Kinh doanh trong bối cảnh cách mạng 4.0: Thực trạng và giải pháp cho taxi truyền thống tại Việt Nam

NGUYỄN THỊ THU THỦY, ĐẶNG THỊ THU TRANG, PHẠM THỊ SOAN, NGUYỄN THỊ MAI (Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức và định hình lại thị trường trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, trong đó có lĩnh vực vận tải. Ứng dụng gọi xe, một thành tựu đột phá thời 4.0 đang ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại và phát triển của dịch vụ taxi truyền thống. Cuộc cạnh tranh giữa hai loại hình dịch vụ đã làm bộc lộ những bất cập, hạn chế bấy lâu nay của taxi truyền thống, buộc các hãng taxi truyền thống cần phải nhìn nhận và điều chỉnh chiến lược để duy trì vị thế và phát triển. Bài viết nhằm xem xét những khó khăn, thách thức đặt ra với taxi truyền thống tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần giúp các hãng taxi này thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới, cũng như tạo dựng tiền đề để đối phó với bất kỳ phương thức vận tải hay loại hình giao thông thông minh nào sẽ xuất hiện trong tương lai.

Từ khóa: Cách mạng 4.0, taxi công nghệ, taxi truyền thống, ứng dụng gọi xe.

1. Đặt vấn đề

Ứng dụng gọi xe, một thành tựu đột phá được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0 với những ưu điểm không thể phủ nhận đã làm thay đổi diện mạo ngành Kinh doanh vận tải, đồng thời tạo nên sức ép lớn với dịch vụ taxi truyền thống. Các hãng taxi công nghệ đã thu hút lượng lớn tài xế tham gia, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vốn hiển nhiên thuộc về taxi truyền thống. Theo đánh giá của Google, năm 2018 là một năm của sự đổi mới đối với lĩnh vực dịch vụ gọi xe tại thị trường Đông Nam Á, với 7,7 tỷ USD tổng giá trị thị trường, tăng trưởng 39% kể từ năm 2015.

Tại Việt Nam, taxi công nghệ đã làm thay đổi cục diện thị trường taxi truyền thống vốn đã già cỗi. Sự du nhập của Grab, Uber hay Go-Viet vào Việt Nam đã làm bộc lộ những hạn chế bấy lâu nay của taxi truyền thống. Một loạt các hãng taxi truyền thống báo lỗ, thậm chí giải thể, sáp nhập trước sức ép cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ. Bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như vậy buộc các hãng taxi truyền thống của Việt Nam phải nhìn nhận lại phương thức, mô hình kinh doanh và thay đổi để bắt nhịp với sự cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng sôi động. 

2. Tổng quan thị trường

Cuộc cạnh tranh giành thị trường taxi được đánh dấu mở đầu vào tháng 6 năm 2014, sau khi Uber được thông qua đề án thí điểm gọi xe tại Việt Nam. Sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam, tháng 10 năm 2017, Uber thống kê tổng quãng đường đã di chuyển thông qua ứng dụng này là 322 triệu km, tương đương 99.000 lần chiều dài đất nước Việt Nam. Đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của loại hình đặt xe này.

Bảng 1. So sánh lợi thế của taxi công nghệ với taxi truyền thống

Bảng 1. So sánh lợi thế của taxi công nghệ với taxi truyền thốngCông ty nghiên cứu thị trường W&S đã thực hiện tại Hà Nội một nghiên cứu thương hiệu với đối tượng là một số hãng taxi truyền thống. Theo đó, Mai Linh Taxi được khách hàng đánh giá là thương hiệu ảnh hưởng nhất, với 56,4% khách hàng chọn là thương hiệu đầu tiên họ nghĩ đến khi được hỏi về taxi truyền thống và đến hơn nửa số chuyến đi gần đây của họ là sử dụng thương hiệu taxi này.

Bảng 2. Xếp hạng thương hiệu một số hãng taxi tại Hà Nội

Bảng 2. Xếp hạng thương hiệu một số hãng taxi tại Hà Nội

Mặc dù có độ nhận diện cao nhất, nhưng với ảnh hưởng từ việc cạnh tranh với taxi công nghệ, điển hình là Grabcar, một loạt các hãng taxi truyền thống trong đó có Mai Linh Taxi bị sụt giảm doanh thu, phải cắt giảm nhân sự. Nửa đầu năm 2017, doanh thu thuần của cả tập đoàn Mai Linh đạt 1.722 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ, khoản lỗ lũy kế đã lên tới gần 800 tỷ đồng. Trong năm 2017, Mai Linh đã phải cắt giảm hơn 3.000 nhân sự, doanh thu phần lớn đến từ bán xe.

