TÓM TẮT:
Ba tháng đầu năm 2020,dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống, xã hội của nhiều quốc gia, khiến nền kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng. Trước những cơ hội và thách thức đan xen, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2020 vẫn duy trì được ổn định là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Kinh tế quý I/2020 tuy chỉ đạt mức tăng trưởng là 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bài viết phân tích tình hình kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm và dự báo những thách thức trong 9 tháng cuối năm 2020.
Từ khóa: Kinh tế Việt Nam, khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng của Covid19, tốc độ tăng trưởng, chỉ tiêu kinh tế xã hội,…
1. Đặt vấn đề
Năm 2019, kinh tế Việt Nam là một bức tranh đầy màu sắc ấn tượng: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt tốc độ tăng 7,02%; kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) vượt mốc 500 tỷ USD; CPI bình quân tăng 2,79% so với năm 2018… Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, với sự bùng phát của dịch corona (COVID-19) đã tác động đáng kể đến kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng khó tránh khỏi sự tác động tiêu cực của dịch bệnh. Các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ yếu của Việt Nam, như: tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng và suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch.
2. Tổng quan kinh tế Việt Nam trong quý I/2020
Kinh tế - xã hội Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm; nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng và chuỗi cung ứng tăng cao.
Ở Việt Nam, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch; hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe và an toàn của nhân dân, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Đây chính là thắng lợi của toàn thể nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020. (Hình 1)
Theo thống kê, GDP quý I/2020 ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của quý I các năm giai đoạn 2011-2020 (Hình 2). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp 0,08% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dịch tả lợn châu Phi; dịch cúm gia cầm và đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Bảng 1)
Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 theo cơ cấu
Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, chỉ đạt mức tăng trưởng thấp là 5,28%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu - tăng trưởng âm 3,18% -, chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh 9,9%. (Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). (Bảng 2)
Bảng 2. Tốc độ tăng trưởng Việt Nam quý I/2020 ngành dịch vụ
Trong quý I/2020, dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng khiến hoạt động thương mại, dịch vụ và XNK chỉ đạt mức tăng 3,27%; thấp nhất của cùng kỳ giai đoạn 2011-2020. Ở lĩnh vực này, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%; Ngành vận tải, kho bãi giảm 0,9%; Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 11,04%. (Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; Khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66%. (Hình 2)
Hình 2: Cơ cấu kinh tế Việt Nam quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019
Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019; Tích lũy tài sản tăng 2,2%; Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.
3. Thách thức đối với kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm 2020
Tác động của dịch COVID-19 khiến kinh tế Việt Nam suy giảm nhanh chóng, bị tác động mạnh mẽ và lâu dài: Các chuỗi cung ứng bị gián đoạn (doanh nghiệp giảm sản xuất, thiếu hụt nguồn cung đầu vào....); Hoạt động thương mại, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm đáng kể; Đầu tư sản xuất và chế biến chế tạo, du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, giải trí bị co hẹp; Hoạt động xuất, nhập khẩu giảm mạnh.
Trong quý I/2020, tăng trưởng GDP Việt Nam đáng mừng là vẫn tăng, dù thấp. Tuy nhiên, là một nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới, kim ngạch XNK 2019 là cao nhất trong khu vực, thì tính đến cả năm 2020, dịch COVID 19 sẽ tác động đến kinh tế nặng nề hơn nhiều.
3.1. Sản xuất trong nước bị ảnh hưởng mạnh mẽ (Bảng 3)
Bảng 3 Các ngành có tổng sản phẩm giảm trong quý I/2020
Do tác động của dịch COVID-19 và phản ứng của toàn bộ nền kinh tế, hầu hết các ngành dịch vụ của nền kinh tế bị ảnh hưởng ngay lập tức và rất nặng nề. Các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất có thể kể tới là: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Nhìn vào Bảng 3 có thể thấy rõ ngành chịu thiệt hại nhất chính là dịch vụ lưu trú, chiếm tới 41,6% GDP năm 2019, đã kéo chậm lại tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh với mức độ thiệt hại doanh thu vào khoảng 25,000 tỷ đồng năm 2020. Ngành hàng không dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi 2/3 hãng hàng không trên thế giới sẽ lâm vào cảnh phá sản nếu dịch kéo dài đến tháng 6.
Du lịch nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, dự báo trong 3 tháng tới có thể chịu thiệt hại khoảng 6 - 7 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng “kiệt sức” do khách du lịch giảm kỷ lục, khoảng 60%, hệ thống cơ sở lưu trú giảm khoảng 50%, có những ngày thấp điểm chỉ đạt công suất 30%.
3.2. Thị trường lao động biến động mạnh
Nếu dịch bệnh chỉ kéo dài 2-3 tháng, đa phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn có thể chịu đựng được. Nhưng nếu kéo dài hơn, khả năng nền kinh tế có thể rơi vào thời kỳ suy thoái, nhiều doanh nghiệp không thể cầm cự, phải ngừng hoạt động, sa thải lao động gây ra tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong 2 tháng đầu năm 2020 đã có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn - tăng 19,5%; khiến khoảng 20 triệu lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, 3 triệu lao động trong ngành dệt may, 3,3 triệu lao động trong lĩnh vực vận tải kho bãi, hơn 5 triệu lao động ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, ... có nguy cơ mất việc rất cao. Điều này làm tổng cầu sụt giảm tiếp, kéo theo các doanh nghiệp suy giảm, nợ xấu gia tăng, gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính tiền tệ, khiến thị trường chứng khoán suy giảm mạnh và bất ổn.
3.3. Gia tăng chi phí duy trì hoạt động kinh tế xã hội, cung cầu bị ảnh hưởng nặng nề
Dịch bệnh tác động đến cả tổng cung và tổng cầu của kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trên thế giới giảm mạnh, suy thoái, thậm chí là khủng hoảng kinh tế khiến thất nghiệp tăng cao, sản xuất kinh doanh ngưng trệ và thu nhập ít hơn dẫn đến tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, tổng cầu giảm. Ngoài ra, tổng cầu giảm còn do tâm lý bất an, hoang mang, sợ hãi của nhà đầu tư, lo sợ thị trường biến động quá lớn khiến họ muốn tìm đến sự đầu tư an toàn, rủi ro thấp hoặc dừng lại để quan sát, chờ đợi và không đầu tư.
Thực trạng cung ứng sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết bị suy giảm bởi Trung Quốc - nơi luôn được coi là “công xưởng thế giới” - đã bị ngưng trệ dài khiến nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hay thiết bị máy móc để phục vụ đầu tư bị ảnh hưởng khi tiến hành các biện pháp phòng chống dịch ở biên giới, vận chuyển hàng hóa bị ách tắc; chuỗi cung ứng và lượng cung ứng hàng hóa bị đứt gãy.
Dịch bệnh khiến Chính phủ gia tăng các chi phí xã hội để chống dịch, và phòng chữa bệnh, đồng thời nguồn thu ngân sách nhà nước bị suy giảm khiến độ lớn thâm hụt ngân sách gia tăng, các nguồn lực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bị thu hẹp đáng kể. Dịch bệnh liên tục gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng; xu hướng tích trữ thực phẩm, thuốc và thiết bị y tế dùng cho phòng chống lây nhiễm tăng khiến giá các mặt hàng này tăng đáng kể; người dân ít ra ngoài hơn nên nhu cầu sử dụng điện và nước sinh hoạt tăng cao hơn; nhu cầu đi lại, tiêu dùng, ăn uống ngoài gia đình, du lịch, lễ hội giảm kéo theo giá các dịch vụ vui chơi giải trí và dịch vụ du lịch, vận tải giảm.
3.4. Hoạt động ngoại thương bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là từ Trung Quốc
Đầu tiên là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Tốc độ xuất khẩu nông sản bắt đầu chững lại, có dấu hiệu giảm do các cửa khẩu có biên giới với Trung Quốc đã bị đóng cửa. Tất cả các hoạt động XNK đều dừng lại trong khi mặt hàng rau củ quả, đồ tươi sống không bảo quản được lâu. Thậm chí, nếu đóng cửa khẩu lâu dài còn ảnh hưởng tới sản xuất nông, lâm, thuỷ sản nội địa bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính mặt hàng này của Việt Nam với 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35% trong năm 2019.
Tiếp đến, là guồng sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, gián tiếp là hoạt động XNK của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020. Hiện khu vực công nghiệp chịu tác động tiêu cực không nhỏ bởi các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc thường sử dụng lượng lớn lao động và chuyên gia là người Trung Quốc. Việc hạn chế xuất nhập cảnh giữa 2 nước sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành hoạt động của các nhà máy, do đó lao động tại Việt Nam cũng sẽ khó bắt tay ngay vào sản xuất.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp FDI. Mặc dù đã chủ động nhập nguyên vật liệu trước, nhưng với tình trạng hạn chế XNK như hiện nay, sẽ xuất hiện các doanh nghiệp trong nước và FDI ở một số ngành như may mặc, điện tử… thiếu nguyên vật liệu đầu vào từ thị trường Trung Quốc. Hoạt động sản xuất trong nước cũng thiệt hại nặng nề khiến việc xuất khẩu sang những thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc,... bị giảm sút.
Ảnh hưởng thứ ba có thể kể đến là ngành Du lịch và Dịch vụ khác liên quan. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm kỷ lục. Số lượng khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc - nguồn khách chủ yếu của thị trường du lịch Việt Nam, giảm đi đáng kể do việc hạn chế các chuyến bay đến từ vùng dịch. Khách du lịch nội địa cũng sẽ tạm hoãn lại các kế hoạch.. Dự đoán, năm 2020,doanh thu của ngành Du lịch Việt Nam sẽ thất thoát từ 7 - 15 tỷ USD.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tổng cục Thống kê (2020)Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020.
2. Hà Anh (2020), GDP quý 1/2020 tăng thấp, chỉ đạt 3,82%, , Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam,.
3. Tổng cục Thống kê: https://www.gso.gov.vn/
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: http://www.mpi.gov.vn/
5. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: http://dangcongsan.vn/
6. Bộ Công Thương : https://www.moit.gov.vn/
An overview on Vietnam’s economy in the first 3 months and challenges in the next 9 months of 2020
Master. Nguyen HongYen
Faculty of Finance and Banking, University of Economics - Technology
for Industries
ABSTRACT:
In the first 3 months of 2020, the Covid-19 pandemic has severely affected the production, business and social activities in many countries, halting the global economy. Facing various opportunities and challenges, Vietnam’s socio-economic situation in the first quarter of 2020 remained stable thanks to the timely and drastic guidance and administration of the Goverment of Vietnam as well as efforts of state agencies, departments, branches, localities, business community and people across the country.
Although Vietnam’s economic growth of the first quarter of 2020 only at 3.82%, the lowest in 10 years, it is still a fairly high growth rate comparing to other countries. This article analyzes the situation of Vietnam's economy in the first 3 months of this year and forecasts challenges in the next nine months of 2020.
Keywords: Vietnam's economy, economic crisis, impacts of the Covid-19 pandemic, growth rate, socio-economic indicators.