TÓM TẮT:
Bài viết phân tích khái niệm và căn cứ miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại theo Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, tập trung làm rõ khái niệm và các căn cứ pháp lý của chế định miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Hình sự, qua đó làm rõ các vấn đề lý thuyết xoay quanh chế định này.
Từ khóa: pháp nhân thương mại phạm tội, miễn hình phạt, Bộ luật Hình sự.
1. Đặt vấn đề
Bộ luật Hình sự (BLHS) không chỉ quy định về các hành vi phạm tội mà còn đặt ra các biện pháp xử lý, trong đó hình phạt là nội dung cốt lõi và không thể thiếu. Theo một số tài liệu, “hình phạt là hậu quả pháp lý của tội phạm, luôn gắn liền với tội phạm.”[1] Cụ thể, khi một cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi có tính nguy hại cao cho xã hội, thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS, trừ các trường hợp loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, hậu quả pháp lý phát sinh sẽ là hình phạt do Nhà nước áp dụng. Đây là biểu hiện rõ nét về quyền lực đặc biệt của Nhà nước, buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội không chỉ nhằm trừng trị pháp nhân thương mại phạm tội, mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa sự tái diễn của các hành vi phạm tội tương tự, đồng thời phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm.[2]
Tính nghiêm khắc như vậy là cần thiết để đảm bảo chức năng phòng, chống tội phạm, cũng như bảo vệ và giáo dục xã hội của Luật Hình sự. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tất cả các hành vi phạm tội đều được xử lý theo cùng một cách thức.[3] Trong một số trường hợp, việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng hình phạt đối với chủ thể phạm tội có thể không cần thiết, không đạt được mục đích răn đe, hoặc thậm chí mâu thuẫn với nguyên tắc nhân đạo của Luật Hình sự Việt Nam[4]. Đối với những tình huống đặc thù như vậy, Nhà nước có quyền quyết định miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của vụ việc.
Trong bài viết, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu khái niệm và các căn cứ miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại, nhằm làm rõ các khía cạnh pháp lý và tìm hiểu, liên hệ với một số thực tiễn về chế định này.
2. Khái niệm miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại.
Miễn hình phạt là quyết định của Nhà nước không áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, dù họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.[5] Đây là một biện pháp mang tính linh hoạt, được cân nhắc áp dụng dựa trên các yếu tố cụ thể của từng vụ án.
Đối với pháp nhân thương mại, các căn cứ miễn hình phạt được quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, pháp nhân thương mại có thể được miễn hình phạt nếu đã “khắc phục toàn bộ hậu quả và bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.” Điều này phản ánh sự nhấn mạnh của pháp luật vào việc khắc phục hậu quả, hướng tới tái lập trật tự và giảm thiểu thiệt hại cho xã hội.
Cần nhận thức pháp nhân thương mại là các tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội mà tổ chức thực hiện trong quá trình hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do đặc thù về bản chất và cơ cấu, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại không phải lúc nào cũng đạt được các mục tiêu cơ bản của Luật Hình sự như răn đe và giáo dục. Một số trường hợp, việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân không chỉ không mang lại hiệu quả tích cực, mà còn có nguy cơ gây tổn hại đến lợi ích của các chủ thể khác như ảnh hưởng đến việc làm, quyền lợi của người lao động cho pháp nhân.
Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại có thể được xem như một cơ chế pháp lý đặc biệt, vừa tạo điều kiện để pháp nhân tiếp tục hoạt động, vừa khuyến khích sự tự giác và trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ được áp dụng trong các trường hợp đặc biệt, khi tính chất hành vi phạm tội, mức độ thiệt hại và khả năng khắc phục hậu quả đã được xem xét một cách toàn diện và kỹ lưỡng.
Như vậy, miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại là “việc tòa án quyết định không áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.”
3. Căn cứ miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại.
Chế định miễn hình phạt được đặt ra trên cơ sở cân nhắc những tác động tiêu cực của việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân phạm tội. Điều 88 BLHS quy định điều kiện miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại theo hướng mở rộng so với cá nhân, cụ thể:“Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Như vậy, hai căn cứ mà pháp nhân thương mại phải hội đủ để được miễn hình phạt là:
Phải khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Theo đó, các căn cứ miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại đều hướng đến hai mục tiêu chính: một mặt là sửa chữa, khôi phục trạng thái ban đầu trước khi xảy ra hành vi phạm tội hoặc giảm thiểu tối đa những hậu quả tiêu cực; mặt khác, là sự khuyến khích từ phía Nhà nước, nhằm tạo động lực để pháp nhân thương mại tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các căn cứ này nằm ở yêu cầu cụ thể: trong khi căn cứ thứ nhất yêu cầu pháp nhân thương mại phải khắc phục toàn bộ hậu quả, thì căn cứ thứ hai tập trung vào việc bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Để rõ hơn, nhóm sẽ trình bày chi tiết trong từng căn cứ miễn hình phạt trong phần dưới đây.
Thứ nhất, để được miễn hình phạt, pháp nhân thương mại phải khắc phục được toàn bộ hậu quả của tội phạm.
Điều kiện đầu tiên được đặt ra là pháp nhân phải “khắc phục toàn bộ hậu quả”. Trong thực tiễn, việc hiểu và đánh giá thế nào là “toàn bộ” nhiều khi tạo ra các quan điểm khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn và vướng mắc khi áp dụng. Bởi lẽ, dụng ý của nhà làm luật khi sử dụng thuật ngữ này nhằm để tạo ra tính bao quát, mở rộng phạm vi, trên hết là không có tiêu chí cụ thể để xác định nên việc đánh giá phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan, người có thẩm quyền mà cụ thể ở đây là Thẩm phán. Điều này dẫn đến khả năng xác định thế nào là toàn bộ hậu quả trong các trường hợp có thể khác nhau tùy theo các yếu tố của vụ án hình sự.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự không đưa ra quy định cụ thể về việc như thế nào được xem là khắc phục hoàn toàn hậu quả, đồng thời thực tiễn cũng chưa ghi nhận trường hợp pháp nhân thương mại nào được miễn hình phạt và cũng chưa có hướng dẫn nào cụ thể nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điều kiện này. Mặc dù vậy, trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhận thấy trong BLHS 2015 tình tiết “khắc phục hậu quả” không chỉ xuất hiện trong quy định về điều kiện miễn hình phạt của pháp nhân thương mại, mà còn xuất hiện trong quy định về tình tiết giảm nhẹ của cả thể nhân và một số quy định khác. Các quy định này không có cùng nội dung với quy định về điều kiện miễn hình phạt nhưng về bản chất đều hướng tới hành vi khắc phục hậu quả nên thông qua việc so sánh, liên hệ, có thể sẽ xác định cơ bản nội dung của việc khắc phục hậu quả.
Dựa trên định hướng này, nhóm đã tiến hành nghiên cứu. Kết quả, nhóm phát hiện các quan điểm khác nhau về nội hàm của khái niệm “hậu quả”, cụ thể:
đầu tiên là quan điểm của Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự tại mục 1 “về tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” (điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự).” trong Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/04/2012 về “áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự”: “Sửa chữa, bồi thường và khắc phục là ba khái niệm có nội dung khác nhau, cụ thể: sửa chữa là chữa lại những cái bị hư hỏng; bồi thường là đền bù lại những thiệt hại mà mình gây nên cho người khác; khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt hại này không thể bồi thường hay sửa chữa được…”. Quan điểm của Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự trong công văn trên có thể được tóm gọn rằng: bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả là hai khái niệm không đồng nhất nhưng có cùng bản chất pháp lý. Cụ thể, khắc phục hậu quả được hiểu là việc khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra, nhưng những thiệt hại này không thể được bồi thường hoặc sửa chữa hoàn toàn. Có thể thấy đây là quan điểm tương đối hẹp khi đồng nhất khái niệm "hậu quả" với những thiệt hại nằm ngoài khả năng bồi thường hay sửa chữa.
Tiếp theo là quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phần hỏi đáp trực tuyến về tình tiết “đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”: “ “Sửa chữa” là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra. "Bồi thường" là bồi thường tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. "Khắc phục hậu quả" là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được ...”. Quan điểm này cũng phân định rõ ràng giữa nội hàm của khái niệm "bồi thường thiệt hại" và "khắc phục hậu quả," đồng thời mở rộng định nghĩa của "hậu quả" thành các tác hại do tội phạm gây ra mà không thể bồi thường. Nếu như quan điểm đầu tiên đồng nhất "hậu quả" với "thiệt hại," thì quan điểm này bao quát hơn khi nhìn nhận hậu quả là các ảnh hưởng tiêu cực hoặc tác động có hại vượt ra ngoài phạm vi thiệt hại.
Trước hết, "hậu quả" và "thiệt hại" chia sẻ cùng bản chất pháp lý, đều thuộc phạm vi của khái niệm rộng hơn là “hậu quả thiệt hại” - chính là những "dấu vết" khách quan mà hành vi phạm tội để lại; hay nói cách khác đều là phát sinh do hành vi phạm tội, cả hai quan điểm được đề cập đều thừa nhận điều này. Đồng thời, thống nhất rằng các "hậu quả" trong trường hợp này mang tính chất đặc biệt, đó là tính “không thể bồi thường”. Dựa trên nguyên tắc cơ bản rằng bất kỳ ai có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, có thể suy đoán đoán rằng dụng ý của nhà làm luật ở đây là để mô tả các hậu quả mà không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mặc dù lý luận là vậy nhưng để xác định chính xác thế nào là không thể bồi thường không đơn giản, đồng thời, hiện nay chưa có vụ án nào áp dụng biện pháp miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại nên nhóm chỉ có thể dựa trên suy đoán pháp lý để làm rõ tính chất này. Để minh họa tính chất này, nhóm đưa ra ví dụ sau:
Pháp nhân thương mại A sản xuất hàng giả là thực phẩm và bán ra thị trường với giá rẻ hơn, dẫn đến nhiều ca ngộ độc thực phẩm: Anh B bị viêm ruột cấp tính, chị C bị suy gan cấp, cháu D bị dị ứng nặng và tổn thương hệ tiêu hóa. Sau điều tra, cơ quan chức năng khởi tố pháp nhân A về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015. Nhận thức được sai lầm, pháp nhân A đã làm đơn xin khắc phục hậu quả, trong đó tự nguyện thu hồi toàn bộ hàng giả để ngăn ngừa thêm ngộ độc.
Trong tình huống trên, có thể xác định được các thiệt hại mà pháp nhân sẽ phải bồi thường đó là các thiệt hại sức khỏe cho các bị hại. Bên cạnh đó, có thể thấy được hành vi khắc phục hậu quả ở đây là việc tự nguyện thu hồi toàn bộ hàng giả để ngăn ngừa nguy cơ hàng giả lưu thông trên thị trường gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Bởi tình trạng hàng hóa giả lưu thông trên thị trường là hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì không có thiệt hại.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ sự khác biệt giữa “không thể bồi thường” và “không phải bồi thường.”. Trường hợp “không phải bồi thường” được quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, chỉ xảy ra khi thiệt hại không xuất phát từ lỗi của người gây thiệt hại mà là do sự kiện bất khả kháng hay hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Một điểm nữa cần lưu ý, sự khác biệt của hai quan điểm còn nằm ở việc xác định nội hàm của “hậu quả”. Trong khi quan điểm đầu tiên đồng nhất hậu quả và thiệt hại thì quan điểm thứ hai lại xác định hậu quả ở đây là các tác hại do hành vi phạm tội gây ra.
Nếu xét theo quan điểm thứ nhất, quy định của BLHS trở nên dư thừa và không cần thiết. Trong khi đó, quan điểm thứ hai có phần hợp lý hơn, nhưng việc phân định giữa thiệt hại và các tác hại do hành vi phạm tội gây ra là không rõ ràng. Theo đó, về mặt lý luận, khi một hành vi phạm tội xảy ra, hậu quả thiệt hại có thể được biểu hiện dưới các dạng sau: (1) thiệt hại vật chất là các sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội; (2) thiệt hại về thể chất là sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể tự nhiên của con người; (3) thiệt hại về tinh thần là thiệt hại gây ra cho nhân phẩm, danh dự, tự do của con người; (4) các biến đổi khác là các biến đổi có tính nguy hiểm cho xã hội do hành vi khách quan gây ra mà không thuộc các loại biến đổi trên.[6]
Dựa trên cơ sở lý luận này, thiệt hại có thể bao gồm thiệt hại vật chất, thể chất và tinh thần, trong khi đó, các tác hại được hiểu là những biến đổi khác. Tuy vậy, do trên thực tế chưa có quy định nào làm rõ vấn đề này cũng như chưa có trường hợp áp dụng biện pháp miễn hình phạt trên thực tế nào nên nhóm chỉ có thể suy đoán pháp lý. Cùng lấy ví dụ ở trên thì “tình trạng hàng hóa giả lưu thông trên thị trường” cũng thỏa mãn mô tả này.
Cuối cùng, một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là để được xem xét miễn hình phạt, pháp nhân thương mại không chỉ cần khắc phục một phần mà phải khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Điều này đồng nghĩa với việc tòa án khi xem xét áp dụng biện pháp miễn hình phạt, phải có trách nhiệm định lượng và đánh giá một cách chính xác toàn bộ hậu quả từ hành vi phạm tội. Chỉ khi toàn bộ hậu quả được khắc phục một cách triệt để, pháp nhân thương mại mới đáp ứng được điều kiện để được miễn hình phạt.
Thứ hai, để được miễn hình phạt, pháp nhân thương mại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Nếu như điều kiện đầu tiên yêu cầu pháp nhân thương mại phải khắc phục các hậu quả của hành vi phạm tội thì điều kiện thứ hai đặt ra trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Tương tự như điều kiện đầu tiên, Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể thế nào là “bồi thường toàn bộ thiệt hại”. Tuy nhiên, vấn đề này đã được làm rõ trong các ngành luật khác ví dụ như quy định bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự, quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường trong luật bảo vệ môi trường,... Đồng thời, pháp luật cũng quy định rõ nghĩa vụ phải chứng minh thiệt hại là một điều kiện để được bồi thường thiệt hại, nên việc xác định pháp nhân thương mại thỏa mãn điều kiện này sẽ dễ dàng hơn là điều kiện ở trên. Để minh họa cho điều kiện này, nhóm lấy ví dụ: trường hợp pháp nhân thương mại A phạm tội gây ô nhiễm môi trường do xả thải gây ô nhiễm để lại hậu quả nghiêm trọng, các thiệt hại cùng với trách nhiệm xác định thiệt hại được quy định tại các Điều 130, 131, 132, 133 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, các thiệt hại pháp nhân sẽ phải bồi thường bao gồm: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Ngoài ra, cũng như điều kiện trên, quy định cũng yêu cầu pháp nhân thương mại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra, như vậy trong ví dụ trên, để đáp ứng được điều kiện, pháp nhân thương mại sẽ phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại được xác định theo Điều 131, 132 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
4. Kết luận về quy định miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại
Sau khi xem xét cả hai căn cứ cho thấy, về bản chất, điều kiện “bồi thường toàn bộ thiệt hại” tập trung vào các thiệt hại phát sinh từ hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, hoặc lợi ích hợp pháp của cá nhân hay tổ chức. Những thiệt hại này thường mang tính cụ thể, dễ nhận diện và định lượng. Trong khi đó, điều kiện “khắc phục toàn bộ hậu quả” mang tính bao quát hơn, hướng đến các tác động tiêu cực rộng lớn, hay là một quy định “quét” bao gồm cả những thiệt hại không được bao hàm trong khái niệm “bồi thường toàn bộ thiệt hại”. Việc phân định như vậy đảm bảo pháp nhân thương mại không chỉ chịu trách nhiệm với các thiệt hại cụ thể, mà còn phải xử lý các hậu quả ảnh hưởng tiêu cực khác mà hành vi phạm tội để lại. Như vậy, hai điều kiện trên vừa có sự khác biệt, vừa bổ sung cho nhau nhằm đảm bảo trách nhiệm toàn diện đối với mọi hậu quả mà hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại gây ra.
Mặt khác, không phải cứ đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định thì pháp nhân thương mại sẽ được miễn hình phạt. Mặc dù hội đủ các căn cứ theo quy định, pháp nhân thương mại không đương nhiên được áp dụng biện pháp miễn hình phạt. Điểm đặc biệt của chế định này nằm ở chỗ pháp luật không quy định một cách cứng nhắc mà trao quyền cho thẩm phán, cho phép họ đánh giá tổng thể dựa trên các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và bối cảnh cụ thể của vụ việc để quyết định việc miễn hình phạt. Chính vì vậy, những quan điểm cho rằng chế định miễn hình phạt có thể tạo cơ hội để pháp nhân thương mại “chuẩn bị trước” nhằm lợi dụng quy định này là thiếu căn cứ. Thực chất, cơ chế này được thiết kế nhằm đảm bảo tính linh hoạt và công bằng trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời khuyến khích pháp nhân tự giác khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Tư pháp, Tr. 276
2. “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”
3. Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Tư pháp, Tr. 30
4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Tư pháp, Tr. 276
5. Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Tư pháp, Tr. 276
6. Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Tư pháp, Tr. 127-132
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự năm 2015.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Tư pháp.
Criminal punishment exemption for legal commerial entities under Vietnam’s 2015 Penal Code
Nguyen Bui Thao Nguyen1
Dang Cong Duc Anh1
Nguyen Thi Dieu Huong1
1Student, Hanoi Law University
ABSTRACT:
This study examines the concept and legal basis for the exemption from punishment of commercial legal entities under Vietnam’s 2015 Penal Code. It provides a detailed analysis of the relevant legal provisions, clarifying their foundations and implications. Additionally, the study explores theoretical aspects of this legal framework, offering insights into its application and potential impact on commercial entities within the Vietnamese legal system.
Keywords: criminal liability of commercial legal entities, exemption from punishment, the Penal Code.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2025]