TÓM TẮT:
Do xung đột quân sự tại miền Đông Ukraine nên ngày 16/7/2014 Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên kinh tế Nga và hai tuần sau đó, Liên minh châu Âu (EU) ra động thái tương tự. Bởi vậy, nhiều nhận định cho rằng, ngày này đối với kinh tế Nga được xem tương tự như ngày sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) trong khủng hoảng tài chính 2008. Sau 6 tháng kể từ ngày Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, một lượng vốn lớn đã tháo chạy và Nga không nhận được bất kỳ nguồn vốn lớn nào từ quốc tế do sự suy giảm niềm tin vào nền kinh tế Nga khiến nhà đầu tư bán tháo tài sản ở Nga của họ, gây ra sự suy giảm giá trị của đồng Ruble. Bên cạnh đó, giá dầu thô đã giảm từ 100 USD mỗi thùng vào tháng 6/2014 xuống mức 60 USD một thùng vào tháng 12/2014, giáng những đòn rất mạnh vào ngân sách, quỹ dự trữ ngoại tệ và toàn bộ hệ thống tài chính của Nga. Trước bối cảnh đó, Chính phủ cùng Ngân hàng Trung ương Nga đã thực hiện một loạt những thay đổi trong chính sách tiền tệ nhằm bảo vệ đồng Ruble, ngăn ngừa sự lây lan của khủng hoảng kinh tế tới toàn bộ nên kinh tế cũng như hậu quả của nó.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các biện pháp bảo vệ đồng Ruble không có nhiều, hoặc không dễ thực thi, hoặc không phát huy tác dụng ngay trong ngắn hạn. Và cho đến thời điểm này, chưa có những phân tích đánh giá mang tính toàn diện về những chính sách mà Chính phủ Nga đã thực hiện bởi mỗi một thay đổi trong chính sách vĩ mô cần được xem xét trong dài hạn. Tuy nhiên, đến nay rất nhiều người trong chúng ta có thể nhận thấy tác dụng của những biện pháp mà Nga đã làm cũng như ảnh hưởng của chúng trong dài hạn. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ tập trung vào việc hệ thống lại những vũ khí của chính sách tiền tệ đã giúp Nga bình ổn dần đồng Ruble và bảo vệ nền kinh tế trước đáy khủng hoảng. Đó có thể là những bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trong việc điều hành vĩ mô.
Từ khóa: Chính sách tiền tệ, kiềm chế khủng hoảng, đồng Ruble, Liên bang Nga tăng trưởng kinh tế, lạm phát dự kiến, thị trường ngoại hối.
1. Giới thiệu chung
Thực tế quản lý kinh tế vĩ mô nhằm mục đích phòng chống khủng hoảng những năm gần đây tại Liên Bang Nga đã mang lại những bài học rất lý thú về vai trò và chức năng của Ngân hàng Trung ương (NHTW) trong việc thực hiện những nhiệm vụ quản lý ngắn hạn với mục tiêu ổn định phát triển kinh tế vĩ mô lâu dài. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra những đánh giá khách quan về mức độ hiệu quả của những biện pháp mà NHTW đã đưa ra vào những thời điểm then chốt trong cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2014 và song song với đó là phân tích lý do và mục đích của những thay đổi chính sách tiền tệ nói chung do NHTW Liên bang Nga (CBR) đưa vào thực hiện trong giai đoạn 2011-2014 với định hướng cho tương lai lâu dài.
Thay đổi đáng kể nhất về chính sách ổn định thị trường tiền tệ Liên bang Nga từ năm 2011 cho đến nay là việc CBR gần như hoàn toàn thả nổi đồng Ruble. Thay vào đó, CBR sử dụng nhiều hơn công cụ lãi suất để cân đối thị trường tiền tệ nhằm thực hiện 3 sứ mệnh quan trọng nhất của mình, đó là:
+ Khống chế lạm phát thị trường tiêu dùng
+ Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính
+ Đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính - ngân hàng quốc gia trong bối cảnh chảy máu dòng vốn.
Như vậy chúng ta có thể nhận thấy rằng, bằng việc định hướng thả nổi đồng Ruble kể từ năm 2011, CBR đã công nhận một thực tế là công cụ can thiệp ngoại hối sẽ chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp kinh tế Nga gặp phải sốc tài chính chớp nhoáng có nguyên nhân do tác động xấu từ bên ngoài. Vì đặc điểm của công cụ này là chỉ có thể có hiệu lực trong một thời gian ngắn và lại có tác dụng phụ là tiếp tục gây kích thích chảy máu dòng vốn, đồng thời làm cạn kiệt nhanh chóng các quỹ dự trữ nhà nước nên không được xem xét là công cụ chính trong các vấn đề xử lý khủng hoảng. Nói một cách khác, trong trường hợp khủng hoảng tài chính kéo dài, CBR sẽ “hy sinh” bài toán khống chế tỷ giá để đổi lấy khống chế lạm phát, vì dự kiến lạm phát ổn định được cho là có tầm quan trọng lớn hơn nhiều đối với các thị trường vĩ mô như: Thị trường hàng tiêu dùng, thị trường lao động, thị trường vốn. Hơn thế nữa, vấn đề dự kiến lạm phát ổn định là vấn đề sống còn với một chế độ chính trị do ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng của siêu lạm phát đối thị trường hàng tiêu dùng và với khả năng cân bằng các chính sách xã hội của nhà nước.
