Một số bất cập trong quy định của pháp luật về miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

Bài báo nghiên cứu "Một số bất cập trong quy định của pháp luật về miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa" do ThS. Phạm Minh Quốc (Khoa Luật - Trường Đại học Thương mại) thực hiện.

Tóm tắt:  

Miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại (TN BTTH) do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa (HĐ MBHH) là việc bên có hành vi vi phạm HĐ MBHH (bên bán hoặc bên mua) không phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây ra (thực tế và trực tiếp) nếu chứng minh được mình ở vào các trường hợp do các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc do pháp luật đã có quy định. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định khung về vấn đề này, tuy nhiên còn thiếu tính đồng bộ, cần được bổ sung hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và bảo vệ lợi ích của các bên trong HĐ MBHH. Bài viết này nêu ra bản chất pháp lý về trách nhiệm BTTH do vi phạm HĐ MBHH, khái niệm về miễn trừ trách nhiệm BTTH do vi phạm HĐMBHH, đồng thời nêu ra những bất cập và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về miễn trừ trách nhiệm BTTH do vi phạm HĐ MBHH.

Từ khóa: bồi thường thiệt hại, miễn trừ trách nhiệm, hợp đồng mua bán hàng hóa.

1. Đặt vấn đề

Miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) khi vi phạm hợp đồng là một chế định pháp lý không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trực tiếp tham gia hợp đồng mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng ngừa dự kiến các rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại trong nước và quốc tế. Việc thiếu tính thống nhất giữa giữa luật chuyên ngành và luật dân sự trong nước, giữa pháp luật trong nước và các định chế pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập sẽ khiến việc áp dụng các trường hợp miễn trừ trách nhiệm BTTH do vi phạm hợp đồng nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý của vấn đề miễn trừ trách nhiệm BTTH do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa (HĐ MBHH), một số nội dung nghiên cứu sẽ được đề cập trong bài viết này, gồm: Bản chất pháp lý của trách nhiệm BTTH do vi phạm HĐ MBHH; Quan niệm về miễn trừ trách nhiệm BTTH khi có sự vi phạm HĐ MBHH; Những bất cập và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về miễn trừ trách nhiệm BTTH do vi phạm HĐ MBHH.

2. Khái quát về miễn trừ TN BTTH do vi phạm hợp đồng MBHH

2.1. Bản chất pháp lý của TN BTTH do vi phạm HĐ MBHH

Trong giao dịch hợp đồng, về nguyên tắc bên có hành vi vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm do sự vi phạm của mình. Điều này được ghi nhận trong bình diện pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước (Xem Điều 36, Điều 79 - CISG; Điều 7 - Bộ luật Dân sự (BLDS)). Cụ thể, BLDS 2015 có quy định: “Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự” (Khoản 5, Điều 3 - BLDS).  Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, định nghĩa “vi phạm hợp đồng” được hiểu là “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình” (Khoản 1, Điều 302 - BLDS).

Mặc dù không trực tiếp đưa ra định nghĩa về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng nói chung và HĐMBHH nói riêng, tuy nhiên, khái niệm về BTTH đã được phản ánh trong Luật Thương mại (LTM) 2005 như sau: “BTTH là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm” (Khoản 1, Điều 302 - LTM). Dù chưa có quy định cụ thể về TN BTTH là gì, xong LTM cũng đã chỉ ra 3 điều kiện để xác định TN BTTH phát sinh khi: (i) tồn tại vi phạm hợp đồng; (ii)có thiệt hại thực tế; (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại (Điều 303 - LTM). Đáng lưu ý trong quy định này, nhà làm luật có đề cập đến yêu cầu “trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”, TN BTTH sẽ phát sinh khi có đủ các điều kiện vừa nêu. Điều này cũng chứng tỏ vấn đề miễn trách nhiệm nói chung, trong đó có miễn trừ TN BTTH đã được quan tâm trong pháp luật thương mại.

Trong khoa học pháp lý, mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh cách hiểu về khái niệm TNBTTH do vi phạm HĐTM nói chung và HĐ MBHH nói riêng, tuy nhiên, các quan điểm này đều có sự thống nhất khi cho rằng: Hành vi vi phạm HĐMBHH của các bên tham gia hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng một hoặc nhiều loại chế tài khác nhau, như: buộc thực hiện đúng hợp đồng, hủy hợp đồng, phạt vi phạm, BTTH, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng… Trong các loại trách nhiệm pháp lý này, BTTH là loại chế tài được áp dụng khá phổ biến. Từ việc phân tích những quy định pháp luật hiện hành (theo BLDS 2015 và LTM 2005), đồng thời qua những quan điểm hiện nay về khái niệm TN BTTH do vi phạm HĐ MBHH, có thể thấy bản chất pháp lý của vấn đề TN BTTH do vi phạm HĐMBHH bao gồm một số nội hàm sau:

Thứ nhất, TN BTTH do vi phạm hợp đồng MBHH là một loại trách nhiệm tài sản bởi lẽ mục đích chính của việc áp dụng TN BTTH là nhằm khôi phục các tổn thất mà người bị thiệt hại phải gánh chịu do hành vi gây thiệt hại gây ra, mà các thiệt hại đó hầu như đều được xác định bằng giá trị cụ thể (giá trị có tính chất tài sản).

Thứ hai, TNBTTH do vi phạm HĐ MBHH được thực hiện phải gắn liền với hoạt động thương mại của thương nhân và đối tượng của HĐ MBHH là loại hàng hóa được lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, TN BTTH do vi phạm hợp đồng nói chung đã được ghi nhận trong BLDS và được cụ thể hóa trong LTM để áp dụng đối với các vi phạm hợp đồng phát sinh trong hoạt động thương mại trong đó bao gồm HĐ MBHH. Như vậy, do đặc tính đặc trưng của loại HĐ MBHH, pháp luật điều chỉnh việc áp dụng TN BTTH do vi phạm hợp đồng MBHH sẽ ưu tiên cho các quy định của LTM với tư cách là luật chuyên ngành, còn BLDS được coi là bộ luật chung cho hệ thống luật tư.

Thứ ba, TN BTTH do vi phạm hợp đồng MBHH chỉ phát sinh giữa các chủ thể là các bên của hợp đồng. Với BTTH ngoài hợp đồng, trách nhiệm pháp lý được áp dụng không chỉ đối với chủ thể có hành vi gây thiệt hại mà còn có thể áp dụng đối với chủ thể khác (chẳng hạn như: cha mẹ chịu TN BTTH do con chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại; chủ sở hữu nguồn nguy hiểm chịu BTTH do nguồn nguy hiểm thuộc sở hữu của mình gây ra…). Còn với trách nhiệm TN BTTH do vi phạm HĐ MBHH, chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý luôn là chủ thể đã có hành vi vi phạm hợp đồng và gây hậu quả thiệt hại cho bên kia của quan hệ hợp đồng.

Thứ tư, điều kiện áp dụng BTTH do vi phạm HĐTM nói chung và HĐ MBHH nói riêng là không cần sự thỏa thuận trước. Tuy nhiên điều đáng lưu ý ở đây là trong BLDS, nhà làm luật có xu hướng phân biệt rõ hai trường hợp áp dụng BTTH: (i) trường hợp áp dụng chế tài BTTH trong hợp đồng theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng (Điều 418 - BLDS); (ii) trường hợp áp dụng chế tài BTTH do có sự vi phạm hợp đồng của một bên (Điều 13, Điều 360 và Khoản 2 Điều 419 - BLDS). Trong LTM, vấn đề TN BTTH do vi phạm hợp đồng đã được nhà làm luật ghi nhận cụ thể tại các Điều 294 (về các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường), Điều 302 (về thiệt hại được bồi thường) và Điều 303 (về các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường). Theo đó, một khi có đủ 3 yếu tố làm phát sinh TN BTTH (như đã nêu trên) bên vi phạm HĐTM luôn phải chịu TN BTTH cho bên bị vi phạm, kể cả trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về việc BTTH. Điều này cũng cho thấy rõ sự khác biệt giữa việc chịu TN BTTH do vi phạm HĐTM và việc chịu phạt vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, khi xem xét mối tương quan giữa BTTH và phạt vi phạm, có thể thấy rõ sự thiếu nhất quán trong pháp luật Việt Nam giữa các quy định cùng loại trong BLDS 2015 và LTM 2005. Cụ thể, BLDS quy định các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải chịu BTTH, hoặc chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải chịu BTTH cùng lúc (Khoản 2, Điều 418 - BLDS). Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt BTTH thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm. Khác với BLDS, LTM quy định trường hợp các bên không thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu BTTH, còn trong trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và BTTH, trừ trường hợp LTM có quy định khác (Điều 307 - LTM).

Thứ năm, TNBTTH do vi phạm HĐMBHH không bao gồm thiệt hại về danh dự, uy tín. Theo LTM, giá trị BTTH bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng, trong đó không bao gồm thiệt hại về danh dự, uy tín. Do đó, thiệt hại về danh dự, uy tín của thương nhân không được bồi thường (Khoản 2, Điều 302 - LTM).

2.2. Quan niệm về miễn trừ TN BTTH do vi phạm HĐ MBHH

Ở phương diện lý luận, vấn đề miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nói chung và vi phạm HĐ MBHH nói riêng được đặt ra xuất phát từ thực tế là: quá trình thực hiện hợp đồng không phải lúc nào cũng thuận lợi, sự vi phạm hợp đồng xảy ra có thể bởi những nguyên nhân hoàn toàn không có lỗi của chủ thể vi phạm hợp đồng. Pháp luật vì vậy cần thiết phải có những quy định để miễn trừ trách nhiệm cho những vi phạm hợp đồng mà không có lỗi. Nguyên tắc pháp lý này đã được quan tâm ghi nhận trong pháp luật hợp đồng cả trên bình diện pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Cụ thể, UNCITRAL khi bình luận Điều 79 của Công ước Viên (CISG) có đưa ra quan điểm về miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa là việc bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như việc khắc phục hậu quả nếu chứng minh được mình không có lỗi khi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ của hợp đồng.

Ở Việt Nam, các căn cứ miễn trừ TN BTTH không chỉ được ghi nhận ở BLDS mà còn được ghi nhận trong các luật chuyên ngành. BLDS 2015 ghi nhận hai trường hợp không phải chịu trách nhiệm dân sự khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ gồm: (i) do sự kiện bất khả kháng; (ii) chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền (Khoản 2, Điều 351 - BLDS). Đối với  TN BTTH do vi phạm HĐTM nói chung và HĐMBHH nói riêng, LTM 2005 lại ghi nhận 4 nhóm căn cứ miễn trừ đó là: (i) theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng; (ii) thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng; (iii) thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm; (iv) thiệt hại xảy ra trong trường hợp hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng (Khoản 1, Điều 294 - LTM). Ngoài ra, LTM cũng quy định rõ nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm thuộc về bên vi phạm hợp đồng (Khoản 2, Điều 294 - LTM). Điều này có thể thấy, những căn cứ miễn TN BTTH trong LTM 2005 có sự mở rộng và chi tiết hơn so với các căn cứ chung trong BLDS 2015. Vì vậy, việc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành (Luật Thương mại) khi điều chỉnh các quan hệ hợp đồng thương mại nói chung và MBHH nói riêng sẽ khiến cho phạm vi áp dụng các trường hợp miễn trừ TN BTTH do vi phạm HĐ MBHH được tăng cường hơn.

Từ những lập luận nêu trên, có thể rút ra khái niệm về miễn trừ TN BTTH do vi phạm HĐ MBHH như sau: là việc bên có hành vi vi phạm HĐ MBHH (bên bán hoặc bên mua) không phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây ra (thực tế và trực tiếp) nếu chứng minh được mình ở vào các trường hợp do các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc do pháp luật đã có quy định.

3. Một số bật cập trong pháp luật về miễn trừ TN BTTH do vi phạm HĐ MBHH và kiến nghị nhằm hoàn thiện

3.1. Liên quan đến căn cứ miễn trừ TN BTTH do các bên thỏa thuận trong HĐ MBHH

Ghi nhận và cụ thể hóa nguyên tắc tôn trọng tự do ý chí, tự do thỏa thuận của các bên trong HĐ, LTM 2005 cho phép các bên tham gia HĐTM nói chung và HĐ MBHH nói riêng có thể thỏa thuận về sự miễn trừ TN BTTH (Khoản 1(a), Điều 294 - LTM). Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận về những điều kiện nhằm miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm HĐ nhưng thỏa mãn những điều kiện đã đặt ra và nếu không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội thì những thỏa thuận này đều có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, Điều 294 nói riêng và LTM 2005 nói chung mới chỉ thể hiện sự công nhận căn cứ miễn trách nhiệm pháp lý này khiến cho bên gây thiệt hại thoát trách nhiệm mà chưa có sự quy định rõ sự vi phạm nghĩa vụ của bên gây thiệt hại là cố ý hay vô ý, sự vi phạm đó có phải là vi phạm các điều khoản cơ bản của hợp đồng hay không, sự vi phạm này có gây ra hậu quả bất lợi cho bên thứ ba hay không… Việc chưa quy định rõ các điều kiện cụ thể để có thể xác định và công nhận một sự kiện nhất định mà các bên đã dự kiến và thỏa thuận trong hợp đồng là căn cứ miễn trừ trách nhiệm có thể khiến cho các bên tham gia hợp đồng có cơ hội lợi dụng điều khoản miễn trừ TN BTTH để cố ý vi phạm, gây ra thiệt hại cho bên kia, hoặc tạo ra những điều kiện bất bình đẳng, bất lợi cho các bên giao kết hợp đồng MBHH nói riêng và HĐTM nói chung.

Như vậy, việc bổ sung quy định có tính nguyên tắc về điều kiện để công nhận thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm hợp đồng giữa các bên trong LTM 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành (ví dụ: điều kiện về thời điểm tồn tại và thời hạn có hiệu lực của loại thỏa thuận này (phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài), hoặc thỏa thuận này chỉ được áp dụng nếu như vi phạm gây thiệt hại không phải là sự cố ý vi phạm…) sẽ vừa đảm bảo sự tự do thỏa thuận giữa các bên, vừa hạn chế việc một bên lợi dụng căn cứ đã thỏa thuận để trốn tránh trách nhiệm hợp đồng.

3.2. Liên quan đến căn cứ miễn trừ TN BTTH do xảy ra sự kiện bất khả kháng

 Cả BLDS 2015 và LTM 2005 đều ghi nhận việc xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến vi phạm hợp đồng thì chủ thể vi phạm được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, trong 2 văn bản pháp lý quan trọng này khái niệm “sự kiện bất khả kháng” được quy định còn sơ sài, chưa có một quy định độc lập nào trong chế định nghĩa vụ và hợp đồng về sự kiện bất khả kháng. Mặc dù Khoản 1, Điều 156 - BLDS đã chỉ ra rằng: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”, song đây là quy định liên quan đến cách xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự chứ không phải là một quy định độc lập. LTM 2005 cũng không có quy định nào đề cập cụ thể giúp cho việc xác định và công nhận một sự kiện bất khả kháng. Tại các Điều 294, 295 và 296 LTM 2005 có đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề này, tuy nhiên, theo hướng khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên vi phạm hợp đồng phải có sự thông báo “ngay” hoặc “kịp thời” cho bên kia về trường hợp loại trừ trách nhiệm, nếu không thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Như vậy, sự lý giải về sự kiện bất khả kháng chưa thực sự đầy đủ nêu trên sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng trường hợp miễn trừ TN BTTH, bởi lẽ việc chứng minh có tồn tại sự kiện bất khả kháng hay không để từ đó được hưởng miễn trừ sẽ có xu hướng phụ thuộc vào sự chấp nhận của bên bị vi phạm hoặc cơ quan chức năng.

Trên bình diện quốc tế, bàn về khái niệm “sự kiện bất khả kháng - force majeure”, Bộ nguyên tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT có giải thích tại Điều 7.1.7 rằng: Việc một bên không thực hiện nghĩa vụ, được miễn trừ trách nhiệm nếu bên đó chứng minh rằng việc không thực hiện đó là do một trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát và rằng không thể kỳ vọng một cách hợp lý việc bên vi phạm có thể đã tính đến trở ngại đó vào thời điểm ký kết hợp đồng hoặc có thể tránh hay khắc phục được trở ngại hoặc hậu quả của trở ngại đó. Như vậy, với cách hiểu như đã nêu của UNIDROIT về “sự kiện bất khả kháng” gắn liền với việc miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, có thể thấy cách giải thích tại Điều 156 - BLDS là khá tương đồng. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc áp dụng căn cứ miễn trừ trách nhiệm này, BLDS và LTM cần phải có những quy định độc lập đưa ra khái niệm và các điều kiện để công nhận “sự kiện bất khả kháng”. Cụ thể, cần phải làm sáng tỏ trong pháp luật các tiêu chuẩn xác định về sự kiện bất khả kháng, gồm: 

 + Xác định rõ thế nào là những “trở ngại” khách quan, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng như: các thảm họa thiên nhiên: động đất, sóng thần, lũ lụt, sạt lở đất…; các biến động xã hội: đình công, bạo loạn, chiến tranh…; và các hiểm họa khác do tự nhiên gây ra.

+ Xác định được tính hợp lý (reasonable) trong việc có thể hay không thể dự đoán trước được những trở ngại khách quan thuộc sự kiện bất khả kháng. Trong từng quan hệ HĐ MBHH cụ thể, việc xác định năng lực đánh giá xem xét (lường trước) một sự kiện có xảy ra hay không cần được xét từ vị trí của một thương nhân (người mua/ người bán) bình thường chứ không phải một chuyên gia chuyên sâu.

+ Xác định được tính tất yếu khách quan của hậu quả thiệt hại do “sự kiện bất khả kháng” để lại. Điều này đòi hỏi bên vi phạm đã sử dụng hết các biện pháp cần thiết nhưng cũng không thể ngăn ngừa, phòng chống cũng như hạn chế thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu như bên vi phạm không thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả nhưng chứng minh được dù có hành động vẫn không thể khắc phục được hậu quả thì xem như đã thỏa mãn điều kiện này.

3.3. Liên quan đến căn cứ miễn trừ TN BTTH do hành vi vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên kia

Thực tế cho thấy, việc thực hiện đúng nghĩa vụ không chỉ phụ thuộc vào ý chí của bên có nghĩa vụ, trong nhiều trường hợp điều này còn phụ thuộc vào sự hợp tác và thiện chí của bên có quyền trong việc hỗ trợ hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng. Trong pháp luật Việt Nam, cả BLDS 2015 và LTM 2005 đều ghi nhận việc bên vi phạm được miễn trừ trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia (Khoản 3, Điều 351 - BLDS; Khoản 1(c), Điều 294 - LTM). Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào ghi nhận trường hợp miễn trừ TN BTTH khi sự vi phạm là do lỗi của bên thứ ba.

 Trong các HĐ MBHH quốc tế có thể nhận thấy, Công ước Viên 1980 (CISG) có ghi nhận căn cứ xác định miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng liên quan đến sự vi phạm của bên thứ ba (Khoản 2, Điều 79 - CISG). Theo đó, bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng MBHH sẽ được miễn trừ trách nhiệm với bên bị vi phạm nếu như sự vi phạm nghĩa vụ này là do người thứ ba mà bên này “thuê thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng” gặp sự kiện bất khả kháng và thỏa mãn những điều kiện cụ thể được nêu ra tại Điều 79 của Công ước này. So với CISG, pháp luật Việt Nam không quy định trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của bên thứ ba. Cho đến nay, Việt Nam đã chính thức gia nhập Công ước CISG, vì vậy việc bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm cho bên vi phạm do người thứ ba có quan hệ hợp đồng với bên vi phạm gặp bất khả kháng trong LTM là cần thiết nhằm đáp ứng sự tương thích với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

3.4. Liên quan đến căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phải thực hiện quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo LMT 2005, việc miễn trừ TN BTTH khi có sự vi phạm HĐ MBHH sẽ được áp dụng khi hành vi vi phạm của một bên là do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, mà tại thời điểm giao kết hợp đồng “các bên không thể biết” việc có quyết định đó.

Liên quan đến trường hợp được miễn trừ do thi hành quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, có thể thấy, hiện nay cả BLDS và LTM chưa có quy định rõ loại quyết định nào, ở cấp độ nào đủ điều kiện là căn cứ pháp lý để áp dụng miễn trừ. Bên cạnh đó, cả BLDS và LTM cũng chưa tính đến trường hợp sự vi phạm hợp đồng là do bên vi phạm đã phải thi hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, song bản thân quyết định của cơ quan nhà nước này lại trái pháp luật hoặc không đúng thẩm quyền. Trong trường hợp này, bên vi phạm hợp đồng có được miễn TN BTTH cho bên kia hay không? Trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi ra các quyết định không chuẩn khiến cho các bên trong quan hệ hợp đồng bị thiệt hại được xác định như thế nào? Như vậy, việc cơ quan quản lý nhà nước nên bù đắp một phần hoặc thậm chí toàn bộ thiệt hại cho bên bị vi phạm trong trường hợp cụ thể này cần được đặt ra, bởi lẽ cả bên vi phạm và bên bị vi phạm đều không có lỗi trong việc vi phạm hợp đồng. Vì vậy, việc bổ sung các quy định loại này trong pháp luật dân sự và thương mại là cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên trong hợp đồng cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành các quyết định của mình.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thị Huệ (2020). Một số bất cập trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn - số 42.

2. Đoàn Đức Lương, Nguyễn Thị Hồng Trinh (2018). Ý chí và tự do ý chí trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn - số 35.

3. Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017). Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam, NXB. Công an nhân dân.

4. Nguyễn Văn Hùng (2022). Miễn trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng do phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, truy cập tại: <http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=211411>.

5. Đặng Hồng Dương (2021). Các trường hợp miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại, truy cập tại: <https://lsvn.vn/cac-truong-hop-mien-trach-nhiem-voi-hanh-vi-vi-pham-hop-dong-trong-thuong-mai1631637231.html>.

6. Trương Nhật Quang (2021). Hiệu lực của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính, truy cập tại: <http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210741>.

7. Lê Văn Sua (2017). Quy định của pháp luật về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, truy cập tại:<https://moj.gov.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/qt/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi&ListId=75a8df79-a725-4fd5-9592-517f443c27b6&SiteId=b11f9e79-d495-439f-98e6-4bd81e36adc9&ItemID=2149&SiteRootID=b71e67e4-9250-47a7-96d6-64e9cb69ccf3>.

8. UNIDROIT (2016). UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts 2016, <https://www.unidroit.org/wp-content/uploads/2021/06/Unidroit-Principles-2016-English-bl.pdf>.

 

 

 

 

Some inadequacies in Vietnamese law on the exemption

from the liability of damages for the breach of oods sale and purchase contract

LLM. Pham Minh Quoc

Faculty of Law, Thuongmai University

Abstract:

Exemption from liability for compensation for damages due to breach of the goods sale and purchase contract means that the party who violates the contract (seller or buyer) is not responsible for compensating for damages caused actually and directly if it can be proven that it is in the cases agreed upon by the parties in the contract or prescribed by law. Vietnamese law already has a legal framework with regulations on this issue. However, these regulations are still uniform, and it is necessary to supplement and improve these regulations to create favorable conditions for application and protect the interests of the parties in the goods sale and purchase contract. This paper outlined the legal nature of liability for compensation due to violation of the sale and purchase contract and the concept of exemption from liability for compensation due to violation of the goods sale and purchase contract. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to improve regulations on the exemption from liability for compensation for damages due to breach of the goods sale and purchase contract.

Keywords: compensation for damages, liability exemption, goods purchase and sale contract.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]