Tóm tắt:
Tại Việt Nam, Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND thực hiện 2 chức năng cơ bản đó là: quyết định những vấn đề của địa phương và giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương. Trong 2 chức năng, chức năng giám sát của HĐND có một vị trí, vai trò quan trọng trong việc đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện đúng nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Giới hạn ở bài viết này, tác giả tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận và pháp lý, cụ thể đề cập đến khái niệm, vai trò cũng như thẩm quyền, đối tượng, nội dung và hình thức giám sát của HĐND. Đây là cơ sở quan trọng cho hoạt động áp dụng pháp luật của HĐND các cấp, là tiền đề cho hoạt động nghiên cứu về thực trạng áp dụng pháp luật, hoặc đề xuất những giải pháp nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND ở nước ta trong thời gian tới.
Từ khóa: giám sát, Hội đồng nhân dân, giám sát của Hội đồng nhân dân.
1. Khái niệm, vai trò giám sát của HĐND
1.1. Khái niệm giám sát của HĐND
1.1.1. Giám sát
Hiện vẫn còn các quan niệm khác nhau về thuật ngữ “giám sát”.
Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Giám sát là theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ”[1].
Từ điển Luật học định nghĩa: “Giám sát là sự theo dõi, quan sát mang tính chủ động thường xuyên của cơ quan, tổ chức hoặc nhân dân đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát và sự tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng các hoạt động đó đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh”.[2]
Trong các quy định của pháp luật hiện hành, thuật ngữ giám sát đã được đề cập như sau:
Khoản 1 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của QH (QH) và HĐND (HĐND) 2015: “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 49/2014/NĐ - CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ về giám sát, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và các quyết định của chủ sở hữu giải thích: “Giám sát doanh nghiệp nhà nước là hoạt động theo dõi, tổng hợp và phân tích, đánh giá thường xuyên hoặc định kỳ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định về việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước”.
Những cách diễn đạt trên về thuật ngữ “giám sát” có sự khác nhau, nhưng nhìn chung đều thể hiện được 2 nội dung cơ bản, đó là theo dõi và đánh giá.
1.1.2. Giám sát của HĐND
Khoản 6 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015: “Giám sát của HĐND bao gồm giám sát của HĐND tại kỳ họp, giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND.”
Như vậy, hoạt động giám sát của HĐND là tất cả các hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND, nhằm theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
1.2. Vai trò giám sát của HĐND
Giám sát của HĐND bao gồm các vai trò sau:
- Thứ nhất, giám sát của HĐND góp phần bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
- Thứ hai, giám sát của HĐND góp phần bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
- Thứ ba, giám sát của HĐND góp phần bảo đảm hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
2. Pháp luật về giám sát của HĐND
2.1. Thẩm quyền giám sát
Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015 quy định, thẩm quyền giám sát của HĐND như sau:
2.1.1. Thẩm quyền của HĐND
HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND), Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và Ban của HĐND cấp mình; giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp.
2.1.2. Thẩm quyền của Thường trực HĐND
Thường trực HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và HĐND cấp dưới; giám sát quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; giúp HĐND thực hiện quyền giám sát theo sự phân công của HĐND.
2.1.3. Thẩm quyền của Ban của HĐND
Ban của HĐND giám sát hoạt động của TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND cùng cấp thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; giám sát VBQPPL (VBQPPL) thuộc lĩnh vực Ban phụ trách.
2.1.4. Thẩm quyền của Tổ đại biểu HĐND
Tổ đại biểu HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương và nghị quyết của HĐND cùng cấp hoặc về vấn đề do HĐND, Thường trực HĐND phân công.
2.1.5. Thẩm quyền của Đại biểu HĐND
Đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ở địa phương.
Ngoài ra, khi xét thấy cần thiết, HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương.
2.2. Đối tượng giám sát
Đối tượng giám sát của HĐND được chia thành 2 nhóm:
- Nhóm thứ nhất, đối tượng giám sát trực tiếp tại kỳ họp: Thường trực HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, HĐND cấp dưới trực tiếp.
- Nhóm thứ hai, đối tượng giám sát gián tiếp: Tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi cá nhân ở địa phương.
2.3. Nội dung giám sát
- Giám sát hoạt động công tác của Thường trực HĐND; UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, TAND, VKSND cùng cấp, HĐND cấp dưới trực tiếp.
- Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi cá nhân ở địa phương.
2.4. Hình thức giám sát
Điều 87 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, Điều 57 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015 quy định HĐND có những hình thức giám sát sau đây:
2.4.1. Xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp
- Các báo cáo được xem xét[3]:
+ Báo cáo công tác 6 tháng, hằng năm của Thường trực HĐND, Ban của HĐND, UBND, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
+ Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Thường trực HĐND, Ban của HĐND, UBND, TAND, VKSND cùng cấp.
+ Báo cáo của UBND về kinh tế - xã hội; báo cáo của UBND về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước của địa phương; báo cáo của UBND về công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo của UBND về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo của UBND về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo của Ủy ban nhân dân về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.
+ Báo cáo về việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
+ Báo cáo khác theo đề nghị của Thường trực HĐND.
- Thời điểm xem xét[4]:
+ Tại kỳ họp giữa năm và cuối năm, HĐND xem xét, thảo luận các báo cáo báo cáo công tác 6 tháng, hằng năm của Thường trực HĐND, Ban của HĐND, UBND, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và báo cáo của UBND về kinh tế - xã hội; báo cáo của UBND về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước của địa phương; báo cáo của UBND về công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo của UBND về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo của UBND về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo của UBND về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.
+ Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, HĐND xem xét, thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Thường trực HĐND, Ban của HĐND, UBND, TAND, VKSND cùng cấp.
+ Thời điểm xem xét các báo cáo về việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật và báo cáo khác theo đề nghị của Thường trực HĐND.
- Trình tự xem xét[5]:
+ Người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày báo cáo.
+ Trưởng Ban của HĐND trình bày báo cáo thẩm tra.
+ Người đứng đầu cơ quan có báo cáo có thể trình bày bổ sung những vấn đề có liên quan mà HĐND quan tâm.
+ HĐND thảo luận.
+ HĐND có thể ra nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo.
2.4.2. Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND
- Chất vấn là việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu[6].
- Đối tượng chất vấn[7]:
Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND.
- Trình tự, thủ tục chất vấn[8]:
+ Đại biểu HĐND nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể.
+ Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có).
+ Trường hợp đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời.
+ Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND.
2.4.3. Xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp
- Những văn bản bị xem xét[9]:
+ Quyết định của UBND cùng cấp.
+ Nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật.
+ VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.
+ Nghị quyết của HĐND theo đề nghị của Thường trực HĐND.
- Trình tự, thủ tục xem xét[10]:
+ Đại diện Thường trực HĐND trình bày tờ trình.
+ HĐND thảo luận.
+ Người đứng đầu cơ quan đã ban hành VBQPPL trình bày bổ sung những vấn đề có liên quan
+ HĐND ra nghị quyết về việc xem xét văn bản.
- Trường hợp VBQPPL trái với Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của cùng HĐND cùng cấp thì quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.
2.4.4. Giám sát chuyên đề
- Giám sát chuyên đề là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật[11].
- Thành phần Đoàn giám sát[12]:
Đoàn giám sát do Chủ tịch HĐND hoặc Phó Chủ tịch HĐND làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên của Thường trực HĐND, đại diện Ban của HĐND và một số đại biểu HĐND. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia Đoàn giám sát.
- Trình tự xem xét báo cáo của Đoàn giám sát[13]:
+ Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát.
+ Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo, giải trình.
+ HĐND thảo luận.
Trong quá trình thảo luận, đại diện Đoàn giám sát có thể trình bày bổ sung về những vấn đề liên quan.
+ HĐND ra nghị quyết về vấn đề được giám sát. Nội dung nghị quyết giám sát chuyên đề theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
2.4.5. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu
- Khái niệm[14]:
+ Lấy phiếu tín nhiệm là việc HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.
+ Bỏ phiếu tín nhiệm là việc HĐND thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được HĐND tín nhiệm.
- Mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm[15]:
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND.
+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
+ Giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
+ Là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.
- Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm[16]:
+ Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
+ Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
+ Bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
- Thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm[17]:
HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
- Quy trình lấy phiếu tín nhiệm[18]:
+ Người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 85/2014/QH13 có báo cáo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này gửi đến Thường trực HĐND chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND.
+ Thường trực HĐND gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp (nếu có) đến đại biểu HĐND chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND.
+ Trường hợp đại biểu HĐND thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu HĐND có quyền đề nghị Thường trực HĐND yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.
+ Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, đại biểu HĐND có thể gửi văn bản đến Thường trực HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi đến Thường trực HĐND và đại biểu HĐND có yêu cầu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.
+ Tại kỳ họp, Thường trực HĐND trình HĐND quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, HĐND thảo luận tại Tổ đại biểu HĐND về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Thường trực HĐND báo cáo trước HĐND.
+ HĐND thành lập Ban kiểm phiếu.
+ HĐND lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
+ Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.
+ HĐND xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Thường trực HĐND.
- Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm[19]:
+ Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu tại kỳ họp HĐND.
+ Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước HĐND.
+ HĐND thảo luận.
+ HĐND thành lập Ban kiểm phiếu.
+ HĐND bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.
+ Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
+ HĐND xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo đề nghị của Thường trực HĐND.
Tóm lại, giám sát của HĐND có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hoạt động giám sát của HĐND là tất cả các hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND. Khi thực hiện chức năng giám sát của HĐND, bên cạnh những am hiểu về quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể áp dụng pháp luật cũng cần nắm vững những kiến thức lý luận về vấn đề này. Bởi lẽ, mọi lý luận chân chính đều bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn[20].
Tài liệu trích dẫn:
1 Nguyễn Như Ý (2002), Đại từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.728.
2 https://hanam.gov.vn/thanhtra/Pages/Mot-so-van-%C4%91e-ve-giam-sat-hanh-chinh1390132597.aspx.
3 Khoản 1 Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
4 Khoản 2 Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
5 Khoản 4 Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
6 Khoản 7 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
7 Khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013.
8 Khoản 3 Điều 60 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
9 Khoản 1 Điều 61 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
10 Khoản 2 Điều 61 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
11 Khoản 4 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
12 Khoản 1 Điều 62 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
13 Khoản 3 Điều 62 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015.
14 Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết số 85/2014/QH13).
15 Điều 3 Nghị quyết số 85/2014/QH13.
16 Điều 4 Nghị quyết số 85/2014/QH13.
17 Điều 7 Nghị quyết số 85/2014/QH13.
18 Điều 9 Nghị quyết số 85/2014/QH13.
19 Điều 14 Nghị quyết số 85/2014/QH13.
20 Phương Vinh. (2019). Lý luận và xây dựng nền tảng lý luận. Truy cập tại: http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/ly-luan-va-xay-dung-nen-tang-ly-luan-122009
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2015). Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015.
- Quốc hội (2015). Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015.
- Quốc hội (2019). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
- Quốc hội (2014). Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
- Chính phủ (2014). Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 về giám sát, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và các quyết định của chủ sở hữu.
- Phương Vinh. (2019). Lý luận và xây dựng nền tảng lý luận. Truy cập tại: http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/ly-luan-va-xay-dung-nen-tang-ly-luan-122009
- Nguyễn Như Ý (2002). Đại từ điển Tiếng Việt. Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.728.
SOME THEORETICAL AND LEGAL ISSUES RELATING TO THE SUPERVISORY FUNCTION OF PEOPLE’S COUNCILS
Ph.D Tran Thi Ngoc Hieu
Tra Vinh University
Abstract:
In Vietnam, people's councils are state leading agencies in localities and the people use the state power and express the will through people's councils. People’s councils perform two fundamental functions including solving local issues and monitoring the observance of the Constitution and laws in the locality. In which, the supervisory function of people’s councils plays a special role in ensuring that these agencies are fully represented the will and aspiration of the people. This paper clarifies some specific theoretical and legal issues about the concept, role, power, subject, content and form of the supervision from people’s councils. This paper is expected to provide useful findings about the law enforcement of people’s councils at all levels.
Keywords: supervision, the People's Council, supervision of the People's Council.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]