Trong 5 năm, từ năm 2015 đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức thành công 17 phiên chợ tại 6 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh bao gồm: Phiên chợ đưa hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới tại các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông.
Mỗi phiên chợ kéo dài từ 3 - 7 ngày, quy mô từ 20 - 100 gian hàng với sự tham gia của 10 - 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan mua sắm.
Thông qua các Phiên chợ hàng Việt, người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh đã có điều kiện được tiếp cận với hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đa dạng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, thúc đẩy hoạt động thương mại tại khu vực này ngày càng phát triển.
Đồng thời, các doanh nghiệp có cơ hội khảo sát nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tìm kiếm thị trường, mở chi nhánh, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Phiên chợ hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, biên giới còn là cơ hội để xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt, tôn vinh thương hiệu Việt của các doanh nghiệp, gắn kết doanh nghiệp với thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa;
Thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có giá cạnh tranh với so với hàng ngoại, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng đang bày bán ở thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới.
Chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới được tổ chức thành công qua mỗi năm đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng tại các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn được tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp.
Đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước giới thiệu và quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, khoảng cách chênh lệch giữa các huyện, thành phố của tỉnh đã được thu hẹp đáng kể, đời sống của người dân được cải thiện.
Tuy là tỉnh miền núi điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến năm 2018 đều đạt trên mức 10% hàng năm.