Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế biển ở Việt Nam hiện nay

ThS. LÊ THỊ HIẾU THẢO (Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo Đại cương và Phát triển kỹ năng mềm, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu)

TÓM TẮT:

Việt Nam có thế mạnh và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển gắn với phát triển kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang là một trong những vấn đề chiến lược được ưu tiên hàng đầu ở nước ta. Để thực hiện được nhiệm vụ này, nguồn nhân lực đóng một vai trò hết sức quan trọng, có tính quyết định. Bằng phương pháp phân tích thống kê, bài viết tập trung phân tích vai trò, tác động của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam. Kết quả cho thấy, việc nhìn nhận vai trò và phát huy nhân tố này thời gian qua ở nước ta còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng, đặc biệt là khi dân số đang ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Từ đó, bài viết kiến nghị một số giải pháp cơ bản nhằm khắc phục tình trạng này trong thời gian sắp tới.

Từ khóa: Kinh tế biển, nguồn nhân lực, Việt Nam.

1. Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế biển

1.1. Một số khái niệm về nguồn nhân lực

Khái niệm nguồn nhân lực được sử dụng rộng rãi ở các nước có nền kinh tế phát triển từ những năm giữa thế kỷ thứ XX, với ý nghĩa là nguồn lực con người, thể hiện một sự nhìn nhận lại vai trò yếu tố con người trong quá trình phát triển. Nội hàm nguồn nhân lực không chỉ bao hàm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, cũng không chỉ bao hàm về mặt chất lượng mà còn chứa đựng các hàm ý rộng hơn.

Nguồn nhân lực được hiểu là toàn bộ chuyên môn mà con người tích lũy được, có khả năng đem lại thu nhập trong tương lai (Beng, Fischer & Dornhusch, 1995). Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Nguồn lực con người là vốn quý báu nhất, có vai trò quyết định, đặc biệt đối với nước ta trong khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp” đó là “ lao động có trí tuệ cao, tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng và phát huy bởi nền giáo dục tiên tiến gắn liền với một nền khoa học hiện đại”.

Theo định nghĩa của Liên hiệp quốc đưa ra trong báo cáo đánh giá về những tác động toàn cầu hóa đối với nguồn nhân lực, “nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, kiến thức và năng lực thực tế cùng với những năng lực tồn tại dưới dạng tiềm năng của con người”. Với cách tiếp cận này cho thấy sự đề cao yếu tố “chất lượng” trong đánh giá “nguồn nhân lực”.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phát triển nguồn nhân lực là sự chiếm lĩnh trình độ lành nghề và phát triển năng lực, sử dụng năng lực đó của con người để tiến tới có việc làm hiệu quả cũng như thỏa mãn nghề nghiệp và chính sách cá nhân hay phát triển nguồn nhân lực là quá trình làm biến đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế.

Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định, đặc biệt đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp”, đó là “người lao động có trí tuệ cao, tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng và phát huy bởi nền giáo dục tiên tiến, gắn liền với một nền khoa học hiện đại”.

Nguồn nhân lực được xem xét ở hai khía cạnh. Trước hết, với ý nghĩa là nguồn gốc, là nơi phát sinh ra nguồn lực nằm ngay trong bản thân con người, đó cũng là sự khác nhau cơ bản giữa nguồn lực con người và các nguồn lực khác. Thứ hai, nguồn nhân lực được hiểu là tổng thể nguồn lực của từng cá nhân con người. Với tư cách là một nguồn lực của quá trình phát triển, nguồn nhân lực là nguồn lực con người có khả năng sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội được biểu hiện ra là số lượng và chất lượng tại một thời điểm nhất định. Chất lượng nguồn nhân lực được thể hiện qua năng suất lao động (GDP/lao động). Tiêu chí nhân lực chất lượng cao được thể hiện qua: 1. Đạo đức nghề nghiệp, 2. Trình độ chuyên môn, 3. Sức khỏe thể chất, 4. Kỹ năng nghề nghiệp - kỹ năng sống hay 1. Có nhân cách, 2. Trí tuệ phát triển mức độ cao, 3. Các phẩm chất nổi bật, 4. Giàu tính sáng tạo, tư duy độc đáo, 5. Giải quyết công việc nhanh, hiệu quả, 6. Năng lực và kỹ năng chuyên biệt.

1.2. Vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế biển

Ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử thì nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng, quyết định nhất đến sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, là sức mạnh, tài sản của mỗi quốc gia. Theo C. Mác, nguồn nhân lực là nền tảng tạo ra của cải, các yếu tố khác như tài nguyên thiên nhiên, vốn là những nhân tố thụ động trong sản xuất. Con người có vai trò quan trọng quyết định đến sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội.

