Một số giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam sau hơn 30 năm hội nhập kinh tế

ThS. NGUYỄN QUỐC THÁI (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt. Trong bối cảnh biến động của thế giới, hoạt động thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước vẫn không ngừng tăng trưởng, thị trường xuất nhập khẩu (XNK) ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, phần lớn kim ngạch XNK chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, mà đứng đầu là thị trường Trung Quốc vốn chứa nhiều rủi ro trong lúc Trung Quốc đang tiến hành những hành động đơn phương trên biển Đông.

Mục tiêu của bài viết nhằm làm rõ bức tranh thế giới hiện nay với nhiều thay đổi lớn cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp đến điểm lại tình hình XNK của Việt Nam với các thị trường chủ lực, từ đó xác định những cơ hội thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó đề ra giải pháp đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường XNK trong giai đoạn mới của đất nước hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Từ khóa: Đa dạng hóa, thị trường, xuất nhập khẩu, hội nhập, doanh nghiệp.

1. Những biến đổi lớn trên thế giới và những thành tựu về hội nhập của Việt Nam

Thế giới ngày nay chịu tác động bởi nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, tự nhiên… Từ khoảng giữa thập niên 80 đến nay, nền kinh tế thế giới đã có những biến đổi sâu sắc như:

- Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã hình thành nền kinh tế tri thức, thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng.

- Xu hướng toàn cầu hóa và liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục diễn ra, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động, hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trên phạm vi toàn cầu là sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chiếm hơn 95% tổng giá trị thương mại. Ở tầm khu vực, nhiều tổ chức ra đời như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Thị trường chung Nam Mỹ (MECOSUR), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM)…

- Tăng trưởng kinh tế thế giới không ổn định với nhiều diễn biến khó lường với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 tại khu vực Đông Nam Á, khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 xuất phát từ Mỹ. Năm 2016 chứng kiến hai sự kiện lớn là cử tri nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU và những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thay đổi chính sách thương mại... Qua đó, ta có thể nhìn thấy một viễn cảnh của chủ nghĩa bảo hộ sẽ có thể gây bất lợi tới sự phát triển kinh tế.

- Vai trò ngày càng tăng của các quốc gia mới nổi, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ, Nga và Trung Quốc cũng đã phần nào kiềm chế được vị trí độc tôn của Mỹ, làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế - chính trị thế giới.

- Phát triển kinh tế thị trường và thực hiện “mở cửa” nền kinh tế trở thành xu hướng chung của các quốc gia.

- Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, năng động nhất và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trên thế giới.

- Thế giới ngày nay đối diện với những nghịch lý của tăng trưởng kinh tế như ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo, nợ nần, thất nghiệp, năng lượng, tình trạng “cá lớn” nuốt “cá bé”…

- Tranh chấp lãnh thổ, đòi hỏi chủ quyền giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông gây ra những bất ổn nhất định về mặt chính trị, kinh tế, đời sống xã hội…

Trong bối cảnh thế giới có những diễn biến khôn lường, tình hình chính trị khu vực và thế giới phức tạp, Việt Nam vẫn đạt được những bước tiến đáng kể để hội nhập với kinh tế thế giới.

Những thay đổi về chất trong hội nhập với đỉnh cao là việc nước ta chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2007. Sau đó, Việt Nam đã ký kết 8 Hiệp định thương mại tự do khu vực (FTA) gồm: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ASEAN +6 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc - New Zealand, Ấn Độ), Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Nhật Bản. Năm 2015, Việt Nam đã ký kết FTA với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu, kết thúc cơ bản đàm phán FTA với EU, hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định TPP cũng đã chính thức được ký kết vào 04/02/2016.

