Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại các Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN HỮU TẤN (Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam) - PGS.TS. TRẦN ĐÌNH KHÔI NGUYÊN (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát tại các đài phát thanh - truyền hình (PT-TH) cấp tỉnh tại Việt Nam. Thông qua khảo sát cán bộ quản lý tại các đài PT-TH, phương pháp phân tích nhân tố đã xây dựng các nhân tố tổng hợp cấu thành nên các thành phần của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB). Phương pháp phân tích hồi qui được áp dụng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu hệ thống KSNB ở các đài. Đây là những gợi ý để đưa ra các hàm ý chính sách nhằm nâng cao tính hữu hiệu trong công tác kiểm soát nội bộ tại các Đài trong thời gian tới.

Từ khóa: Kiểm soát nội bộ, tính hữu hiệu, mục tiêu chính trị, hiệu quả tài chính, tính tin cậy báo cáo quyết toán, đài phát thanh - truyền hình.

1. Đặt vấn đề

Ngành Phát thanh - Truyền hình là một lĩnh vực có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, góp phần tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cùng với quá trình đổi mới quản lý kinh tế, khu vực công cũng có nhiều thay đổi về cơ chế quản lý mà điểm nhấn là chuyển dần sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị định số 43/NĐ-CP/2006 và gần đây nhất là Nghị định số 16/NĐ-CP/2016. Những thay đổi về cơ chế quản lý đòi hỏi các đơn vị sự nghiệp nói chung và các đài PT-TH cấp tỉnh nói riêng vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; vừa quản lý và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, nâng cao đời sống cho người lao động. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một hệ thống KSNB hữu hiệu là một trong những phương thức để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, các nghiên cứu về KSNB trong lĩnh vực công còn chưa được đề cập đến, đặc biệt là các nghiên cứu định lượng. Câu hỏi đặt ra là những nhân tố nào ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại các Đài PT-TH cấp tỉnh? Thông qua một nghiên cứu định lượng, bài viết này bàn về cách tiếp cận đánh giá hệ thống KSNB và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại các đài PT-TH cấp tỉnh tại Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp định lượng để đánh giá tính hữu hiệu hệ thống KSNB ở các Đài. Một bảng câu hỏi điều tra được thiết kế trên cơ sở phỏng vấn sâu các chuyên gia theo kiểu bàn tròn tại 3 khu vực: Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam. Phương pháp định lượng được thực hiện thông qua điều tra chọn mẫu các đối tượng là lãnh đạo của các Đài PT-TH, các trưởng (phó) các phòng chức năng có liên quan. Với 372 phiếu phát ra, tác giả đã thu được 340 phiếu với tỷ lệ 91,3%. Số lượng phiếu đã làm sạch được đưa vào xử lý và phân tích là 340 phiếu, đạt tỷ lệ: 91,3%.

Mô hình đánh giá tính hữu hiệu hệ thống KSNB ở các đài PT-TH cấp tỉnh được khái quát như sau: Y = α0 + αi Xi+ βiXj + ε

Trong đó:

Y gồm có 3 biến thành phần đại diện cho 3 mục tiêu kiểm soát;

Xi là các biến liên quan đến các thành phần của kiểm soát nội bộ;

Xj là các biến kiểm soát. Các biến này gồm có hai loại: Loại 1 là các biến giả để xem xét ảnh hưởng giới tính (D1) và khu vực (D2 và D3) đối với mô hình nghiên cứu. Loại 2 là các biến liên tục, như thâm niên công tác.

Biến phụ thuộc (Y) được đo lường đã rút trích từ phân tích nhân tố, bao gồm ba nhân tố được đặt tên lần lượt là Mục tiêu chính trị, Hiệu quả tài chính và Tính tin cậy báo cáo quyết toán.

Biến độc lập cũng được đo lường trên cơ sở phân tích nhân tố, gồm các biến số:  Môi trường kiểm soát (6 chỉ mục), Đánh giá rủi ro (4 chỉ mục), Hoạt động kiểm soát (6 chỉ mục) và Truyền thông và giám sát (10 chỉ mục). Các chỉ mục được đo theo thang đó Liker mức 5 với mức 1 là rất không đồng ý và mức 5 là rất đồng ý. Kết quả phân tích nhân tố rút trích là cơ sở để thực hiện mô hình hồi qui trên.