Theo một số mô hình tăng trưởng thể hiện vai trò của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế tiêu biểu như: hàm Cobb Douglas Y = AKaL trong đó K là vốn, L là lao động, A là yếu tố thể hiện năng suất, hiệu quả của việc sử dụng K và L (TFP) cũng đã chứng minh được sự tăng trưởng kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố, trong đó yếu tố lao động, hay TFP (cũng do con người quyết định đến trình độ lao động, trình độ công nghệ) có ý nghĩa then chốt đến tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững bao hàm phát triển kinh tế biển.

2. Thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam

Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 đặt mục tiêu: Kinh tế biển sẽ đóng góp hơn 53%-55% GDP của cả nước. Để đạt được điều này cần nhiều nhân tố, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, khai khoáng, logistics, du lịch biển đảo,… là nhân tố quyết định.

Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua có chuyển biến tích cực tuy nhiên sự chuyển biến đó chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước nói chung và kinh tế biển nói riêng. Năng suất lao động Việt Nam còn thấp so với lao động của các nước trong khu vực và thế giới.

Theo số liệu của các tổ chức quốc tế (ADB-ILO, ASEAN Community 2015: Managing integration for better jobs and shared prosperity, Bangkok, Thailand, 2014.), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 qui đổi theo giá cố định 2005 PPP đạt 5440 USD/lao động, bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 so sánh với Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015, đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3853 USD/lao động).

Đến năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phillippines và 48,8% của Indonesia. Nói cách khác, năm 2015, một người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam, một người Malaysia bằng gần 6 người Việt Nam, một người Thái Lan bằng gần ba người Việt Nam và một người Philippines hay Indonesia cũng vẫn bằng hơn hai người Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Cambodia và đang xấp xỉ với Lào. Điều này cũng là tình hình chung đối với nguồn nhân lực kinh tế biển.

Tay nghề và kỹ năng còn yếu của lực lượng lao động ảnh hưởng đến hiệu quả các hoạt động khai thác, chế biến, quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên biển. Có thể minh chứng như nghề khai thác hải sản lâu nay chưa được đào tạo bài bản mà chủ yếu theo kiểu “cha truyền, con nối” với phương tiện lao động đa số còn thô sơ, chưa được trang bị đầy đủ về phương tiện, kỹ thuật, pháp luật,… để đạt hiệu quả, an toàn trong khai thác hải sản đi đôi với bảo tồn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Không những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, số lượng lao động phục vụ cho kinh tế biển cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam thì đến đầu năm 2014, đội tàu biển của Việt Nam hiện có 1.793 chiếc với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và đội ngũ thuyền viên 44.651 người. Với đội ngũ này chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên biển. Lực lượng quản lý, khai thác cảng biển, đóng tàu biển và các ngành dịch vụ khác của kinh tế hàng hải cũng còn rất thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, ngoại ngữ, trình độ và kinh nghiệm chưa ngang tầm quốc tế nên các cảng biển hoạt động với năng suất thấp, chưa đủ sức cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực và trên thế giới.

Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển còn nhiều khó khăn, bất cập. Tài liệu thống kê thí sinh thi đại học những năm qua cho thấy, nếu Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng là ba ngành có thí sinh lựa chọn nhiều nhất trong tổng số 240 ngành học với tỷ lệ lần lượt là 9,81%, 8,17%, 7,62%, thì tỷ lệ thí sinh chọn các ngành kinh tế biển chưa đến 1%, với điểm trung bình dự thi không cao. Hiện nay, cả nước có khoảng 8 trường đại học chuyên ngành và không chuyên do 7 bộ quản lý Nhà nước, cùng nhiều trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề (chưa kể số cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật của các nhà máy, xí nghiệp) cung cấp nhân lực cho các ngành kinh tế biển. Tuy vậy, số lượng và đào tạo hàng năm của các cơ sở vẫn chưa đảm bảo về số lượng, lẫn chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nhà nước dự kiến trong vòng 15 đến 20 năm tới sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD cho khoa học công nghệ biển, trong đó 40% dành cho nghiên cứu khoa học và trang bị kỹ thuật, 15% cho đào tạo nguồn nhân lực. Với quyết tâm trên cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ tư duy đối với sự phát triển kinh tế biển và phát triển biển của Đảng và Nhà nước ta.

3. Chiến lược phát triển kinh tế biển và nguồn nhân lực Việt Nam

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã đề ra các mục tiêu như sau:

Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP và 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp và thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.

Để đạt được mục tiêu đó, Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo của Đảng về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 như sau:

Một là, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X Đảng Cộng sản Việt Nam (2008) tại Hà Nội đã ra Nghị quyết “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là một Nghị quyết chuyên đề của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức - lực lượng quan trọng trong nguồn nhân lực. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Với quan điểm chỉ đạo như sau:

Một là, trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.

Hai là, xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước.

4. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế biển ở Viêt Nam hiện nay

4.1. Một số vấn đề đặt ra

Từ thực trạng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế biển hiện nay đã chỉ ra một số mâu thuẫn cơ bản:

Một là, mâu thuẫn về yêu cầu về số lượng và chất lượng ngày càng cao của nguồn nhân lực và thực tế đào tạo tại các cơ sở giáo dục - đào tạo trong nước.

