Một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán

ThS. PHẠM THỊ MỴ (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế - xã hội. Môi trường pháp lý về cơ bản được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển thị trường dịch vụ do các doanh nghiệp (DN) dịch vụ kế toán - kiểm toán cung cấp. Bài viết đã nêu rõ những điểm hạn chế, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán.

Từ khóa: doanh nghiệp, dịch vụ kế toán kiểm toán, nguồn nhân lực, chính sách.

1. Đặt vấn đề

Trải qua gần 30 năm hoạt động, thị trường kiểm toán độc lập đã có những bước tiến đáng kể, đạt được các kết quả đáng khích lệ. Thông qua các hoạt động cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp kiểm toán đã góp phần triển khai cơ chế, chính sách, thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý và điều hành của Chính phủ, doanh nghiệp.

Đối với thị trường dịch vụ kế toán, tính đến ngày 10/9/2021, có 155 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (tăng 20% so với thời điểm ngày 31/8/2020) và 400 cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (tăng 12,4% so với thời điểm ngày 31/8/2020).

Đối với thị trường dịch vụ kiểm toán, tính đến ngày 30/6/2021, có 208 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán (tăng 7,2% so với thời điểm ngày 31/8/2020 là 194 doanh nghiệp) do một số công ty mới thành lập và 2.311 kiểm toán viên hành nghề (tăng 2,7% so với thời điểm ngày 31/8/2020 là 2.250 kiểm toán viên); Số lượng khách hàng toàn ngành là 61.079, tăng 8,4% so với thời điểm ngày 31/8/2020 là 56.362 khách hàng.

Về cơ bản, các dịch vụ do các doanh nghiệp (kế toán, kiểm toán) cung cấp được xã hội thừa nhận. Nhiều doanh nghiệp có dịch vụ tốt, đã tạo lập vị thế trên thị trường, cung cấp dịch vụ đáng tin cậy cho khách hàng. Chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập, dịch vụ kế toán đã giúp việc triển khai cơ chế, chính sách; thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính của doanh nghiệp; ngăn ngừa thất thoát, chống lãng phí. Dịch vụ kiểm toán độc lập không chỉ dừng lại ở việc xác nhận thông tin, mà còn làm tăng lợi ích cho khách hàng trong quản lý đầu tư xây dựng và cổ phần hóa doanh nghiệp. Dịch vụ kế toán đã mang lại lợi ích thiết thực, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đơn vị kế toán.

Tuy nhiên, qua công tác giám sát tại một số doanh nghiệp cho thấy, về chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của chuẩn mực kế toán, kiểm toán và các quy định pháp luật có liên quan;... Một số doanh nghiệp kiểm toán chưa xây dựng hoặc chưa thực hiện tốt các chính sách, thủ tục kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, dẫn đến chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa đạt yêu cầu. Thực tế, có nhiều kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề làm việc ở nhiều nơi cùng một lúc, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ,...

2. Những điểm hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán

Thứ nhất, dịch vụ cung cấp chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp, chất lượng dịch vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù, đã có chuyển biến tích cực, song dịch vụ kế toán - kiểm toán cung cấp trên thị trường hiện chủ yếu tập trung vào các dịch vụ cơ bản, như: kiểm toán báo cáo tài chính, dịch vụ kế toán cơ bản (ghi sổ, lập báo cáo tài chính theo quy định), kê khai thuế,… Các dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao như tư vấn tài chính, kế toán quản trị, kiểm soát, quản trị rủi ro,… còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán cũng còn nhiều hạn chế, do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như giá phí dịch vụ còn thấp. Công tác quản lý của Nhà nước đối với thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán chưa hoàn chỉnh, đồng bộ; vai trò của các tổ chức nghề nghiệp còn mờ nhạt.

Thứ hai, quá trình đào tạo và kỹ năng của kế toán, kiểm toán viên. Kỹ năng là một trong những yếu tố quan trọng trong sự thành công của các cuộc kiểm toán, báo cáo kế toán. Sự thiếu hụt các kỹ năng cần thiết là tiền đề cho sự suy giảm chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Do đa số mô hình tổ chức các cuộc kiểm toán theo hình “kim tự tháp”, trong đó phần lớn các công cuộc kiểm toán như đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, thu thập bằng chứng kiểm toán, hay lấy mẫu kiểm toán, được thực hiện bởi các kiểm toán viên tập sự hoặc ít kinh nghiệm. Mặc dù mô hình này giúp các công ty kiểm toán có được nguồn nhân lực kiểm toán đa dạng và có giá rẻ, nếu các kiểm toán viên này không được đào tạo các kỹ năng cần thiết, sẽ rất dễ dẫn đến những sai lầm trong việc thu thập bằng chứng và sự sai lệch về ý kiến kiểm toán.