Vinasun mặc dù cũng được xếp độ nhận diện thứ hai nhưng theo Forbes Việt Nam, doanh thu năm 2017, Vinasun giảm gần 50% so với năm trước đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm năm thứ hai liên tiếp. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách bằng taxi giảm 57% so với năm 2017. Số lượng nhân viên của Công ty cũng giảm mạnh từ 17.160 người xuống còn 7.117 người chỉ sau một năm. (Xem Biểu đồ).

Biểu đồ: Doanh thu và lợi nhuận hàng quý của Vinasun (tỷ đồng)

Biểu đồ: Doanh thu và lợi nhuận hàng quý của Vinasun (tỷ đồng)

Liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi giữa Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) và ComfortDelgro - Công ty vận tải taxi lớn nhất Singapore thậm chí đã buộc phải đóng cửa vì không theo kịp xu hướng kinh doanh mới, cho thấy áp lực cạnh tranh rất lớn của taxi công nghệ đã bào mòn lợi nhuận của taxi truyền thống như thế nào.

Tháng 3 năm 2018, Grab đã mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á làm dấy lên lo ngại sự độc quyền của Grab cũng như tương lai của ngành Vận tải taxi. Đứng trước tình hình này, giải pháp được nhiều công ty taxi truyền thống lựa chọn là sáp nhập. Liên minh taxi truyền thống được cho là lớn nhất tính đến năm 2018 bao gồm 17 công ty trên cả nước, hoạt động trên nền tảng công nghệ Emddi.

Vinasun đã chủ động thay đổi theo hướng vẫn giữ cốt lõi kinh doanh taxi truyền thống, đồng thời mở rộng mảng kinh doanh thương quyền và đặt xe qua ứng dụng App Vinasun. Ngoài ra, Công ty còn mở rộng địa bàn hoạt động ra một số thị trường như Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên vì Grab hiện chưa thâm nhập các tỉnh này cũng như sẽ gặp khó khăn hơn tại đây do xe tư nhân không nhiều.

Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang đã đầu tư nhiều triệu USD ứng dụng Vato để phát triển dịch vụ gọi xe công nghệ với ưu điểm cho phép khách hàng trả giá với tài xế. Aber là một ứng dụng gọi xe của nhóm kỹ sư người Việt ở châu Âu. Các dịch vụ mà Aber cung cấp là xe hai bánh chở khách, xe hai bánh giao hàng, ô tô, xe cho thuê, xe tải chở hàng và xe khách đường dài. FastGo, ứng dụng gọi xe trực thuộc tập đoàn NextTech, tuyên bố không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe theo tỷ lệ %, mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày.

3. Khó khăn, thách thức với các hãng taxi truyền thống Việt Nam

Một là, các hãng taxi truyền thống rất hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính trong khi chi phí vận hành lại quá lớn so với taxi công nghệ. Những ứng dụng đặt xe như Uber, Grab hay giờ là Go-Viet đều là những tên tuổi đã thành công ở nhiều thị trường trên thế giới sau đó đổ bộ vào Việt Nam. Các công ty này vừa có tiềm lực tài chính lớn mạnh nên dễ dàng thu hút khách hàng qua hàng loạt các ưu đãi, khuyến mại ồ ạt, giảm giá, quà tặng. Tiềm lực tài chính lớn còn giúp các công ty này tăng cường truyền thông nhận diện thương hiệu, kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống có chi phí vận hành bộ máy, chi phí đầu tư hạ tầng, bến bãi cao, chi phí nhân sự lớn. Vì vậy, các hãng taxi truyền thống ít có cơ hội trong cuộc cạnh tranh về giá với taxi công nghệ, khó tạo dựng và duy trì lòng trung thành của khách hàng hiện hữu cũng như thu hút khách hàng tiềm năng.

Hai là, trình độ ứng dụng công nghệ của các công ty taxi truyền thống còn hạn chế. Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhận thấy xu hướng tất yếu của việc ứng dụng công nghệ, xong khi áp dụng thì gặp rất nhiều trục trặc. Cả VATO, Aber hay FastGo đều chưa thể khiến khách hàng của mình thực sự hài lòng. VATO từng nhận nhiều phàn nàn khi ứng dụng không hiện vị trí mình đứng hay vị trí của khách. FastGo mới ra mắt, nhưng liên tiếp gặp trục trặc về kỹ thuật. Còn ABER mới chỉ xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh và chưa thể hiện được sự ưu việt.