Hai là, mâu thuẫn giữa yêu cầu cấp bách của phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại với các phương pháp hoạt động kinh tế truyền thống, lạc hậu của các lĩnh vực phát triển kinh tế biển.

Ba là, mâu thuẫn giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu chính trị trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bốn là, mâu thuẫn giữa yêu cầu cao về phát triển kinh tế biển và hạn chế của cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực ở các địa phương giáp biển và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển ở Việt Nam hiện nay.

4.2. Một số giải pháp về nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển Việt Nam

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, để Việt Nam thực sự giàu lên từ biển, Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách nhằm đồng bộ thực hiện các giải pháp cấp bách từ đó tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển bền vững. Cụ thể:

Một là, nâng cao nhận thức của người lao động và người dân về vai trò, vị trí của biển và kinh tế đối với phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng;

Hai là, đẩy mạnh công tác quy hoạch khoa học nguồn nhân lực kinh tế biển (thống kê, dự báo) đối với từng lĩnh vực hoạt động (trực tiếp hoặc gián tiếp), từ đó có kế hoạch đào tạo đảm bảo đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng lao động hoạt động trong các lĩnh vực thuộc kinh tế biển;

Ba là, tăng cường đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp lẫn gián tiếp cho các ngành, lĩnh vực thuộc kinh tế biển;

Bốn là, mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực kinh tế biển, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực ngang tầm quốc tế trong những lĩnh vực mũi nhọn như du lịch biển, khai thác hải sản, vận tải biển, đóng tàu,…;

Năm là, tăng cường các chương trình huấn luyện bổ sung các kỹ năng cơ bản (phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, sơ cứu trên biển,…), hỗ trợ phương tiện kỹ thuật, thông tin, y tế,… cho các lao động đang làm việc trong những ngành đặc thù thuộc kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo;

Sáu là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và nâng cao thể chất cho đội ngũ lao động tiềm năng hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kinh tế biển ở Việt Nam hiện nay;

Bảy là, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về luật biển, bảo vệ môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu,… cho người lao động và người dân trên cả nước nói chung và đối với các địa phương có biển nói riêng từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc;

Tám là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho ngành Hàng hải, trong đó cần ưu tiên đề ra các chính sách đào tạo, đào tạo lại, luân chuyển cán bộ; có chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ sỹ quan, thuyền viên, và bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của thuyền viên, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia Công ước Lao động hàng hải MLC 2006, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2014.

5. Kết luận

Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương và phát triển kinh tế biển là vấn đề mang tính chiến lược hiện nay. Trong đó, nguồn nhân lực có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế biển còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay, song với những thay đổi về nhận thức, tư duy đúng đắn về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam thì trong thời gian không xa kinh tế biển sẽ gặt hái được những thành tựu xứng tầm như tiềm năng vốn có của nó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Minh Hạc (2011), Nghiên cứu con người và nguồn lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Bùi Ngọc Lan (2002), Sách Nguồn lực trí tuệ trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3.Nguyễn Duy Hùng, Vũ Văn Phúc (2012), Sách Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Phạm Thành Nghị (Chủ biên - 2007), Sách Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Phạm Tất Dong (Chủ biên - 2005), Sách Trí thức Việt Nam thực tiễn và triển vọng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Lê Thị Hồng Điệp (2010), Luận án Tiến sĩ Kinh tế chính trị Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để hình thành nền kinh tế tri thức ở Việt Nam.

7. Ấn phẩm thông tin chuyên đề tháng 9/2007 về “Phát triển kinh tế biển Việt Nam” của CIEM - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương.

8. Tài liệu hội thảo “Chính sách phát triển kỹ năng và nguồn nhân lực tại Việt Nam”. Do Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế và Chương trình hợp tác ILO-Korea tổ chức.

9. Chu Văn Cấp (2012), Bài báo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển bền vững Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 9 (839).

10. Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23/09/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

SOLUTIONS TO TAKE ADVANTAGE OF VIETNAM’S

HUMAN RESOURCES IN DEVELOPING THE COUNTRY’S

MARINE ECONOMICS IN THE CURRENT PERIOD

Master. LE THI HIEU THAO

Deputy Director, Center of Developing Soft Skills and General Training

Ba Ria Vung Tau University

ABSTRACT:

Vietnam enjoys numerous advantages and favorable conditions for developing its marine economics. One of the most important development strategies of Vietnam is to associate the marine economics development with the overall economics development of the country in the context of the industrialization and modernization processes. Human resources play an essential role to fulfill this aforementioned task. By implementing the statistical analysis, this study focuses on analyzing the role and the impacts of human resources on the developing of the country’s marine economics. The results of this study show that the country fails to fully acknowledge and take advantage of national human resources to promote the country’s marine economics. The study also proposes some pragmatic solutions to tackle this alarmining issue.

Keywords: Marine economics, human resources, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây