển hình như Đà Nẵng, Đà Lạt vừa qua). Tâm lý khách chưa thực sự ổn định, yên tâm nên chưa vội vàng tính chuyện đi du lịch.
Trong khi các đường bay quốc tế hiện mới chỉ ưu tiên cho chuyên gia, lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc thì chương trình kích cầu du lịch lần 2 chủ yếu hướng đến khách du lịch nội địa.
Mục tiêu căn bản là phải xây dựng cho được sản phẩm du lịch vừa an toàn, vừa hấp dẫn về giá và chuyến đi có thời gian phù hợp.
Các sản phẩm du lịch phải bảo đảm chất lượng và chỉ thực hiện đến hết năm; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia kích cầu để tạo lực thúc đẩy mạnh mẽ.
Hiện nay Sở Du lịch các tỉnh, thành phố đã và đang xây dựng tiêu chí an toàn, được áp dụng cho 3 nhóm liên quan gồm: (i) Điểm đến; (ii) Dịch vụ và (iii). Khách du lịch.
Khi tham gia các chuyến du lịch, khách du lịch cũng phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế với 4 tiêu chí: Khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế và giữ khoảng cách.
Bên cạnh đó, các đường bay quốc tế đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào sẽ lần lượt mở lại.
Hầu hết các hãng hàng không nước ta cũng vào cuộc cùng chương trình kích cầu lần này. Vietjet Air đã khai thác lại đường bay quốc tế, từ Seoul về Việt Nam.
Mặc dù đối tượng khai thác là các chuyên gia, những người có tay nghề cao, không phải khách du lịch nhưng Vietjet Air ý thức rằng, từ trải nghiệm ban đầu sẽ khởi động cho những chuyến bay sau. Bên cạnh đó, họ cũng có thế nảy sinh ý định đi du lịch.
Bamboo Airways cũng đã có những sản phẩm mới, những đường bay mới, đến Côn Đảo, để góp phần kích cầu các đơn vị du lịch.