TÓM TẮT:
Hiện nay, việc đổ bộ của 2 hãng nước ngoài là Uber và Grab đã khiến các doanh nghiệp taxi, dịch vụ vận tải rơi vào tình trạnh khó khăn, đánh mất thị phần, doanh thu sụt giảm đáng kể. Trước những áp lực mà các doanh nghiệp taxi Việt phải hứng chịu, đề tài dưới đây phân tích thực trạng những áp lực cạnh tranh mà taxi nội địa Vinasun gặp phải trước sự phát triển mạnh của Uber và Grab, đồng thời có những giải pháp đưa ra nhằm khắc phục những áp lực đó.
Từ khóa: Taxi, Vinasun, Uber, Grab, cạnh tranh, thị phần.
I. Khó khăn, thách thức với Vinasun
Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam có tên giao dịch đối ngoại là VIETNAM SUN CORPORATION, viết tắt là VINASUN CORP được thành lập từ năm 2003, trụ sở hiện nay đặt tại 648 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Tổng giám đốc hiện nay là bà Đặng Thị Lan Phương, Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Phước Thành.
1. Áp lực cạnh tranh từ nhà cung cấp nguyên liệu
Kinh doanh ở lĩnh vực vận tải nói chung và loại hình taxi nói riêng thì giá xăng dầu là một trong những nhân tố lớn tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những tháng, quý đầu năm 2017, giá xăng dầu giảm và tăng dần vào các quý cuối năm gây cản trở quá trình kinh doanh của Công ty. Cụ thể khi giá xăng dầu giảm thì các áp lực về cước phí hình thành và bắt buộc phải điều chỉnh tính cước trong dịch vụ của khách hàng. Với hàng trăm đầu xe, khi điều chỉnh phí phải thay đổi phần mềm tích hợp tính cước dẫn đến rất mất thời gian và làm gia tăng chi phí. Khi điều chỉnh không được thực hiện nhanh chóng, kịp thời thì việc nguy cơ mất thị phần là rất cao.
Năm 2018, giá xăng dầu được dự báo sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng do các nước thành viên OPEC cam kết cắt giảm sản lượng khai thác nhằm giải quyết tình trạng dư thừa dầu trên thị trường. Khi đó chi phí sẽ đội giá lên, gây cản trở hoạt động kinh doanh dịch vụ của Vinasun. Trong những tháng cuối năm 2017, giá xăng ở các hãng tương đối ổn định và đều do đặc trưng của mặt hàng bị chi phối của độc quyền nhà nước. Do vậy, sự cạnh tranh giá từ các hãng gần như không có, khả năng ép giá từ nhà cung cấp về xăng là thấp.
2. Áp lực cạnh tranh từ phía khách hàng
Khách hàng luôn muốn tối đa hóa lợi ích của dịch vụ với chi phí thấp nhất, luôn muốn dịch vụ ngày càng chất lượng hơn nhưng giá lại càng phải giảm đi. Họ luôn ý thức được lợi thế đàm phán của mình. Một số loại khách hàng như sau:
- Khách hàng là học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp: Chú trọng các dịch vụ về giá, không chú trọng đến các dịch vụ.
- Khách hàng là người thu nhập trung bình, nhân viên văn phòng,…: Họ vừa quan tâm giá cả dịch vụ, đồng thời cần một số yêu cầu khác như thời gian đón khách, thời gian chạy xe.
- Khách hàng là người có thu nhập cao: Họ không quan tâm quá nhiều về giá, nhưng cần dịch vụ tốt, khả năng tối giản hóa thời gian, tối giản các khâu thanh toán, sự nhiệt tình của tài xế.
Đối chiếu trực tiếp vào tình hình hiện tại của Vinasun, giá cước của hãng taxi này là tương đối phù hợp đối với khách hàng. Giá và dịch vụ được đưa ra đều được khách hàng chấp thuận. Cũng có thể thấy rằng, Vinasun ít bị sức ép từ phía khách hàng so với các hãng taxi truyền thống. Song Uber và Grab rẻ hơn do chiến lược kinh doanh của các hãng taxi ngoại dẫn đến khách hàng dần chuyển sang 2 hãng này. Qua đó đặt ra thách thức Vinasun phải giải quyết được khả năng chọn xe từ phía khách hàng vì sự mạnh mẽ của Uber và Grab trong chiến lược giá.
3. Áp lực cạnh tranh từ sản phẩm thay thế
Ngoài việc sử dụng dịch vụ taxi, có rất nhiều loại hình khác để người dân sử dụng vào mục đích vận chuyển, di chuyển, mỗi loại hình lại có những ưu nhược điểm riêng. Điều này buộc Vinasun phải nâng cao chất lượng dịch vụ, không ngừng thực hiện các chiến lược đổi mới nhằm truyền thông cho khách hàng nên lựa chọn taxi thay vì các dịch vu thay thế khác.
4. Áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong ngành
Trong ngành này, khả năng gia tăng đội xe để chiếm lĩnh thị phần là rất quan trọng. Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 7/2017, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng thêm 5.787 xe ôtô, tính ra bình quân mỗi ngày tăng 192 chiếc. Các hãng taxi truyền thống cũng đều tăng tốc đẩy mạnh đội xe trong năm ngoái. Như Vinasun, năm 2016, Công ty phải đầu tư 1.217 chiếc xe mới, thanh lý 805 chiếc. Tương tự, Mai Linh cũng tiếp tục tuyển thêm tài xế. Hồi tháng 12/2016, Phương Trang, doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu đời trong lĩnh vực vận chuyển hành khách đường dài, cũng tuyên bố gia nhập thị trường taxi với đội xe 2.000 chiếc.
Với sự mạnh mẽ của Uber và Grab khiến không chỉ Vinasun mà các hãng taxi truyền thống khác gặp rất nhiều trở ngại và cụ thể hơn là Vinasun đã giảm sự tăng trưởng từ 33% trong kỳ vọng về 26% như trên thực tế. Hơn nữa, với công nghệ mới, lại được hỗ trợ tài chính nên giá của Uber và Grab rất ưu đãi. Thậm chí Grab còn bị cáo buộc phá giá, cạnh tranh không lành mạnh trong ngành, có lúc chỉ bằng 60-70% giá taxi trong ngành. Thị phần của Viansun từ chỗ chiếm gần nửa số lượng xe taxi TP. Hồ Chí Minh chuyển về phải nhường thị phần cho Grab.
5. Áp lực cạnh tranh từ đối thủ tiềm ẩn
Rào cản gia nhập ngành khá cao nên sự xuất hiện của các đối thủ mới là không nhiều, mặc dù tăng trưởng của ngành Taxi được thống kê là 20%/năm nhưng vì đòi hỏi vốn lớn để gia nhập thị trường cũng như phải xây dựng thương hiệu cho nên việc các đối thủ mới tham gia vào thị phần rất khó. Qua đó cho thấy áp lực cạnh tranh đối thủ tiềm ẩn là không quá đáng kể nhưng Vinasun vẫn phải dè chừng, vì nó cũng có thể ảnh hưởng đến thị phần của hãng mặc dù không nhiều.
6. Tổng kết các áp lực cạnh tranh
Để tổng kết các áp lực cạnh tranh ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty, bảng SWOT được đưa ra để phân tích như bảng 1.
II. Giải pháp chiến lược kinh doanh của VINASUN
Chiến lược kinh doanh là kế hoạch, là mục tiêu cũng như các hoạt động mà Vinasun đã đề ra để thực hiện nhằm tối ưu hóa các phương pháp, tối đa hóa lơi nhuận và doanh thu, phát triển kinh doanh, góp phần vào nền vận tải vững mạnh. Ngoài chiến lược kinh doanh cấp đơn vị và cấp chức năng, ở đây trọng tâm đề cập đến chiến lược cấp doanh nghiệp của Công ty. Sở dĩ là vì ngoài các chiến lược tăng trưởng, suy giảm thì chiến lược đổi mới đang là vấn đề nóng khiến Vinasun đánh rơi thị phần vào Grab và Uber.
Trong năm 2017, tổng doanh thu đạt 4.763 tỷ đồng, hoàn thành và đạt 105,98% so với kế hoạch, tăng 7,55% so với năm 2016. Tuy vậy, mức tăng trưởng doanh thu khiêm tốn trong bối cảnh hầu hết các loại chi phí chính của Công ty đều tăng dẫn đến lợi nhuận giảm 5,08% so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 14,6%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,6%; chi phí tài chính tăng 14,5%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Công ty trong năm đã giảm từ 10,1% xuống 8,8%.
Nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm biên lợi nhuận của Vinasun chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi. Nhằm duy trì lượng xe và độ phủ lớn, tránh tình trạng nhân viên chuyển qua hoạt động cho các công ty công nghệ, Công ty đã điều chỉnh mức lợi nhuận chia ra với tài xế. Bên cạnh đó, Vinasun còn đầy mạnh hoạt động marketing và các chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng Vinasun app cùng việc vận hành dòng xe Vcar (dòng xe sang như Camry, Lexus, Toyota Land Cruiser v.v… hướng đến phân khúc khách hàng có thu nhập cao) cũng khiến chi phí tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy vậy, biên lợi nhuận của Vinasun vẫn ở mức cao so với các doanh nghiệp cùng ngành, mức độ nhận diện thương hiệu mạnh trên 70%, thị phần hiện tại trên 45% cho thấy khả năng cạnh tranh về giá cước và gia tăng lợi nhuận trong tương lai của Công ty vẫn còn nhiều tiềm năng.
Sức ép từ đối thủ là ở công nghệ vậy nên buộc Uber không cạnh tranh theo giá cước mà phải cạnh tranh công nghệ. Hình thức thanh toán: Visa, Master Card, thẻ ATM, thẻ đồng thương hiệu Vinasun, tiền mặt, coupon. Phương thức tính cước: chiều dài hành trình, theo qui định của Nhà nước.
Kinh doanh taxi truyền thống sẽ cạnh tranh không lại về giá với xe Uber, do xe Uber không phải thực hiện các điều kiện kinh doanh về taxi theo quy định pháp luật và đặc biệt là không nộp thuế. Riêng việc Uber không tuân thủ các quy định pháp luật về thuế đã khiến mức giá của họ thấp hơn 10% so với giá cước của Vinasun. Nếu Vinasun thực hiện theo cách thức như Uber đang làm thì hoàn toàn có thể áp dụng mức giá như xe Uber.
Bảng 2. Những điều khiến khách hàng đã sử dụng và nói tốt về dịch vụ taxiNguồn: Buzzmetrics
Vinasun đã xây dựng ứng dụng gọi xe taxi với tên gọi là Vinasun App, cho phép hành khách gọi xe bằng smartphone. Các lợi thế vốn có trên Uber, như kết nối người sử dụng với tài xế gần nhất, cung cấp thông tin ước tính về cước phí cho một quãng đường, thời gian chờ, theo dõi lộ trình xe, biển số xe, tên và hình ảnh tài xế... đều có trên ứng dụng Vinasun App. Ứng dụng này cũng sẽ giám sát và quản lý chặt chẽ hành trình di chuyển và giá cước nên hành khách không lo bị tài xế chạy lòng vòng.
Bên cạnh đó, ứng dụng Vinasun App còn hỗ trợ mạnh mẽ cho tài xế, giúp họ không phải tranh giành khách (vì hành khách tự chọn xe trên phần mềm hoặc do hệ thống tự điều hành xe); nắm được tình hình giao thông trên các tuyến đường để tránh những khu vực kẹt xe; kiểm tra lượng xe đang đậu ở các điểm tiếp thị để quyết định cho xe chạy vào hay không, tránh tình trạng thừa, thiếu xe ở các điểm tiếp thị.
Vinasun App còn chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán như thẻ Visa, Master Card, thẻ ATM, thẻ đồng thương hiệu Vinasun, tiền mặt hoặc coupon. Chưa kể, nếu hành khách để quên đồ đạc trên xe cũng dễ dàng tìm lại được, do thông tin của xe, tài xế đều được lưu trữ đầy đủ trong lịch sử chuyến đi của ứng dụng và trên hệ thống. Sau khi kết thúc chuyến đi, hành khách có thể đánh giá mức độ hài lòng đối với tài xế, dịch vụ trên xe.
Trong những năm tới, chỉ cần hành khách gọi taxi bằng điện thoại di động đến tổng đài thì hệ thống phần mềm sẽ phản hồi cho hành khách bằng tin nhắn SMS gồm các thông tin chi tiết về xe sẽ đón khách như: số xe, số điện thoại liên lạc của tài xế, thời gian đến đón.
Giờ đây, Vinasun cho phép khách thực hiện các cuộc gọi taxi theo hướng đa dạng từ kênh truyền thống gọi về tổng đài cho đến thực hiện cuộc gọi bằng ứng dụng. Tận dụng thế mạnh công nghệ, Vinasun đang tiến đến chiến lược mới trong cách tiếp cận khách hàng, mở ra phương thức kinh doanh mới hiệu quả hơn ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bài giảng Quản trị Chiến lược, Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
2. Báo cáo hoạt động 2016, 2017, Vinasun.
3. Báo Điện tử kinh tế CafeF, Cafebiz, Enternews, Zing News,…
4. Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh Micheal Porter.
5. Giáo trình Quản lý học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
6. Khảo sát 200 mẫu ngẫu nhiên do Buzzmetrics thực hiện.
THE PERFORMANCE OF TAXI VINASUN UNDER
THE DEVELOPMENT OF UBER AND GRAB
● MA. NGUYEN THI THU TRANG
Faculty of Accounting and Business Administration
University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
Currently, the operations of two foreign firms, Uber and Grab, have made taxi companies and transportation services lose market share and reduce revenue significantly. Under the pressure that Vietnamese taxi businesses have suffered, the topic below analyzes the competitive pressures that Vinasun TAXI encounters under the strong development of Uber and Grab, thus proposing solutions to bring. to overcome those pressures.
Keywords: Taxi, Vinasun, Uber, Grab, competition, market share, etc.