3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Đối với mô hình thứ nhất với biến phụ thuộc “Mục tiêu chính trị của các đài, kết quả nghiên cứu (Bảng 1) cho thấy mô hình có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, nhưng hệ số R2 điều chỉnh cho thấy khả năng giải thích của các nhân tố trong mô hình này đối với nhận định của đáp viên về Mục tiêu chính trị của các đài còn khá thấp, ở mức 10,6%. Đây là một đặc thù của nghiên cứu này so với các nghiên cứu khác ở các lĩnh vực khác, khi các Đài PT-TH còn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Liên quan đến kiểm định giá trị ước lượng các hệ số hồi qui của mô hình, kết quả nghiên cứu cho thấy hệ số hồi qui của biến “Truyền thông và giám sát có giá trị dương (0.301) và có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%. Điều này có nghĩa nếu các Đài có thông tin đầy đủ và truyền thông kịp thời trong công tác quản lý và thực hiện tốt công tác giám sát thì Mục tiêu chính trị của các đài càng thực hiện tốt hơn. Khi trao đổi với các chuyên gia trong ngành PT-TH về kết quả này, các chuyên gia đều cho rằng, do công tác phát thanh truyền hình có nhiệm vụ chính trị rất đặc biệt, nên nội dung bản tin trên sóng phát thành và truyền hình đều phải qua nhiều khâu kiểm duyệt về nội dung.

Đối với các biến độc lập còn lại, hệ số hồi qui của các nhân tố Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro và Hoạt động kiểm soát đều không có ý nghĩa thống kê. Điều này có nghĩa các nhân tố truyền thống theo khung lý thuyết của INTOSAI không ủng hộ các giả thuyết đã đưa ra; và không ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu chính trị tại các đài. Đây cũng là một đặc thù cần quan tâm nếu chỉ xem xét đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Các biến kiểm soát trong mô hình đầu tiên cũng không có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%. Tuy nhiên, biến kiểm soát Vị trí công việc có ý nghĩa thống kê ở mức 5%; và biến giả Khu vực 1 có ý nghĩa thống kê ở mức 10%. Ở một góc độ nào đó, kết quả này cho thấy những người tham gia đánh giá mục tiêu thực hiện nhiệm vụ ở các Đài là lãnh đạo đơn vị (Giám đốc, Phó giám đốc) có cách nhìn nhận về tầm quan trọng và việc thực thi nhiệm vụ chính trị so với lãnh đạo các phòng ban ở các Đài PT-TH cấp tỉnh. Biến giả Khu vực 1 có ý nghĩa ở mức 10% cho thấy người đánh giá ở khu vực phía Bắc nhìn nhận về việc thực hiện mục tiêu chính trị hơn ở các Đài tại 2 khu vực còn lại.

Bảng 1. Kết quả phân tích hồi qui với biến phụ thuộc là Mục tiêu chính trị

Mục tiêu chính trị

Ở mô hình thứ hai với biến phụ thuộc Mục tiêu về hiệu quả tài chính của các đài, kết quả từ Bảng 2 cho thấy mô hình có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và các nhân tố trong mô hình có thể giải thích 19% sự thay đổi của biến “Mục tiêu về hiệu quả tài chính của các đài”.