Tuy vậy, việc sử dụng công cụ lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm khống chế lạm phát cũng có một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có khả năng kéo dài suy thoái kinh tế, khiến cho hàng loạt các doanh nghiệp đi vào trạng thái khó khăn trong chi trả, làm tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng tăng cao gây rủi ro lớn cho an toàn tài chính quốc gia. Thứ hai, đến 1/3 tổng số vốn huy động của khối NHTM Nga hiện nay là huy động bằng vay nợ ngoại hối, do vậy khi tỷ giá đồng Ruble lao dốc mạnh, CBR sẽ phải kịp thời đưa ra chính sách cấp lại vốn giúp đỡ một loạt các NHTM lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, hoặc bắt đầu nới lỏng tiền tệ và để cho lạm phát gia tăng đến một mức độ nhất định.
Tiêu chí thành công ngắn hạn cho chính sách tiền tệ của CBR trong giai đoạn kể từ đầu năm 2014 đến nay là: Kiềm chế lạm phát dao động trong một hành lang nhất định, song song với đó có các biện pháp tháo gỡ tài chính cho một số ngân hàng đầu ngành khó khăn trong chi trả, tăng cường kiểm soát các đối tượng ngân hàng có dấu hiệu mất khả năng chi trả với mục đích hạn chế nợ xấu, nợ khó đòi. Khi ổn định được lạm phát và cân bằng lại được thị trường ngân hàng, CBR sẽ chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ bớt lãi suất để dần dần đưa hệ thống ngân hàng và thị trường tín dụng quay lại trạng thái ổn định. Bên cạnh đó, khống chế tỷ giá trong một hành lang ổn định cũng là một mục đích nằm trong bài toán của CBR. Tuy vậy, do tiêu chí này phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố tác động từ phía ngoài (giá dầu mỏ, chế độ cấm vận), CBR sẽ chỉ hạn chế mức độ can thiệp vào thị trường ngoại hối đủ để chế ngự hiện tượng đầu cơ lũng đoạn.
Trên nền tảng một tầm nhìn chiến lược dài hạn như vậy, việc CBR quyết định tăng lãi suất cơ bản đột ngột từ 10,5% đến 17% vào 16/12/2014 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đồng Ruble lên đến đỉnh điểm, âu cũng là một điều dễ hiểu. Đây có thể nói là một bước đi kịp thời và có tầm nhìn xa trông rộng khi ngay từ đầu chính sách của CBR đã nhằm trước hết vào đối tượng đầu cơ ngoại hối, giáng một đòn mạnh nhằm chế ngự hoảng loạn trên thị trường ngoại hối bằng cách tăng lãi suất cơ bản đến mức cao nhất có thể trong vòng 1 ngày (3 ngày sau khi lãi suất cơ bản tăng đột ngột đồng Ruble tăng từ gần 80 Ruble/1USD xuống còn 62 - 65 Ruble /1USD và ổn định dần ở mức này), với ý đồ ngay sau khi đạt được mục đích chế ngự hoảng loạn sẽ đưa lãi suất cơ bản về giá trị tối ưu (2/2/2015 - 15%, 5/5/2015 - 12,5%, 16/6 - 11,5%). Đến thời điểm ngày 18/3/2016 là 11% với dự đoán sẽ tiếp tục giảm.
