Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động lập vi bằng

LÂM BÁ KHÁNH TOÀN 1 - CÁC THỊ NGỌC DIỆU 2 - LÊ TRUNG PHƯƠNG TRÂM 3 (1 - Giảng viên, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ; 2 - Kiểm sát viên Trung cấp, Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 9; 3 - Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Hoạt động lập vi bằng đã được tái lập hơn 10 năm, góp một phần quan trọng trong việc tạo lập chứng cứ và làm căn cứ cho những giao dịch khác. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định pháp luật về hoạt động lập vi bằng vẫn còn những hạn chế cần được hoàn thiện, như: quy định về đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp, giá trị chứng cứ của vi bằng chưa cụ thể, chưa có quy định chi tiết về điểm chỉ trong vi bằng. Bài viết sẽ tập trung phân tích những bất cập trong quy định về hoạt động lập vi bằng, từ đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật hiện hành.

Từ khóa: vi bằng, chứng cứ, bất cập, hoàn thiện pháp luật, bất cập, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đi kèm với các nhu cầu tạo lập chứng cứ cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên những công cụ pháp lý quen thuộc như văn bản công chứng, chứng thực không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân, đặc biệt trong việc tạo lập nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật. Trong tình hình đó, vi bằng được xem như một giải pháp thiết thực và hữu hiệu để người dân có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính hành chính. Theo quy định hiện hành, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định.[1]

Căn cứ các quy định hiện hành, vi bằng có những đặc điểm như sau:

- Vi bằng là văn bản được lập bởi Thừa phát lại;

- Vi bằng ghi nhận những sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến;

- Vi bằng được lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật;

- Vi bằng được lập theo trình tự thủ tục quy định theo pháp luật.

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về trình tự lập vi bằng. Theo đó, vi bằng được lập theo các bước sau:

- Bước 1: Cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng. Thừa phát lại sẽ xem xét nội dung yêu cầu lập vi bằng có thuộc các trường hợp không được lập vi bằng tại Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, nếu không Thừa phát lại sẽ chấp nhận yêu cầu.

- Bước 2: Ký thỏa thuận lập vi bằng. Thỏa thuận lập vi bằng gồm các nội dung: nội dung vi bằng cần lập, địa điểm, thời gian lập vi bằng, chi phí lập vi bằng, các thỏa thuận khác (nếu có).[2]

- Bước 3: Thừa phát lại tiến hành lập vi bằng theo thỏa thuận. Việc lập vi bằng phải tuân thủ theo thủ tục được quy định lại Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

- Bước 4: Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc vi bằng.

- Bước 5: Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng hoặc từ chối đăng ký vi bằng.

- Bước 6: Vi bằng hoàn thành việc đăng ký sẽ được giao cho người yêu cầu lập vi bằng số bản chính như thỏa thuận và lưu 1 bản chính tại Văn phòng Thừa phát lại nơi vi bằng được lập.

Có thể thấy, pháp luật quy định chặt chẽ về trình tự thủ tục lập vi bằng và hoạt động lập vi bằng cũng chịu sự quản lý của Nhà nước thông qua việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực pháp luật đã đạt được, vẫn còn những bất cập, hạn chế các nhà làm luật cần phải xem xét để sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với chủ trương của Nhà nước và hoạt động thực tế của Thừa phát lại.

2. Một số hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về hoạt động lập vi bằng

2.1. Một số bất cập trong quy định pháp luật về hoạt động lập vi bằng

Trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật về hoạt động lập vi bằng đã bộc lộ một số bất cập về quy định pháp luật. Cụ thể như sau:

Giá trị chứng cứ của vi bằng chưa được quy định cụ thể

Vi bằng được quy định là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật.[3] Tuy nhiên, tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, giá trị chứng cứ của vi bằng chưa được quy định một cách cụ thể. Nguồn chứng cứ được quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, giá trị chứng cứ của vi bằng có thể được hiểu theo khoản 8 Điều 94 hoặc khoản 10 Điều 94 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, vi bằng chưa được quy định một cách cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự nên chưa khẳng định được vai trò quan trọng trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Bên cạnh đó, Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về những tình tiết, sự kiện không cần chứng minh cũng không đề cập đến vi bằng một các cụ thể. Các quy định trên ảnh hưởng đến giá trị của vi bằng. Bởi lẽ, trong khi vi bằng là văn bản ghi nhận những sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, được đăng ký tại Sở Tư pháp, có giá trị là nguồn chứng cứ, trình tự thủ tục nghiêm ngặt hơn văn bản công chứng, chứng thực, nhưng vẫn không thuộc các trường hợp không cần phải chứng minh.

Thiếu quy định chi tiết về vấn đề điểm chỉ trong vi bằng

Việc điểm chỉ trong vi bằng được nhắc đến tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP như sau: “Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng”. Tuy nhiên, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và Thông tư số 05/2020/TT-BTP lại không quy định cụ thể việc điểm chỉ này được thực hiện như thế nào. Hiện nay, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các Thừa phát lại khi yêu cầu người có nhu cầu lập vi bằng điểm chỉ thì sẽ thực hiện tương tự như hoạt động công chứng.

Quy định về sửa lỗi kỹ thuật vi bằng và cấp bản sao vi bằng trong các trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tạm ngừng hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động vẫn chưa được nêu rõ.

Khoản 1 Điều 41 và khoản 1 Điều 42 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định việc sửa lỗi kỹ thuật vi bằng và cấp bản sao vi bằng được thực hiện tại Văn phòng Thừa phát lại nơi lưu giữ bản chính của vi bằng đó. Tuy nhiên, từ việc chồng chéo trong quy định về lưu trữ vi bằng dẫn đến việc khó xác định nơi lưu giữ vi bằng trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động do tự chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập vẫn chưa xác định được. Từ đó, quy định về việc sửa lỗi kỹ thuật vi bằng và cấp bản sao vi bằng trong trường hợp trên là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 29 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về việc lưu trữ hồ sơ trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tạm ngừng hoạt động như sau: “Các hồ sơ do Văn phòng Thừa phát lại tạm ngừng hoạt động thực hiện vẫn được tiếp tục lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại”. Từ quy định trên, vấn đề đặt ra chính là việc sửa lỗi kỹ thuật và cấp bản sao vi bằng trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại đang tạm ngừng hoạt động, tự chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập và hồ sơ vi bằng được lưu trữ tại Sở Tư pháp sẽ được giải quyết thế nào thì pháp luật hiện nay vẫn chưa đề cập đến.

2.2. Một số bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động lập vi bằng

Hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động lập vi bằng ở các địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý với sự tham mưu của Sở Tư pháp.[4] Trong quá trình quản lý đã phát sinh một số bất cập cụ thể như sau:

Bất cập trong vấn đề đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp

Quy định đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp hiện nay đã không còn phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, mà trong đó có quản lý nhà nước về lĩnh vực Thừa phát lại để thực hiện việc tinh giảm biên chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như phù hợp với chủ trương về cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Về bản chất, giá trị pháp lý của vi bằng nằm ở những sự kiện, hành vi được ghi nhận do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, chứng minh nó là những sự kiện, hành vi có thật trên thực tế chứ không phải do được đăng ký tại Sở Tư pháp. Mặt khác, hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại là một hoạt động mang tính chất độc lập. Cũng như hoạt động công chứng của Công chứng viên, Thừa phát lại tự chịu trách nhiệm đối với vi bằng mà mình đã lập. Nếu có vi phạm trong hoạt động lập vi bằng thì Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình.

Thêm vào đó, trong trường hợp vi bằng đã được đăng ký không đúng với quy định của pháp luật chỉ có Thừa phát lại phải tự chịu trách nhiệm, không có quy định nào đề cập đến trách nhiệm của Sở Tư pháp.

Chưa có quy định cụ thể về thanh tra hoạt động Thừa phát lại

Trong khi điểm b khoản 2 Điều 88 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra hoạt động Thừa phát lại thì tại Thông tư số 05/2020/TT-BTP chưa đề cập đến vấn đề thanh tra. Bên cạnh đó, Nghị định số 54/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp cũng không đề cập đến nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực vi bằng. Đây là một lổ hỏng rất lớn, vì một trong những nội dung để ra quyết định thanh tra chuyên ngành là căn cứ pháp lý để thanh tra.[5] Do đó, việc thiếu hướng dẫn chi tiết sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiến hành thanh tra.

Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại chưa được ban hành

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và Thông tư số 05/2020/TT-BTP nhiều lần nhắc đến vấn đề Thừa phát lại phải tuân thủ theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại. Cụ thể, điểm e khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 16, điểm d khoản 2 Điều 66 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 7, điểm a khoản 1 Điều 17 Thông tư số 05/2020/TT-BTP lần lượt nhắc đến việc Thừa phát lại phải tuân thủ theo Quy tắc nghề nghiệp Thừa phát lại. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa ban hành Quy tắc nghề nghiệp Thừa phát lại mà chỉ có bản dự thảo Thông tư Quy tắc nghề nghiệp Thừa phát lại được công bố năm 2017.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động lập vi bằng

Qua việc phân tích các quy định và thực tiễn áp dụng các quy định về hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại, nhóm tác giả có một số đề xuất cụ thể với mục tiêu hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động lập vi bằng như sau:

Thứ nhất, cần khẳng định giá trị chứng cứ của vi bằng trong các quy định có liên quan, bên cạnh việc ban hành Luật Thừa phát lại nhấn mạnh vi bằng là nguồn chứng cứ không cần xác minh trừ trường hợp có nghi ngờ về nội dung vi bằng. Các nhà làm luật nên bổ sung nguồn chứng cứ là vi bằng vào Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Thứ hai, cần bổ sung các quy định về điểm chỉ trong vi bằng cụ thể như sau: Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu lập vi bằng, người làm chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu lập vi bằng, người làm chứng sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng 2 ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp như sau: theo đề nghị của người yêu cầu lập vi bằng hoặc Thừa phát lại thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu lập vi bằng. Đối với người bị cụt 2 tay, dẫn đến không thể ký tên và điểm chỉ, thì cần có người làm chứng ký tên và điểm chỉ vào vi bằng để xác nhận ý chí của người yêu cầu lập vi bằng trước sự chứng kiến của Thừa phát lại.

Thứ ba, bổ sung quy định chi tiết về việc sửa lỗi kỹ thuật và cấp bản sao vi bằng. Cụ thể là trong 2 trường hợp, Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động do tự chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập và Văn phòng Thừa phát lại tạm ngưng hoạt động. Cụ thể, trường hợp Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động do tự chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập, quy định vẫn chưa rõ ràng, bởi nay quy định về lưu trữ vi bằng trong trường hợp này vẫn còn chồng chéo. Từ đó dẫn đến việc không thể xác định cụ thể chủ thể sửa lỗi kỹ thuật và cấp bản sao vi bằng là Sở Tư pháp hay Văn phòng Thừa phát lại. Do đó, việc làm rõ nơi lưu trữ vi bằng cũng như trách nhiệm giải quyết cần phải được quy định cụ thể.

Trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tạm ngừng hoạt động, pháp luật nên quy định việc lưu trữ vi bằng nên được chuyển giao cho một Văn phòng Thừa phát lại khác để việc sửa lỗi kỹ thuật và cấp bản sao vi bằng có thể thực hiện được và không bị gián đoạn trong khoảng thời gian Văn phòng tạm ngừng hoạt động. Mặt khác, nếu trên địa bàn tỉnh, thành phố chỉ có 1 Văn phòng Thừa phát lại, việc sửa lỗi kỹ thuật và cấp bản sao vi bằng trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tạm ngừng hoạt động nên được thực hiện bởi Sở Tư pháp nơi lưu trữ vi bằng.

Thứ tư, quy định đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp cần được sửa đổi thành một quy định mở, giao việc quy định đăng ký vi bằng cho từng địa phương quyết định. Cụ thể đối với những Văn phòng Thừa phát lại được thành lập lâu năm, chưa từng vi phạm quy định về hoạt động lập vi bằng, hoặc có sai sót nhưng không đáng kể và đã được khắc phục, thì việc đăng ký vi bằng chỉ mang tính chất hậu kiểm, theo quý hoặc theo năm tùy theo quy định của Sở Tư pháp ở địa phương. Thừa phát lại đăng ký vi bằng theo danh sách sự việc, không nộp cả vi bằng, Sở Tư pháp không cần chuẩn bị kho lưu trữ vi bằng.

Đối với những Văn phòng Thừa phát lại mới được thành lập, hoặc thành lập trong thời gian ngắn, có vi phạm quy định về lập vi bằng, tùy theo mức độ vi phạm, Sở Tư pháp giữ quy định đăng ký vi bằng để vào sổ và phê duyệt nội dung trước khi giao cho người yêu cầu lập vi bằng.

Quy định mở về đăng ký vi bằng sẽ giúp cho Thừa phát lại ở từng địa phương linh hoạt hơn đối với công tác lập vi bằng và góp phần giảm tải công việc cho cán bộ, công chức ở Sở Tư pháp. Khi chế định Thừa phát lại ở Việt Nam ổn định, đảm bảo tất cả các tỉnh, thành phố đều có Văn phòng Thừa phát lại và các Thừa phát lại có đầy đủ kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn, thì khi đó quy định đăng ký vi bằng nên được xem xét bãi bỏ để Thừa phát lại được hoạt động độc lập theo chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp của Nhà nước.

Thứ năm, cần bổ sung quy định về hướng dẫn thanh tra hoạt động Thừa phát lại. Căn cứ theo những quy định về hoạt động Thừa phát lại, cần bổ sung theo nội dung hướng dẫn thanh tra lĩnh vực Thừa phát lại trong hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp với các nội dung cụ thể như: Nhiệm vụ, quyền hạn; Nguyên tắc thanh tra; Nội dung thanh tra; Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra; Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra.

Thứ sáu, sớm ban hành Bộ quy tắc nghề nghiệp Thừa phát lại. Việc ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại là một việc vô cùng cần thiết. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và Thông tư số 05/2020/TT-BTP nhấn mạnh nhiều lần Thừa phát lại phải tuân thủ theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại đủ để nhận thấy tầm quan trọng của Bộ quy tắc nghề nghiệp. Bên cạnh các quy tắc chung, Bộ quy tắc nghề nghiệp nên quy định các nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa Thừa phát lại và các chủ thể khác như khách hàng, các cơ quan nhà nước, Văn phòng Thừa phát lại, các Thừa phát lại khác, tổ chức xã hội - nghề nghiệp Thừa phát lại,…

Mặt khác, cụm từ “Quy tắc nghề nghiệp Thừa phát lại” nên được chỉnh sửa thành “Quy tắc đạo đức hành nghề Thừa phát lại” như Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, sẽ có thể nhấn mạnh được bộ quy tắc này ban hành với mục đích là đặt ra chuẩn mực đạo đức trong quá trình hành nghề của Thừa phát lại.

4. Kết luận

Thông qua hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại, bên cạnh việc ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức thì Tòa án có được nguồn chứng chứ đáng tin cậy, giúp việc giải quyết các vụ việc dân sự và hành chính thuận tiện, rõ ràng, nhanh chóng hơn, giảm bớt gánh nặng và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Tuy nhiên, vi bằng vẫn là một chế định mới, cần được nghiên cứu trong thời gian tới để xác định những hạn chế, bất cập trong quy định cũng như quá trình áp dụng trên thực tiễn. Từ đó, các kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật về hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại có thể xem là nguồn tham khảo của các nhà làm luật tiến tới việc xây dựng dựng thảo và ban hành Luật Thừa phát lại trong tương lai.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1,2 Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/02/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

3,4,5 Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/02/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010). Luật Thanh tra năm 2010.
  2. Chính phủ (2014). Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/05/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp.
  3. Chính phủ (2020). Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/02/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
  4. Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp (2018). Vi bằng - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Đặc san Thông tin khoa học pháp lý, 6, 51.
  5. Bình An (2021). Thành lập Hội Thừa phát lại Hà Nội. Báo Pháp luật. Truy cập tại: https://baophapluat.vn/thanh-lap-hoi-thua-phat-lai-ha-noi-post387032.html.

 

RECOMMENDATIONS TO IMPROVE LEGAL PROVISIONS

OF BAILIFF IN VIETNAM

LAM BA KHANH TOAN1

 CAC THI NGOC DIEU2

 LE TRUNG PHUONG TRAM3

1 Lecturer, Faculty of Law, Can Tho University.

2 Intermediate-level Procurator, 

Military Procuracy of the 9th Military Region

3 Faculty of Law, Can Tho University

ABSTRACT:

In Vietnam, bailiff has been reestablished for more than 10 years, and it has importantly contributed to the creation of proof and fundamentals for transactions. However, current legal provisions of bailiff have revealed some inadequcies, such as the provision of registering bailiff at the Department of Justice, and unclear provisions of the legal value of bailiff. This paper analyzes the inadequcies of legal provisions of bailiff, and makes some recommendations to improve these povisions.

Keywords: bailiff, proof, inadequacy, legal improvement, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]