Thứ ba, một trong những khó khăn lớn của dịch vụ kế toán - kiểm toán là vừa phải thực hiện chức năng tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp vừa phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Chính những yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ suy giảm vai trò của kế toán - kiểm toán trong nền kinh tế và xói mòn giá trị của các dịch vụ này. Bằng chứng của sự ảnh hưởng của nhân tố trên là sự mở đường cho các hiện tượng gian lận, báo cáo sai số liệu. Trong nhiều trường hợp, hiện tượng trên có thể giải thích bằng sự cố gắng của các công ty kiểm toán trong việc gia tăng khả năng cạnh tranh trong việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng về dịch vụ kiểm toán - kế toán.

Thứ tư, độ tin cậy và tính hữu ích của các báo cáo kế toán, kiểm toán. Chất lượng của các báo cáo này được đánh giá bởi chất lượng các ý kiến trong các báo cáo. Ngoài những yêu cầu về tính độc lập trung thực và khách quan trong việc đưa ra các ý kiến về tình hình tài chính của các doanh nghiệp, chất lượng của các cuộc kiểm toán còn chịu sự chi phối bởi tính khuôn mẫu trong các báo cáo kiểm toán và khả năng giải quyết tình huống của các kiểm toán viên khi phát hiện các rủi ro hoặc diễn giải về khả năng thông tin tài chính của khách hàng.

3. Một số giải pháp khắc phục

3.1. Về phía Nhà nước

(i) Nên quy hoạch lại các cơ sở đào tạo lĩnh vực kế toán một cách hợp lý, khoa học. Hỗ trợ phát triển các cơ sở đào tạo đã có thế mạnh về đào tạo nhân lực kế toán. Chấm dứt, giải thể các cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng đầu ra, nhằm giảm bớt nguồn cung nhân lực kế toán có chất lượng không đảm bảo, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

(ii) Có cơ chế chính sách để kế toán Việt Nam và các nước trên thế giới đẩy nhanh quá trình hòa hợp, hội tụ. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo sẽ tiến hành giảng dạy theo nội dung mới, đáp ứng đòi hỏi của quá trình hội nhập.

(iii) Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống, phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở giáo dục công lập xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo,…

(iv) Chú trọng đến hoạt động dự báo về nhu cầu nhân lực kế toán. Trên cơ sở đó, có những điều chỉnh kịp thời về đào tạo để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn.

(v) Tăng cường các hoạt động hợp tác đa phương, song phương về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, như đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, quản trị nhà trường. Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam.

(vi) Tăng cường công tác tuyên truyền về cuộc CMCN 4.0 một cách sâu rộng hơn để mọi người dân cùng Nhà nước sát cánh đón làn sóng công nghiệp 4.0.

3.2. Về phía các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán

Các công ty cần từng bước ổn định và tăng cường về mặt nhân sự, nhất là tăng số lượng kế toán / kiểm toán viên hành nghề, tăng dần quy mô hoạt động; Từng bước hoàn thiện các quy chế quản lý, xây dựng quy chế tuyển dụng, quản lý nhân viên; Xem xét lại và hoàn chỉnh quy chế kiểm soát chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ chung cho toàn công ty và tiến tới từng loại hợp đồng dịch vụ; Thực hiện quy chế đào tạo và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho các nhân viên chưa là kiểm toán viên hành nghề; Cần phải bố trí thời gian, ngân sách cho việc cập nhật phù hợp; Tiếp tục hoàn chỉnh quy trình cung cấp và kiểm soát chất lượng dịch vụ chi tiết cho các loại dịch vụ. Cần cân nhắc tính hiệu quả và lợi ích kinh tế khi thương lượng phí dịch vụ, để đảm bảo chất lượng dịch vụ khi cung cấp.

3.3. Về phía Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

VAA cần sớm hoàn chỉnh quy trình chi tiết về thủ tục và mẫu biểu thống nhất liên quan đến hành nghề và kiểm soát chất lượng hành nghề, để các công ty thực hiện thống nhất; Hoàn chỉnh và hướng dẫn thống nhất cách chấm điểm trên bảng chấm điểm kiểm soát chất lượng. Quy định về giá trị pháp lý của dịch vụ kiểm toán, từ đó gắn trách nhiệm của kiểm toán viên hành nghề với chất lượng dịch vụ. Đây cũng là biện pháp đưa dần việc cung cấp dịch vụ tuân thủ theo pháp luật, để loại trừ dần các công ty không đăng ký hành nghề mà vẫn cung cấp dịch vụ kiểm toán.