Liên quan đến kiểm định giá trị ước lượng các hệ số hồi qui của mô hình, kết quả nghiên cứu cho thấy hệ số hồi qui của biến Hoạt động kiểm soát, Môi trường kiểm soát và Đánh giá rủi ro có giá trị lần lược là +0.376, +0.178, +0,163 và đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%. Điều này có nghĩa việc thiết lập và thực hiện tốt các thủ tục kiểm soát sẽ giúp các Đài sẽ quản lý tốt tài sản, các hoạt động thu - chi của mình, qua đó góp phần làm tăng chênh lệch thu chi để tăng trích lập các quĩ và thu nhập cho người lao động. Ngoài hoạt động kiểm soát, môi trường kiểm soát một khi đã được thiết lập rõ ràng thông qua các qui chế hoạt động. Các nguyên tắc khen thưởng minh bạch sẽ góp phần làm các Đài thực hiện đúng các qui trình trong quản lý để nâng cao kết quả tài chỉnh của các Đài. Công tác đánh giá rủi ro thông qua việc rà soát, đánh giá những thay đổi về môi trường hoạt động, nhất là khi công nghệ truyền thông thay đổi nhanh chóng và trong bối cảnh tự chủ hoạt động sẽ giúp các Đài có những giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả tài chính của các Đài.

Nhân tố Truyền thông và giám sát trong mô hình thứ hai dù có quan hệ cùng chiều với Mục tiệu tài chính, nhưng hệ số ước lượng này lại không có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Nói cách khác, nhân tố Truyền thông và giám sát không ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu về hiệu quả tài chính ở các Đài PT-TH cấp tỉnh.

Cũng như ở mô hình 1, các biến kiểm soát trong mô hình này cũng không có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, cho thấy các biến số giới tính, vị trí công việc, tính vùng miền và thâm niên công tác của những người đánh giá không tác động đến việc thực hiện mục tiêu tài chính. Kết quả này thể hiện sự nhất quán trong quản lý với mục tiêu nâng cao hiệu quả tài chính ở các Đài.

Bảng 2. Kết quả phân tích hồi qui với biến phụ thuộc là Hiệu quả tài chính

Hiệu quả tài chính

Đối với mô hình thứ 3 với biến phụ thuộc là Mục tiêu tin cậy của BCQT, kết quả phân tích ở Bảng 3 cho thấy mô hình này có giá trị thống kê F là 5,724 và ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Hệ số R2 điều chỉnh của mô hình này là 0,111 có nghĩa các nhân tố trong mô hình có khả năng giải tích 11,1% sự thay đổi về mục tiêu tin cậy của Báo cáo quyết toán ở các đài.

Liên quan đến kiểm định giá trị ước lượng các hệ số hồi qui của mô hình, kết quả ở Bảng 3 cho thấy cả bốn nhân tố “Truyền thông và giám sát”, “Hoạt động kiểm soát”, “Môi trường kiểm soát” và “Đánh giá rủi ro” đều có hệ số hồi qui dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Kết quả này cho thấy việc lập, trình bày và minh bạch các số liệu tài chính ở các Đài PT-TH cấp tỉnh chịu tác động đồng thời của nhiều nhân tố cấu thành hệ thống KSNB. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với đặc thù quản lý ở khu vực công. Theo đó, các hoạt động mua sắm, đầu tư, chi tiêu phải tuân thủ theo qui chế chi tiêu nội bộ và các qui định pháp luật của Nhà nước. Khi các đơn vị đã tuân thủ theo các qui định này thì những số liệu quyết toán trên báo cáo quyết toán sẽ phản ánh tin cậy tình hình thu - chi theo các qui định tài chính của Nhà nước.

Tương tự như mô hình 1 và 2, các biến kiểm soát trong mô hình 3 đều không có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và 5%. Tuy nhiên, nếu xét riêng biến giả ở khu vực vùng miền, thì biến giả Khu vực 2 có hệ số hồi qui là +0,23 và có ý nghĩa thống kế ở mức 10%. Con số này hàm ý người đánh giá ở các Đài khu vực phía Nam đánh giá việc thực hiện mục tiêu tin cậy BCQT cao hơn người đánh giá ở 2 khu vực còn lại.

