Một số điểm mới trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020

ThS. HOÀNG THỊ QUỲNH TRANG (Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam)

TÓM TẮT:

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 18/6/2020 đã thông qua Luật số 63/2020/QH14, với mục đích sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Với việc thông qua Luật này, đã điều chỉnh một số nội dung liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như việc xây dựng và ban hành loại văn bản này. Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập đến những điều chỉnh liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân ban hành (UBND).

Từ khóa: Văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.

1. Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nội dung văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành

1.1. Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành

          Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2015) đã quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.

          Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”.

          Tại khoản 9, 10, 12, 13, 14 và 15 Điều 4 của Luật này cũng đã khẳng định thẩm quyền ban hành hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND. Đối với nội dung này thì Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2020) so với Luật năm 2015 không có gì thay đổi. Theo đó, HĐND các cấp có thẩm quyền ban hành hình thức văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết còn UBND các cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định.

1.2. Về nội dung văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành

          Qua Điều 4 Luật năm 2015 chúng ta thấy rằng, thẩm quyền ban hành về hình thức của HĐND các cấp là như nhau, đều có thẩm quyền ban hành Nghị quyết. Và UBND các cấp cũng thế, đều có thẩm quyền ban hành Quyết định. Tuy nhiên, thẩm quyền về nội dung của Nghị quyết do HĐND từng cấp ban hành là khác nhau và Quyết định do UBND từng cấp ban hành cũng như thế.

Đối với vấn đề này, so với Luật năm 2015 thì Luật năm 2020 cơ bản được giữ nguyên, chỉ điều chỉnh nội dung trong Nghị quyết do HĐND, Quyết định do UBND cấp huyện, cấp xã ban hành. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung Điều 30 Luật năm 2015 từ việc: “HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao” thành “HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Như vậy, Luật năm 2020 đã mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung của các cơ quan này.

2. Về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND

          Luật năm 2020 đã điều chỉnh một số nội dung xoay quanh việc xây dựng và ban hành văn quy phạm của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện và giữ nguyên những nội dung liên quan đến việc xây dựng và ban hành loại văn bản này của HĐND, UBND cấp xã. Cụ thể:

2.1. Về xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐNĐ cấp tỉnh

  Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết do HĐND cấp tỉnh được quy định tại chương VIII từ Điều 111 đến Điều 126 Luật năm 2015 gồm các nội dung về: Đề nghị xây dựng nghị quyết; Nhiệm vụ của cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết; Lấy ý kiến về đề nghị xây dựng nghị quyết; Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết; Thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình; Thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết; Trình đề nghị xây dựng nghị quyết; Phân công cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo nghị quyết; Nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo nghị quyết; Lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết; Thẩm định dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình; Hồ sơ dự thảo nghị quyết trình UBND cấp tỉnh; Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cùng cấp; Thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; Hồ sơ dự thảo nghị quyết trình HĐND cấp tỉnh; Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

Trong đó, những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật năm 2020 là:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Điều 121 về thẩm định dự thảo nghị quyết do UBND cấp tỉnh trình, cụ thể:

          - Sửa đổi khoản 1 Điều này, đó là việc tăng số ngày gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Sở Tư pháp để thẩm định. Theo quy định cũ  là “chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Sở Tư pháp để thẩm định” thì nay theo Luật năm 2020 sẽ là “chậm nhất là 25 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Sở Tư pháp để thẩm định”.

          - Sửa đổi, bổ sung hồ sơ gửi thẩm định được quy định tại khoản 2 Điều này với việc thêm nội dung tại điểm c của khoản này so với văn bản cũ. Hồ sơ gửi thẩm định ngoài những nội dung được quy định như văn bản cũ thì bổ sung thêm tại điểm c “Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này; Theo nội dung này, nghĩa là bổ sung thêm “báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này”. Và tại điểm d của khoản này, bổ sung thêm từ các trước cụm “tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử” thành “các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử”.

          - Sửa đổi nội dung thẩm định dự thảo Nghị quyết tại khoản 3 của Điều này. Theo đó, việc thẩm định gồm:

          “+ Sự cần thiết ban hành nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này; đối tượng, phạm vi điều chỉnh đối với dự thảo nghị quyết;

          + Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật;

          + Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với văn bản đã giao cho HĐND quy định chi tiết; sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với các chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết đã được thông qua theo quy định tại Điều 116 của Luật này;

          + Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.

          - Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều này với việc tăng thời hạn gửi báo cáo thẩm định đến cơ quan chủ trì soạn thảo từ 10 ngày lên 15 ngày so với quy định cũ “Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định”.

          Thứ hai, sửa đổi, bổ sung về hồ sơ dự thảo nghị quyết trình UBND cấp tỉnh tại điểm d khoản 1 Điều 122. Theo đó, hồ sơ sẽ gồm: “Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này”.

          Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Điều 124 về thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cụ thể:

          - Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều này “Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này;”;

          - Bổ sung thêm khoản 2a vào sau khoản 2 như sau: “2a. Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều này.”;

         - Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau: “Sự cần thiết ban hành nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này; nội dung của dự thảo nghị quyết và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau;”.

2.2. Về xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh

  Việc xây dựng và ban hành Quyết định do UBND cấp tỉnh được quy định tại chương IX từ Điều 127 đến Điều 132 Luật năm 2015 gồm các nội dung về: Đề nghị xây dựng quyết định của UBND cấp tỉnh; Soạn thảo quyết định của UBND cấp tỉnh; Lấy ý kiến về dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh; Thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh; Hồ sơ dự thảo quyết định trình UBND cấp tỉnh; Trình tự xem xét, thông qua dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh.

          Những nội dung được sửa đổi, bổ sung theo Luật mới đó chính là: Soạn thảo quyết định của UBND cấp tỉnh; Thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh; Hồ sơ dự thảo quyết định trình UBND cấp tỉnh theo thứ tự các Điều 128, 130 và 131. Cụ thể:

          Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của cơ quan chủ trì soạn thảo từĐánh giá tác động văn bản trong trường hợp dự thảo quyết định có quy định cụ thể các chính sách đã được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong trường hợp được luật giao, đánh giá tác động về giới (nếu có)” thànhĐánh giá tác động của thủ tục hành chính trong trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao quy định thủ tục hành chính; đánh giá tác động về giới (nếu có)”. Điều này có nghĩa là cơ quan chủ trì soạn thảo không cần “đánh giá tác động văn bản trong trường hợp dự thảo quyết định có quy định cụ thể các chính sách đã được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên” như quy định tại văn bản cũ.

          - Thứ hai, quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc thẩm định dự thảo quyết định. Theo đó, đối với việc này:

          “1. Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định trước khi trình UBND cấp tỉnh. Trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo quyết định; tự mình hoặc cùng cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức khảo sát về những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo quyết định. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm định dự thảo quyết định. Đối với dự thảo quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Giám đốc Sở Tư pháp thành lập hội đồng thẩm định, bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.

          Chậm nhất là 25 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến Sở Tư pháp để thẩm định.

  1. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm: Tờ trình UBND về dự thảo quyết định; Dự thảo quyết định; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; Tài liệu khác (nếu có). Và tài liệu quy định tại điểm a và điểm b khoản này được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.
  2. Nội dung thẩm định bao gồm: Sự cần thiết ban hành quyết định quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 28 của Luật này; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo quyết định; Sự phù hợp của nội dung dự thảo quyết định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo quyết định với hệ thống pháp luật; Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo quyết định, nếu trong dự thảo quyết định có quy định thủ tục hành chính; Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo quyết định, nếu trong dự thảo quyết định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành quyết định; Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.
  3. Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của cơ quan thẩm định về nội dung thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này và ý kiến về việc dự thảo quyết định đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình UBND. Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.
  4. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo quyết định, đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình UBND dự thảo quyết định.”.

          - Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ dự thảo quyết định trình UBND cấp tỉnh được tại Điều 131 như sau:

          “1. Cơ quan chủ trì soạn thảo gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến UBND cấp tỉnh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày UBND họp để chuyển đến các thành viên UBND.

  1. Hồ sơ dự thảo quyết định bao gồm: Tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 130 của Luật này; Báo cáo thẩm định; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định. Tài liệu quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 130 của Luật này và điểm b khoản này được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử”.

2.3. Về xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện

  Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết do HĐND cấp huyện được quy định tại chương X từ Điều 133 đến Điều 137 Luật năm 2015 gồm các nội dung: Soạn thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện; Thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện; Trách nhiệm của UBND cấp huyện đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cùng cấp; Thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện; Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện.

So với Luật năm 2020 thì cơ bản các nội dung vẫn được giữ nguyên, chỉ sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 134 về việc thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện. Cụ thể: sửa đổi ngày mà cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện đến phòng Tư pháp từ “chậm nhất là 10 ngày trước ngày UBND họp” thành “chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND họp”.

2.4. Về xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp huyện

Việc xây dựng và ban hành quyết định do UBND cấp huyện được quy định tại chương X từ Điều 138 đến Điều 141 Luật năm 2015 gồm các nội dung: Soạn thảo quyết định của UBND cấp huyện; Thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp huyện; Hồ sơ dự thảo quyết định trình UBND cấp huyện; Trình tự xem xét, thông qua dự thảo quyết định của UBND cấp huyện.

Vấn đề này so với Luật năm 2015 thì ngoài những nội dung khác cơ bản được giữ nguyên thì việc thẩm định dự thảo quyết định được quy định chi tiết, rõ ràng hơn. Cụ thể, Điều 139 quy định về vấn đề này được sửa đổi, bổ sung như sau:

          “1. Phòng Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của UBND cấp huyện trước khi trình. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến Phòng Tư pháp để thẩm định.

  1. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm: Tờ trình UBND về dự thảo quyết định; Dự thảo quyết định; Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; Tài liệu khác (nếu có).
  2. Nội dung thẩm định bao gồm: Sự cần thiết ban hành quyết định; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo quyết định; Sự phù hợp của nội dung dự thảo quyết định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo quyết định với hệ thống pháp luật; Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo quyết định, nếu trong dự thảo quyết định có quy định thủ tục hành chính; Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo quyết định, nếu trong dự thảo quyết định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành quyết định; Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.
  3. Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của cơ quan thẩm định về nội dung thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này và ý kiến về việc dự thảo quyết định đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình UBND. Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Phòng Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.
  4. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo quyết định, đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Phòng Tư pháp khi trình UBND dự thảo quyết định.”

3. Một số nội dung khác

           Ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung đã được trình bày ở trên thì Luật năm 2020 cũng đã bổ sung, thay thế một số từ, cụm từ. Cụ thể:

          Thứ nhất, bổ sung cụm từ “Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định” vào sau cụm từ “Báo cáo thẩm định” tại điểm b khoản 2 Điều 140.

          Thứ hai, thay thế từ “Đề cương” bằng cụm từ “Dự kiến đề cương chi tiết” tại điểm đ khoản 1 Điều 37 và khoản 5 Điều 114.

          Thứ ba, thay thế cụm từ “đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo nghị quyết” bằng cụm từ “đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết” tại khoản 2 Điều 113.

          Thứ tư, thay thế cụm từ “Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết” bằng cụm từ “Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết” tại khoản 2 Điều 114.

          Thứ năm, bỏ cụm từ “dự thảo nghị quyết” tại khoản 5 Điều 115.

          Văn bản quy phạm pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Đây chính là công cụ pháp lý giúp các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Là hành lang pháp lý vững chắc để mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức thực hiện theo nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, đặc biệt đối với chính quyền địa phương, cơ quan gần dân nhất. Vì thế, với những sửa đổi, bổ sung kịp thời từ Luật năm 2020, sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để chính quyền địa phương căn cứ vào đó xây dựng và ban hành các loại văn bản phù hợp với tình hình thực tế địa phương, giúp địa phương mình ngày càng phát triển vững mạnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
  2. Quốc hội (2020). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

NEW POINTS IN THE ELABORATION AND PROMULGATION OF

LEGAL DOCUMENTS BY THE PEOPLE'S COUNCIL

AND THE PEOPLE'S COMMITTEE UNDER THE LAW

ON PROMULGATION OF LEGAL DOCUMENTS 2020

Master. HOANG THI QUYNH TRANG

Hanoi University of Internal Affairs, Campus in Quangnam Province

ABSTRACT:

At the ninth session, the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam on June 18, 2020, approved Law No. 63/2020/QH14 intending to amend and supplement many articles of the Law on promulgation of legal documents 2015. This law takes effect from January 1, 2021. With the passage of this law, some contents related to the system of legal documents have been adjusted as well as the development and promulgation of this type of document. In the article, the author mentions the adjustments related to legal documents promulgated by the People's Council and the People's Committee.

Keywords: legal documents, People's Council, People's Committee.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 1, tháng 1 năm 2022]