Ba là, hạn chế trong công tác truyền thông của các hãng taxi truyền thống. Mặc dù một số công ty đã đầu tư phát triển ứng dụng gọi xe, tổ chức các chương trình ưu đãi nhưng những nỗ lực này của taxi truyền thống được rất ít người biết đến. Tại Google Play, app của Thế Kỷ Mới đã xây dựng hàng năm nhưng chỉ có khoảng 500 lượt tải, của Thành Công và Mai Linh là khoảng 5.000 lượt. Khi được hỏi, chính một số khách hàng của các hãng taxi cũng không biết có app gọi xe để thường xuyên sử dụng.

Bốn là, sự lúng túng trong việc đưa ra giải pháp cũng là một hạn chế của các công ty taxi truyền thống. Trong khi taxi công nghệ đang từng ngày tung ra các chiến lược mới thu hút khách hàng thì taxi truyền thống vẫn loay hoay tìm hướng đi cho mình. Chỉ một số ít những công ty taxi truyền thống lớn mạnh dạn đưa ra chiến lược mới, như cách Vinasun mở rộng mảng kinh doanh thương quyền và đặt xe qua ứng dụng app Vinasun. Rất nhiều công ty còn lại là trong thế bị động, dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng, thậm chí phải giải thể vì không thể tìm được lối đi.

Năm là, hầu hết các hãng taxi truyền thống còn hoạt động khá nhỏ lẻ, rời rạc, thậm chí cả ở những thị trường chủ chốt như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2019, thị trường Hà Nội có hơn 70 hãng taxi truyền thống với hơn 19.000 đầu xe đang hoạt động. Hãng có lượng xe đông nhất cũng chỉ đạt 4.000 xe, con số khá khiêm tốn so với mạng lưới 25.000 xe của Grab. Cũng chính bởi hoạt động nhỏ lẻ nên dù một số hãng có thay đổi chiến lược cạnh tranh cũng khó có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ thị trường.

4. Đề xuất giải pháp cho taxi truyền thống tại Việt Nam

Cũng như ở một số nước trên thế giới, taxi truyền thống ở Việt Nam có thể sẽ nhận được hỗ trợ nhất định từ phía cơ quan quản lý. Mặc dù vậy, điều mà các hãng taxi có thể thực hiện ngay và là yếu tố đóng vai trò quyết định đến sự phát triển trong tương lai của hãng chính là việc họ phải tự thay đổi chính mình.

Thứ nhất, các hãng taxi truyền thống cần huy động nguồn lực tài chính cho sự vận hành trong bối cảnh mới. Vận tải taxi là lĩnh vực kinh doanh hướng tới thị trường lớn, đòi hỏi khoản đầu tư tốn kém ban đầu và sau một thời gian nhất định nào đó, các hãng phải chiếm được thị phần tương đối hay một ngưỡng nào đó về đơn hàng, về lượng khách hàng thì mới tồn tại được. Doanh nghiệp muốn thành công thường phải đáp ứng các điều quan trọng như đảm bảo tính tiện dụng, độ phủ rộng khắp và tính hiệu quả. Các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đồng hành với taxi truyền thống hơn khi các công ty taxi truyền thống cho thấy họ có chiến lược rõ ràng, khả thi và thực sự vượt qua được cái bóng của mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp với xu hướng công nghệ hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Thứ hai, sáp nhập những hãng taxi nhỏ lẻ và tăng cường hợp tác cùng phát triển. Việc sáp nhập càng chậm thì nguy cơ các hãng nhỏ lẻ này phải đối mặt với thua lỗ giải thể càng cao. Sáp nhập để tạo nên một cộng đồng lớn mạnh hơn là nền tảng để có thể thực hiện các giải pháp tiếp theo có hiệu quả. Việc đồng bộ mở rộng nhận diện đội xe đông đảo trên đường sẽ tác động tích cực lên tâm trí khách hàng về thương hiệu. Khách hàng cũng sẽ dễ nhớ hơn thay vì phải nhớ đến vài số điện thoại từng hãng nhỏ lẻ. Đặc biệt, khi còn hoạt động nhỏ lẻ thì dù có chiến lược đổi mới tốt cũng sẽ chỉ giành được một phần thị trường hạn chế và về lâu dài có nguy cơ cao bị đối thủ thâu tóm. Mối quan hệ hợp tác không nhất thiết xảy ra giữa các hãng truyền thống với nhau mà có thể với doanh nghiệp trong lĩnh vực khác để cung cấp các gói sản phẩm dịch vụ tích hợp hoặc thậm chí với chính taxi công nghệ để mang lại dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.

