Tóm tắt:
Việc chuyển đổi sang sử dụng các loại năng lượng tái tạo (NLTT) thân thiện và bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu. Để thúc đẩy các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sử dụng NLTT, việc ban hành các quy định pháp luật để tạo khung pháp lý cũng như có chế độ ưu đãi nhằm khuyến khích việc đầu tư sản xuất và sử dụng NLTT là một yêu cầu khách quan. Bài viết phân tích các quy định ưu đãi về thuế đối với dự án sản xuất NLTT và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện.
Từ khoá: Dự án, năng lượng tái tạo, thuế, ưu đãi.
1. Đặt vấn đề
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các ngành công nghiệp, cùng với quá trình tăng dân số, đô thị hóa thì nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng khiến nguồn năng lượng thiên nhiên dần cạn. Trên thế giới, nhu cầu năng lượng sẽ tăng 1,3% mỗi năm đến năm 2040. Ở Việt Nam, riêng về điện năng nhu cầu sẽ tăng lên 7-8 lần trong vòng 20 năm (từ 100 tỷ Kwh năm 2010 đến 695 -834 tỷ Kwh vào năm 2030). Chính vì vậy, việc tập trung chỉ đạo, đầu tư cho phát triển năng lượng, đặc biệt là NLTT luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 để phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Một số văn bản trên cho thấy được vai trò và vị trí quan trọng của NLTT với các chỉ tiêu, lộ trình phát triển cụ thể.
Việt Nam nguồn NLTT (gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt) phong phú, trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước như than, dầu khí ngày càng cạn kiệt. Việc tăng cường phát triển các nguồn NLTT có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính, vừa đảm bảo an ninh năng lượng. Để khuyến khích phát triển NLTT, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án sản xuất NLTT. Nếu doanh nghiệp có thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực sản xuất NLTT, năng lượng sạch sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Chế độ ưu đãi đối với dự án sản xuất NLTT
2.1. Ưu đãi về thuế suất
Đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực sản xuất NLTT sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm thay vì hưởng mức thuế suất là 20% như hiện nay. Thời gian áp dụng được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, thời gian trên có thể được kéo dài nếu dự án đầu tư sản xuất NLTT có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới, cần đặc biệt thu hút đầu tư. Nếu thỏa mãn các điều kiện trên, dự án sản xuất NLTT sẽ được kéo dài thời gian hưởng thuế suất ưu đãi, tuy nhiên thời gian kéo dài thêm không quá 15 năm. Căn cứ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định.
Như vậy chỉ cần doanh nghiệp có phát sinh doanh thu là doanh nghiệp sẽ bắt đầu tính thời gian hưởng ưu đãi thuế theo hình thức này, không xem xét đến việc doanh nghiệp đó có lợi nhuận hay không. Quy định này mặc dù là khuyến khích các doanh nghiệp, tuy nhiên các dự án sản xuất NLTT mất rất nhiều thời gian để hoàn thành, hơn nữa thời gian thu hồi vốn khá lâu. Nếu chỉ căn cứ vào doanh thu, đôi khi doanh nghiệp có phát sinh doanh thu nhưng chưa phát sinh lợi nhuận đã hết thời hạn ưu đãi. Khi xác định thu nhập tính thuế âm, quy định thuế suất ưu đãi cũng không có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp, cũng không tạo được sự thu hút với các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.
2.2. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế
Bên cạnh ưu đãi về thuế suất, thu nhập từ dự án sản xuất NLTT, năng lượng sạch còn được ưu đãi theo hình thức miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế.
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – chi phí + các khoản thu nhập khác |
Đối với hình thức ưu đãi này, thời gian bắt đầu tính khi doanh nghiệp có phát sinh thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới, thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.
Nếu xác định thời gian theo quy định này cũng không đảm bảo ưu đãi cho các doanh nghiệp vì dựa vào thu nhập chịu thuế. Nếu doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu, thời gian này lại bắt đầu tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu. Quy định này có thể dẫn đến trường hợp doanh nghiệp chưa phát sinh thu nhập chịu thuế đã hết thời gian hưởng ưu đãi thuế. Cũng giống như trường hợp hưởng thuế suất ưu đãi sẽ dẫn tới trường hợp doanh nghiệp có doanh thu nhưng không có lợi nhuận, đến khi phát sinh lợi nhuận doanh nghiệp đã hết thời hạn ưu đãi.
2.3. Chuyển lỗ
Trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng hoạt động có hiệu quả. Sẽ có những giai đoạn doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Khi phát sinh lỗ, doanh nghiệp không phải nộp thuế, phần lỗ sẽ được chuyển sang cho những năm tiếp theo và được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: “Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm (-) về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang được xác định theo công thức”:
Thu nhập tính thuế = thu nhập chịu thuế - các khoản thu nhập miễn thuế
Nếu doanh nghiệp phát sinh thu nhập tính thuế < 0 => doanh nghiệp bị lỗ.
Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Trong quá trình hoạt động sản xuất NLTT, doanh nghiệp có phát sinh thêm các khoản lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) sau khi đã thực hiện bù trừ với thu nhập chịu thuế của hoạt động này hoặc bù lỗ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ. Nếu còn lỗ và doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản được chuyển lỗ sang năm sau vào thu nhập tính thuế của hoạt động đó, thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Cũng như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp có lỗ từ dự án sản xuất NLTT cũng được chuyển lỗ và thời gian chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Quy định nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, với thời gian chuyển lỗ 5 năm hiện nay cho các dự án sản xuất NLTT là quá ngắn do các dự án này cần nguồn vốn đầu tư cao, các sản phẩm đầu ra cũng không bán như sản phẩm thông thường và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, đối với dự án sản xuất NLTT, muốn khuyến khích cần xem xét kéo dài thời gian chuyển lỗ ra.
3. Những nội dung cần hoàn thiện trong quy định pháp luật liên quan đến dự án NLTT
Một là, cần thống nhất khái niệm NLTT để xác định đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi.
Hiện nay khái niệm NLTT quy định ở các văn bản khác nhau chưa thống nhất gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi xác định ưu đãi. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chỉ xác định: “NLTT là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác”. Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010 xác định: “Tài nguyên NLTT gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo”.
Theo quy định trên Luật Bảo vệ môi trường và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả liệt kê các nguồn NLTT nhưng liệt kê không đồng nhất với nhau. Nếu Luật Bảo vệ môi trường liệt kê nguồn năng lượng được khai thác sóng biển thì Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không liệt kê nguồn năng lượng này. Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 2 điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, sản xuất NLTT, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải” thì xác định đối tượng ưu đãi là thu nhập từ các dự án sản xuất NLTT, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải.
Theo Phụ lục 1 Nghị định 118/2015NĐ- CP Nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi cũng xác định: “Sản xuất NLTT, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải”. Trong khi đó sản xuất năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải cũng là một dạng NLTT. Bên cạnh đó NLTT cũng được xem là năng lượng sạch và trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và Luật Bảo vệ môi trường chỉ xác định NLTT.
Những nội dung trên cho thấy chưa có sự thống nhất giữa các quy định trong việc xác định NLTT giữa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010. Chính vì vậy, trước hết cần thống nhất khái niệm NLTT ở các văn bản.
Bên cạnh đó, cần giải thích xác định lại nguồn NLTT. Từ đó xác định rõ hơn các dự án liên quan đến NLTT trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đảm bảo sự thống nhất với Luật Bảo vệ môi trường và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Khi đảm bảo sự thống nhất, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định dự án có thuộc đối tượng ưu đãi hay không và các cơ quan có thẩm quyền cũng thuận tiện khi xem xét các đối tượng này.
Hai là, về thời gian hưởng ưu đãi về thuế và thời gian chuyển lỗ
Theo quy định Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: “Thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế; Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu”. Với quy định này, nhiều trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng sẽ không được hưởng ưu đãi. Bởi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế không đồng nghĩa với có thu nhập tính thuế, việc miễn thuế không có ý nghĩa với các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, giá đầu ra của các dự án này lại phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Với ưu đãi thời gian như vậy có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp chưa được ưu đãi đã hết thời hạn ưu đãi. Về thời gian chuyển lỗ quy định: “tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ” mục tiêu quy định giúp giảm bớt khó khăn chia sẻ ghánh nặng đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên đối với các dự án này thì thời gian chuyển lổ 5 năm cũng chưa phát huy được vai trò của chuyển lỗ. Vì vậy cần xác định lại thời gian ưu đãi và thời gian chuyển lỗ đối với lĩnh vực này, kéo dài thời gian ưu đãi và chuyển lỗ để tạo điều kiện hỗ trợ hơn cho các doanh nghiệp. Việc kéo dài này sẽ được áp dụng cho các trường hợp cụ thể và có thể căn cứ các điều kiện như quy mô dự án, sản lượng, tình hình hoạt động của các dự án.
Ba là, là việc bổ sung ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa sử dụng trong dự án sản xuất NLTT. Theo quy định tại Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng về đối tượng không chịu thuế “Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; tàu bay, giàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại”.
Như vậy, các hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án sản xuất NLTT thì vẫn thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng quy định đối tượng hưởng thuế suất 5% sẽ không có đối tượng nào trong lĩnh vực NLTT được hưởng mức thuế suất này. Vì vậy, cần bổ sung vào thuế giá trị gia tăng quy định ưu đãi đối với các hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án sản xuất NLTT.
Bốn là, vấn đề về xác định giá mua NLTT.
Bên cạnh xem xét hoàn thiện vấn đề về ưu đãi thuế, một vấn đề các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đó là lợi nhuận. Doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất NLTT mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận. Vấn đề lớn nhất hiện nay là tại sao các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà đối với các dự án sản xuất NLTT. Đó chính là giá mua điện tự các dự án này chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Dù có ưu đãi thuế cũng không phát huy được vai trò thu hút khuyến khích nếu giá mua điện không mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Chẳng hạn đối với dự án điện gió hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện đối với các dự án điện gió trên bờ là: Đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD).
Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
Mặc dù giá mua hiện đã có điều chỉnh tăng lên nhưng với mức giá điện gió trên biển như hiện nay vẫn khiến nhiều nhà đầu tư lưỡng lự, bởi với giá mua điện này, thời gian hoàn vốn một dự án điện gió khá dài. Do đó, để thu hút nhà cần có chính sách xác định giá mua điện từ các dự án sản xuất NLTT hợp lý đảm bảo sự an tâm cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này. Khi xác định giá mua hợp lý các doanh nghiệp đảm bảo được hiệu quả hoạt động của dự án thì khi kết hợp cùng với các chính sách ưu đãi thuế thì sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Tóm lại, mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn NLTT phân bổ rộng khắp trên toàn quốc nhưng tình hình tiêu thụ và sử dụng NLTT ở Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Do đó, để phát triển lĩnh vực này cần kết hợp đồng bộ các giải pháp trên và xác định giá mua hợp lý, hoàn thiện các quy định về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực này sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực này ngày càng phát triển.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013). Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các NĐ về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.
- Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam.
- Trần Quang Minh (2015), Phát triển năng lượng sạch ở Nhật Bản những kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.
- Bộ Công Thương (2011), Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), Hà Nội.
- IEA (2019), World Energy Outlook 2019. https://www.iea.org/reports/world-energy-outlook-2019#
- Năng lượng Việt Nam, Rác thải nguồn năng lượng tái tạo quan trọng, http://nangluongvietnam.vn/news/vn/khoa-hoc/rac-thai-nguon-nang-luong-tai-tao-quan-trong.html [ truy cập ngày 7/3/2020].
RECOMMENDATIONS FOR PERFECTING REGULATIONS ON TAX INCENTIVES FOR RENEWABLE ENERGY PROJECTS
Ph.D Le Thi Nguyet Chau
Master. Nguy Ngoc Anh
Master. Chan Vang Phu
Master. Pham Tuan Kiet
Faculty of Law, Can Tho University
ABSTRACT:
The shift to renewable energy to protect the environment is an indispensable trend. In order to encourage enterprises and investors to use and produce renewable energy, the Government of Vietnam should make regulations for a legal framework as well as introduce investment incentives for renewable energy projects. This paper analyzes regulations on tax incentives for renewable energy projects and proposes recommendations to perfect these regulations.
Keywords: Project, renewable energy, taxation, investment incentives.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2020]