Trước những đòi hỏi nhằm duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào thị trường này, cũng như cần tận dụng cơ hội từ các FTA thì việc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường được coi là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay. Đây có thể là một trong những cách thức hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

2. Tình hình chung về XNK hàng hóa của Việt Nam và các thị trường chủ lực

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hoạt động XNK của nước ta thay đổi rất nhiều. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa năm 2016 của nước ta đạt hơn 350,74 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015 và tăng hơn gấp ba lần so với năm 2007 (Năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO). Trong đó, xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 176,63 tỷ USD (tăng 9%) và nhập khẩu hơn 174,11 tỷ USD (tăng 5,2%), theo đó Việt Nam xuất siêu 2,52 tỷ USD.

Về thị trường XNK, theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho năm 2015, số lượng thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của xuất khẩu là 29 thị trường với tổng kim ngạch là 147,36 tỷ USD, chiếm gần 90,9% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của nhập khẩu là 19 thị trường với tổng trị giá là 150,42 tỷ USD, chiếm 90,8% trị giá nhập khẩu. Trong đó có 5 thị trường xuất khẩu trên 10 tỷ USD là Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và 6 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Đài Loan và EU.

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á liên tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch XNK cả nước, tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu. Kim ngạch XNK với châu Phi và châu Đại Dương còn rất nhỏ.

Biểu đồ 1: Xuất nhập khẩu của Việt  Nam với các châu lục 2015

      Xuất khẩu                                                        Nhập khẩu

Dưới đây là một số thị trường XNK chủ lực của Việt Nam:

* Trung Quốc:

Từ khi Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991, hoạt động thương mại đã gia tăng nhanh chóng. Xuất khẩu của Việt Nam trong thập niên 90 của thế kỷ trước luôn đạt xuất siêu. Nhưng từ đầu thế kỷ 21, quan hệ mậu dịch giữa hai nước diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Cụ thể năm 2016 mức nhập siêu đối với thị trường này là 27,96 tỷ USD.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2016 đạt 21,97 tỷ USD (chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu) và tăng 28,4%; nhập khẩu từ Trung Quốc 49,93 tỷ USD (chiếm 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu) và tăng 0,9%.

Cơ cấu hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nhóm hàng nông-lâm-thủy sản, máy vi tính, hàng điện tử, hàng dệt may, giày dép... Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước như máy móc, dụng cụ điện tử, máy tính, linh kiện điện thoại, vải, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, sắt thép…

* Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2016 đạt 38,46 tỷ USD, tăng 14,9%; nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%. Đây làthị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với29,76tỷ USD trong 2016.

Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ là hàng dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ… Việt Nam nhập khẩu hàng từ Hoa Kỳ gồm máy móc và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sữa, chất dẻo nguyên liệu, nguyên liệu dệt may, da, giày...

* EU:

EU là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ) trong năm 2016 với tổng kim ngạch 34 tỷ USD (tăng 9,7%), còn nhập khẩu đạt 11,06 tỷ USD (tăng 5,87%).

Nhóm hàng xuất khẩu chính sang EU là điện thoại và linh kiện, giày dép, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử… Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử…

* Hàn Quốc:

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2016 đạt 11,42 tỷ USD (tăng 28%), nhập khẩu từ Hàn Quốc là 32,03 tỷ USD (tăng 15,9%).

Nhóm hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là hàng dệt may, khoáng sản, dầu thô, hàng thủy sản, đồ gỗ… Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, điện thoại, sản phẩm từ chất dẻo, nguyên phụ liệudệt may, da, giày...

* Asean:

Asean đứng trong Top 5 thị trường XNK hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang Asean năm 2016 đạt 17,47 tỷ USD (giảm 3,8%) và nhập khẩu là 23,88 tỷ USD (tăng 0,22%). Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Campuchia vẫn là sáu thị trường XNK lớn nhất của Việt Nam trong Asean.

Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Asean gồm điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử, sắt thép, gạo, dầu thô, giày dép, thủy sản, hàng dệt may, cà phê… Các mặt hàng chính nhập khẩu từ Asean là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xăng dầu, máy móc và phụ tùng, hàng điện gia dụng, hóa chất và sản phẩm hóa chất…

* Nhật Bản:

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu đứng thứ tư. Xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2016 đạt 14,68 tỷ USD (tăng 3,9%), nhập khẩu từ Nhật Bản là 15,03 tỷ USD, tăng 4,7%.

Các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu sang Nhật Bản là hàng dệt may, dầu thô, hàng thủy sản, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, túi xách, máy móc... Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản là máy móc, máy vi tính, sản phẩm điện tử, sắt thép, xăng dầu, hóa chất, vải...

3. Những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam

Những phân tích về thị trường XNK của Việt Nam trên đây cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng lợi thế “mở cửa” để đẩy mạnh xuất khẩu với kết quả tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường. Những thành quả này là nhờ vào nỗ lực của Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, động lực để Việt Nam phấn đấu phát huy vị thế với tư cách là nền kinh tế đang nổi, tăng cường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Cùng với hiệp định FTA với EU (dự kiến sẽ ký kết trong năm 2017) và các FTA vừa ký kết gần đây sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường lớn, tiềm năng đang có nhu cầu rất nhiều và đa dạng về hàng hóa mà chúng ta hoàn toàn đáp ứng được, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đem ngoại tệ về cho đất nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp cận nguồn hàng đa dạng có chất lượng tốt với giá thấp do thuế giảm. Tham gia FTA cũng sẽ thúc đẩy cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tạo động lực cho doanh nghiệp hoàn thiện, tái cơ cấu sắp xếp và thay đổi thị trường, hạn chế phụ thuộc quá mức vào các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc…

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong tình hình mới, cụ thể như:

- Xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị lệ thuộc vào các thị trường truyền thống lớn với tỷ trọng xuất khẩu cao, còn các thị trường mới, tiềm năng như Châu Phi, Mỹ Latinh thì tỷ trọng còn khiêm tốn.

- Đa số các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, cho giá trị gia tăng thấp. Hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc hay rơi vào tình trạng bấp bênh, giá cả thấp. Nếu thị trường Trung Quốc “kẹt”, một số mặt hàng có nguy cơ gặp khó khăn sẽ là cao su, thanh long, hàng tươi sống...

- Phần lớn hàng nông sản, thủy sản được xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, nên chứa đựng nhiều rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là XNK tiểu ngạch thuận tiện hơn, những lúc “thuận buồm, xuôi gió” thì giao hàng nhanh, thanh toán trực tiếp, thủ tục không phiền hà, dễ trốn thuế, nhưng chứa đựng nhiều rủi ro mà thiệt hại luôn thuộc về phía Việt Nam.

- Doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, nên bị động trước những biến động của thị trường. Hai ngành xuất khẩu mũi nhọn là dệt may và da giày hiện có tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu cao nhất, phần lớn phải nhập từ Trung Quốc. Mặt khác, nhiều hàng Trung Quốc vào Việt Nam là hàng độc hại, không đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

- Xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật ngày càng đa dạng và tinh vi sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng các tranh chấp thương mại liên quan đến hàng hóa Việt Nam…

- Năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới còn yếu về chất lượng hàng hóa, mẫu mã, thương hiệu, qui mô kinh doanh, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, chi phí đầu vào…

Việt Nam đang đứng trước những thách thức trong quá trình vươn ra biển lớn, nền kinh tế Việt Nam còn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực, XNK có thể gặp khó khăn nếu tranh chấp biển Đông xảy ra nghiêm trọng... Do đó, Việt Nam cần kết hợp với những cơ hội, thuận lợi có được để từ đó đưa ra giải pháp đa dạng hóa thị trường nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

4. Một số giải pháp, khuyến nghị

- Các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp vừa duy trì thị trường truyền thống vừa đồng thời tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới, tiềm năng như châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh, không tập trung quá mức vào một số thị trường lớn.

- Thúc đẩy đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, nỗ lực đàm phán đối tác gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam, cho phép doanh nghiệp mua nguyên vật liệu trong nước. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, chủ động liên hệ với các đại sứ quán, thương vụ, cơ quan xúc tiến, hiệp hội ngành hàng… để tìm hiểu, cập nhật thông tin thị trường. Doanh nghiệp cần hoàn thiện công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia hiệu quả hơn vào các cuộc hội chợ triển lãm quốc tế.

- Giảm dần tư duy bảo hộ, tạo sự khác biệt với đối thủ, chuyển sang phân khúc cao hơn, cạnh tranh bằng chất lượng, mẫu mã, uy tín thương hiệu...

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, cắt giảm các chi phí không cần thiết để hạ giá thành sản phẩm…

Ở cấp độ vĩ mô, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp tìm ra giải pháp đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tăng cường công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng quy chuẩn đối với nhóm hàng nông - thủy sản xuất khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm…

Nhà nước nên có chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực sản xuất - cung ứng nguyên phụ liệu trong nước nhằm thay thế cho nguồn nhập khẩu. Bên cạnh việc đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, cần tăng cường đa dạng hóa quan hệ hợp tác với các đối tác, đẩy nhanh ký kết, thực hiện các FTA… Ngoài ra, cần phải đảm bảo tổ chức hiệu quả và đồng bộ công tác thông tin, dự báo - cảnh báo, bám sát tình hình thị trường, có cơ chế phản ứng nhanh và giải pháp ứng phó kịp thời khi có những biến động bất thường… có thể ảnh hưởng đến hoạt động XNK của Việt Nam.

5. Kết luận

Việt Nam đang tiến sâu vào sân chơi toàn cầu với nhiều thách thức mới đang chờ đợi phía trước. Hiện nay, hoạt động thương mại của Việt Nam bị lệ thuộc nhất định vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông. Để khắc phục những khó khăn của thị trường XNK và phát triển bền vững, thì việc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, giúp doanh nghiệp Việt Nam đa phương hóa đối tác của mình, tránh được rủi ro “để quá nhiều trứng vào một giỏ”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. GS.TS. Chu Văn Cấp (2014), 28 năm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Tiến trình, thành tựu và giải pháp thúc đẩy, Tạp chí Phát triển và Hội nhập.

2. GS. TS. Hoàng Thị Chỉnh (chủ biên) (2010), Giáo trình kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Thống kê.

3. Lê Triệu Dũng - Vụ Chính sách Thương mại Đa biên - Bộ Công Thương (2013), Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020.

4. Nghị quyết banhành chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện nghị quyết hội nghị lần thứ 4 về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế pháttriển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên WTO (Ngày 10/07/2014).

5. Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015), Bản tin Doanh nghiệp và chính sách thương mại quốc tế số 20-21 - Những thách thức tự do thương mại Việt Nam năm 2015, Hà Nội.

6. Website: www.gso.gov.vn, www.moit.gov.vn, http://trungtamwto.com.vn, http://vinanet.vn, http://vcci.com.vn, www.wto.org,...

SOLUTIONS TO DIVERSIFY VIETNAMS IMPORT

AND EXPORT MARKETS AFTER MORE THAN

30 YEARS OF ECONOMIC INTEGRATION

Master. NGUYEN QUOC THAI

Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

After more than 30 years of innovation, Vietnam has achieved significant achievements in various fields. In spite of fluctuations in global trade activities, the trade activities between Vietnam and other partnerts has still grown. However, Vietanms trade revenues depend mainly on some traditional markets which are led by China. Chinese market is considered a risky market for Vietnam as Chinese government is taking unilateral actions in East Sea. This study is to present an overview of the current global situations and the process of Vietnams international economic integration. The study also reviews the trade activities between Vietnam and major markets in order to identify favorable opportunities and challenges of Vietnamese enterprises. Based on these findings, the study proposes a number of measures to diversify Vietnams import and export markets in the new development phase of Vietnam with the goal of becoming a modernity-oriented industrial nation by 2020.

Keywords: Diversification, market, import, export, integration, enterprise.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 02 tháng 02/2017 tại đây