Mong muốn phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Theo ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C/GO khu vực Hà Nội và miền Bắc Tập đoàn Central Retail Việt Nam, ưu tiên của Tập đoàn xuyên suốt từ ngày hoạt động tại Việt Nam tới nay, thông qua hệ thống đại siêu thị Big C/GO!/Topsmarket, là phân phối các sản phẩm hàng Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm sản xuất ở các địa phương, vùng miền như sản phẩm OCOP và sản phẩm thuộc chương trình Sinh kế cộng đồng.
Sinh kế cộng đồng là một trong những sáng kiến của Tập đoàn Central Retail ra đời vào cuối năm 2017, nhằm hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020).
Các hoạt động của chương trình Sinh kế cộng đồng hướng đến việc hỗ trợ cho phát triển sản xuất và đa dạng hoá sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình nghèo sống ở các xã khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc vùng duyên hải khó khăn và có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, ưu tiên cho nông dân đồng bào dân tộc thiểu số. Tham gia chương trình này, người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và canh tác bởi chuyên gia đến từ các trường đại học, Viện nghiên cứu, có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính ứng trước cho việc sản xuất, được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ thời gian thanh toán ngắn ngày và hoàn toàn không có lãi suất, cam kết hợp tác và hỗ trợ dài hạn từ Central Retail để có thể phát triển bền vững.
Chương trình hoạt động dưới sự hỗ trợ và điều hành của một Ban điều hành độc lập bao gồm các đại diện đến từ Bộ công thương, Hiệp hội bán lẻ, Ngân hàng, Viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và các lãnh đạo của Central Retail, với nhiều năm kinh nghiệm cùng chung tay hỗ trợ cho người nông dân Việt.
Ông Lê Mạnh Phong cho hay, khác với hoạt động mua bán thông thường của Central Retail, Sinh kế cộng đồng hướng tới những nhà cung cấp rất nhỏ, cụ thể ở đây là những hộ kinh doanh cá thể đang rất là khó khăn, các hộ gia đình người dân tộc thiểu số,… Tuy nhiên, đây là những hộ gia đình có năng lực về sản xuất, tức là họ có làm ra được một sản phẩm đặc thù, có giá trị thương mại nhưng họ không có đầu ra, họ không biết cách tiêu thụ như thế nào hay cũng không biết tham gia vào các chuỗi thương mại như thế nào, thì đó là lúc Central Retail sẽ xuất hiện để triển khai dự án hỗ trợ.
Hiệu quả tích cực từ các dự án Sinh kế cộng đồng
Đến nay, Chương trình đã triển khai thành công 7 dự án tại Sơn Hà (Quảng Ngãi), Vân Hồ (Sơn La), Bình Định (Bình Định), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Sa Pa (Lào Cai), Mường Khương (Lào Cai), Bắc Kạn (Bắc Kạn); qua đó tiêu thụ hàng trăm tấn hàng hóa nông sản, đồng hành cùng 787 hộ sản xuất nhỏ và nông dân có được thu nhập bền vững và cải thiện cuộc sống, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.
Điển hình, anh Vàng A Sa (bản Bó Nhàng 2, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) - Chủ nhiệm Hợp tác xã Vàng A Sa, Trưởng nhóm của dự án Vân Hồ cho biết, mấy năm trước, gia đình anh vốn mưu sinh bằng nghề trồng các loại rau truyền thống trên khoảng đất 1.000 m2, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Mặt khác, canh tác trước đây chủ yếu là trồng đậu, bí… ít chủng loại, sản lượng thấp, chất lượng kém do cách thức canh tác lạc hậu, dựa theo kinh nghiệm là chính. Hệ quả là đầu ra sản phẩm không ổn định do chỉ bán cho thương lái, thường xuyên bị ép giá; không tiếp cận được thị trường; sản phẩm manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung.
Tham gia dự án Sinh kế Cộng đồng, anh Vàng A Sa được cán bộ phụ trách chương trình sinh kế của Central Retail và cán bộ khoa học từ tổ chức phi chính phủ ACIAR (Úc) hỗ trợ tập huấn về sản phẩm; được tư vấn kiến thức về thị trường, định hướng sản xuất; và được hướng dẫn trồng đa dạng các loại cây, đặc biệt là cây trái vụ cho sản lượng cao, phù hợp với khí hậu của huyện Vân Hồ.
Sau 5 năm triển khai dự án, tới nay, khoảng 70% nông sản của HTX Vàng A Sa sản xuất được Central Retail tiêu thụ ổn định thông qua hệ thống GO!/Big C. Nhờ đó, cuộc sống của Vàng A Sa và 39 hộ dân tham gia dự án đã được cải thiện đáng kể với mức thu nhập tăng 200%, giá trị sản xuất tăng gấp đôi, từ 25 – 30 triệu đồng/ ha, tăng lên 50 – 60 triệu đồng/ha.
“Anh Vàng A Sa bây giờ đã trở thành một nhà sản xuất rất lớn, thậm chí năng lực sản xuất của của anh Vàng A Sa ban đầu chỉ là cá thể và cung cấp cho Big C, nhưng đến nay anh đã có thể cung cấp hàng hóa thương mại cho các chuỗi và hệ thống khác”, ông Lê Mạnh Phong chia sẻ thêm.
Hay tại dự án Bắc Kạn, Big C đã ký hợp đồng hợp tác thương mại với nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng vùng miền của địa phương như măng nứa tép, cam đường canh, trà mướp đắng rừng, gạo nếp nương, nấm hương khô, măng ớt… Qua đó, tạo sinh kế ổn định cho hơn 200 hộ nông dân đồng bào thiểu số tỉnh Bắc Kạn.
Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Bắc Kạn là địa phương có nhiều đặc sản, tuy nhiên, nhiều năm qua, sản phẩm của bà con nông dân tiêu thụ rất khó khăn. Việc Big C ký hợp đồng, hợp tác bao tiêu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn có một ý nghĩa đặc biệt do đây chủ yếu là các nhóm hộ nghèo, khi có hợp đồng với Big C sẽ phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản, từng bước ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục phối hợp cùng Big C liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh bao tiêu các đặc sản địa phương”.
Thành công của Chương trình Sinh kế cộng đồng cần được ghi nhận đầu tiên là đã hỗ trợ tiêu thụ, đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là nông sản, của khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Đồng thời, chương trình còn cung cấp thông tin và tín hiệu thị trường để người nông dân dựa vào đó để lên kế hoạch sản xuất, tránh lâm vào cảnh “được mùa mất giá”.
Chương trình đã góp phần thay đổi mạnh mẽ quá trình sản xuất của người nông dân, ở đây phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, để họ không dừng lại ở gắn bó với mình Big C, với Central Retail, mà đủ sức vươn lên kệ hàng của những hệ thống phân phối khác. Đi cùng sự thay đổi này là đổi thay trong chính tư duy, nhận thức vốn tồn tại cố hữu hàng trăm năm nay, mở ra cánh cửa tiếp nhận nhiều cơ hội hơn nữa cho bà con đồng bào thiểu số vốn chiếm hơn 14% dân số Việt Nam. Đây được xem là giải pháp căn cơ, thiết thực để dần đưa hàng hoá của đồng bào thiểu số tiếp cận được với thị trường tiêu thụ.
Một điều đặc biệt nhất mà có lẽ không nhiều mô hình làm được như Sinh kế cộng đồng, đó là huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phân phối, Hiệp hội đến ngân hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ,... để khai phá tiềm năng ẩn lấp của những vùng miền khó khăn trên khắp Việt Nam.
Bên cạnh sáng kiến Sinh kế cộng đồng, trong 10 năm qua, Central Retail đã không ngừng thực hiện các chương trình quảng bá, kích cầu tiêu thụ sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng vùng miền, bao gồm các hoạt động: Tăng cường sản phẩm nội địa (trên 90% doanh số đến từ hàng nội địa và hàng sản xuất trong nước); Thúc đẩy thu mua nông sản tại các vùng miền địa phương (đặc biệt ưu tiên thu mua tại vùng miền địa phương gần vị trí siêu thị); Hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã.
Hiện Central Retail đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nổi bật đối với các sản phẩm đặc trưng vùng miền, như: ưu tiên hỗ trợ không chiết khấu với các hộ kinh doanh là các hợp tác xã; ưu tiên các sản phẩm OCOP, hỗ trợ trưng bày, chăm sóc hàng hóa và các chương trình thúc đẩy bán hàng; hỗ trợ tư vấn toàn diện để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể gia nhập các kênh phân phối hiện đại của tập đoàn.