Như vậy có thể nói rằng, CBR trong vòng 2 năm sau một loạt các biện pháp tỉnh táo đã giải quyết khá thành công bài toán ổn định hóa thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ trong phạm vi quyền năng cho phép của một NHTW. Đặc biệt trong suốt năm 2015, CBR đã gần như hoàn toàn chấm dứt can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối và cùng với Bộ Tài chính chuyển sang chiến thuật giúp đỡ tái vốn hóa cho các ngân hàng đầu ngành đang gặp khó khăn trong huy động vốn bằng ngoại hối hoặc bằng nội tệ do cấm vận tài chính từ phương Tây cũng như là do tỷ lệ nợ xấu từ khối doanh nghiệp và vay nợ tiêu dùng có xu hướng gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng. Theo đó, việc tái vốn cho hệ thống NHTM được thực hiện bằng Quỹ Dự trữ ngoại tệ của CBR hoặc qua phát hành Trái phiếu vay nợ Liên bang (OFZ) do Bộ Tài Chính chịu trách nhiệm và CBR là đơn vị bảo lãnh chi trả nợ tối cao. Kết quả là trong năm 2015, các NHTM chủ chốt của LB Nga đạt đủ tiêu chí cho vay của Quỹ bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm đã bắt đầu được giải ngân 1000 tỷ Ruble (trên tổng số 2000 tỷ Ruble được Bộ Tài chính huy động qua phát hành trái phiếu OFZ) cho mục đích tái vốn hóa do Bộ Tài chính chuyển giao cho Quỹ này dưới dạng OFZ - inf. Ngoài mục đích ổn định hóa nguồn vốn, ngân hàng huy động vốn vay nội địa bằng công cụ OFZ cũng có tác dụng kìm hãm lạm phát và ổn định tỷ giá. Trong bối cảnh khủng hoảng và lạm phát gia tăng từ năm 2014 trở lại đây, các nhà đầu tư trong nước rất cần một công cụ đầu tư để bảo vệ nguồn vốn khỏi cơn sóng lạm phát. Để đáp ứng nhu cầu đó và đáp ứng nhu cầu cần huy động vốn để tái vốn cho hệ thống ngân hàng, Bộ Tài chính Nga kết hợp với CBR đã đưa ra giới thiệu một sản phẩm mới là trái phiếu OFZ - inf có mệnh giá bằng Ruble tự động điều chỉnh dựa trên tỷ lệ lạm phát. Kể từ lần đầu tiên ra mắt, OFZ - inf đã khẳng định vị thế là một sản phẩm đặc biệt được giới đầu tư trong nước ưa chuộng. Sự ra mắt thành công của công cụ này vào năm 2015 giúp huy động 1000 tỷ Ruble từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng đã đóng một phần quan trọng vào ổn định hóa kinh tế vĩ mô LB Nga nói chung, dần dần đưa nền kinh tế đến giai đoạn hồi phục.
Tóm lại, cho đến cuối năm 2015, trong bối cảnh tiếp tục bị cấm vận và giá dầu URALS (mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Nga) vẫn tiếp tục giao động ở mức thấp kỷ lục (36,2 USD/1 thùng - tháng 12/2015) nền kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính ngân hàng của Nga vẫn được giữ vững, lạm phát nằm trong hành lang dự định và tăng trưởng GDP bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Điều thú vị ở đây là: bài học quản lý này hoàn toàn có thể áp dụng cho cả những nước hoàn toàn không có thế mạnh về xuất khẩu năng lượng do giới lãnh đạo Nga trong năm 2015 gần như hoàn toàn không sử dụng đến nguồn Quỹ dự Trữ ngoại tệ dồi dào (tháng 1/2015 - 385,46 tỷ USD, tháng 3/2016 - 380,54 tỷ USD) của họ vốn được hình thành từ thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ trong các năm hưng thịnh trước đó của ngành này.
Nói một cách vắn tắt, sau một năm trôi qua (2014), khi CBR và Chính phủ Nga giác ngộ được rằng đây là một cuộc khủng hoảng kép (cấm vận và sốc giá dầu mỏ) và khủng hoảng mang tính chất dài hạn, họ đã kịp thời thay đổi chiến lược phòng chống khủng hoảng với công thức như sau:
1- Đặt mục tiêu khống chế lạm phát lên hàng đầu, do đó:
2- Thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất then chốt và thả nổi đồng Ruble.
3- Chỉ can thiệp vào thị trường ngoại hối với mục đích chống đầu cơ vào những thời điểm nhạy cảm nhằm bảo toàn Quỹ Dự trữ ngoại tệ.
4- Trực tiếp hỗ trợ tái vốn hóa cho các ngân hàng hàng đầu qua nguồn vốn huy động từ phát hành Trái phiếu vay nợ Liên bang (OFZ).
Việc thả nổi đồng Ruble cũng có một số những mặt lợi và hại nhất định và đôi khi là cái lợi trong cái hại. Thứ nhất, đồng Ruble được thả nổi là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn dòng vốn bị rút ra khi giá dầu mỏ vẫn có khả năng tiếp tục giảm nhanh. Thứ hai, đồng Ruble mất giá giúp cho việc bảo toàn được sản xuất công - nông nghiệp: Một mặt, các mặt hàng xuất khẩu của Nga trong tương lai ngắn hạn sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn về giá trên thị trường quốc tế, mặt khác, các sản phẩm tiêu dùng có truyền thống là nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào Nga sẽ trở nên đắt đỏ sẽ tạo ra ưu thế cạnh tranh hơn cho các nhà sản xuất các mặt hàng tương tự trong nước, tuy vậy đây cũng chỉ có thể coi là ưu thế ngắn hạn.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất then chốt ngoài ý nghĩa chống lạm phát, cũng qua đó có ý nghĩa kiềm chế sự lao dốc của đồng Ruble. Một khi dự kiến lạm phát tăng cao trong điều kiện một cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết thì khả năng nảy sinh tâm lý hoảng loạn, bán tháo đồng Ruble hoặc đầu cơ vụ lợi tăng mạnh khiến đồng Ruble đi ra khỏi tầm kiểm soát của CBR là rất lớn. Do vậy, thành công trong khống chế lạm phát cũng gần như đi đôi với thành công trong ổn định hóa tỷ giá, vấn đề còn lại đối với tỷ giá chỉ là do bị tác động bởi những yếu tố bất khả kháng bên ngoài (giá dầu mỏ, cấm vận v.v.).
2. Điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh khủng hoảng: Thích nghi hay trì hoãn?
Để có cái nhìn khách quan hơn về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế đi vào khủng hoảng của Chính phủ Nga nói chung và CBR nói riêng ta có thể so sánh tương phản các bước đi của Nga với chính sách trong giai đoạn này của Kazakhstan - một quốc gia nằm trong nhóm các nước xuất khẩu tài nguyên có cơ cấu kinh tế khá tương đồng với Liên bang Nga. Tóm gọn về chính sách của Nga, ta có thể gọi chính sách này là chính sách thích nghi với khủng hoảng với 2 lý do: Thứ nhất, Nga đã có chính sách thả nổi đồng Ruble từ năm 2011 và kèm theo đó là một chính sách tiền tệ ưu tiên kiểm soát lạm phát; Thứ hai, khi khủng hoảng bắt đầu đi vào giai đoạn nóng bỏng, Nga không tìm biện pháp khống chế tỷ giá mà chỉ can thiệp vào thị trường ngoại hối với mục đích hạn chế xu hướng đầu cơ ngoại hối gây áp lực lên đồng Ruble.
Trong khi đó, phương án xử lý được Chính phủ và NHTW Kazakhstan (NBK) lựa chọn lại hoàn toàn khác. Chính phủ và NBK trong suốt năm 2014 đến tháng 9/2015 tập trung khống chế cố định tỷ giá đồng Tenge và phá giá đột ngột cuối tháng 8/2015. Chỉ trong vòng 1 tuần từ 187 Tenge/1USD đồng Tenge đã lao dốc xuống đến 237 Tenge/USD và vào ngày giao dịch đầu năm 2016 đã là 365 Tenge/ 1 USD. Phương án này tạm gọi là phương án trì hoãn với lựa chọn phá giá đồng nội tệ đột ngột khi cần thiết.
Phương án phá giá nội tệ đột ngột có thể nói là một phương án ít được giới chuyên gia ủng hộ do hậu quả của nó khó kiểm soát hơn rất nhiều so với phá giá từng bước có điều chỉnh do các chủ thể kinh tế không có đủ thời gian và thông tin để thích nghi với một môi trường kinh tế xấu đi một cách đột ngột.
Thứ nhất, sốc mạnh về khả năng chi trả cho cả nền kinh tế
Trong trường hợp phá giá đồng nội tệ đột ngột những chủ thể kinh tế vay nợ bằng ngoại tệ sẽ đồng loạt bị một cú sốc rất lớn về khả năng chi trả và không thể có phương án tháo gỡ kịp thời, điều này sẽ dẫn đến một làn sóng phá sản và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới GDP, nguy hiểm hơn nữa là những ảnh hưởng liên đới tới hệ thống ngân hàng, đặt hệ thống ngân hàng cùng một lúc vào 2 mối nguy hiểm: Nợ xấu tăng đột ngột dẫn đến thiếu vốn và lượng thâm hụt vốn đó khó có thể bù đắp do ngân hàng đột ngột mất khả năng huy động vốn bằng ngoại tệ từ thị trường quốc tế, cũng như mất phương hướng trong chính sách huy động và cho vay bằng nội tệ trong bối cảnh lãi suất huy động càng ngày càng tăng.
Thứ hai, siêu lạm phát đột ngột và đình trệ tăng trưởng kinh tế
Doanh nghiệp và người tiêu dùng mất khả năng chi trả khiến thị trường tín dụng lập tức bị đóng băng vì khủng hoảng nợ xấu, sản xuất hàng tiêu dùng đình trệ do nhà máy xí nghiệp mất nguồn vốn tín dụng sẽ làm cho nhập khẩu vốn đã là nguồn cung cấp hàng tiêu dùng chính cho kinh tế Kazakhstan không những không giảm mà còn tăng. Nhập khẩu tăng trong bối cảnh đồng nội tệ trượt dốc sẽ làm cho giá cả tiêu dùng tăng mạnh do siêu lạm phát. Trong tình thế này, NHTW sẽ không còn cách nào khác là buộc phải đột ngột tăng lãi suất cơ bản đuổi theo lạm phát sẽ càng làm cho thị trường tín dụng đóng băng nếu không muốn nói là hoàn toàn tê liệt, tiếp đó kinh tế ngừng tăng trưởng.
Chúng ta có thể thấy rằng, trước một cuộc khủng hoảng kéo dài, cách xử lý của NBK so với cách xử lý của CBR hoàn toàn khác nhau về cơ bản. CBR ngay từ đầu năm 2014 đã chủ động lựa chọn phương án thả nổi đồng Ruble có kế hoạch tùy thuộc vào diễn biến giá dầu xuất khẩu, tiến hành nâng lãi suất cơ bản song song với can thiệp ngoại hối, đảm bảo thông tin liên tiếp và thời gian cho các chủ thể kinh tế kịp thời thích nghi với điều kiện khủng hoảng. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi những cú sốc trên thị trường ngoại hối nặng về tâm lý đầu cơ như tháng 12/2014, đã khiến CBR đã phải tạm thời nâng cao đột ngột lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17% để trấn áp thị trường. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, CBR đã đủ điều kiện để từng bước hạ mức lãi suất cơ bản nói trên. Đối với NBK trong suốt thời gian gần 2 năm cho đến ngày 20/8/2015 họ đã tiêu tốn đến 28 tỷ USD của Quỹ Dự trữ ngoại tệ để giữ giá đồng Tenge rồi sau đó đột ngột thả nổi khi không còn sự lựa chọn và sau đó NBK đã phải phản ứng rất thụ động với những diễn biến trên thị trường ngoại hối bằng việc liên tục tăng lãi suất cơ bản từ 5,5% đến 12% và chỉ một tháng sau đã là 16% để rồi sau đó lại tiếp tục nâng lên 17% và câu chuyện này dường như vẫn chưa kết thúc ở đây khi tỷ lệ lạm phát đã lên đến mức rất cao - 13,6% cho năm 2015. Theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2016-2017, Kazakhstan sẽ gánh chịu các ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng với chỉ số lạm phát vẫn sẽ tương đương với con số của 2015 và tăng trưởng kinh tế sẽ vào khoảng 0% và tiếp tục sang đến 2017 vẫn chưa rõ ràng khả năng khôi phục.
Đại diện cho chính quyền Kazakhstan, Tổng thống Nazarbaev giải thích cho cách xử lý khủng hoảng này như sau: “... chúng tôi đã cố gắng giữ đồng Tenge trong một hành lang hẹp cố định trong suốt một thời gian dài để tạo điều kiện cho nhân dân kịp thời chuyển quỹ tiết kiệm của mình sang ngoại tệ, và ai có nhu cầu thì đã có đủ thời gian để mua và tích trữ hàng hóa rẻ từ Nga (do đồng Ruble mất giá trước đồng Tenge)... do vậy phá giá đồng Tenge là một bước đi bắt buộc nhưng đã được chuẩn bị sẵn sàng từ trước... để cứu lấy nền sản xuất quốc nội...”. Tuy vậy, ngay sau đó, Giám đốc NBK đã bị buộc phải từ chức.
Tóm lại, qua sự đối chiếu 2 chính sách chế ngự khủng hoảng khác nhau của 2 quốc gia dầu mỏ láng giềng này có thể thấy rất rõ rằng phương án chuyển biến đột ngột từ khống chế “cứng” tỷ giá Tenge gần 2 năm và sau đó là đột ngột thả nổi của Kazakhstan có 2 yếu điểm chính. Thứ nhất, chính sách này gây hao hụt rất nhiều cho Quỹ Dự trữ ngoại tệ của NHTW. Thứ hai, chính sách này hoàn toàn không phù hợp với cuộc khủng hoảng kéo dài vì chỉ có tác dụng trì hoãn khủng hoảng, sau đó, khi không thể trì hoãn được nữa thì khủng hoảng mang tính đột ngột sẽ xảy ra sâu rộng hơn, khó kiểm soát hơn và kéo dài hơn.
Dưới góc độ nguyên lý quản lý, NHTW ta cũng có thể chỉ ra sự khác nhau cơ bản giữa CBR và NBK là ở mức độ độc lập trong quyết sách của các tổ chức này. Trong khi CBR ngày càng trở nên độc lập hơn và trong các quyết sách của mình đôi khi có thể đi ngược lại với mong muốn của Chính phủ Nga, ép Chính phủ Nga phải nghiêm túc thực hiện cải cách kinh tế bằng cách không cho sử dụng “thuốc giảm đau” từ kho Dự trữ ngoại tệ và phong cách hành động của CBR kể từ khi khủng hoảng bắt đầu vào đầu năm 2014 đã cho thấy rõ CBR độc lập đến thế nào, thì NBK là một NHTW hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Tổng thống Kazakhstan và hoàn toàn thực hiện chính sách chung cũng như những nhiệm vụ mang tính chính trị do Tổng thống và Chính phủ Kazakhstan đưa ra.
3. Ngân hàng Trung ương và bài toán khôi phục tăng trưởng kinh tế
Vấn đề mâu thuẫn về chính sách giữa NHTW và Chính phủ càng trở nên rõ ràng hơn khi người ta đề cập đến vấn đề khôi phục tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn “nóng” nhất của khủng hoảng, cũng như khi phân tích mổ xẻ những nguyên nhân chủ quan và khách quan đã làm cho cuộc khủng hoảng đó xảy ra.
Mâu thuẫn về ngôn luận đại chúng giữa Chính phủ Nga và CBR đã có nguồn gốc từ sau cuộc khủng hoảng giai đoạn từ năm 2008-2010 và lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2014 khi CBR đột ngột nâng lãi suất cơ bản lên 17%. Về bản chất quan điểm của phe Chính phủ là CBR không có nỗ lực trong vấn đề cải thiện hệ thống ngân hàng theo hướng trong sạch hóa và chuyên nghiệp hóa, theo đó không tạo được điều kiện cần thiết để giảm lãi suất cơ bản, tăng nguồn vốn tín dụng cho khối ngân hàng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất phát triển xã hội.
