TÓM TẮT:
Bài viết nhằm mục đích nghiên cứu tác động của việc thuyết minh trách nhiệm đối với môi trường và xã hội theo quy định của Thông tư 155 đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dựa trên Thông tư 155 và lý thuyết về trách nhiệm xã hội (CSR) chúng tôi xây dựng bảng chấm điểm việc thuyết minh dựa trên chất lượng và cả số lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thuyết minh về mặt chất lượng trách nhiệm đối với môi trường và xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp.
Từ khóa: trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thuyết minh tự nguyện, hiệu quả tài chính.
1. Đặt vấn đề
Tạo ra và duy trì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp luôn là một bài toán khó đối với bất kỳ một nhà quản lý nào. Một trong những phương pháp các doanh nghiệp thường theo đuổi để tạo ra mức hiệu quả hoạt động mong muốn là thực hiện các chính sách trách nhiệm đối với xã hội (Aigner, 2016). Trên thực tế đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc công ty thực hiện trách nhiệm xã hội có thể cải thiện được hiệu quả tài chính của mình như Grahame (2016), Galant và Cadez (2017), Syami và cộng sự (2017), Wang và Sarkis (2017)… Trước những lợi ích của việc trình bày về CSR trên báo cáo tài chính (BCTC), vào năm 2016, Bộ Tài chính Việt Nam ban hành Thông tư 155 về việc trình bày trách nhiệm với môi trường và xã hội của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam trên BCTC. Tuy nhiên, việc trình bày này chỉ dừng lại ở các tác động của doanh nghiệp đến môi trường và xã hội chứ chưa hoàn toàn bao quát về trách nhiệm xã hội CSR. Vấn đề cần xem xét ở đây nữa là liệu rằng việc Bộ Tài chính yêu cầu trình bày về vấn đề này có tác động đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam không? Do đó, bài nghiên cứu trình bày hiệu quả của việc thực hiện Thông tư 155 của Bộ Tài chính cũng như xem xét các yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 -2019.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Trách nhiệm xã hội (CSR)
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR), chính là cam kết của công ty đóng góp cho việc phát triển nền kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… theo cách có lợi cho cả công ty và sự phát triển xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiện nay đã phổ biến nhưng vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
CSR theo định nghĩa quốc tế: Trong các nghiên cứu về CSR, có nghiên cứu về mô hình “Kim tự tháp” của Carroll (1979) có tính toàn diện và được sử dụng rộng rãi nhất. Theo đó, CSR bao gồm trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và thiện nguyện. Trách nhiệm kinh tế, thể hiện qua hiệu quả và tăng trưởng, là điều kiện tiên quyết bởi doanh nghiệp được thành lập trước hết từ động cơ tìm kiếm lợi nhuận của doanh nhân. Trách nhiệm pháp lý được biểu hiện qua việc nhà nước có trách nhiệm “mã hóa” các quy tắc xã hội, đạo đức vào văn bản luật, để doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu kinh tế trong khuôn khổ đó một cách công bằng và đáp ứng được các chuẩn mực và giá trị cơ bản mà xã hội mong đợi ở họ. Trách nhiệm đạo đức là những quy tắc, giá trị được xã hội chấp nhận nhưng chưa được “mã hóa” vào văn bản luật. Còn cuối cùng là trách nhiệm thiện nguyện là những hành vi của doanh nghiệp vượt ra ngoài sự trông đợi của xã hội, như quyên góp ủng hộ cho người yếu thế, tài trợ học bổng, đóng góp cho các dự án cộng đồng.
CSR theo Thông tư 155: Thông tư số 155 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp. Thông tư được đưa ra thay thế cho Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Quy định công bố thông tin về môi trường và xã hội trong Thông tư 155 đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam nhằm hướng đến một thị trường tài chính bền vững. Đây là lĩnh vực mà các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm, vì sắp tới, triển vọng phát triển dài hạn của công ty sẽ được trình bày rõ hơn trong báo cáo thường niên thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, sự tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như cách thức doanh nghiệp quản lý những tác động và rủi ro có liên quan đến môi trường và xã hội.
Thông tư nêu rõ, về vấn đề môi trường, doanh nghiệp cần trao đổi các thông tin liên quan đến việc quản lý nguồn nguyên vật liệu, mức tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ nước trong năm, từ đó chia sẻ các sáng kiến nhằm tiết kiệm năng lượng. Về mặt xã hội, những vấn đề cốt lõi cũng được đề cập, bao gồm các chính sách liên quan đến phúc lợi, điều kiện làm việc, nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động; trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng địa phương.
2.2. Lý thuyết nền
2.2.1. Lý thuyết tín hiệu
Lý thuyết tín hiệu ban đầu được phát triển để làm rõ sự không đối xứng về thông tin trong thị trường lao động (Spence, 1973). Theo Spence, người lao động muốn tìm được việc làm cần phát tín hiệu, nghĩa là cung cấp thông tin cá nhân đến thị trường lao động để bộc lộ khả năng của mình. Nhà quản lý nắm bắt được nhiều thông tin của công ty do họ là người điều hành, nếu họ cố tình che đậy có thể sẽ gây ảnh hưởng đến quyết định của cổ đông, từ đó gây bất lợi cho cổ đông.
Như vậy, để giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin, các công ty cần phát tín hiệu cho các bên liên quan. Tuy nhiên, các công ty thường có xu hướng phát tín hiệu có lợi cho bản thân công ty để che giấu những yếu kém và gia tăng sức cạnh tranh của công ty, nhằm thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, lý thuyết cho chúng ta thấy các nhà quản lý có mối quan hệ đối với việc tác động lên hiệu quả tài chính của công ty, đồng thời có liên quan tới việc trình bày đầy đủ về các trách nhiệm về môi trường và xã hội.
2.2.2. Lý thuyết hợp pháp
Lí thuyết hợp pháp được bắt nguồn trong nghiên cứu về tính hợp pháp trong chính trị của nhà kinh tế và xã hội học người Đức là Max Weber (1947). Lý thuyết hợp pháp cho rằng hoạt động của tổ chức phải theo các giá trị hay các chuẩn mực xã hội mà tổ chức đó hoạt động. Việc các tổ chức không tuân thủ các giá trị hay chuẩn mực xã hội có thể dẫn tới những khó khăn cho tổ chức đó trong việc đạt được sự ủng hộ của cộng đồng để tiếp tục hoạt động. Theo Suchman (1995), tính hợp pháp của tổ chức được xem như là một nguồn lực hoạt động tương tự như các nguồn lực khác mà một tổ chức yêu cầu để đạt được mục đích, là nhận thức tổng quát hoặc giả định rằng hành động của một thực thể là mong muốn, phù hợp hoặc thích hợp trong một vài hệ thống cấu trúc xã hội của các chuẩn mực, giá trị, niềm tin và các định nghĩa.
Lý thuyết hợp pháp cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về CSR vì nó thừa nhận rõ ràng rằng các công ty công bố thông tin để xoa dịu các bên liên quan có quyền lực hoặc để tránh né các quy định pháp luật, nhằm hợp pháp hóa sự tồn tại hoặc hoạt động của công ty đối với xã hội và môi trường (Gray và cộng sự, 1995).
2.2.3. Lý thuyết tự nguyện công bố thông tin
Lý thuyết tự nguyện công bố thông tin cho rằng, mục đích của công bố tự nguyện là do các hoạt động môi trường có thể chuyển thông tin liên quan đến tác động môi trường cho các cổ đông (Li và cộng sự, 1997; Bewley và Li, 2000). Li và Bewley sử dụng hiệu quả môi trường mục tiêu như là một cách để chuyển thông tin, hy vọng rằng các nội dung của việc công bố các hoạt động môi trường có thể liên quan tích cực đến hoạt động môi trường, và hy vọng thông qua việc công bố thông tin môi trường sẽ chuyển chiến lược môi trường của doanh nghiệp đến cổ đông (Clarkson và cộng sự, 2008). Với vai trò quan trọng của chính sách báo cáo tự nguyện của công ty, lĩnh vực nghiên cứu chính được phát triển để xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Công bố thông tin tự nguyện được phát triển ở cả thị trường mới nổi như Việt Nam.
2.3. Thực trạng việc thực hiện trách nhiệm xã hội
Thực tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh đã nhận thức rõ hơn về những lợi ích mà CSR mang lại và xem đó là sự tất yếu, cần thiết trong quá trình hội nhập. Chính phủ Việt Nam đã triển khai chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) vào quý 4 năm 2010, được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Hội đồng doanh nghiệp cũng được thành lập góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần phát triển bền vững thông qua việc thực hiện CSR. Theo đó, các doanh nghiệp ngoài trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước, còn thực hiện trách nhiệm xã hội dưới dạng các cam kết đối với xã hội trong việc bảo vệ môi trường, với cộng đồng địa phương nơi doanh nghiệp đóng và với người lao động.
Đến năm 2015, văn bản pháp lý đầu tiên yêu cầu công bố thông tin về phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết là Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Tính đến 2020, số lượng doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững ngày càng tăng vọt và các doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại không ít các doanh nghiệp đã không thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm xã hội thể hiện qua các hành vi gian lận BCTC, trốn thuế, vi phạm luật lao động, gây ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường, hàng hóa không đạt chất lượng,…
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Giả thuyết nghiên cứu
Cochran và Wood (1984) cho rằng có sự tác động mạnh mẽ của việc thực hiện CSR lên hiệu quả tài chính. Tsoutsoura (2004) sử dụng các công ty được lựa chọn trên Chỉ số S&P 500 trong giai đoạn 1996 - 2000 để đo lường tác động của CSR đối với các biện pháp hoạt động tài chính. Tsoutsoura (2004) tìm thấy mối liên hệ tích cực và đáng kể giữa thực hiện CSR và hiệu suất tài chính bao gồm ROA, ROE và ROS. Bên cạnh đó, còn nhiều nghiên cứu khác về CSR tác động đến hiệu quả tài chính như Orlitzky và cộng sự (2003), Purwanto (2011), Hirigoyen và Poulain-Rehm (2015), Pedersen và Bjartmarz (2015), Lê Đoàn Minh Đức và các cộng sự (2017)… Do đó, chúng tôi xây dựng các giả thuyết sau:
H1 Giá trị về mặt chất lượng của báo cáo
tác động đối với môi trường và xã hội có mối
tương quan đồng biến với hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.
H2 Giá trị về mặt số lượng của báo cáo tác động đối với môi trường và xã hội có mối tương quan đồng biến với hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.
3.2. Biến nghiên cứu
Dựa trên tiêu chí của Thông tư số 155/2015/TT-BTC, chúng tôi đo lường CSR thông qua xem xét và đánh giá việc thuyết minh báo cáo tác động đến môi trường và xã hội của đơn vị. Qua đó, đánh giá trên 2 phương diện về chất và về lượng (CSRquantity và CSRquality). Các biến nghiên cứu được trình bày tổng hợp trong Bảng 1.
Bảng 1. Các biến nghiên cứu
3.3. Mô hình nghiên cứu
Để tìm hiểu mối quan hệ giữa hiệu quả tài chính và việc thuyết minh báo cáo tác động đối với môi trường và xã hội chúng tôi sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến. Với các biến nghiên cứu và mô hình nghiên cứu trước đó, chúng tôi hình thành 2 mô hình nghiên cứu sau:
- Mô hình A: nghiên cứu thuyết minh về mặt số lượng (CSRQuantity) tác động đối với môi trường và xã hội ảnh hưởng đến Hiệu quả tài chính.
- Mô hình B: nghiên cứu thuyết minh về mặt chất lượng (CSRQuality) tác động đối với môi trường và xã hội ảnh hưởng đến Hiệu quả tài chính.
3.4. Dữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu lấy thông tin các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam giai đoạn 2016-2019. Bên cạnh đó, do việc tác động của các biến độc lập chính lên biến phụ thuộc không thể xảy ra ngay được, vì vậy trong mô hình, các biến phụ thuộc sẽ ở thời gian t và biến độc lập chính sẽ ở thời gian t-1.
Tương đồng với các nghiên cứu trước, các doanh nghiệp có tính chất tài chính đặc biệt, khác biệt so với những công ty khác sẽ được loại bỏ, bao gồm: các doanh nghiệp về tài chính và bảo hiểm, ngân hàng, công ty bất động sản. Việc loại bỏ các doanh nghiệp này sẽ góp phần nâng cao tính đồng nhất của mẫu nghiên cứu.
Tổng mẫu nghiên cứu bao gồm 239 công ty với 3.800 quan sát.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Kết quả kiểm định
Kết quả kiểm định sự phù hợp của mô hình nghiên cứu được trình bày trong Bảng 2.
Bảng 2. Bảng tóm tắt kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu
Kết quả kiểm định cho thấy với giá trị Prob > chi2 = 0.0012 < 0.05 và Prob > F = 0.0012 < 0.05, chúng tôi nhận thấy có hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan trong cách tiếp cận với biến phụ thuộc là ROA. Để khắc phục vấn đề này chúng tôi sử dụng mô hình sai số chuẩn mạnh Robust Standard errors (Zeileis, 2004), hay còn gọi là ước lượng sai số chuẩn vững để hồi quy cho mô hình.
4.2. Thảo luận kết quả
Xem xét tác động của việc thuyết minh về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội lên hiệu quả tài chính với biến phụ thuộc lần lượt là ROA và ROS. Với mức ý nghĩa 99,3% chúng tôi ghi nhận được biến CSRQuantity có ý nghĩa thống kê với hệ số Coef âm theo hướng tiếp cận ROS, tác động nghịch chiều với hiệu quả tài chính. Điều này có nghĩa là việc Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp thuyết minh về mặt số lượng các nguồn nguyên vật liệu, năng lượng,… sử dụng không những không làm cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Giả thuyết H1 bị bác bỏ.
Bảng 3. Kết quả hồi quy của 2 mô hình nghiên cứu
(trích xuất những biến có ý nghĩa thống kê)
Việc sử dụng nguồn lực doanh nghiệp để trình bày về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội trong điều kiện doanh nghiệp không có đủ có thể sẽ càng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không tìm thấy bằng chứng cho thấy việc thuyết minh về mặt chất lượng trách nhiệm đối với môi trường và xã hội tác động đến việc cải thiện hiệu quả tài chính. Giả thuyết H2 bị bác bỏ.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng ghi nhận các biến kiểm soát có khả năng tác động đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp Leverage, CEODuality, Bindependence, Big4 phù hợp với các nghiên cứu trước đó.
5. Kết luận
Giai đoạn 2016-2019, với sự ra xuất hiện của Thông tư 155 của Bộ Tài chính quy định việc công bố thông tin bắt buộc về môi trường và xã hội, các công ty đã chấp hành nhưng theo cách “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc”. Để đưa ra báo cáo về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội, các công ty phải hao tổn một khoản chi phí nhất định. Điều này dẫn đến hiệu quả tài chính của các công ty giảm dần, tình hình kinh doanh không phát triển thuận lợi, điều này được chứng minh thông qua nghiên cứu của chúng tôi với biến CSRQuantity tác động nghịch biến với hiệu quả tài chính. Vì vậy, việc bắt buộc tất cả các doanh nghiệp thực hiện trình bày về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội có thể không đạt được hiệu quả, gây khó khăn cho doanh nghiệp về việc đồng loạt tuân thủ quy định theo thông tư 155. Ngoài Thông tư 155 BTC về trách nhiệm xã hội, chúng tôi nhận thấy cần nghiên cứu thêm những yếu tố, chính sách khác ảnh hưởng đến thuyết minh tác động môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, có thể mở rộng mẫu nghiên cứu, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đo lường biến thuyết minh về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Việt Nam
- Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06 tháng 10 năm 2015 về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Thế giới
- Bewley, K., & Li, Y. (2000). Disclosure of environmental information by Canadian manufacturing companies: A voluntary disclosure perspective. Environmental Accounting & Management, 1, 201-226.
- Bryman, A. (2011). Integrating quantitative and qualitative research: How is it done? Qualitative research, 6(1), 97-113.
- Carroll, A. B. (1979). A Three-Dimensional Model of Corporate Performance. Academy of Management Review, 4(4), 497-505.
- Clarkson, P. M., Li, Y., Richardson, G. D., & Vasvari, F. P. (2008). Revisiting the relation between environmental performance and environmental disclosure: An empirical analysis. Accounting, organizations and society, 33(4-5), 303-327
- Deegan, C., & Bloomquist, C. (2006). Stakeholder influence on corporate reporting: An exploration of the interaction between WWF-Australia and the Australian minerals industry. Accounting, Organizations and Society, 31(4), 343-372
- Gray, R., Kouhy, R., and Lavers, S. (1995a). Methodological themes constructing a research database of social and environmental reporting by UK companies. Accounting, Auditing and Accountability Journal, 8(2), 78-101.
- Hirigoyen, G. and Poulain-Rehm, T. (2015). Relationship between corporate social responsibility and financial performance: what is the causality? Journal of Business and Management, 4(1), 18-43.
- Nelling, E. and Webb, E. (2009). Corporate social responsibility and financial performance: The ‘virtuous circle’ revisited. Review of Quantitative Finance and Accounting, 32, 197-209.
- Purwanto, A. (2011). Pengaruh tipe industri, ukuran perusahaan, profitabilitas, terhadap corporate social responsibility. Jurnal Akuntansi dan Auditing, 8(1), 12-29.
- Schreck, P. (2011). Reviewing the business case for corporate social responsibility: New evidence and analysis. Journal of Business Ethics, 103(2), 167-188.
- Spence, M. (1973). Job market signalling, Quarterly Journal of Economics, 87(3), 355- 374.
- Suchman, M. C. (1995). Managing Legitimacy: Strategic and Institutional Approaches. Academy of Management Review, 20(3), 571-610.
- Weber, M. (1947). The Theory of Social and Economic Organization. New York: Free Press.
THE RELATIONSHIP BETWEEN QUANTITY
AND QUALITY OF ENVIRONMENTAL AND SOCIAL
DISCLOSURES ON THE FINANCIAL PERFORMANCE
OF LISTED COMPANIES IN VIETNAM
• PHAM MINH VUONG
• NGUYEN THI ANH HA
Faculty of Accounting - Audit, Ho Chi Minh City Open University
ABSTRACT:
This study examines the impacts of environmental and social disclosures of responsibility in accordance with the Circular 155-2015-TT-BTC on Disclosure of information on the security market on the financial performance of listed companies in Vietnam. Based on the Circular’s content and the theory of corporate social responsibility, this study proposes a disclosure scorecard with the use of both quality and quantity measurements. This study’s results show that the environmental and social disclosures can negatively affect the financial performance of listed companies.
Keywords: cooperate social responsibility (CSR), voluntary disclosure, financial performance.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]