Thứ ba, taxi truyền thống không thể bỏ qua xu hướng tất yếu là chuyển đổi thành kinh doanh số và phát triển ứng dụng đặt xe với mạng lưới rộng lớn. Việc một số hãng taxi truyền thống đã áp dụng đặt xe qua app nhưng chưa thành công một phần bởi mạng lưới chưa đủ rộng lớn. Khi nhỏ lẻ dù có ứng dụng gọi xe thì tính đáp ứng nhanh chóng cũng không bằng được một mạng lưới với số lượng xe lớn hơn. Điều này cũng lý giải vì sao cần có sự sáp nhập các hãng nhỏ lẻ hoặc hướng ứng dụng kết nối tất cả các hãng taxi truyền thống trên cũng một ứng dụng. Khách hàng sẽ được tùy chọn hãng taxi trên ứng dụng (có thể dựa vào sự yêu thích, tin dùng, hoặc dựa vào định vị những hãng nào đang có nhiều xe tại vị trí gần khách hàng hơn). Ứng dụng cũng sẽ có đầy đủ các tính năng thông tin lái xe, ước tính chi phí, định vị điểm đón trả, đánh giá chuyến đi. Một nền tảng gọi xe chung cho các hãng taxi truyền thống như vậy sẽ tăng tính đáp ứng mà không cần thiết can thiệp vào nội bộ chính sách từng hãng. Với tỷ lệ 98% sở hữu điện thoại của người dân Việt Nam, trong đó 72% là điện thoại thông minh, cộng với xu hướng ưa dùng công nghệ, thì trải nghiệm đặt xe trên điện thoại được khách hàng cho là tiện lợi hơn. Do đó, việc xây dựng và từng bước cải thiện ứng dụng đặt xe cho taxi truyền thống cần đặc biệt quan tâm.

Thứ tư, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, điều chỉnh chiến lược thị trường và tập trung xây dựng các chính sách nâng cao sự hài lòng nhóm khách hàng này. Một số hãng truyền thống đã có vị thế riêng cho từng nhóm khách hàng, như Group Taxi với chất lượng xe tốt và thái độ phục vụ chuyên nghiệp được phần lớn khách hàng có thu nhập cao lựa chọn, thì có thể có những chiến lược riêng như tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp, khách hàng thu nhập cao. Do đó, tùy vào từng lợi thế tốt hiện sẵn có của từng hãng mà có chiến lược riêng cho mình.

Thứ năm, các hãng taxi truyền thống cần nghiêm túc xây dựng và thực thi đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đây là kinh nghiệm đã được áp dụng thành công với các hãng taxi truyền thống Nhật Bản. Ngay khi nhận thấy nguy cơ đến từ làn sóng taxi công nghệ, tự thân các hãng taxi truyền thống Nhật Bản đã tìm mọi cách nâng cao giá trị cốt lõi và sẵn sàng chuyển từ thế cạnh tranh trực tiếp sang hợp tác để đối phó với taxi công nghệ. Như vậy, việc phát huy giá trị cốt lõi và làm hài lòng khách hàng bằng chính chất lượng dịch vụ là yếu tố có thể giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của taxi truyền thống. Trên thực tế, khách hàng thậm chí sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho dịch vụ miễn là họ cảm thấy hài lòng. Bằng cách đó, taxi truyền thống sẽ giảm bớt được ảnh hưởng từ lợi thế về giá của taxi công nghệ.

Thứ sáu, đẩy mạnh những lợi thế hiện có của mình, đặc biệt là độ tin cậy và an toàn, những yếu tố hiện đang được khách hàng đánh giá khá cao. Các hãng taxi truyền thống cần nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các lời hứa về chất lượng dịch vụ đã đề ra, các cam kết không uống rượu bia khi làm việc, không lấy đồ khách để quên và khi đã nhận chuyến thì có sự chắc chắn đón khách như những thông báo đã gửi khách hàng về thời gian, địa điểm đón khách, không bỏ chuyến để nhận khách dọc đường tốt hơn. Có thể tăng cao nhân tố thấu hiểu khách hàng bằng những chương trình đào tạo tài xế không chỉ chuyên nghiệp về tác phong, mà còn nhạy bén trong cư xử, luôn niềm nở, hòa nhã trong giao tiếp, nhiệt tình trong giúp đỡ khách chuyển hành lý hay khách hàng cao tuổi, hành xử điềm đạm nếu khách hàng muốn đổi lộ trình không như ban đầu. Từ chính những hành động đơn giản này sẽ dần tạo hình ảnh tốt đẹp của công ty trong tâm trí khách hàng.

Thứ bảy, các hãng taxi truyền thống cần đẩy mạnh truyền thông. Việc các công ty taxi truyền thống thay đổi tích cực sẽ giảm bớt ý nghĩa nếu những thay đổi này không thông tin được đến người tiêu dùng. Rất nhiều khách hàng không hề biết hãng taxi truyền thống mình đi đã có ứng dụng đặt xe. Bên cạnh đó, còn rất nhiều thông tin tốt như trả lại đồ cho khách để quên, sự chuyên nghiệp khi lái xe và xử lý tình huống cần được truyền thông mạnh mẽ đến khách hàng, bởi đây chính là những điểm mạnh của taxi truyền thống so với taxi công nghệ.

5. Kết luận

Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực vận tải là một tất yếu. Các hãng taxi truyền thống, trong một chừng mực nhất định, có thể nhận được hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhưng về dài hạn, các hãng này không có lựa chọn nào khác là phải tự thay đổi, tự thích ứng, tìm lối đi cho chính mình và tận dụng những cơ hội mà nền tảng công nghệ đem lại. Điều này cần được nhận thức rõ ràng và hành động kiên quyết bởi các doanh nghiệp taxi truyền thống, không chỉ vì những đòi hỏi khách quan từ cuộc cạnh tranh với taxi công nghệ, mà lớn hơn là chuẩn bị những điều kiện cần thiết để taxi truyền thống có thể tạo dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển trước bất kỳ phương thức kinh doanh mới nào sẽ xuất hiện trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Arden Glenn A. Paronda (2017), ‘An Exploratory Study on Uber, GrabCar, and Conventional Taxi in Metro Manila’, ResearchGate, Conference Paper September 2017, from <https://www.researchgate.net/publication/ 318959598>.
  2. Báo cáo về xu hướng đa nền tảng tại Việt Nam 2015 của Nielsen.
  3. Báo cáo tài chính Tập đoàn Mai Linh 2017.
  4. Báo cáo tài chính Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (VINASUN CORP) 2017.
  5. Dr.Louis A.Merlin (2017), ‘Comparing Automated Shared Taxis and Conventional Bus Transit for a Small City’, Journal of Public Transportation, 20 (2), 19-39.
  6. Google & Temasek (2018), ‘E-Conomy SEA 2018 Southeast Asia’s internet economy hits an point’.
  7. Schaller & Bruce (2015), ‘Taxi, Sedan, and Limousine Industries and Regulation’, Paper prepared for the Committee for Review of Innovative Urban Mobility Services Transportation Research Board, p. 12, Appendix B.
  8. http://cafef.vn/nhung-chien-tuong-manh-nhat-nganh-taxi-truyen-thong-nhu-vinasun-va-mai-linh-da-o-dau-khi-2-ke-ngoai-quoc-uber-grab-ve-chung-mot-nha-20180417113220978.chn
  9. https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/doanh-thu-vinasun-giam-ki-luc-trong-nam-2017-2041.html
  10. https://m.vietnamfinance.vn/taxi-truyen-thong-thay-doi-hay-la-chet-20180504224213291.htm
  11. https://theleader.vn/ung-dung-goi-xe-ngoai-dan-thau-tom-thi-phan-taxi-tai-viet-nam-1530073895233.htm
  12. https://vinaresearch.net/public/news/1985 [PBI]_Bao_cao_thong_ke_thuong_hieu_%E2%80%93_cac_hang_Taxi. vnrs

DOING BUSINESS IN THE CONTEXT OF THE INDUSTRY 4.0: CURRENT STATUS AND SOLUTIONS FOR TRADITIONAL TAXI SERVICES IN VIETNAM

NGUYEN THI THU THUY

DANG THI THU TRANG

PHAM THI SOAN

NGUYEN THI MAI

School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

The boom of Industry 4.0 has drastically changed the way and reshaped the market in many different business sectors, including the transport sector. Car booking application, a groundbreaking achievement of the Industry 4.0, has increasingly affected the existence and development of traditional taxi services. The competition between the technology taxi service and traditional taxi service has revealed long-standing shortcomings and limitations of traditional taxi service, forcing traditional taxi companies to recognize and adjust their strategies to maintain their position and development. This article is to examine difficulties and challenges for traditional taxi services in Vietnam, thereby proposing some solutions to help traditional taxi firms adapt to the new business environment as well as create a strong premise to compete with any technology transport services in the future.

Keywords: Industry 4.0, technology taxi, traditional taxi, car booking application.