3.4. Về phía các cơ sở đào tạo

(i) Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo để thích ứng với CMCN 4.0, xác định lĩnh vực trọng tâm cần đào tạo, các lĩnh vực đào tạo hướng về tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại và chuẩn bị nguồn lực đào tạo đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0.

(ii) Đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với xu thế của thời đại. Thiết kế chương trình đào tạo linh động hơn, cập nhật kiến thức hơn, hướng tới phát triển các kỹ năng, phát triển tư duy hệ thống và liên ngành phù hợp với CMCN 4.0. Trang bị thêm cho sinh viên những kiến thức về công nghệ thông tin, quản lý mạng,… và một số kỹ năng quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy phản biện, tư duy hệ thống,… giúp sinh viên thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ, làm việc hiệu quả trong môi trường có tính kết nối cao, thế giới giữa ảo và thật. Giảm bớt tính hàn lâm, tăng tính thực hành trong chương trình đào tạo. Đồng thời, cần có sự tham chiếu, so sánh với chương trình đào tạo kế toán của các trường đại học và các tổ chức nghề nghiệp có uy tín trên thế giới.

(iii) Thay đổi cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy. Bên cạnh hình thức giảng dạy trực tiếp cho sinh viên, cần sử dụng nhiều hơn các hình thức khác như đào tạo online, thiết kế môi trường ảo để người học và người dạy có thể tương tác với nhau, truyền đạt thông tin, tổ chức thực hành tại các phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng ảo. Sử dụng hệ thống máy tính và dữ liệu big data để thiết kế chương trình, tổ chức giảng dạy cho từng đối tượng một cách hiệu quả, đẩy mạnh việc sử dụng các hình thức tổ chức đào tạo và học tập này.

(iv) Chuẩn bị đội ngũ giảng viên có trình độ cao về chuyên môn, công nghệ thông tin, hệ thống mạng,… Giảng viên phải liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn, công nghệ,… bằng cách thường xuyên tham gia các lớp huấn luyện, hội thảo, hội nghị. Ngoài ra, mở rộng đối thoại, hợp tác với doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu, tập huấn và tư vấn, qua đó giảng viên có cơ hội tiếp cận điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế, nắm bắt được những thay đổi của thị trường để thực hiện điều chỉnh trong giảng dạy.

(v) Nâng cao và cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đào tạo. Nâng cao thu nhập cho các nhà khoa học, xây dựng hệ thống thư viện, phòng thực hành là các yếu tố cần thực hiện đồng bộ trong thời đại công nghiệp 4.0.

(vi) Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.

(vii) Tăng cường tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm để thông tin về CMCN 4.0 được lan tỏa giúp sinh viên tiếp cận, tránh lạc hậu với xu thế chung của thế giới. Đồng thời, cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp giúp sinh viên có thêm lợi thế khi gia nhập vào thị trường lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2013), Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020 - Tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.
  2. Đinh Thị Thủy (2014), Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam, Tạp chí Tài chính, 3(1), 20-25.
  3. Phan Thanh Hải (2016), Hội nhập trong lĩnh vực dịch vụ kế toán của Việt Nam - Thực trạng và thách thức khi hội nhập với kinh tế quốc tế, truy cập tại: https://kketoan.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/132/2149/bai-viet-hoi-nhap-trong-linh-vuc-ke-toan-cua-viet-nam-thuc-trang-va-thach-thuc-khi-hoi-nhap-voi-kinh-te-quoc-tets-phan-thanh-hai
  4. 4. Trần Khánh Lâm & Lê Thị Bích Hải (2015). Tác động của việc hình thành cộng đồng kinh tế Asean đến nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam. Available at: http://www.vacpa.org.vn/Page/Detail.aspx?newid=4892.
  5. VACPA (2016), Bản tin tóm tắt Những ảnh hưởng của TPP và AEC đến thị trường tài chính Việt Nam.

Some solutions to improve the quality of accounting and auditing services in Vietnam

Master. Pham Thi My

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The sector of accounting and auditing services in Vietnam has achieved remarkable results and has met practical requirements of the economy and society. Accounting and auditing services are regulated fully and are in line with Vietnam’s current conditions, international practices, principles and standards. Accounting and audit firms in Vietnam have enjoyed favorable conditions to grow. This paper points out the limitation and proposes some solutions to improve the quality of accounting and auditing services in Vietnam.

Keywords: businesses, accounting and auditing services, human resources, policy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]