Đồ thị theo dõi biểu hiện của lãi suất liên ngân hàng cho thấy bắt đầu từ giai đoạn tháng 4-5/2012 lãi suất liên ngân hàng MIACR đã đi ra ngoài hành lang lãi suất của CBR và có chiều hướng tăng khá rõ ràng trong suốt năm 2013 chứng tỏ nguồn vốn tín dụng đang ngày càng trở nên khan hiếm hơn, trong khi đó lãi suất cơ bản vẫn được giữ ở mức cố định. Điều này chứng tỏ một chính sách tiền tệ rất thận trọng của CBR với chủ trương không cung cấp thêm vốn tín dụng cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lo ngại thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển nóng sẽ là nguy cơ thúc đẩy lạm phát gia tăng. Với phương châm khống chế lạm phát là hàng đầu trong năm 2013, CBR đã hy sinh sự phát triển thị trường tín dụng để đạt được chỉ tiêu lạm phát năm chỉ ở mức 6,45%, thấp hơn so với mức trung bình của 10 năm trước đó. Do vậy, quan điểm của phe Chính phủ là khá có cơ sở.
Tuy vậy, quan điểm đối xứng của CBR là môi trường đầu tư chưa có đủ điều kiện để CBR có thể cắt giảm lãi suất cơ bản đáng kể, thị trường tín dụng phát triển mạnh dẫn đến khối lượng đồng Ruble trong hệ thống ngân hàng giảm và lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng (MIACR) tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2014. Tuy vậy, do sự tăng trưởng của thị trường tín dụng chủ yếu là do tăng trưởng mảng tín dụng tiêu dùng là một trong những cơ chế chủ chốt đẩy nhanh lạm phát và hơn thế nữa hàng nhập khẩu chiếm một phần lớn trong cơ cấu hàng tiêu dùng, nên phát triển tín dụng tiêu dùng không dẫn đến sự phát triển tương đương trong lĩnh vực sản xuất.
Theo thống kê của CBR trong giai đoạn
kể từ đầu năm 2010 đến hết năm 2014, tổng số vốn tín dụng đã cấp từ hệ thống
ngân hàng liên tục tăng, trong đó tín dụng cá nhân tăng gấp 3,5 lần (từ 3,17
nghìn tỷ Ruble và tháng 1/2010 - 11,04 nghìn tỷ Ruble vào tháng 12/2014), trong
khi đó thị trường tín dụng doanh nghiệp cũng có tăng trưởng đáng kể từ 9,4
nghìn tỷ vào đầu năm 2010 lên đến 20,78 nghìn tỷ vào cuối 2014 - tăng 2,2 lần.
(Nguồn: Thống kê NHTW LB Nga, CBR)
Trong bối cảnh thị trường tín dụng liên tục phát triển nóng như vậy, CBR vẫn giữ vững lập trường không bơm thêm đáng kể tiền Ruble vào hệ thống ngân hàng là hoàn toàn tỉnh táo. Do vậy, CBR giữ lãi suất cơ bản ở mức gần như cố định và chỉ tăng một mức tương đương khi lãi suất liên ngân hàng tăng. Chính sách này đã được thực hiện xuyên suốt trong giai đoạn tiền khủng hoảng từ năm 2011 cho đến hết tháng 2/2014, mặc dù trong giai đoạn này CBR cũng hoàn thành tốt mục tiêu khống chế lạm phát và cả trong giai đoạn khủng hoảng bắt đầu từ tháng 2/2014. Tuy vậy, nói một cách công bằng hơn, chính sách tiền tệ của CBR cũng không hẳn là hoàn toàn bó buộc, trong phần lớn các năm 2013-2014 và cho đến thời điểm hiện tại lãi suất cơ bản vẫn thường xuyên ở mức thấp hơn lãi suất liên ngân hàng, như vậy là: Thông qua kênh phân phối qua các ngân hàng lớn, có đủ điều kiện được huy động, vốn vay từ CBR vẫn được đưa vào nền kinh tế với quy mô nhỏ, có tính lựa chọn cao. Chính sách này cũng cho thấy, CBR không tin tưởng vào khả năng có thể tiếp tục kích thích phát triển kinh tế Nga bằng một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn. Bằng chính sách tiền tệ cứng rắn của mình CBR cũng gửi đến Chính phủ một thông điệp rằng cách duy nhất để phát triển kinh tế xã hội hiện nay là hoàn thiện đến cùng các chương trình cải cách đã được đề ra mà vẫn chưa thực hiện dứt điểm trong cả một thập kỷ qua.
Tiếp tục quan sát đồ thị ta có thể thấy, bắt đầu từ tháng 2/2014 đến hiện nay là giai đoạn khủng hoảng leo thang với thời điểm kịch tính nhất là vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Khủng hoảng được châm ngòi bằng sự kiện lệnh cấm vận của các nước phương Tây đối với Nga bắt đầu có hiệu lực, trước hết là cấm vận về cung cấp tài chính. Một loạt các ngân hàng Nga mất cân bằng vốn do nguồn vốn vay bằng ngoại tệ từ nước ngoài bị đột ngột cắt giảm. Ngay sau đó là giá dầu mỏ đột ngột lao dốc khiến đồng Ruble liên tục trượt giá làm cho việc vay vốn và chi trả lãi suất bằng ngoại tệ trở nên không khả thi. Hai yếu tố này là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng đột ngột gây nên hỗn loạn tâm lý, một số ngân hàng vay vốn để đầu cơ vào các ngoại tệ đang tăng mạnh so với đồng Ruble. Kết thúc giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng này là sự kiện CBR tăng lãi suất cơ bản lên 17% đồng nghĩa với ý đồ hạn chế tối đa nguồn vốn vay vào hệ thống ngân hàng và làm cho hoạt động vay vốn để đầu cơ tại thị trường ngoại hối dần mất ý nghĩa kinh tế.
4. Kết luận chung
Qua phân tích diễn biến trên, chúng ta có thể đưa ra thêm 2 kết luận cơ bản về biện pháp chế ngự khủng hoảng và chính sách sau khủng hoảng của CBR:
Thứ nhất, tuy rằng chính sách lấy kiềm chế lạm phát của CBR trong một thời gian dài đã được thể hiện rõ rệt, sự kiện tăng đột ngột lãi suất cơ bản vào đầu tháng 12/2014 không nhằm vào mục đích kiềm chế lạm phát (vì nếu chỉ đơn giản là kiềm chế lạm phát thì không cần phải cùng một lúc nâng lãi suất lên cao đến vậy) mà là nhằm vào trấn an thị trường ngoại hối, nơi đang có vấn đề hoảng loạn về tâm lý và đầu cơ lũng đoạn. Lãi suất cơ bản 17% đồng nghĩa với việc CBR tạm thời cắt nguồn cung cấp đồng Ruble vào hệ thống ngân hàng, chấm dứt việc ngân hàng tái cho vay tiếp tay bơm tiền Ruble cho các nhà đầu cơ vào đồng USD. Khi thực hiện động thái này, CBR đã có kế hoạch sau khi thị trường ngoại hối ổn định lại sẽ giảm dần mức lãi suất này đến mức phù hợp với tình hình lạm phát hiện tại. Và đúng như vậy, ngày 30/1/2015, khi tình hình lạm phát chưa có gì khả quan hơn nhưng cơn sốc trên thị trường ngoại hối đã qua CBR giảm lãi suất xuống 15%, sau đó tiếp tục giảm xuống 14% (ngày 13/3) và 12,5% (ngày 30 tháng 4). Tóm lại việc tăng lãi suất đột ngột chỉ là biện pháp tạm thời trong vòng 2 tháng, do đó, không có ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp tiền Ruble tính trên năm nhưng lại là một biện pháp hữu hiệu để chế ngự cơn hoảng loạn tỷ giá.
Thứ hai, trong một tương lai dài hơn khả năng hỗ trợ phục hồi kinh tế của CBR sẽ phụ thuộc vào diễn biến của tỷ lệ lạm phát, nếu lạm phát trong năm 2016 nằm trong vùng kiểm soát thì CBR sẽ có thể tiếp tục giảm lãi suất cơ bản xuống dưới mức 11% hiện tại.
Tuy vậy, lạm phát là định lượng có nhiều yếu tố và hầu hết các yếu tố đó nằm ngoài tầm kiểm soát của CBR:
* Giá dầu mỏ - giá dầu càng thấp đồng Ruble càng mất giá, dẫn đến hàng nhập khẩu đắt đỏ, gây gia tăng lạm phát tiêu dùng.
* Mức độ tham nhũng của các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước.
* Hiệu quả sử dụng lao động trong nền kinh tế nói chung và cán bộ ngân sách nói riêng.
* Chi phí cho các chính sách xã hội, văn hóa, giáo dục, thể thao.
* Thị trường tín dụng quá nóng.
* Tham nhũng trong hệ thống ngân hàng v.v.
Trong đó, tham nhũng là danh mục có thể nói là đứng đầu trong các yếu tố cấu thành lạm phát, là danh mục dưới quyền quản lý của Chính phủ. Nằm trong tầm hoạt động của CBR chỉ có các danh mục như quản lý thị trường tín dụng (liên ngân hàng) và phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, khả năng gây ảnh hưởng của CBR trong cả 2 lĩnh vực này là không lớn. Giả sử nếu CBR không cấp tín dụng cho các ngân hàng có khối lượng giao dịch tín dụng tiêu dùng quá lớn thì họ cũng có thể vay bằng ngoại tệ từ thị trường ngoại với điều kiện tỷ giá ổn định. CBR cũng có thể tăng cường các nỗ lực điều tra và kịp thời rút giấy phép hoạt động của các ngân hàng có biểu hiện tham nhũng, rửa tiền có hệ thống dẫn đến quản trị rủi ro lỏng lẻo và nằm bên bờ vực thẳm mất khả năng chi trả. Hoạt động này có thể làm trong sạch hóa bộ máy ngân hàng và làm cho hệ thống ngân hàng vững chắc hơn, góp một phần vào giảm lạm phát.