Bảng 3. Kết quả phân tích hồi qui với biến phụ thuộc là Tính tin cậy Báo cáo quyết toán

Tính tin cậy Báo cáo quyết toán

4. Kết luận

Nghiên cứu này đánh giá tính hữu hiệu của hệ thống KSNB trên cơ sở 5 thành phần của hệ thống KSNB với mục tiêu kiểm soát tại các đài PT-TH tại Việt Nam. Với đặc thù của ngành Phát thanh - Truyền hình trong bối cảnh các đơn vị được giao tự chủ chi thường xuyên nên mục tiêu kiểm soát có những đặc điểm riêng so với các đơn vị sự nghiệp công lập khác. Mục tiêu kiểm soát không chỉ là mục tiêu chính trị mà còn là mục tiêu về tài chính và chất lượng báo cáo quyết toán.

Qua phân tích hồi qui, nghiên cứu cũng cho thấy các mô hình riêng biệt đều có ý nghĩa thống kê. Vai trò của thành phần Truyền thông và giám sát có ý nghĩa rất lớn đối với Mục tiêu chính trị. Điều này đòi hỏi lãnh đạo và các phòng chức năng phải hết sức coi trọng các nội dung bản tin để tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với người xem truyền hình. Đây là một nét riêng trong nghiên cứu.

Để nâng cao hiệu quả tài chính của các đài PT-TH thì vai trò của hoạt động kiểm soát, đánh giá rủi ro và môi trường kiểm soát vẫn là các yếu tố quyết định. Điều này đòi hỏi việc rà soát các qui trình đầu tư, mua sắm, chi tiêu hoạt động và duyệt giá các dịch vụ ở đài luôn phải được quan tâm và rà soát thường xuyên thì mới góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chất lượng của báo cáo quyết toán ở các đài chịu ảnh hưởng bởi cả 4 nhân tố cho thấy một khi các thành phần của hệ thống KSNB vận hành tốt thì chất lượng thông tin kế toán cung cấp cho quản lý sẽ được nâng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2006), Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
  2. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CPngày14/02/2015 về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
  3. Amudo, A & Inanga, L. (2009). Evaluation of Internal Control Systems: A Case Study from Uganda. International Research Journal of Finance and Economics, 1(27), 124-144.
  4. COSO. (2013). The 2013 Internal Control Integrated Framework. Truy cập tại https://www.coso.org/ Pages/ic.aspx
  5. Gamage Mrs. C. T, Kevin Low Lck and Dr.AAJ Fernando. (2014). Effectiveness of internal control system in state commercial banks in Sri Lanka. International Journal of Scientific Research and Innovative Technology, 1(5),
  6. Jokipii, A. (2006). The Structure and effectiveness of Internal Control: A Contingency Approach. Universitas Wasaensis
  7. Lnsiluoto. Aapo, Annukka Jokipii, Tomas Eklund. (2016). Internal Control effectiveness - A clustering approach. Managerial Auditing Journal, 31(1), 5-34.
  8. Ofori W. (2011). Effectiveness of Internal Control System: A perception Reality. A thesis submitted to the institute of distance learning, Kwame Nkrumah University of Science and Technology in partial fulfillment of the requirement for the degree of Commonwealth Executive Masters of Business Administration Institute of Distance Learning
  9. Sultana R and Haque M. E. (2011). Evaluation of Internal Control Structure: Evidence from Six Listed Banks in Bangladesh”. ASA University Review, 5(1),

DETERMINANTS OF THE EFFECTIVENESS

OF INTERNAL CONTROL SYSTEM AT PROVINCIAL RADIO

AND TELEVISION STATIONS IN VIETNAM

• Master. NGUYEN HUU TAN

Quang Nam Province Radio - Television Station

• Assoc.Prof. Ph.D TRAN DINH KHOI NGUYEN

School of Economics, Da Nang University 

ABSTRACT:

This paper identifies the factors affecting the internal control of provincial radio and television stations in Vietnam. Synthetic components of the internal control system at radio and television stations are identified by surveying the managers of radio - television stations and using the exploratory factor analysis method. The method of regression analysis is used to identify the determinants of the effectiveness of internal control system at radio and television stations. This papers findings are expected to provide policy implications to help provincial radio and television stations in Vietnam improve the effectiveness of their internal control systems in the coming time.

Keywords: Internal control, efficiency, political objectives, financial efficiency, reliability, final settlement reports, radio - television station.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2020]