Tóm lại, nếu giá dầu mỏ giữ ở mức như hiện nay (40 USD/thùng) thì nền kinh tế Nga sẽ không có phương án khôi phục nhanh như sau cuộc khủng hoảng từ năm 2008-2010 và phần lớn các vấn đề quyết định sự khôi phục đó đều nằm trong vùng trách nhiệm của các Bộ và các cơ quan Chính phủ. Khác với cuộc khủng hoảng năm 2008-2010, do bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới, giai đoạn 2014-2016 nước Nga gặp phải một cuộc khủng hoảng kép, vừa là do lý do cấm vận, vừa là do tình hình giá dầu thấp bất ổn. Để cải thiện được điều này và giúp nền kinh tế Nga trở nên ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn, Chính phủ Nga cần đẩy mạnh hơn nữa các phương án đầu tư phát triển một nền kinh tế đa ngành, thanh trừng lạm phát và giảm chi phí cho các chính sách xã hội. Tuy nhiên, điều đầu tiên Chính phủ Nga có thể làm được ngay và cũng là phương án ngắn hạn có thể phát huy tác dụng lập tức là việc tăng tuổi về hưu, một quyết định sẽ ngay lập tức giảm một phần đáng kể danh mục chi phí cho chính sách xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Aleksandr Ermak, Chief analyst GC “REGION”: “Russian ruble bonds market: some results and prospects”, St. Petersburg, 12/2014.
2. The Department of the monetary policy Ministry of Finance of Russian Federation, “State internal financial market 2015” (http://www.cbr.ru/dkp/standart_system/cond_dfm/cdfm_1512.pdf)
3. VTBCapital - On the OFZ market returned to non-residents (http://quote.rbc.ru/comments/2016/05/12/34639285.html)
4. The results 2015: Russian Eurobonds rose (http://www.interfax.ru/business/487991)
5. The results 2015: Bonds in Russia - profitably and progressively (http://www.interfax.ru/business/487243)
6. E.Goryunov, P.Trunin, S.Dobryshevsky - “Chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nga: Chiến lược và Chiến thuật - Voprosy Ekinomiki, 2015, No4.
7. N. Starostina, T. Aleshkina “1000 tỷ rúp sẽ được phân phối đến 25-30 ngân hàng Nga, RBC, 15.01.15. - http://www.rbc.ru/finances/15/01/2015/54b6ac239a7947e0e23313a3
8. “S&P: Năm 2016: Kazakhstan mong đợi lạm phát cao và không tăng trưởng GDP”, https://forbes.kz/process/economy/sp_v_2016_kazahstan_jdut_vyisokaya_inflyatsiya_i_nulevoy_rost_vvp
9. “Nazarbayev cho biết quá trình chuyển đổi của Kazakhstan đến một lãi suất thả nổi của tenge”, http://nv.ua/world/countries/dali-vozmozhnost-skupitsja-v-rossii-nazarbaev-prokommentiroval-perehod-kazahstana-na-plavajushchij-kurs-tenge-65042.html
10. Natalia Biyanova, Russians have spent their loans, Vedomosti, No. 3816 dated April 21, 2015.
CONTROL THE RUBLE CRISIS IN THE RUSSIAN FEDERATION IN THE PAST:
LESSONS ABOUT MONETARY POLICY OF THE CENTRAL BANK
● PhD. DAO THANH BINH
School of Economics and Management
Hanoi University of Science and Technology
ABSTRACT:
On July 16, 2014, the United States imposed sanctions on the Russian economy and two weeks later, the European Union (EU) made similar moves due to the military conflict in Western Ukraine. Therefore, many comments said that this day for the Russian economy was similar to the fall of Lehman Brothers Bank in the financial crisis 2008. After 6 months since the United States sanction, a huge amount of capital has fled due to a decline in confidence in the Russian economy, causing investors to sell off their Russian assets, devaluing the ruble. Compared to that, crude oil prices had fallen from $ 100 per barrel in June 2014 to $ 60 a barrel in December 2014, sending very strong blows to the budget, foreign reserves and the entire of Russian financial system. Amid the crisis, the government and the Central Bank of Russia have implemented a series of changes in monetary policy aimed at protecting the currency and preventing the spread of the economic crisis to the whole economy as well as the aftermath.
According to many experts, the measures to protect the Ruble are insufficient, hard-implemented, or not be effective immediately in the short term. So far, there have been no comprehensive analyses of the policies that the Russian government has made since every change in macro policy needs to be considered in the long-run. However, so far many have been able to realize the effects of the measures Russia has taken and their long-term effects. Therefore, the article below will focus on rearmament of monetary policy that has helped stabilize the Ruble and protect the economy from the bottom of the crisis. It can be a valuable lesson learned for many countries, including Vietnam, in the macro economy.
Keywords: Monetary policy, crisis control, rubles, Russian Federations economic growth, expected inflation, foreign exchange market.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây